Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Dân An Nam Ta Có Một Thói Lạ…

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 11:56 UTC+7 296

Một học giả có lần nhận xét, “Dân An Nam ta có một thói lạ là gì cũng cười…” Trong bài này, tôi xin được phép nói lại, “Dân An Nam ta có một thói lạ là gì cũng ăn!” Thật vậy, người Việt chúng ta không chỉ biết chế biến nhiều món ăn rất thú vị và khoái khẩu, nhưng cũng thích tổ chức những cuộc ăn uống linh đình quanh năm. Chúng ta hay ăn không phải vì chúng ta ham ăn hay mê ăn, mà vì bản tính siêng ăn và coi trọng miếng ăn trong cách giao tiếp hằng ngày. Miếng ăn đối với chúng ta không chỉ để đáp ứng nhu cầu thể lý mà còn nói lên cái thể diện của cá nhân và dân tộc, vì qua cách học ăn học nói chúng ta học cách làm người. Trong kho tàng văn chương Việt Nam, từ sự tích “bánh chưng bánh dầy” cho đến việc An Tiêm “trồng dưa hấu”, tất cả đều nói lên một mạng giá trị mà người Việt đã gán cho “miếng ăn.” Do đó, ‘ăn’ không chỉ là một hành vi đơn độc bỏ thức ăn vào miệng nhưng là một biểu tượng văn hóa của chúng ta. 

1695130163-an-uong.jpg

Văn hóa “hay ăn” thể hiện qua các chiều kích giá trị nhân bản, truyền thống gia đình, tương quan xã hội, đạo lý giao tiếp, nhưng rõ ràng nhất trong ngôn ngữ. Thật vậy, từ ngữ ‘ăn’ xuất hiện rất thường xuyên với nhiều ý nghĩa phong phú trong tiếng Việt. Cuốn “Đại Từ Điển Tiếng Việt” (NXB Văn Hóa Thông Tin, 1998) có ghi nhận trên 550 cụm từ (tục ngữ, phong dao) có dùng từ ‘ăn’ và ít nhất với 11 ý nghĩa khác nhau của ‘ăn.’ Một cách nào đó, ‘ăn’ là những viên gạch tác tạo nên sự nối kết giữa ngôn ngữ và văn hóa, luân lý đạo đức và phê bình xã hội trong tư tưởng người Việt. Hiếm mà có thể tìm được một từ nào khác có khả năng trở thành ‘điểm tụ văn hóa’ tương tự như chữ ‘ăn.’ Vì lẽ qua cách người Việt ‘ăn’ chúng ta sẽ nhận diện những sắc thái đặc thù và đa dạng của dân tộc tính, kể cả những cách chúng ta châm biếm và đánh giá thuần phong mỹ tục của chính mình. 

 

Từ khi lọt lòng mẹ cho đến tuổi bạc đầu người Việt chúng ta ‘ăn’ không ngừng. Trẻ mới sinh chưa mọc răng đủ thì đã được ăn đầy tháng. Con nít chưa biết nói đầy năm thì ăn sinh nhật. Bậc anh chị thì hay ăn hiếp hay ăn dỗ em út. Lúc còn bé thì lo ăn học, đến tuổi dậy thì thích đua đòi ăn mặc. Con cái thành tài thì ăn khao, ăn mừng. Trai gái đến tuổi biết ăn chơi khi tình tứ quá ăn khớp với nhau, chưa đến tuổi ăn hỏi, ăn cưới thì đã lo toan chuyện ăn nằm. Con trai thì thích ăn to nói lớn, con gái thì thích ăn quà, ăn hàng. Các cụ rụng gần hết răng nhưng vẫn thích ăn trầu. Cha mẹ còn sống thì chúng ta tổ chức ăn lục tuần, bát tuần. Các cụ qua đời chúng ta vẫn tiếp tục ăn, ăn giổ. Trong những dịp đại lễ thì ông bà tổ tiên quá cố được mời về để cùng ăn mừng với con cháu. Thậm chí, người ta còn đem thức ăn ra mộ hoặc treo ngoài cây để người chết cũng được ăn với kẻ sống. Nói cách khác, tuổi nào cũng có cái thú ăn của tuổi ấy, có lẽ bản tính hay ăn đã có từ thời ông bà tổ tiên chúng ta còn ăn lông ở lỗ. 

