Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Công Cuộc Truyền Giáo Của Đức Giám Mục Bá Đa Lộc

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 11:58 UTC+7 422

Công Cuộc Truyền Giáo Của Đức Giám Mục Bá Đa Lộc

Joseph Tân Nguyễn, OFM

1695432179-gm-ba-da-loc.jpg

Những ai đã sống ở Nha Trang hoặc đã có lần ghé qua miền thùy dương cát trắng này, chắc cũng có dịp đi hưởng gió trên bãi biển thơ mộng chạy dài từ Cầu Đá, Cửa Bé cho đến khu Xóm Bóng. Đối với tôi, bãi biển Nha Trang đã ôm ấp bao kỷ niệm vô tư pha lẫn nghịch ngợm của tuổi học trò. Có nhiều lối đi ra biển, nhưng con đường Bá Đa Lộc chạy từ Ngã Sáu Nhà thờ Núi ngang qua Quân Y Viện, Trường Võ Tánh, Trường Tây, dọc bên hông Tòa Giám mục, là lối quen thuộc nhất. Suốt bảy năm trường, bất kể nắng mưa, con đường này với hàng cây xanh um che phủ hai bên, ngày ngày đã đưa tôi đến trường. Dưới bóng mát của các cây cổ thụ có những quán chè, xe gỏi bò khô, thu hút ít nhiều đám học trò thích tụ tập tán gẫu. Con đường thì quá quen thuộc, nhưng về thân thế và sự nghiệp về Bá Đa Lộc thì tôi mù tịt. Khi còn học ở Võ Tánh tôi chọn Ban “B” nên ít chú ý đến lịch sử, chỉ biết một cách mơ hồ rằng Bá Đa Lộc là một vị giám mục người Pháp giúp chúa Nguyễn Ánh lập nên triều đại nhà Nguyễn. Mãi đến khi có dịp học giáo sử và nhận ra cái tên Bá Đa Lộc quen thuộc ngày nào, thì tôi mới biết đến đóng góp của vị giáo sĩ này vào công cuộc truyền giáo ở Việt Nam.

Lịch sử Á Đông vào cuối thế kỷ 18 đã ghi lại những trang sử hào hùng của các giáo sĩ dám “ăn to nói lớn”, và trong đó có Đức Giám mục Bá Đa Lộc (Pierre Pigneau De Behaine), người đã hoạt động tích cực trong cánh đồng truyền giáo Việt Nam hơn 30 năm và cuối cùng đã chết trên đường theo đuổi lý tưởng phục vụ. Cái tên Bá Đa Lộc ít khi được đề cập đến như Alexander De Rhodes hoặc Matteo Ricci. Nhiều sử gia chỉ nhìn cái tên Bá Đa Lộc qua lăng kính “thực dân”. Nhưng nếu nhìn vào thực tế quân sự và chính trị của Việt Nam ở thế kỷ 18, Bá Đa Lộc đã có công rất nhiều trong việc giúp Nguyễn Ánh đánh dẹp nhà Tây Sơn để rồi lập nên triều đại nhà Nguyễn. Đó là chưa kể đến tài lãnh đạo của Bá Đa Lộc, biết nhìn xa nhưng vẫn tin mạnh mẽ vào sự quan phòng của Thiên Chúa. Chúng ta sẽ tìm hiểu thân thế và sự nghiệp của vị giáo sĩ này qua ba giai đoạn: giai đoạn chuẩn bị (1767-1784), giai đoạn thuyết phục (1785-1789), và giai đoạn hành động (1789-1799).



Giai Đoạn Chuẩn Bị (1767-1784)




Vào năm 1738, Đức Giáo hoàng Clement XII giao cánh đồng truyền giáo miền bắc thuộc Vua Lê cho Dòng Tên và miền nam thuộc Chúa Nguyễn cho Hội Thừa Sai Pháp. Mặc dù đất đai của Chúa Nguyễn nhỏ bé, nhưng không ngăn cản nổi làn sóng giáo sĩ, thương gia, và cả những nhà mạo hiểm Âu Châu muốn tìm đất mới. Thật vậy, trên giấy tờ người Pháp đã có dự định xâm chiếm vùng đất này cả chục lần giữa năm 1720 và 1780. Nhưng vì khó khăn về tài chánh, chiến tranh triền miên, Cách Mạng Hoa Kỳ (1776), Cách Mạng Pháp (1789) cho nên Việt Nam còn được “để dành”, chưa bị đụng đến bằng vũ lực.

