Skip to content
Main Banner
ĐẠI LỄ THÁNH PHANXICÔ (04/10) - Xét mô tả, dàn bài TL thần IV (07/10) - HỘI THAO MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ (12/10) - LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11)

Cosmology: Vũ Trụ Luận Hay Triết Học Tự Nhiên

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 08:58 UTC+7 97

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM

1696206119-cosmology.png

Trong mối tương quan giữa con người và vũ trụ có hai niềm khao khác tri thức căn bản. Trước tiên, con người muốn biết đâu là “ý nghĩa” của sự tồn tại hay thân phận của mình trong vũ trụ bao la vô hạn. Chắc hẳn phải có một nguyên nhân tối cao từ đó mọi sự đã xuất phát. Nổ lực đầu tiên truy vấn nguồn gốc của thiên nhiên đã được ghi lại trong các truyền thống tôn giáo cổ xưa và được lồng trong các huyền thoại về nguồn gốc của thần thánh và vũ trụ, truyền lại từ thế hệ này qua thế hệ kia. Nhưng có một loại câu hỏi khác mà con người đặt ra cho chính mình khi đối diện với vũ trụ, đó là về bản chất và cấu trúc của những thực tại đang tồn tại trong thế giới chung quanh. Bản chất của sự sống là gì? Cái gì làm cho mọi sự trong vũ trụ vận hành theo chu kỳ của nó? Đây là những câu hỏi “thế nào” mà khoa học cố gắng trả lời.


Cả hai quan điểm của tôn giáo và khoa học đều muốn giải quyết cho các vấn nạn trên đây một cách hợp lý. Quan điểm tôn giáo cho rằng con người là trung tâm của một vũ trụ được tạo dựng bởi Đấng Tạo Hóa tốt lành. Quan điểm này tìm cách lý giải về sự tồn tại của các yếu tố tiêu cực như thiên tai, bệnh tật, đau khổ và bất hạnh (sự dữ) trong khi cố gắng bảo vệ tính toàn năng và toàn thiện của Thiên Chúa (thần lý học). Còn quan điểm khoa học thì xem vũ trụ như là một phòng thí nghiệm vĩ đại để con ngưởi tìm hiểu và khám phá các qui luật tự nhiên. Vũ trụ là một cổ máy phức tạp, điều hành theo các nguyên tắc có sẳn, và vô tư và vô cảm trước hạnh phúc của con người. Triết học tự nhiên hay vũ trụ luận tìm hiểu nền tảng chung của hai quan điểm trên đây. Cùng với thần lý học (theodicy) và nhân học (anthropology), triết học tự nhiên dùng phương pháp suy tư của siêu hình học, nhưng triết học tự nhiên nghiên cứu các hữu thể biến dịch, do đó nó có cùng đối tượng nghiên cứu với khoa học thực nghiệm. Như thế, chúng ta cần phân biệt rõ hơn về mục đích và phạm vi của khoa học thực nghiệm và triết học tự nhiên.


Trong hơn hai thế kỷ qua với sự thành công và ảnh hưởng vượt bậc của khoa học thực nghiệm, chúng ta đã rơi vào thói quen hiểu khoa học và mục đích của nó theo nhãn quan hạn hẹp của khoa học thực nghiệm. Nhãn quan này không đủ phổ quát để cung cấp một định nghĩa chung cho khoa học. Theo từ nguyên của nó, khoa học có nghĩa là tri thức (scio, sciences). Nếu nhìn từ quan điểm lịch sử thì khoa học thực nghiệm chỉ là một đứa trẻ “sinh sau đẻ muộn,” như các khoa nhân chủng học, tâm lý học chiều sâu, etc., trong gia đình các bộ môn khoa học. Do đó, nếu nuốn xác định rõ hơn về bản chất và đóng góp của vũ trụ luận thì chúng ta cần tìm hiểu khoa học hay tri thức từ một góc độ phổ quát hơn là khoa học thực nghiệm, và phân biệt các phương pháp khác biệt của khoa học và triết học tự nhiên.


