Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

MẠNG XÃ HỘI LÀM MỜ KÝ ỨC VÀ PHÁ HỦY ĐỜI TƯ: QUAN ĐIỂM TỪ CÁC CHUYÊN GIA

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-06 07:29 UTC+7 327
Mạng xã hội đang khiến ký ức và đời tư của chúng ta bị ảnh hưởng. Các chuyên gia như Maryanne Garry và Paolo Crepet cảnh báo về nguy cơ mất đi những khoảnh khắc quý giá và sự mờ nhạt giữa công cộng và riêng tư. Việc chụp ảnh và chia sẻ không kiểm soát có thể làm mất đi những trải nghiệm thực sự và dẫn đến sự vô cảm. Để giữ gìn ký ức và bảo vệ đời sống riêng tư, chúng ta nên hạn chế sử dụng mạng xã hội, in ảnh và dành thời gian cho gia đình, cũng như bảo vệ trẻ em khỏi những nguy cơ trực tuyến.
social-media-pulverizes-memories-and-destroys-private-life-what-the-experts-say-1714958914.jpg

MẠNG XÃ HỘI LÀM MỜ KÝ ỨC VÀ PHÁ HỦY ĐỜI TƯ: QUAN ĐIỂM TỪ CÁC CHUYÊN GIA.


Chuyển ngữ: Lm. Phêrô Nguyễn Văn Dũng, OFM (www.communication-theology.com)

(Bài gốc Anh ngữ: Social media pulverizes memories and destroys private life: what the experts say – Family And Media)


Những câu chuyện, bài đăng và video giờ đây đã trở thành phần không thể thiếu trong cách chúng ta giao tiếp, chia sẻ, kết nối với mọi người, dù đó là bạn bè, người quen, khách hàng hay cả những người xa lạ. Tuy nhiên, có rất nhiều ý kiến cho rằng, mạng xã hội đang khiến cho các mối quan hệ trở nên khô khan. Kể từ khi màn hình chiếm lĩnh cuộc sống của chúng ta, nhiều người cho rằng tình bạn giờ đây kém chân thực hơn, khuynh hướng quy ngã (ego-centrism) và tự kỷ ái mộ (narcissism) đang được thúc đẩy mạnh mẽ. Thay vì kết nối, dường như mạng xã hội lại làm chúng ta trở nên xa cách hơn.

Mạng xã hội không giúp chúng ta lưu giữ quá khứ

Một trong những nguy cơ lớn nhất mà chúng tôi muốn nhấn mạnh đó là việc sử dụng mạng xã hội làm mất đi ký ức, truyền thống, và những trải nghiệm quý báu mà mỗi gia đình cần phải bảo vệ. Ví dụ, chúng ta đang nói đến cách tạo ra và duy trì những ký ức. Đã có chứng cứ rằng, việc mải mê chụp ảnh hay quay video có thể phá hỏng, chứ không phải là lưu giữ, những khoảnh khắc quý giá mà chúng ta trải nghiệm bên người thân, và do đó, làm mất đi những hồi ức sẽ được khắc sâu trong trí nhớ của chúng ta.

Thế hệ mới hiện nay sống trong sự lo âu vì luôn muốn ghi lại hoặc chia sẻ tức thì mọi trải nghiệm - thay vì chỉ đơn giản là quan sát, chiêm ngắm, "thưởng thức" (savoring) thực tại mà họ đang trải nghiệm.

Chúng tôi đã từng nói về Maryanne Garry, một giáo sư Tâm lý học tại Đại học Victoria ở Wellington, New Zealand. Bà ấy lập luận rằng, nếu chúng ta mong muốn có những kỷ niệm tốt đẹp, thì cần phải hạn chế sự mê mẩn chụp ảnh tự sướng và việc chia sẻ một cách vô tội vạ trên mạng xã hội.

Theo nghiên cứu của bà, điều này dẫn đến kết luận rằng chúng ta nên tập trung vào thực tế xung quanh mình, thay vì dán mắt vào màn hình, trong khi đang tận hưởng những khoảnh khắc đẹp.

Làm thế nào để ký ức trở nên sống động?