Trong giai đoạn này, Cha Bá Đa Lộc, khi đó 25 tuổi vừa mới chịu chức, được gởi đến hoạt động tại một chủng viện ở Thái Lan (1766). Cha Bá Đa Lộc vốn chăm chỉ, thông minh, nóng lòng muốn đem Lời Chúa đến dân ngoại, đã học tiếng Việt và chẳng bao lâu biết giảng trôi chảy bằng ngôn ngữ này. Đúng một năm sau, khi chủng viện này bị đốt trong cuộc nổi loạn, Cha Bá Đa Lộc được tổng trấn Hà Tiên là Mặc Thiên Tử cho tá túc trên một hòn đảo nhỏ. Ở đó Cha cho xây một chủng viện đơn sơ, khởi đầu bằng một nhà nguyện với mái tranh không có vách. Bá Đa Lộc được bổ nhiệm làm Bề trên và chăm sóc cho khoảng 40 chủng sinh. Cả thầy lẫn trò, ngày nghỉ phải đi lên rừng chặt củi về xây nhà, sau gần một năm mới hoàn tất, gọi là Chủng viện “Hòn Đất”. Đây cũng là lúc dân Cao Miên thường quấy phá đất Hà Tiên. Các chủng sinh thường bị bắt bớ, hăm dọa, và phải trốn chui. Chính Bá Đa Lộc cũng đã bị bắt nhốt vào lao bốn tháng. Theo lá thư đề năm 1768 trong chốn tù đày, với gông cùm mang trên cổ và hai chân, Cha Bá Đa Lộc đã không sờn chí, trái lại còn cầu xin Chúa cho được vinh phúc chết rũ tù!

Cuối cùng, vào tháng 10 năm 1769, một nhóm giặc Miên nổi lên chiếm Chủng viện làm “tổng hành dinh”, giết tất cả các nữ tu và đệ tử, các thầy chạy trốn được. Để tiêu diệt đám giặc này Tổng trấn Mạc Thiên Tử ra lệnh đốt Chủng viện Hòn Đất. Một lần nữa không còn mái tranh nương tựa, chẳng một viên đá dựa đầu trên đất Việt, đám thầy trò Bá Đa Lộc lủi thủi ra đi trên các thuyền buồm đến Ấn Độ vào tháng 12. Ở đó chưa được đủ một năm thì Cha Bề trên Bá Đa Lộc (29 tuổi) được chọn làm Giám mục phó Địa phận Đàng Trong Việt Nam, với hiệu toà Adran. Khôn khéo và khiêm nhường, ngài chờ đến ba năm sau mới lãnh nhận chức giám mục. Trong khi chờ đợi, ngài theo bước chân của Alexander De Rhodes: soạn một cuốn tự điển Pháp-Việt và trở về Macao cho xuất bản cuốn Bổn Giáo Lý, nóng lòng chờ ngày trở lại cánh đồng Việt Nam.

Khi Giám mục Bá Đa Lộc trở lại Hà Tiên (1775), lệnh cấm đạo ở miền nam đã được hủy bỏ, trong lúc đó sức mạnh Nhà Tây Sơn đang tiến lên làm cho Chúa Nguyễn phải điêu đứng. Trong trận đánh năm 1777 quân Tây Sơn sát hại cả dòng họ Chúa Nguyễn, chỉ có người cháu là Nguyễn Ánh mới 16 tuổi chạy thoát được. Cơn hoạn nạn gia đình Chúa Nguyễn cũng là dịp may cho Bá Đa Lộc. Ngài giúp Nguyễn Ánh trốn thoát vào Vịnh Thái Lan. Và trong dịp ra tay cứu người làm phước này, Bá Đa Lộc, vốn là một giáo sĩ, một nhà giáo dục, một học giả, nay tìm thấy “ơn gọi” làm khải đạo cho Nguyễn Ánh, và đương nhiên trở thành một “chính trị gia” và một “quân sư” bất đắc dĩ. Trong 20 năm sắp tới, lịch sử sẽ chứng minh rằng trí thông minh và tài lãnh đạo của ngài đã đem lại nhiều thành công quan trọng.