BA ĐẶC ĐIỂM CHUNG CỦA KHOA HỌC

 

Nhìn qua tiến trình phát triển của khoa học, chúng ta có thể nhận ra ba đặc điểm chung sau đây mà mọi bộ môn khoa học đều có. Trước tiên, mọi môn khoa học đều là những hệ thống tri thức, được gắn bó với nhau bằng những nguyên lý căn bản, có mục tiêu và đối tượng rõ ràng. Thứ đến, mọi hoạt động khoa học phải có những tiêu chuẩn minh bạch, vạch rõ giới hạn đâu là những thực hành mang tính khoa học hay phản-khoa học. Cuối cùng, khoa học phải cung cấp những tri thức chính xác, giải thích “nguyên nhân” của các sự kiện và tiêu chuẩn để xác định tính chính xác này. Khoa học chỉ có thể phát triển một cách chân chính nếu nó có những khả năng tự phê phán trên đây. Chúng ta hãy khải triển chi tiết hơn về ba đặc điểm căn bản trên đây của khoa học.


Thứ nhất, khoa học là một hệ thống tri thức được gắn bó bởi nguyên lý đầu tiên hay còn gọi là “Nguyên lý đệ nhất.” Đây là những chân lý nền tảng mà mọi lý luận của khoa học đều xuất phát. Nếu muốn xây một toà nhà trước tiên phải bắt đầu từ nền nhà, thì khoa học nào cũng phải có những nguyên lý đệ nhất mà dựa trên đó mọi hoạt động khoa học đều được biện minh. Nguyên lý đệ nhất phải là hiển nhiên vì chân lý của chúng không cần phải chứng minh. Chúng dựa trên lôgic phi-mâu thuẫn và các nguyên lý toán học như: (1) Tổng thể thì lớn hơn mỗi phần tử; (2) Nếu cả hai vế của một phương trình được cộng thêm hay trừ bớt cùng một số lượng thì sự cân bằng của phương trình sẽ không có gì thay đổi.


Đặc tính thứ nhì của khoa học là khả năng vạch rõ giới hạn giữa khoa học và phản-khoa học. Mọi lý giải và kết luận của nghiên cứu khoa học đều phải được minh chứng là có nguồn gốc từ những nguyên lý đệ nhất. Trong khi nguyên lý đệ nhất của khoa học là hiển nhiên, tức là, không thể chứng minh nhưng chỉ được “tiếp nhận”, thì những khám phá khoa học phải được suy diễn trong phạm vi các nguyên lý đệ nhất cho phép. Khoa “tướng số” hay “chiêm tinh” không thể là một khoa học chân chính, vì chúng khởi đầu dựa trên những nguyên lý xem như hiển nhiên đến từ kinh nghiệm sống (e.g. luật nhân quả), nhưng khi giải thích các kết luận thì rất là tùy tiện. Một ngành khoa học chân chính phải phân định rõ ràng đâu là đối tượng chất thể và đối tượng mô thể của nó. Khoa học phải vạch rõ đâu là giới hạn cho hoạt động mang tính khoa học. Mọi định đề khoa học phải được thống nhất với nguyên lý đệ nhất của nó. Một phát minh chỉ thật sự là “phát minh khoa học” khi nó tuân thủ cách xuyên suốt các nguyên lý đệ nhất của khoa học.


Đặc điểm thứ ba, tri thức mà khoa học cung cấp là chính xác bởi bởi chúng cho ta tri thức về nguyên nhân của mọi sự thay đổi, biến dịch trong thế giới vật chất. Vật lý học là khoa học về nguyên nhân làm cho vật thể chuyển động, cho dù đó là các hành tinh hay những nguyên tử vi mô. Hóa học nghiên cứu về nguyên nhân làm cho vật chất biến dạng hay tỏ hiện những đặc tính mới. Một khi nhà khoa học giải thích các chuyển động hay biến dịch, họ khẳng định tri thức của họ về nguyên nhân của những hiện tượng đó. Như thế, tri thức khoa học trở nên hữu ích vì nó cung cấp tri thức về nguyên nhân của những hiện tượng mà nó nghiên cứu. Tri thức khoa học không chỉ giải thích hiện tượng vật lý một các chính xác, mà còn có thể tiên đoán trong một phạm vi cố định về khả năng các hiện tượng sẽ xảy ra trong tương lai.


