Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Lịch sử Học viện Phanxicô

Học Viện Phanxicô hình thành và phát triển là dấu chỉ thể hiện lời đáp trả cẩn trọng và trung tín của Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam trước thánh ý Thiên Chúa theo dòng thời gian từ năm 1950 cho đến nay. 

Khởi đi từ những thao thức thuở ban đầu, vào năm 1958, Chi Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam đã thiết lập Chủng Viện Phanxicô nhằm đào tạo ơn gọi. Trên mảnh đất 38.000 m2 tại Xã Tăng Nhơn Phú, Huyện Thủ Đức, Gia Định, Nhà Dòng đã mở ngôi trường trung học với 200 học sinh từ lớp 6-12 theo chương trình tú tài Pháp-Việt. Sau khi đất nước thống nhất vào năm 1975, Chủng Viện đóng cửa; địa phương mượn 1/2 diện tích nhà đất để sử dụng làm nơi nuôi trồng nấm. 

Năm 1993, Học Viện âm thầm đón nhận chín anh em tiên khấn về học chương trình Triết Học. Cơ sở vật chất cũng đã từng bước được trả lại cho Tu Viện. Từ đó, Học Viện bắt đầu xây dựng chương trình hai năm Triết Học cho mọi anh em khấn tạm để chuẩn bị cho họ tham dự các lớp Thần Học ở những trường khác. 

Năm 1995, toàn bộ cơ sở vật chất: đất và nhà ở được trả lại cho Tu Viện. 

Từ năm 2002, tu sĩ Thiên Phước và Thiên Bình xin gia nhập chương trình Triết Học. Từ đó, Tỉnh Dòng Thánh Phanxicô Việt Nam đã có chủ trương “mở rộng lều” việc huấn luyện tri thức dành cho các Hội Dòng bạn. Dù điều kiện kinh tế eo hẹp, Tỉnh Dòng cũng đã cho sửa sang lại toàn bộ cơ sở được gọi là Chủng Viện trước đây để có thể tiếp nhận thêm sinh viên. 

Năm 2003, một lần nữa Tỉnh Dòng cho sửa sang lại cơ sở: phòng học, thư viện nhất là nhà nguyện để có điều kiện cho các sinh viên tu học. 

Năm 2005, Tỉnh Dòng cho xây khu vực Thần Học và Nhà Tĩnh Tâm với ý định mở rộng Phân Khoa Thần Học. 

Năm 2007, Tỉnh Dòng quyết định thiết lập thêm chương trình Thần Học bốn năm nối tiếp vào Khoa Triết Học đã phát triển rất căn bản trong 15 năm qua. Quyết định này dựa trên con số tu sĩ trẻ trong Tỉnh Dòng tăng lên nhanh chóng khiến việc đi học tại các trung tâm bên ngoài không còn khả thi nữa. Như thế, Học Viện đã có đủ chương trình Triết-Thần ngay cả cho những ứng sinh linh mục. Đây cũng là cơ hội để Học Viện đón nhận ứng sinh bên ngoài Tỉnh Dòng cách chuyên nghiệp và hệ thống qua việc thi tuyển. 

Năm 2011, Tu nghị Tỉnh Dòng cho phép áp dụng chương trình 3/3 gồm hai giai đoạn. Hội Đồng Tỉnh Dòng cũng chính thức bổ nhiệm các chức vụ trong Ban Giám Đốc Học Viện nhiệm kỳ 2011-2014. 

Năm 2013, Học Viện tổ chức thi chuyển giai đoạn đầu tiên. Kỳ thi này đánh dấu chương trình học tập được chia làm hai giai đoạn: căn bản và chuyên biệt. Sau giai đoạn căn bản, sinh viên phải thi chuyển giai đoạn. Đây là tiêu chuẩn để ban giáo sư lượng giá họ có đủ khả năng để bước vào giai đoạn Thứ Hai gồm những môn học được thiết kế để hoàn tất chương trình đào tạo linh mục. 