Nhưng thành công thường phải trải qua nhiều trở ngại gay go. Suốt bốn năm (1777-1781) Nguyễn Ánh bôn ba trong Vịnh Hà Tiên, gom góp một số binh sĩ Việt, Miên và chiếm lại được một vài tỉnh miền nam cùng với Sài Gòn để làm đất dung thân. Trong thời gian này, Bá Đa Lộc vẫn theo khuyên bảo, nhắn nhủ vị tướng quân trẻ này bớt hung dữ, chịu đựng kiên nhẫn và đối xử tử tế với hàng quan lại lớn tuổi. Cũng lúc đó, ngài còn giúp Nguyễn Ánh trong những quyết định về quân sự và nội bộ triều đình. Ước nguyện của Đá Ba Lộc là một ngày kia Nguyễn Ánh sẽ trở thành Constantinô thứ hai và Việt Nam trở nên một đế quốc Công Giáo. Nhưng thành công quân sự của Nguyễn Ánh không giữ được lâu. Năm 1782 nhà Tây Sơn đem thủy quân đánh chiếm lại Sài Gòn. Cả Bá Đa Lộc và Nguyễn Ánh phải bỏ chạy lần nữa, trốn vào Vịnh Thái Lan gần một năm. Sau khi quân Tây Sơn rút quân về, Nguyễn Ánh nóng lòng đem mười ngàn quân do vua Thái cung cấp trở lại tái chiếm Sài Gòn, nhưng cũng bị đánh vỡ tan tành. Lần này, Nguyễn Ánh bị rượt cho đến cùng, phải bỏ cả thủy đoàn mà chạy, chỉ đem theo được vài trăm tên lính hộ vệ. Lang thang đó đây, trong cơn đói rách, quân lính phải đào củ trên các hoang đảo mà ăn. Lúc này Nguyễn Ánh bắt đầu hoang mang, phân vân có nên cầu cứu sức mạnh Âu Tây để có thể đẩy ngược làn sóng vận mệnh của nhà Tây Sơn.

Trong lúc đó thì vị Giám mục, vì đã tính kỹ trước, đang sống an toàn với các chủng sinh của ngài trên một hòn đảo cách Hà Tiên gần 200 cây số. Nguyễn Ánh thường đến tá túc và xin thực phẩm cho đám tân binh, và tỏ ra rất là cảm động trước lòng tốt của Bá Đa Lộc. Ngược lại vị Giám mục đã chinh phục được lòng tin cậy của Nguyễn Ánh và từ đó, vị chúa trẻ tuổi đã giao cho ngài đứa con độc nhất, tức Hoàng tử Cảnh mới lên sáu, để được dạy dỗ chăm sóc. Một số quần thần cùng chịu Phép Rửa và trở lại đạo, phần Nguyễn Ánh tuy vẫn dự lễ và nghe Bá Đa Lộc giảng bằng tiếng Việt, nhưng vẫn chưa muốn chịu Phép Rửa.

Nguyễn Ánh còn lưỡng lự không muốn ra mặt nhờ Pháp giúp đánh lại nhà Tây Sơn. Ông muốn tránh cảnh “cõng rắn cắn gà nhà” của Vua Lê. Hơn nữa, ông ta vẫn còn nhớ những thủ đoạn của thực dân Pháp muốn chiếm lấy Việt Nam làm thuộc địa thương mại như trong các biến cố năm 1768 và 1778. Giữa năm 1777-1784, khi Sài Gòn đổi chủ bảy lần, chính Nguyễn Ánh định nhờ đến sự giúp đỡ của Anh, Đức, Bồ Đào Nha và cả Tây Ban Nha. Nhưng chính vì tấm lòng tận tình giúp đỡ của Bá Đa Lộc trong những “lúc lên voi xuống chó” mà Nguyễn Ánh cuối cùng đã đề nghị vị Giám mục đại diện mình để đi thương lượng với chính quyền Pháp. Kết quả là vào mùa xuân 1785, Bá Đa Lộc qua đến Pondichery (Ấn Độ). Trong chuyến đi này, ngài mang theo hai bảo vật nói lên lòng tin cẩn cực kỳ của Nguyễn Ánh: bảo ấn của Chúa Nguyễn và Hoàng tử Cảnh, đứa con độc nhất của Nhà Vua. Bá Đa Lộc đã khắc phục được lòng tin của Chúa Nguyễn, nhưng liệu ngài có thuyết phục được nhóm lãnh đạo quân sự của Pháp ở Ấn Độ hay không? Tất cả sẽ lệ thuộc vào tài năng chính trị của Bá Đa Lộc.