Nếu ba đặc điểm trên đây là phổ quát cho tất cả các bộ môn khoa học thực nghiệm, siêu hình học và triết học tự nhiên, thì để có thể phân biệt được các ngành khoa học này, chúng ta cần bàn đến các loại đối tượng khác nhau.


ĐỐI TƯỢNG CỦA KHOA HỌC

 

Mỗi môn khoa học được xác định bằng hai cách: đối tượng chất thể và đối tượng mô thể. Đối tượng chất thể xác định mục tiêu của bộ môn khoa học, về chủ đề nghiên cứu cụ thể. Ví dụ, đối tượng chất thể của môn côn trùng học là các loài sâu bọ. Đối tượng mô thể của một môn khoa học là nhãn quan, góc độ, cách tiếp cận hay khía cạnh qua đó đối tượng chất thể được nhà khoa học nghiên cứu. Chỉ có đối tượng mô thể mới khẳng định tính cách đặc thù của một khoa học. Ví dụ, thần học tín lý và thần học tự nhiên có cùng một đối tượng chất thể (Thiên Chúa) nhưng lại khác nhau về đối tượng mô thể (những gì được mạc khải thì khác với khả năng của lý trí). Trong lúc đó, sinh vật học tiến hoá và địa chấn học tiến hóa có cùng đối tượng mô thể nhưng khác nhau về đối tượng chất thể vì hai bộ môn khoa học này nghiên cứu vật chất khác nhau nhưng cùng một nhãn quan của thuyết “tiến hóa”.


Cả ba bộ môn khoa học khoa học thực nghiệm, triết học tự nhiên và siêu hình học đều có chung đối tượng là hữu thể, nhưng khác nhau về đối tượng mô thể. Siêu hình học và triết học tự nhiên có cùng một đối tượng mô thể (nghiên cứu hữu thể) nhưng khác nhau về đối tượng chất thể. Siêu hình học nghiên cứu hữu thể xét như hữu thể (ens qua ens), và triết học tự nhiên nghiên cứu hữu thể biến dịch (ens mobile). Trong lúc đó, khoa học thực nghiệm và triết học tự nhiên có cùng đối tượng chất thể (hữu thể vật chất) nhưng khác nhau về đối tượng mô thể (nguyên tắc nghiên cứu).


Trong khi chú tâm của triết học tự nhiên là “hữu thể biến dịch” (ens mobile), tức là hữu thể giới hạn trong phạm vi thay đổi, thì siêu hình học nghiên cứu hữu thể xét như hữu thể, không lệ thuộc giới hạn nào hết. Khi bàn về hữu thể biến dịch tức là nói về hữu thể vật chất tiêu biểu, loại hữu thể bị lệ thuộc và sự thay đổi và biến dịch trong mọi cách thức thể hiện chính nó. Như thế, cả đối tượng chất thể và mô thể của triết học tự nhiên chính là hữu thể vật chất trong sự toàn diện của nó. Trong khi khoa học thực nghiệm chỉ lưu tâm đến một số khía cạnh của thế giới vật lý, thì triết tự nhiên bao gồm mọi khía cạnh của vũ trụ vật chất.