 

Nhưng trong cái ăn của người Việt có tiềm tàng một dân tộc tính rất thâm thúy. Chúng ta tổ chức nhiều dịp ăn uống đình đám không phải vì chúng ta mê ăn, nhưng vỉ chúng ta coi trọng nghi lễ và giá trị luân lý đạo đức của miếng ăn nhất là nơi công cộng, “ăn cổ đi trước, lội nước theo sau.” Không ai ăn bất cứ gì, ăn bất cứ lúc nào, ăn bất cứ ở đâu, hay ăn bất cứ với ai. Có những món chỉ ăn trong ngày Tết, trái lại có những thức ăn khác thì dùng quanh năm. Người ta phân biệt đầy tớ thì ăn mâm dưới, chủ ăn mâm trên. Ăn không đúng bữa thì gọi là ăn vặt, ăn không đúng tư cách thì gọi là ăn vụng, vay mượn mà không trả gọi là ăn quịt, làm ăn không thật thà gọi là ăn gian, và ăn mà không làm việc gì cả thì gọi là ăn hại. Dịp nào thì có cách ăn của dịp ấy. Dọn nhà thì ăn tân gia, đầu năm thì ăn Tết, cuối năm ăn tất niên. Người trần tục thì ăn mặn, kẻ tu hành thì ăn chay. Xã hội coi trọng những người biết lo làm ăn, và coi thường kẻ ăn không ngồi rồi. Còn những hạng người ăn hại hay ăn bám, hay ăn cơm nhà đi gác ngà voi thì thường bị xem như vô dụng.

 

Dù cho sống ở thành thị hay thôn quê, người Việt đều thừa nhận sự liên kết giữa miếng ăn và cách chúng ta ăn nói trong xã hội. Tục ngữ Việt Nam có câu, “có ăn thì phải có nói,” do đó khi miếng ăn không phù hợp với lời nói thì dễ bị người đời chê trách. Ăn trở thành cơ hội để chúng ta học những bài học luân lý để đời. Từ thủa tấm bé, ông bà đã không ngại dùng hình ảnh ăn uống để dạy dỗ con cháu về cách xử thế, kính trên nhường dưới: ăn trông nồi, ngồi trông hướng. Thành công hay thất bại không lệ thuộc hoàn toàn qua vật chất ta sở hữu mà ở sự khéo léo: khéo ăn thì no, khéo co thì ấm. Làm người thì phải biết ăn quả nhớ kẻ trồng cây. Sống đạo nghĩa thì phải biết ăn hiền ở lành. Đức tính cần cù, chu đáo sẽ đem lại thành quà trong cuộc sống: ăn cây nào, rào cây ấy. Trái lại những hạng người tùy cơ tiến thân, ăn cháo đá bát thì coi như là bất nhân, bất nghĩa. Cái vòng nhân quả của miếng ăn thì lan tràn qua nhiều thế hệ: cha mẹ ăn mặn, con khát nước. Vì học ăn học nói là học làm người cho nên bữa ăn là biểu tượng thiêng liêng của người Việt: Trời đánh tránh bữa ăn!

 

Nhưng khi lớn lên, đụng chạm với đời mới biết cuộc sống như một ván cờ, ai ai cũng phải bon chen, toan tính chuyện ăn thua đủ. Người đi buôn thì phải khôn khéo biết cách ăn lời, ăn lãi thì mới mong thành công. Giữa chợ đời những kẻ ăn tục nói phét thì lại hay bắt được các manh mối. Trong xã hội có những hạng người thích ăn trên ngồi trốc, trước mặt thiên hạ thì hét ra lửa, mửa ra khói. Trái lại sau lưng thì họ ăn hối lộ, hay ăn bớt, ăn xén của công, dùng quyền hành của mình để hăm dọa, ăn tươi nuốt sống kẻ thấp cổ bé miệng. Cho dù biết rằng miếng ăn là miếng nhục, nhưng vì xã hội Việt Nam coi trọng thể diện giữa công chúng, nên một miếng giữa làng bằng một sàng xó bếp.