Năm 2014, Tu nghị Tỉnh Dòng đã chuẩn nhận chương trình 3/4: ba năm căn bản và bốn năm chuyên biệt (ba năm Triết Học và bốn năm Thần Học cho mọi ứng sinh tu sĩ). Chương trình này được áp dụng từ năm 1, Niên học 2014-2015. Tuy nhiên vẫn theo cách thức xen kẽ giữa các môn Triết và Thần. 

Niên học 2015-2016, Học Viện có 76 sinh viên Phanxicô và 111 sinh viên đến từ 18 Hội Dòng cũng như giáo phận dưới sự hướng dẫn của 40 giáo sư (trong đó có 20 giáo sư không phải là tu sĩ Phanxicô). 

Vào tháng 3 năm 2016, với sự đề nghị của Ban Giám Đốc, Ban Giáo Sư, cũng như sự góp ý của một số Hội Dòng, Hội Đồng Tỉnh Dòng đã chấp thuận tách biệt chương trình Triết và Thần, và đã được Tu Nghị Tỉnh Dòng 2017 thông qua. Theo chương trình này, ba năm đầu sẽ dành trọn để học Triết Học, và sinh viên sẽ hoàn thành chương trình bằng bài viết Tiểu Luận cùng với thi Tốt Nghiệp Triết Học vào cuối năm Thứ Ba. Bốn năm sau sẽ dành trọn cho chương trình Thần Học và sinh viên sẽ hoàn thành chương trình bằng bài Tiểu Luận cùng với thi Tốt Nghiệp Thần Học vào cuối năm Thứ Tư. 

Niên học 2019-2020 đã đến. Học Viện có 202 sinh viên theo học, trong đó có 85 sinh viên Phanxicô và 117 sinh viên đến từ 14 Hội Dòng dưới sự hướng dẫn của 48 Giáo sư,  trong đó có 21 Giáo Sư là tu sĩ Phanxicô, và 27 Giáo sư đến từ các Đại Chủng Viện, Học Viện và Đại Học. 

Thời gian là khung cảnh Thiên Chúa tỏ bày thánh ý qua nhu cầu đặc thù của Giáo Hội địa phương. Học Viện Phanxicô với đặc sủng và căn tính riêng đang trở thành khí cụ góp phần hoàn tất chương trình yêu thương của Thiên Chúa là Chủ Tể thời gian và lịch sử. 

CĂN TÍNH

Học Viện Phanxicô được xây dựng trên truyền thống học thuật bắt nguồn từ linh đạo và đoàn sủng Dòng Anh Em Hèn Mọn do Thánh Phanxicô Assisi khởi xướng. Ngài đã ủy thác Thánh Antôn Padova khai mở Khoa Thần Học Thánh cho anh em trong Dòng với lời dặn: “Anh đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện và sốt mến trong việc học hành”.

Kể từ đó, trường phái Thần Học mang dấu ấn Phan Sinh ra đời trong Giáo Hội cùng với các đại diện tên tuổi như: Alexander Hales, Jean de la Rochelle, thánh Bonaventura Bagnoregio, chân phước Duns Scotus, John Peckham và Anh Em Phan Sinh Oxford: Robert Grosseteste, Roger Bacon, William Ockham. 

Tiếp nối truyền thống đó, việc đào tạo tri thức của Học Viện Phanxicô nhằm giúp tu sĩ sinh viên trả lời các đòi hỏi nội tại của con người nói chung và của bản thân nói riêng. Đây là những đòi hỏi phát xuất từ chính ơn gọi làm người của mỗi cá nhân. Đó cũng là niềm đam mê Sự Thật và yêu mến Sự Thiện. Lời giải đáp cho những đòi hỏi này cũng như nguồn khơi gợi lên trong lòng người các đòi hỏi trên: chính là Đức Giêsu Kitô – Ngôi Lời Nhập Thể (x. Ratio Studiorum, 9). 