Một sự khác biệt nữa là triết học tự nhiên là một loại khoa học suy lý hay tư biện (lý thuyết) trong lúc đó khoa học duy nghiệm là khoa học thực hành mà mục tiêu tối hậu là đưa đến hành động. Mọi hoạt động của loại tri thức thực hành là hướng về thiết lập các chỉ tiêu thực hành, như trong môn đạo đức học. Khoa học suy lý theo đuổi tri thức cho mục tiêu của chính nó. Triết học tự nhiên cũng được gọi là vũ trụ luận (cosmology), và Aristotle gọi nó là “physics” và siêu hình học là “meta-physics.” Ngày nay, cả hai môn siêu hình học về hữu thể vật lý và thiên văn học đều dùng chung từ “cosmology” nhưng hoàn toàn khác nhau về phương pháp. Do đó để tránh sự lầm lẫn, chúng ta sẽ dùng tên gọi triết học tự nhiên để nói về vũ trụ luận (cosmology).


ĐỐI TƯỢNG CỦA TRIẾT HỌC TỰ NHIÊN

 

Mọi ngành khoa học đều chú tâm vào một khía cạnh nào đó của hữu thể, nhưng siêu hình học nghiên cứu hữu thể như là hữu thể theo nghĩa phổ quát nhất (ens qua ens). Siêu hình học muốn đào sâu ý nghĩa của hiện hữu và mọi cách mà hữu thể thể hiện tính hiện hữu của nó. Siêu hình học được chia thành hữu thể luận và thần học tự nhiên (thần lý học). Hữu thể luận chú tâm và những khái niệm sơ khởi như bản thể, khác biệt giữa tiềm thể và hiện thể, yếu tính và tồn tại, và nhiều cách hữu thể thể hiện chính nó. Siêu hình học lưu tâm đến những nguyên nhân tối hậu của hữu thể và nguyên lý đệ nhất của mọi nguyên lý. Đóng góp quan trọng nhất của khoa siêu hình là chúng cho ta tri thức khách quan về những chân lý nền tảng về ý nghĩa của sự tồn tại của chính chúng ta. Hai câu hỏi quan trọng của siêu hình học là: (1) Chúng ta đến từ đâu (nguồn gốc của hiện hữu)? (2) Chúng ta đang đi về đâu (cứu cánh của hiện hữu)?


Trong phạm vi phổ quát của siêu hình học còn có triết học tự nhiên và triết học tinh thần. Triết học tự nhiên chỉ giới hạn vào các đối tượng vật chất có khả tính biến dịch theo như khái niệm “ens mobile” (hay “ens sensibile”), còn triết học tinh thần nhắm vào các đối tượng biến dịch vừa vật chất và vừa phi-vật chất theo như khái niệm “ens mobile animatum.” Nếu đối tượng chất thể của triết tự nhiên bao gồm tất cả mọi hữu thể vật chất thì toàn thể vũ trụ hiện hữu trong sự biến dịch của nó chính là đối tượng mà chúng ta cần phải nghiên cứu. Chúng ta đã có sẳn một số tri thức trực giác về biến dịch vì chính chúng ta cũng đang thay đổi. Chúng ta không chỉ quan sát hiện tượng biến dịch, nhưng chúng ta chứng kiến sự biến dịch như là những chủ thể đang thay đổi. Nhưng triết học tự nhiên muốn đi từ tri thức trực giác đến tri thức triết lý về biến dịch. Chúng ta nhận diện biến dịch khi chúng ta cảm nghiệm nó đang xảy ra. Nhưng nếu muốn đạt được tri thức triết lý về “bản chất” hay “yếu tính” của biến dịch là gì thì chúng ta cần phải đi sâu hơn vào hiện tượng biến dịch và loại hữu thể có khả tính biến dịch—đó chính là hữu thể vật chất (ens mobile). Tri thức triết học về biến dịch phải khách quan hơn là tri thức đến từ trực giác.