Không phải chiếc điện thoại di động của chúng ta làm cho những khoảnh khắc đẹp đẽ mà chúng ta đang trải qua trở nên bất tử; ngược lại, đôi khi nó còn trở thành kẻ phá bĩnh hơn là người bạn trong việc bảo tồn vẻ đẹp của những cảm xúc đã trải qua. Việc chụp ảnh lưu niệm không có gì sai, tuy nhiên, nếu chúng ta muốn thực sự thưởng thức những khoảnh khắc, thì "ít mà chất" mới là quan trọng.

Khi chụp quá nhiều ảnh, ghi lại hàng loạt khoảnh khắc, chúng ta nghĩ rằng mình sẽ "nhớ rõ hơn"; nhưng thực tế, theo nhà tâm lý học này giải thích, điều ngược lại mới xảy ra, bởi vì việc tập trung quá mức vào việc chụp ảnh khiến chúng ta ít chú ý đến trải nghiệm của mình.

Cuối cùng, chúng ta quá lo lắng về việc chia sẻ ảnh hay video trên mạng xã hội cho những người ở xa chúng ta về mặt địa lý – tuy nhiên điều này có thể dẫn đến việc chúng ta không thể trải nghiệm trọn vẹn thực tế với những người đang ở ngay bên cạnh. Đây là một nghịch lý, nhưng hoàn toàn có thể xảy ra.

Hãy tái khám phá khái niệm "đời sống riêng tư"

Người có cùng quan điểm nêu trên là Paolo Crepet, một bác sĩ tâm thần học có tiếng, đã bày tỏ lo ngại của mình với tờ báo La Stampa của Ý về cách thức ảnh được sử dụng trên mạng xã hội hiện nay, nhấn mạnh sự phai mờ của ranh giới giữa công cộng và riêng tư trong xã hội hiện đại.

Chuyên gia này cho biết, “Tôi bị sốc trước ý tưởng rằng không còn khái niệm đời sống riêng tư nữa, nó đã bị chia cắt bởi sự ăn mòn của mạng xã hội.” Theo ông, việc chúng ta liên tục tiếp xúc với những hình ảnh mạnh mẽ và gây sốc qua mạng xã hội đang dẫn chúng ta đến sự vô cảm ngày càng tăng.

Crepet cũng chỉ ra rằng, mạng xã hội không chỉ là những nền tảng mà chúng ta sử dụng, mà còn là công cụ kiểm soát và hình thành nhận thức của chúng ta về thực tế. Ông cho rằng "Không còn album gia đình nữa, chỉ còn là những cuộn phim. Sau khi bạn cho mọi người xem, còn lại gì? Đây là thế kỷ làm mờ cuộc sống của chúng ta".

Vậy phải làm sao đây? Quay lại với những chiếc máy ảnh polaroid? Rời bỏ mạng xã hội? Chỉ in ảnh trên giấy và treo chúng lên tường hoặc sưu tập chúng vào một album để cất trong ngăn kéo?

Nguyên tắc chủ đạo là sử dụng lý lẽ.

Dưới đây là một số lời khuyên thiết thực:

1.     Nếu nhận thấy mạng xã hội đang lôi kéo mình ra khỏi thực tế hoặc xa cách gia đình, thì nên hạn chế sử dụng hoặc tạm thời ngưng sử dụng. Bạn cũng có thể cân nhắc việc bỏ mạng xã hội, nếu nhận ra rằng những tổn hại nó mang lại nhiều hơn lợi ích.

2.     Chúng ta hãy tái khám phá thói quen in ảnh (và treo lên tường, nếu có cơ hội) những bức ảnh quan trọng nhất trong lịch sử gia đình mình.

3.     Tắt điện thoại di động vào những khoảnh khắc nhất định, để dành thời gian cho gia đình

4.     Kiềm chế cảm giác muốn chia sẻ trực tuyến để phục hồi cuộc sống ngoại tuyến, với những người mà chúng ta thân thiết. Việc tắt Internet vào những ngày đặc biệt có thể giúp bạn làm được điều này.

5.     Hạn chế tối đa việc để trẻ em tiếp xúc với mạng xã hội và Internet nói chung để bảo vệ quyền riêng tư của chúng và giảm thiểu nguy cơ liên quan đến nạn ấu dâm trực tuyến.

Chia sẻ