TẦM NHÌN

Trung thành với truyền thống học thuật Phan Sinh, Học viện Phanxicô đặt mình như một Trung tâm Học vấn Công giáo tại Việt Nam, với tầm nhìn hướng tới toàn thể công trình sáng tạo trong vòng tay hỗ tương, bình đẳng và tôn trọng. Điều đó khuyến khích Học viện nhấn mạnh đến sự mạc khải độc nhất vô nhị của Thiên Chúa trong mọi thụ tạo, trong mỗi người, trong mọi nền văn hóa, và thúc đẩy có sự quan tâm đặc biệt đối với xã hội và Giáo hội tại Việt Nam.

Học viện Phanxicô cam kết đào tạo chuyên môn và đạo đức để đáp lại các thao thức từ khối óc và cả con tim của sinh viên bằng cách liên kết các chiều kích học thuật và mục vụ trong nghiên cứu Thần học lại với nhau, với quan điểm và phương pháp nhấn mạnh đến tính liên vị và liên đới để chuẩn bị cho đời sống tu trì và mục vụ.

SỨ VỤ

Dựa trên truyền thống học thuật Phanxicô, cũng như dựa vào nền tảng về đời sống và sứ vụ của Đức Giêsu Kitô, việc đào tạo tri thức của Học viện được khai triển theo 4 mục tiêu:

· Trí tuệ: đào sâu sự hiểu biết về Chân lý Mạc khải (Dei Verbum) và các giá trị Chân-Thiện-Mỹ;

· Nhân bản: có khả năng phán đoán và biện chứng giữa đức tin và lý trí, lý thuyết và thực hành, hoạt động và chiêm niệm, cá nhân và cộng đoàn;

· Thiêng liêng: sống Lời Chúa theo linh đạo của Hội dòng.

· Phúc Âm hóa: Phúc Âm hóa và Truyền giáo, bắt đầu bằng việc Phúc Âm Hóa bản thân và hướng tới việc Phúc Âm Hóa người khác bằng lời nói và hành động.

img-9548-1-1724465840.JPG

Ý NGHĨA LOGO HỌC VIỆN PHANXICÔ

du-an-moi-1730190880.png

 

1. Màu sắc

Logo gồm các màu chủ đạo: nâu đậm, nâu nhạt, xanh, đỏ, vàng và trắng. Trong đó, màu nâu-đậm biểu thị cho sắc màu Phan-sinh gồm thánh giá “Tau”, bìa cuốn sách mở ra; màu nâu-nhạt đại diện cho Khoa Thần học và màu xanh cho Khoa Triết học; màu đỏ và vàng biểu thị cho ngọn lửa Thánh Linh; màu trắng biểu thị cho sự tinh tuyền và thánh thiêng.

2. Các biểu tượng

Các biểu tượng được sắp xếp liên kết với nhau tạo thành hình tam giác đều, để qua đó, diễn tả Chúa Ba Ngôi, là mầu nhiệm trung tâm của đức tin Kitô giáo, đồng thời cũng phản ảnh nền tảng Linh đạo Phan sinh nhấn mạnh đến chiều kích Ba Ngôi và Đức Ki-tô trung tâm thông qua biểu tượng Thánh giá chữ “Tau” ở tâm điểm.