Do đó, trước tiên chúng ta phải hiểu khái niệm “hữu thể” (ens) trong cụm từ “ens mobile”. Trước khi biến dịch (mobile) thì phải có cái gì đó thực sự trải nghiệm sự thay đổi. Hữu thể đó phải là một thực thể vật lý và mang những yếu tính của vật chất như lượng tính, quãng tính (có sự tồn tại trải dài trong thời gian và không gian). Và một cách nhanh chóng chúng ta khám phá rằng với hữu thể vật lý thì sự những khía cạnh biến dịch, chuyển động, thời gian, không gian đều có sự gắn bó mật thiết với nhau. Khả tính biến dịch của hữu thể vật lý để lộ một đặc tính chung là tùy thuộc (bất tất), vì bản chất và sự tồn tại của chúng không tự có và cũng không hoàn toàn độc lập khỏi những yếu tố khác. Như thế thì câu hỏi được lý trí nêu ra là bản thể của hữu thể tùy thuộc là gì? Có gì khác biệt giữa yếu tính và hiện hữu, bản thể và phụ thể, bản thể bất tất và bản thể tất yếu? Cuối cùng, đâu là nguyên nhân tối hậu của biến dịch, e.g., nguyên nhân tác thành và nguyên nhân cứu cánh? Một khi tri thức con người cố tìm câu trả lời tối hậu cho loại câu hỏi này thì chúng ta đang đứng trước ngưỡng cửa thần học, khai triển mối tương quan giữa niềm tin tôn giáo và nguồn gốc của vũ trụ (Tạo Dựng hay Cánh Chung).


TRIẾT TỰ NHIÊN VÀ KHOA HỌC THỰC NGHIỆM

 

Siêu hình học là ngành căn bản nhất của triết học vốn điều phối mọi nguyên tắc suy tư của triết học. Triết học tự nhiên có chung đối tượng mô thể với siêu hình học, tuy vậy, vẫn có sự khác biệt giữa hai môn triết học này. Cả hai đều trăn trở với những câu hỏi hóc búa về hữu thể và đều đào sâu bên dưới hiện hữu để nắm bắt yếu tính của hữu thể. Siêu hình học có phạm vi rộng lớn hơn triết tự nhiên, vì nó xét hữu thể như là hữu thể nói chung (ens qua ens) và không loại trừ một khả tính gì của hữu thể.

 Trong lúc đó, triết tự nhiên giới hạn đối tượng nghiên cứu vào hữu thể vật chất, hữu thể mang khả tính biến dịch hay thay đổi (ens mobile), hữu thể vật lý hay thế giới vật chất.


Nhưng triết gia tự nhiên phải cẩn thận không dẫm chân lên khoa vật lý hay khoa siêu hình. Triết gia thiên nhiên không quên rằng đối tượng chất thể của mình chính là thế giới vật lý, nhưng đối tượng mô thể thì lệ thuộc phạm vi siêu hình. Mục tiêu của họ là khai triển tri thức nền tảng về hữu thể vật chất, bắt đầu từ hữu thể vật chất, những gì nghe, thấy, nếm, ngửi, và sờ được. Do đó, triết gia tự nhiên cần phải giữ mối tương quan lành mạnh với các ngành khoa học thực nghiệm. Cả hai bổ túc cho nhau. Triết gia tự nhiên không phải là nhà khoa học thực nghiệm, tuy rằng trên nguyên tắc, không có gì ngăn cản. Triết gia tự nhiên phải là người liên lĩ muốn học hỏi từ các môn khoa học thực nghiệm, cùng lúc phải có cái nhìn phổ quát và điều phối hơn là những gì nhà khoa học đang làm trực tiếp trong các phòng thí nghiệm. Công việc của hai bên không loại trừ nhau, như bổ túc cho nhau, cố gắng gia tăng sự hiểu biết con người về thế giới vật chất cả chiều sâu lẫn chiều rộng. 


