Con Người -- trong tư tưởng của Thánh Phanxicô và Thánh Clara thành Assisi (II)
CLARA THÀNH ASSISI VÀ CON NGƯỜI
Rất đáng tiếc, chúng ta chỉ có một vài cảo bản của Clara, nhưng may là còn có một vài lá thư và ít tài liệu liên quan đến việc thành lập dòng Các Chị Em Thanh Bần (còn gọi là các Clara Thanh Bần hay là Dòng Thánh Clara). Qua những tài liệu này chúng ta có thể thấy cách Clara am hiểu về con người, cách ngài nhìn cảm thức về chính mình trong mối tương quan với người khác và những gì ngài hy vọng nơi kẻ khác, đặc biệt là nơi chị em của ngài. Như Phanxicô, Clara xem đời sống con người là thánh thiêng vì mầu nhiệm Nhập thể--tình yêu cao cả của Thiên Chúa bày tỏ qua cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Ngài nhận diện sự hiệp thông sâu xa, mà Bí tích Thánh Thể tôn vinh, giữa Thiên Chúa và loài người và giữa con người với anh chị em của họ và với tất cả tạo vật. Tuy nhiên, Clara, đã sống những niềm xác tín này theo cách thức độc đáo cùng với chị em của ngài.
Ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời của Clara Assisi là cảm nghiệm về “Đức Kitô khó nghèo” trong Tin Mừng. Ngay cả trước khi gặp Phanxicô, Clara đã nổi tiếng vì lòng đạo hạnh và sùng kính. Tuy nhiên khi nghe Phanxicô giảng dạy và sau khi có cơ hội gặp riêng, Clara đã nhận ra ơn gọi của ngài là bước theo một cuộc sống cầu nguyện trong chiêm niệm. Ơn gọi của ngài là sống hoàn toàn cho ước vọng sâu sắc vô biên muốn trưởng thành trong linh đạo và bước theo dấu chân Đức Kitô trong khuôn viên của đan viện San Damiano.
Đời sống đan tu của Clara thường thì khó cho các Kitô hữu ngày nay có thể tưởng tượng hay am hiểu được, bởi vì đối với đa số chúng ta, cuộc sống thường ngày luôn đầy ắp những hoạt động, hình ảnh, âm thanh liên tục dồn dập, và gò bó chúng ta trong tư thế luôn luôn bận rộn. Tuy thế, chúng ta ai cũng đã có lần kinh nghiệm “Tôi muốn một điều gì đó quá sức đến nỗi tôi có thể nếm được nó!” Đó là cường độ của lòng ao ước và khao khát mà Clara đã cảm nghiệm trong mối tương quan của ngài với Đức Kitô. Một khi chúng ta cảm thức được niềm khát vọng khó toại nguyện như thế, thì không gì khác có thể thỏa mãn chúng ta hơn là đạt cho được đối tượng của sự khao khát của chúng ta. Điều này cũng giống như Clara và các Chị Em Thanh Bần. Họ theo đuổi mãnh liệt mối tương quan mật thiết với Đức Kitô. Qua lăng kính của những khát vọng sâu xa và trọng yếu đó, các tiêu chuẩn đầy ý nghĩa cho sự thành công trong đời sống Kitô hữu, như việc rao giảng và giáo huấn, đã chuyễn hướng. Đối với Clara và các Chị Em Thanh Bần, thành công được đo lường bằng những thực tại vô hình và thanh suốt--phát triển tinh thần, lòng nhân từ, biến đổi và hoán cải của con tim.
Là một học trò của Phanxicô, cách Clara am hiểu về con người, tương tự như trên, được đúc kết từ Tin Mừng. Nhập thể, cuộc Khổ nạn của Đức Kitô và Bí tích Thánh Thể đối với Clara--cũng như với Phanxicô—là một sự mặc khải đặc biệt. Tuy nhiên, ơn gọi đặc thù của Clara và sự đóng góp vào lối sống Phan Sinh chính là sự nhấn mạnh vào các chiều kích “nội tại” của đức tin Kitô giáo theo cách thức má đã mang lại ảnh hưởng trên đời sống của ngài, vũ trụ quan của ngài và cuộc sống của biết bao người khác qua hàng thế kỷ. Như Regis J. Armstrong viết: “Ngài đã thu nhận trực kiến của Tin Mừng do thầy của ngài trao lại và đúc kết chúng theo một hình thức mới và khắc khe hơn, qua đó, cho chúng ta thấy một cách rõ ràng và thanh suốt Thần Khí của Tình Yêu Tin Mừng đang đem lại sinh khí cho Ngài.”
Clara bị lôi cuốn cách đặc biệt đến với Đức Giêsu như là “Đức Kitô khó nghèo” trong Tin Mừng, và ngài đã cố gắng bắt chước Chúa và chú tâm vào Chúa. Đức thanh bần là chiều kích trọng tâm của Tin Mừng theo quan điểm của Clara. Ngài được thuyết phục rằng sống nghèo khó nhiệm nhặt về vật chất là cách thế tốt nhất mà ngài và các Chị Em Thanh bần có thể phù hợp đời sống của họ với Đức Kitô. Tuy nhiên, trong khi ngài tin rằng sống nghèo hèn khổ hạnh giúp con người tập chú vào Đức Kitô, ngài cũng hiểu rằng Tin Mừng đòi hỏi trên hết mọi sự là một biến đổi của con tim, điều mà chỉ mình Thiên Chúa mới có thể làm được.