“Taw/Tau” là dấu hiệu được nói đến trong truyền thống Kinh Thánh. Chúng ta có thể đọc thấy trong Ê-dê-ki-en (9,1-7) kể về lệnh trừng phạt mà Chúa giáng xuống Giê-ru-sa-lem. Tất cả từ người già đến trẻ em đều bị giết, chỉ trừ những ai được “ghi dấu chữ thập trên trán” (tức là ghi chữ taw, trong mẫu chữ cái Híp-ri, lên trán những người trung tín) thì được tha[1]. Đó cũng được hiểu là dấu Chúa dùng để bảo vệ hoặc cứu thoát người nào đó, chẳng hạn như trong trường hợp của Ca-in (x. St 4,15) hoặc giống như dấu máu được bôi lên khung cửa nhà của con cái Ít-ra-en bên Ai cập (x. Xh 12,7). Rồi cách diễn tả về ý nghĩa của “con dấu” ấy cũng được chuyển vào trong Tân Ước. Thánh Gio-an Tông đồ kể về thị kiến Thiên Thần “mang ấn của Thiên Chúa hằng sống” (Kh 7,2) và những ai được đóng ấn ấy trên trán thì thuộc về Thiên Chúa và được vào hưởng hạnh phúc muôn đời (x. Kh 7,1-17) hoặc được gìn giữ khỏi tai ương (x. Kh 9,4-5). Chữ Taw trong tiếng Hip-ri hoặc chữ Tau trong tiếng Hy-lạp tương ứng với chữ T trong mẫu tự Latinh, gợi hình dáng một kiểu thánh giá bỏ đi phần trên.

Các Giáo phụ xem dấu chữ thập hoặc dấu ấn được ghi lên trán những người được cứu trong ý nghĩa liên hệ đến Thánh giá. Thánh Phan-xi-cô cũng chịu ảnh hưởng từ truyền thống ấy. Ngài cũng nhìn biểu tượng “Tau” gắn với ý nghĩa cây Thánh Giá, dấu chỉ của ơn cứu chuộc. Các Anh em Hèn mọn thuộc thế hệ tiên khởi có cảm thức tôn kính đặc biệt đối với các dấu hiệu gợi về Thánh Giá Chúa. Điều ấy chắc chắn họ chịu ảnh hưởng bởi lòng đạo đức của Thánh Phan-xi-cô. Cách riêng đối với dấu chữ Tau, Thánh nhân còn dùng để làm chữ ký các văn bản và trang trí ở những nơi cư trú nhằm diễn tả lòng yêu mến đối với Thánh Giá Chúa; và ý nghĩa của dấu chữ Tau xuất hiện trên trán của thánh Phan-xi-cô cũng được sử gia Tôma Celano trình bày theo như truyền thống Kinh Thánh đã nói đến trên đây[2]. Tuy vậy, Thánh Phan-xi-cô có lẽ chịu ảnh hưởng gần hơn với quan niệm về dấu chữ Tau trong thời đại của ngài. Thật thế, trong bài giảng khai mạc Công đồng La-tê-ra-nô IV vào năm 1215, Đức In-nô-xen-xi-ô III đã dựa trên đoạn sách Ed 9 để nói về dấu chữ Tau trong liên hệ với sự đền tội và thánh giá trong đời sống các Kitô hữu. Thánh Phanxicô sống theo tinh thần canh tân của Công đồng La-tê-ra-nô IV và ngài xem dấu chữ Tau như biểu hiện của sự đổi mới và sự đền tội[3], nghĩa là hoán cải.

Trong tuyền thống Phan-sinh, thánh giá chữ “Tau” (thông thường với hai bàn tay hoặc cánh tay có dấu thánh bắt chéo trên đó) là biểu tượng mang tính đại diện cho Phong trào Phan-sinh. Nó diễn tả ý nghĩa rằng người Anh em Hèn mọn bước theo vết chân Đức Giê-su Ki-tô nghèo khó và chịu đóng đinh, nên đồng hình đồng dạng với Người qua mầu nhiệm Thánh giá.