Một nhà khoa học thực nghiệm lưu tâm đến các khía cạnh hiện tượng của hữu thể vật lý, tức là đưa ra những giải thích (nguyên nhân) từ những gì quan sát được. Nhà khoa học có thể không ý thức cách trực tiếp về yếu tính của hữu thể, nhưng họ vẫn dựa vào sự hiểu biết đó trong khi thí nghiệm và khám phá những khía cạnh khác của hữu thể. Họ vẫn giả định yếu tính đó đang được tỏ hiện qua những phẩm tính và khả năng hoạt động của thực thể mà họ đang nghiên cứu trong những điều kiện cụ thể. Nhưng triết gia tự nhiên phải chú tâm về yếu tính của hữu thể một cách trực tiếp và có ý thức. Triết gia tự nhiên cần phải nhìn thế giới vật lý một cách phổ quát qua một nhãn quan bao hàm và toàn diện hơn là khoa học thực nghiệm để nhận diện yếu tính chung của mọi hữu thể chuyễn động. 


Triết học tự nhiên quan tâm về vũ trụ như là tổng thể của hữu thể vật chất vì nó thể hiện những phẩm tính của hữu thể vật chất. Vũ trụ thay đổi theo những nguyên tắc hay định luật vốn xác định tính vật chất của nó. Trong khi đó, khoa học thực nghiệm thì chuyên biệt và nhắm vào khía cạnh đặc thù của thế giới vật chất để thiết lập tri thức, tiên đoán về hoạt động và thay đổi của các thực thể cá biệt hay tập thể. Cả khoa học thực nghiệm và triết tự nhiên đều bắt đầu từ quan sát cụ thể và những tri thức tiền-khoa học, nhưng khoa học thực nghiệm đi tìm nguyên nhân cụ thể để giải thích cho hoạt động bên ngoài, thì triết tự nhiên nhắm vào các nguyên nhân của biến dịch, nhưng để nói lên tính bất tất và tùy thuộc của hữu thể vật chất, và từ đó suy ra sự tồn tại của hữu thể tất yếu. Tuy nhiên, triết tự nhiên cũng cần phải bám sát vào những khám phá mới của khoa học thực nghiệm.


Nói chung, triết học tự nhiên cần tránh hai hố sâu: một bên muốn biến triết học tự nhiên thành siêu hình học, một bên muốn đồng dạng triết học tự nhiên với triết khoa học. Vì thế, triết học tự nhiên vừa phải bảo tồn cách suy tư của triết học (siêu hình học), mặc khác phải nhớ rằng đối tượng của mình bị giới hạn trong phạm vi thế giới vật chất (khoa học thực nghiệm).


TẦM QUAN TRỌNG CỦA TRIẾT HỌC THIÊN NHIÊN

 

Kể từ cách mạng khoa học ở thế kỷ 17, nhiều khoa học gia không còn nhận ra giá trị của triết tự nhiên nữa. Đến thế kỷ 19, nhiều nhà khoa học, bị ảnh hưởng bởi thành tích đáng kể của khoa học thực nghiệm, kết luận là chỉ có khoa học thực nghiệm mới là đỉnh cao của trí tuệ con người. Khoa học thực nghiệm được xem là có khả năng duy nhất và tối hậu giải quyết mọi vấn nạn của nhân loại. Khoa học thực nghiệm chính là “vương miện” của tri thức loài người, sẳn sàng gạt bỏ mọi hình thức tri thức “thấp kém” và thô sơ hơn trước đây (tôn giáo, triết học, thần học). Tuy nhiên, khuynh hướng tuyệt đối hóa khoa học này đã phủ lên nó một sự hào nhoáng giả tạo và làm băng hoại các nguyên tắc chân chính của khoa học thực nghiệm. Hậu quả là chủ nghĩa duy khoa học (scientism) đã mặc lấy thái độ bất khả tri, bài tôn giáo, loại trừ mọi suy tư thần học và hoài nghi các nền tảng siêu hình của triết học cổ điển. Giá trị của triết học thiên nhiên bị gạt bỏ. Cách mạng khoa học đã đánh mất cái nhìn khiêm tốn về tri thức khoa học của thời Trung Cổ.