Giai Đoạn Thuyết Phục (1785-1789)



Kể từ đây, Bá Đa Lộc bước vào một giai đoạn mới, đóng vai “sứ giả của Chúa Nguyễn để thương lượng với triều đình Pháp. Với một lòng hăng say muốn rao giảng Phúc Âm và mở mang Nước Chúa, Bá Đa Lộc coi đây như là một dịp may để Nước Chúa được mở mang. Một khi nhà Nguyễn tái thiết ngôi vị, Việt Nam sẽ được tự do theo Đạo Công Giáo, và Pháp cũng sẽ được tự do buôn bán tại các cửa biển Việt Nam. Nhưng khi đến gặp đại diện Pháp ở Pondichery, những đề nghị này bị bác bỏ ngay. Sau bốn tháng Bá Đa Lộc tranh đấu quyết liệt, đưa ra đủ lý luận để thuyết phục các tướng lãnh Pháp nhưng đã không đem lại kết quả nào, ngài thất vọng, đi đến tận Paris để điều đình với hoàng gia Pháp.

Thiếu may mắn ở Pondichery nhưng Bá Đa Lộc đã gặt hái được nhiều kết quả bất ngờ tại Paris. Trước điện Versailles, Bá Đa Lộc dùng sự hiểu biết về tình thế chính trị, địa dư và quân sự ở Á Đông, cùng với tài hùng biện của mình để thuyết phục triều đình và đám công thần Pháp. Các bà hoàng Pháp bắt đầu cảm mến tài thuyết giảng của ngài và nhất là cậu hoàng tử “dễ thương” bên cạnh để làm chứng. Với giới quân sự, Bá Đa Lộc tuyên bố rằng Pháp sẽ được tự do ra vào các cửa biển, và Việt Nam sẽ cung cấp lính tráng nếu Pháp phải lâm vào chiến tranh với các thuộc địa khác. Trước mắt các nhà thương gia, Bá Đa Lộc đề nghị rằng nếu nắm được vùng biển Đông, Pháp sẽ kiểm soát tàu bè thương mại Anh từ Ấn Độ qua Trung Hoa, và sẽ chận đứng những nguồn lợi tài chánh mà đã giúp thủy quân Anh bành trước mạnh mẽ khắp nơi.

Một số công thần thủ cựu phản đối đề nghị của Bá Đa Lộc, nhưng cũng có một số khác với óc mạo hiểm muốn hợp tác. Cuối cùng Bá tước Montmoria, một trong phái thủ cựu, được trao bổn phận soạn thảo bản Nghị Ước mà Vua Louis XI sẽ đóng ấn. Theo Nghị Ước Versailles này (1787) Pháp sẽ cung cấp 1650 thủy quân cùng với một số tàu bè, súng đại bác, súng tay, v.v. Ngược lại, sau khi lập xong cơ nghiệp Chúa Nguyễn phải nhường lại cho Pháp một số quần đảo trong vùng biển Đông, cho Pháp được độc quyền tự do buôn bán ra vào các cửa biển, cung cấp lính tráng trong trường hợp Pháp cần, và mỗi năm phải đóng một tàu thủy quân để hoàn lại các tàu mà hoàng gia Pháp đã “cho mượn”.

Một thiếu sót lớn lao trong Nghị Ước Versailles (1787) là sự tự do giảng đạo cho các giáo sĩ Pháp ở Việt Nam! Nhưng đây không phải là điều quan trọng đối với triều đình Pháp. Montmorin kèm theo một thư tay ra lệnh cho thống đốc Pháp ở Pondichery thi hành theo Nghị Ước đã ký kết. Nhưng vì còn nghi ngờ tài năng của Bá Đa Lộc, trước khi đóng thư Montmorin còn viết rằng: “Hoàng đế Pháp đặt hết tin tưởng vào sự phán đoán của ông trong việc này, nhưng ta yêu cầu ông đừng báo cho Bá Đa Lộc biết ý riêng này!” Thống đốc ở Pondichery vốn là người đã bác bỏ đề nghị của Bá Đa Lộc trước khi ngài qua đến Paris. Thế là chỉ trong vòng bốn ngày sau khi ký kết, Nghị Ước Versailles trở thành vô giá trị!