 

Người Việt hay ăn, không phải vì đói rách, nhưng nhiều khi cũng vì cuộc sống đưa đẩy chúng ta vào hoàn cảnh éo le nào đó. Lấy ví dụ, nhiều gia đình phong lưu thì lâm vào cảnh ông ăn chả, bà ăn nem, hoặc ăn vụng mà không biết lau miệng. Đấng mày râu ăn ngày không đủ tranh thủ đi ăn đêm. Chị em ta lắm khi lên voi xuống chó phải đi ăn sương mới đủ sống. Khi thất thế chúng ta cũng phải chịu đấm để được ăn xôi. Người tranh đấu cho lý tưởng phải can đảm chấp nhận cảnh ăn gió nằm sương. Bậc hiền nhân có lúc sa cơ cũng phải ăn bờ ở bụi, nằm gai nếm mật. Cơ cực quá thì cũng phải ngửa tay đi ăn mày, ăn xin, hoặc thậm chí phải ăn trộm, ăn cướp để mưu cầu cho cuộc sống. Ngoài ra cũng có hạng người ăn mật trả gừng, sẵn sàng bán đổi nhân tình vì chút danh vọng. Ai ai cũng muốn ăn, thậm chí ăn không được thì cũng có cách ăn mà không cần phải nói gì, đó là ăn vạ!

 

Có lẽ vì tính cách thiêng liêng của nó, cho nên ‘ăn’ trở nên một trong những biểu tượng cổ xưa nhất để nói lên mối tương quan giữa con ngưởi và thần linh. Các nhà nhân chủng học tôn giáo cho thấy trong các tôn giáo cổ đại có những điển tích về thần linh hy sinh trở thành của ăn cho con người (Enuma Elish), hoặc con người được hiến tế như của ăn cho thần linh. Sau đó thì có huyền thoại về thần linh ăn uống chung với con người hoặc con ngưởi ăn với nhau để tưởng nhớ thần linh. Kinh Thánh cũng đã dùng vô số hình ảnh ăn uống để nói về giao ước giữa Thiên Chúa với con người, ví dụ chiên Vượt Qua và mana trong sa mạc. Trong Do Thái giáo, sau biến cố Abraham dự tính đem Issac con mình hiến tế cho Thiên Chúa thì súc vật được dùng để thay thế, và cuối cùng, của lễ toàn thiêu thì không hài lòng Thiên Chúa cho bằng tấm lòng thành khẩn hoán cải. 

 

Trong Tân Ước Chúa Giêsu gọi mình là Bánh Hằng Sống và đã trao chính thân mình làm Chiên Vượt Qua để giải thoát Dân Chúa khỏi ngục tù của tội lỗi và sự chết. Qua miếng ăn (trái cấm) tội lỗi đã xâm nhập vào thế gian, thì cũng qua miếng ăn khác (Mình Máu Chúa) chúng ta được cứu rỗi. Phép lạ đầu tiên của Đức Giêsu là khi Ngài đi ăn cưới. Khi sống lại chính Ngài cũng đã ăn bánh trước sự ngỡ ngàng của các môn đệ. Đức Giêsu đã làm phép lạ để cho nhiều người ăn khi họ bị đói. Ngài cũng đã bị Satan dùng miếng ăn để cám dỗ trong cơn đói sau 40 ngày trong sa mạc. Và chính Ngài đã không ngần ngại ăn uống với người ‘tội lỗi.’ Nhưng quan trọng hơn nữa, Đức Giêsu đã dùng vô số hình ảnh và dụ ngôn về ăn uống để nói về Nước Trời và tấm lòng bao dung vô hạn của Thiên Chúa: người con hoang đàng vì thiếu ăn mà phải trở về nhà cha; người anh vì con chiên béo mà ganh tỵ với em mình, từ chối không vào nhà, …. Nói chung, lòng thương xót của Thiên Chúa sẽ đến cho bất cứ ai biết ăn năn thống hối.

 

Cuối cùng, chúng ta có thể kết luận rằng ‘ăn’ không chỉ nuôi dưỡng thân xác mà còn là cách chúng ta thiết lập nhân bản và học làm người. ‘Miếng ăn’ có thể dẫn đến tội lỗi, sa đọa cho kiếp nhân sinh, nhưng cũng là điểm tụ văn hóa, qua đó chúng ta học biết cách đánh giá cuộc sống. Ăn không chỉ là cái chúng ta ‘có’ nhưng cái chúng ta ‘là’ và đang ‘trở thành.’ Thật khó mà tìm được một phạm trù tương tự không chỉ bao hàm mọi khía cạnh của hiện sinh mà còn mở ra con đường để con người có thể kết nối với Đấng Siêu Việt.

 

Lm. Joseph Tân Nguyễn, OFM

Chia sẻ