Sau cách mạng khoa học, triết học tự nhiên có khuynh hướng bị lôi cuốn theo hai thái cực. Quan điểm thứ nhất thì rất tiêu cực về khoa học thực nghiệm, và một cách đơn sơ loại bỏ mọi khám phá chân thực mà khoa học đã đạt được. Quan điểm này cho rằng chỉ có triết học mới cung cấp tri thức chân chính và phổ quát về thế giới, không cần phải viện vào khoa học thực nghiệm vốn chỉ dựa trên sự quan sát về các hiện tượng bên ngoài. Quan điểm thứ nhì từ bỏ con đường của triết học tự nhiên, cho rằng phương pháp cổ hủ này không còn thích ứng để nghiên cứu thế giới vật chất ngày nay, và khẳng định rằng triết học tự nhiên nên theo đuổi hướng đi của triết khoa học nếu muốn tiếp tục tồn tại.


Tuy nhiên, triết học tự nhiên không phải là triết khoa học vì hai môn học thuật này có đối tượng mô thể khác nhau. Triết khoa học (philosophy of science) có trách nhiệm phân tích phương pháp tư duy của khoa học thực nghiệm, giá trị thực nghiệm của lôgic suy diễn và qui nạp đang áp dụng trong khoa học. Trong lúc đó, triết học tự nhiên (philosophy of nature), dựa trên các nguyên lý siêu hình và viễn tượng phổ quát hơn khoa học thực nghiệm, muốn đạt đến tri thức triết học về thế giới vật chất. Khác với khoa học thực nghiệm, triết học tự nhiên có trách nhiệm cung cấp cho chúng ta tri thức phổ quát về hữu thể vật lý, trong toàn thể phẩm tính căn bản và giới hạn của nó. 


Nếu như không có sự mâu thuẫn giữa đức tin và lý trí, thì cũng không có sự mâu thuẫn giữa triết tự nhiên và khoa học thực nghiệm. Cả hai đều diễn tả chân lý về hữu thể vật lý, một thực tại mà không một loại ngôn ngữ nào có độc quyền thể hiện cách hoàn toàn và đầy đủ. Cả hai đều cần lẫn nhau. Nhà vật lý mô tả hoạt động hay thay đổi của thực thể vật chất bằng những lượng tính chính xác. Triết gia tự nhiên nhìn chuyển động của thực thể vật chất như là trường hợp đặt thù nói lên yếu tính của hữu thể vật chất. Nhà vật lý lưu tâm về tính của chuyển động của vật thể tại đây và lúc này, nhà triết học chú tâm về chuyển động như là một khả tính của hữu thể vật chất. Triết học tự nhiên luôn theo dõi những khám phá mới của khoa học thực nghiệm hầu để học hỏi thêm về những căn tính sâu sắc nhất của vũ trụ vật lý.


Sự hiểu biết về thế giới vật lý mà khoa học thực nghiệm ngày nay đã đạt đến cao độ phức tạp và đa dạng ngoài tầm nắm bắt của bất cứ một môn khoa học chuyên biệt nào. Tuy nhiên, tri thức khoa học về thế giới vật lý không chỉ là tri thức độc nhất về thế giới. Trí tuệ con người không chỉ thỏa mãn với tri thức khoa học mà còn muốn vươn lên hơn nữa. Trí tuệ con người hầu như đã được tạo thành để vượt qua giới hạn của thế giới khả giác và nắm bắt thế giới khả tri. Triết học tự nhiên có trách nhiệm thỏa mãn các nhu cầu này của trí tuệ. Triết học tự nhiên không thể dừng chân với những gì khoa học thực nghiệm cung cấp. Tri thức làm cho triết học tự nhiên hãnh diện phải là tri thức đem đến sự ngạc nhiên về hữu thể vật chất, trong muôn vàn cách thể hiện của nó nhưng lại tuân thủ theo một trật tự của vũ trụ vật lý, vốn làm cho chúng ta phải tự hỏi về nguốn gốc và cứu cánh của mọi sự tồn tại. Đó chính là mục tiêu cuối cùng của triết học tự nhiên.


Chia sẻ