Vẫn chưa biết những ác ý này, vị Giám mục vội vàng cầm Nghị Ước “còn ướt mực” với lá thư tay của Montmorin đi Pondichery để lấy tàu bè, đạn dược, thực thi giấc mộng vàng. Nhưng khi đến nơi thì hỡi ôi! Sau khi đọc bản Nghị Ước Versailles và lá thư từ Montmorin, vị thống đốc chỉ trả lời Bá Đa Lộc bằng một sự tiêu cực lạnh lùng. Nóng giận, Bá Đa Lộc tranh đấu hết mình nhưng không đi đến đâu. Ngài khiếu nại về triều đình Pháp, nhưng mãi đến đầu năm 1789 mới nhận được một tin từ Paris là “chiến dịch này không thể thi hành được!” Trong đó còn có một lá thư hứa sẽ giúp Bá Đa Lộc phương tiện trở về Pháp một cách an toàn. Không ai còn nghi ngờ gì nữa ý định của triều đình Pháp không muốn dính líu gì đến Việt Nam lúc này. Biết chắc là mình đã bị “chơi xỏ” và chắc chắn không còn nhờ vào được ai nữa, vị giáo sĩ này quyết định làm một việc táo bạo chưa từng có trong lịch sử truyền giáo Á Đông. Ngài quyết định nắm mọi việc vào trong tay mình, như ngài đã có lần tuyên bố: “Ta sẽ làm cách mạng ở Đông Dương một mình ta!” Từ đây, sứ mệnh truyền giáo của Bá Đa Lộc sẽ được gắn kết với công trình thống nhất sơn hà của Chúa Nguyễn.


Giai Đoạn Hành Động (1789-1799)



Trước một thất bại đau đớn cho dù đã dự tính kỹ lưỡng và hết sức thuyết phục triều đình Pháp, Bá Đa Lộc đành phải ra tay một mình. Ngài vận động quyên tiền khắp nơi để mua tàu bè, đạn dược giúp cho Chúa Nguyễn. Thế là kể từ năm 1789 một số tàu bè hải quân trang bị súng ống, đạn dược đầy đủ, với nhiều binh sĩ “đào ngũ” từ quân đội Pháp, bắt đầu trên đường tiến về Việt Nam. Hai chiếc tàu thủy quân đầu tiên cập bến Sài Gòn vào ngày 19 tháng 7 năm 1789, bốn tuần trước Cách Mạng Pháp bùng nổ ở Paris. Đích thân Nguyễn Ánh ra bến tàu chào đón một cách trọng thể, với từng hồi súng can-non bắn vang dội để mừng đoàn thủy quân của Bá Đa Lộc. Ngoài một số giáo sĩ đi theo Bá Đa Lộc (8 linh mục) còn có các chuyên viên quân sự và cơ khí, thủy binh, bộ binh, tổng cộng trên 300 người.

Các chuyên viên Pháp giúp trang bị lại các thuyền hải quân Chúa Nguyễn thành một thủy đoàn sẵn sàng tác chiến trên biển cả. Trên bờ họ cũng cho thiết lập những đồn lũy vững chắc tại Sài Gòn và những địa thế hiểm nghèo khác. Họ tổ chức bộ binh một cách chu đáo hơn, trang bị với một số súng đạn mới mua. Sử gia Pháp hay thổi phồng tầm quan trọng của người Pháp trong việc giúp Chúa Nguyễn thành công về mặt quân sự. Nhưng thật ra chính Nguyễn Ánh cũng đã rút tỉa nhiều kinh nghiệm chiến trường trong mười mấy năm qua và nhất là nhờ biết lợi dụng gió mùa để đóng buồm tiến đánh Tây Sơn. Nguyễn Ánh được lòng dân vì họ còn oán hận nhà Tây Sơn qua những nạn bắt đạo ráo riết. Lòng cảm mến Chúa Nguyễn được thể hiện qua bài ca dao:


Lạy Trời cho chóng gió nồm


Cho thuyền Chúa Nguyễn thuận buồm ra khơi.