Nơi Logo của Học viện Phan-xi-cô, thánh giá chữ “Tau” cũng mang đầy đủ ý nghĩa trên đây, và ở đó chúng ta còn thấy có dải màu trắng hình chữ “S” là biểu tượng của bản đồ Việt Nam, để nhằm nói lên các Sinh viên của Học viện được đào tạo theo truyền thống học vấn của Hội Dòng áp dụng trong bối cảnh đặc thù của văn hóa Việt nam. Đồng thời, phía trên thánh giá chữ “Tau” và dải trắng hình chữ “S” là ngọn lửa Thánh Linh (hình chim bồ câu) diễn tả ý nghĩa của một trung tâm học vấn phản ảnh lý tưởng Linh đạo Phan sinh dựa trên những lời dạy cơ bản của Cha Thánh Phan-xi-cô: đó là mục đích của việc học gắn liền với lý tưởng nên thánh trên một lộ trình khởi đi từ tác động “thanh luyện, soi sáng và nung nấu tận tâm can” (T TD 51) của Chúa Thánh Thần, để chúng ta có thể bước theo dấu chân Đức Giê-su Ki-tô và đến được với Chúa Cha (x. T TD 52), cội nguồn chân lý. Hành trình đào luyện tri thức với lý tưởng nên thánh ấy cũng được thấm nhuần bởi Lời Chúa qua biểu tượng cuốn sách mở ra và thánh giá chữ “Tau” được cắm rễ sâu trong đó. Cuốn sách còn được trình bày với hình bìa và gáy sách màu nâu-đậm cũng nhằm diễn tả đó chính là Phúc Âm mà người Anh em Hèn mọn chọn làm Luật và Thể Thức sống cho mình. Các Sinh viên Khối Triết (trong biểu thị màu xanh) và Khối Thần (màu nâu-nhạt) được đào tạo thấm nhuần các giá trị Phúc Âm, nghĩa là thấm nhuần giáo huấn của Thầy Giê-su. Ngoài ra, trong một cái nhìn kết hợp chung: quyển sách, thánh giá chữ “Tau”, dải trắng hình chữ “S” và ngọn lửa đều cùng tạo thành hình tượng “chiếc đèn tri thức” luôn cháy sáng. Nó biểu lộ lời nhắc nhớ của Thánh Phan-xi-cô về việc học gắn liền với tinh thần cầu nguyện và sốt mến đối với Thánh An-tôn, vị giáo sư thần học chính thức đầu tiên của Dòng, được Thánh phụ Phan-xi-cô cấp phép dạy thần học cho anh em: “Tôi bằng lòng để Anh giảng dạy thánh khoa Thần học cho anh em, miễn là trong việc học hành, Anh (em) đừng dập tắt tinh thần cầu nguyện thánh thiện và sốt mến, như được ghi trong luật Dòng” (T An 2).



[1] x. Kinh Thánh Ấn bản 2011, Nhóm CGKPV, chú thích cho Ed 9,4.

[2] Sử gia Tôma Celano viết rằng: “Chẳng phải các anh em tiên khởi đã có thói quen và luật lệ quy định rằng bất cứ nơi nào thấy một vật gì có hình dáng cây thánh giá, anh em đều bày tỏ lòng kính trọng xứng hợp? Phanxicô tha thiết với dấu dấu chữ Tau hơn mọi dấu hiệu khác. Ngài chỉ dùng duy nhất một dấu này vừa để ký các văn bản gửi đi vừa để vẽ lên tường trong tất cả các phòng ở những nơi cư trú. Người của Thiên Chúa là Paxificô, một người được hưởng nhiều linh kiến, đã thấy bằng chính mắt phàm của mình một dẫu chữ Tau lớn hiện trên trán của đấng chân phúc, lung linh sắc mầu và rực rỡ ánh vàng. Điều ấy thật là vừa hợp với lý trí nhân loại vừa hợp với đức tin công giáo! Đấng đã được ban cho một lòng yêu mến đáng ngưỡng mộ đối với cây thánh giá, thì nay chính bản thân ngài nhờ tôn kính cây thánh giá cách đáng khâm phục, cũng trở thành một đối tượng cho người đời ngưỡng mộ” (3Cel II,3).

[3] x. L. Lehmann, Francesco maestro di preghiera, Istituto storico dei Cappuccini, Roma 1993, tr. 286-287.