Sau nhiều năm giúp Nguyễn Ánh kéo buồm đi đánh Qui Nhơn (1790-1799) không thành công, Bá Đa Lộc bắt đầu nản chí, nghi ngờ có lẽ mình đã đặt quá nhiều kỳ vọng vào vị vua trẻ này. Các lính đánh mướn đi theo Bá Đa Lộc sau năm đầu cũng từ từ đào ngũ gần hết, và hơn phân nửa số giáo sĩ Pháp đến cùng với ngài cũng đã qua đời vì không chịu nổi khí hậu miền nhiệt đới. Về phần Nguyễn Ánh sau mười mấy năm bôn ba đó đây thì khi nắm giữ được thế chân vững chắc ở Sài Gòn bắt đầu đam mê tửu sắc, chơi bời, bỏ rơi giấc mộng phục hồi đất nước. Nhiều lúc Bá Đa Lộc ngăn cản không được, nổi giận đòi trở về Pháp, thì chỉ lúc ấy Nguyễn Ánh mới thức tỉnh mà tiếp tục mong thôn tính Tây Sơn.

Mãi đến cuối năm 1799, khi Qui Nhơn, bàn đạp của nhà Tây Sơn, bị sụp đổ và từ đó Chúa Nguyễn mới tiến đánh miền bắc một cách dễ dàng. Tuy nhiên sự thành công cuối cùng này đến quá trễ cho Bá Đa Lộc. Mặc dù mang trong người bệnh kiết lỵ trường kỳ, Bá Đa Lộc luôn tháp tùng Chúa Nguyễn trong các trận chiến. Nhưng lần này cơn bệnh thổ tả kéo dài liên miên, vị Giám mục chỉ còn da bọc xương và tắt thở lúc 10:00 sáng ngày 9-10-1799 tại Qui Nhơn. Ngài qua đời trước khi nhìn tận mắt ước nguyện ôm ấp trong 30 năm! Tin tức này được Nguyễn Ánh giữ kín không cho quân sĩ ở chiến trường biết. Trong lúc đó Hoàng tử Cảnh đã đưa xác vị Giám mục trên một chiếc thuyền hoàng gia về Sài gòn làm lễ An táng, đúng theo nghi thức Công giáo.

Một khi Qui Nhơn bị thất thủ, ngày 2-11-1799 Nguyễn Ánh kéo quân cấp tốc về Sài Gòn làm lễ Truy điệu một cách hết sức trọng thể. Tất cả triều đình, giáo sĩ, binh sĩ, với đoàn ngựa đưa linh cữu của vị Giám mục khả kính về nơi an nghỉ cuối cùng. Ước lượng có khoảng 40 ngàn người tham dự và đám tang bắt đầu khởi hành từ 2 giờ đêm cho đến trưa hôm sau. Trước mộ chôn ở Gò Vấp, Nguyễn Ánh rơi lệ, đọc một bài điếu văn thống thiết và phong cho Giám mục Bá Đa Lộc làm Thái Tử Thái Phó Bị Nhu Quận Công. Để tỏ lòng biết ơn sâu xa, ông ra lệnh xây một lăng để tưởng nhớ và căn dặn trông nom cẩn thận.

Không đầy 3 năm sau khi Bá Đa lộc qua đời, Nguyễn Ánh thống nhất đất nước, lên ngôi hoàng đế, lấy danh hiệu Gia Long, dựng triều đại nhà Nguyễn, một triều đại quân chủ cuối cùng của Việt Nam. Sau khi lên ngôi, Gia Long vẫn lưỡng lự không muốn thân với Pháp, nhưng vẫn còn nương tay để các giáo sĩ tự do giảng đạo. Nhà vua cũng không muốn liên hệ gì với người ngoại quốc. Điển hình trước khi chết, Gia Long đã chọn người con thứ là Minh Mạng (1833) có tiếng bài ngoại để nối ngôi. Cuối cùng chính sách bắt đạo và bế quan tỏa cảng của Việt Nam đã đưa đến những đụng độ quân sự với thực dân Pháp. Họ lấy lý do tôn giáo để áp lực chính trị, nhưng trong thâm tâm họ chỉ muốn chiếm lấy đất nước ta làm thuộc địa.


Kết



Đức Giám mục Bá Đa Lộc đã đóng góp rất lớn trong 30 năm truyền giáo tại Việt Nam. Ngoài những bổn phận được bề trên giao phó dạy dỗ chủng sinh, và xây cất Chủng viện Lái Thiêu, Bá Đa Lộc còn là một lãnh đạo tài ba, một chính trị gia chân chính, và là một quân sư khôn ngoan. Chính nhờ sự khôn ngoan đã tiếp nhận Nguyễn Ánh lúc 16 tuổi trên đường chạy trốn nhà Tây Sơn, và sau này tiếp tục đứng ra công khai ủng hộ và tranh đấu cho danh nghĩa nhà Nguyễn, mà đã không có lệnh cấm đạo trong suốt 18 năm Gia Long lên ngôi và 5 năm đầu dưới triều đại Minh Mạng. Theo 

Việt Nam Sử Lược

, từ năm 1822 có rất nhiều cuộc nổi dậy trong Nam ngoài Bắc, nhà vua cho rằng có dân đạo theo giúp, do đó ra sắc lệnh bắt các tín đồ Công giáo phải bỏ đạo và ai bắt được giáo sĩ đem nộp để được thưởng. Mãi cho đến năm 1825, Minh Mạng mới ra dụ cấm đạo, và truyền cho quan quân phải khám xét các tàu thuyền của ngoại quốc ra vào cửa biển. Từ năm 1834 nạn bắt đạo trở nên khắc nghiệt hơn, nhiều giáo sĩ và 

giáo dân bị giết, trong đó có Cố Du (Joseph Marchand), nhưng các giáo sĩ phương Tây vẫn liều chết hoặc đào hầm ở dưới đất để truyền đạo. Năm 1838, Minh Mạng cảm thấy không thể nào cấm được các giáo sĩ truyền đạo trong nước, bèn sai sứ sang 

Pháp để điều đình về việc này. Song khi sứ thần Đại Nam tới nơi, Hội Thừa sai Paris xin vua Louis Philippe I đừng tiếp. Sứ Đại Nam phải trở về, khi về đến Huế thì Minh Mạng đã qua đời.

Nhờ hơn hai thập niên bình yên (1802-1825) mà Giáo Hội Việt Nam đã có cơ hội củng cố và lấy lại sức mạnh để đương đầu với những cuộc cấm đạo đẫm máu dưới triều đại vua Tự Đức sau đó, nếu không thì khó mà biết tương lai Giáo Hội trẻ trung Việt Nam sẽ đi về đâu. Ý nguyện thầm kín của Bá Đa Lộc là đất nước Việt có một vị vua Công Giáo. Nhưng định mệnh đã an bài: giấc mộng “vàng” chưa thành thì Bá Đa Lộc đã qua đời, và Hoàng tử Cảnh cũng đã chết trước cha mình gần 20 năm. Đức Giám mục Bá Đa Lộc luôn tìm mọi cách để đạt cho được ý nguyện mở mang nước Chúa, dù cho đã phải dùng đến những phương tiện quân sự và chính trị. Vấn đề đặt ra đây là có nên dùng phương tiện quân sự và chính trị để đạt mục đích truyền giáo không? Nếu vị Giám mục này tiếp tục sống sau khi Nguyễn Ánh thống nhất sơn hà, không biết tương quan giữa ngài và Hoàng đế Gia Long sẽ ra sao? Tôn giáo và chính quyền có thể hỗ trợ lẫn nhau để giúp cho xã hội và con người được thăng tiến toàn diện. Nhưng nếu ranh giới giữa thần quyền và thế quyền không được rõ ràng thì rất dễ đưa đến sự lạm dụng và áp chế quyền lực giữa hai phạm vi này như lịch sử đã cho thấy.

 

Tài liệu tham khảo

:


Joseph Butringer, The Smaller Dragon: A Political History of Vietnam (New York, 1967).

Cadière & Cosserar, “Les FranÇais au service de Gia Long.VI, La maison de J.B. Chaigneau, consul de France à Hue.

” Bul. Amis Hué, No.9, 1922.

Minh Mạng, Bách Khoa Toàn Thư, xem (https://vi.wikipedia.org/wiki/Minh_M%E1%BA%A1ng)

Chia sẻ