Phanxicô và các Anh em đã đi khắp cùng thế giới như những kẻ lử hành nghèo khó, rao giảng và làm những việc từ thiện, tự nuôi mình bằng lao động và xin của bố thí. Tuy nhiên, Clara và các Chị Em Thanh bần sống tại San Damiano và các nơi khác lại hoàn toàn phụ thuộc vào sự chăm sóc và lòng quảng đại của người khác. Trong khi Anh Em hèn mọn lập kế hoạch rộng lớn cho tương lai của sứ vụ và mục vụ của họ, thì Clara và các Chị Em Thanh bần lại dũng cảm và nhẫn nại nương tựa vào Thiên Chúa, bày tỏ niềm tin sâu xa vào tình yêu, sự chăm sóc và quan phòng của Thiên Chúa. Ở đây, chúng ta có hai lối diễn tả khác biệt của truyền thống Phan Sinh; tuy nhiên theo lối sống của Clara chúng ta có thể tìm thấy nền tảng cho cùng bốn khía cạnh tích cực về nhân tính giống như chúng ta đã tìm thấy nơi Phanxicô. Bây giờ chúng ta tra cứu các khía cạnh này như đã được diễn đạt qua đời sống và giáo huấn của Clara.
1. Con người được tạo dựng theo hình ảnh và giống như Thiên Chúa và vì thế mỗi người đều có một phẩm giá bất khả xâm phạm.
2. Nhân tính chân chính đòi hỏi phẩm giá này phải được thể hiện một cách cụ thể và hiện thân trong đời sống hằng ngày.
3. Dù con người có một phẩm giá đặc thù và bất khả xâm phạm, loài người cũng là tạo vật của trái đất, cùng chung sống với các loài tạo vật khác của trái đất.
4. Sự chết về thể lý là một phần của đời sống con người.
Nhập thể và Nhân Phẩm
Hình ảnh của Đức Kitô gần nhất với trái tim Clara là “Thiên Chúa, Đấng đã được đặt một cách nghèo khó trong máng lừa, sống nghèo khó ở trần gian, và bị treo trần truồng trên thập giá” (DcCl 45). Trong lá thư thứ tư gửi Agnes thành Prague, Clara thốt lên sự sửng sốt tuyệt đối của ngài về sự việc Con Thiên Chúa vinh hiển lại nằm trong một máng lừa thấp hèn:
Hãy nhìn xem phần viền của tấm gương: đó là sự nghèo khó của Đấng được đặt nằm trong máng cỏ, bọc trong tã thô hèn. Ôi sự khiêm nhường kỳ diệu, Ôi sự nghèo khó lạ lùng! Đức vua của các thiên thần, Chúa tể trời đất, mà lại nằm trong một hang lừa! (T4Ag 19-20)
Đây là câu chuyện về Nhập Thể. Tình yêu đại lượng của Thiên Chúa được diễn đạt qua xác thịt con người. Vì khi con người được yêu như thế tức là được kính trọng và ân ban phẩm giá vượt trên mọi đo lường. Như Clara đã khuyên Agnes thành Prague, chỉ có cách đáp trả tương xứng với sự xác nhận kỳ diệu về nhân tính của chúng ta là “… hãy để bà được bừng cháy mạnh mẽ hơn nữa với nhiệt tình của đức ái” (T4Ag 27). Loài người chúng ta được Thiên Chúa yêu thương quá đỗi đến nỗi Thiên Chúa qua Đức Kitô đã chọn để nên một với chúng ta trong nhân tính chúng ta. Như tình nhân của một tình nhân, chúng ta chỉ có thể đáp trả một cách thích đáng bằng cách đón nhận tình yêu Thiên Chúa và cho phép nó thấm nhuần vào bản chất của chính chúng ta và đáp trả lại bằng tình yêu cho Thiên Chúa và tha nhân.
Thực vậy, được va chạm với tình yêu là một kinh nghiệm đổi đời. Khi người ta “đang yêu” họ hành động khác hẳn--họ cười nhiều hơn, ánh mắt họ lấp lánh, họ trở nên tích cực và quảng đại hơn với tha nhân. Mục tiêu của Clara và các Chị Em Thanh bần là càng trở nên yêu thương và quảng đại như Đức Kitô Nhập thể. Đây là cách họ sống thực tại của sự Nhập thể.
Cuộc Khổ nạn và Nhân phẩm
Đối với Clara, có lẽ chiều kính thuyết phục nhất về Đức Kitô nghèo khó chính là cuộc khồ nạn của Ngài. Thật vậy, hình ảnh Đức Kitô đau khổ chiếm một vị thế trung tâm của tiến trình bốn phần của kinh nguyện mà Clara giới thiệu cho Agnes thành Prague:
Hôn phu của bà, dù xinh đẹp nhất giữa con cái loài người, vì ơn cứu rỗi của bà, đã trở thành kẻ thấp hèn nhất, bị khinh dể và đánh đập, toàn thân tan nát vì đòn vọt, lại chịu chết đau đớn trên thập giá.
Vậy, tâu hoàng hậu cao sang,
hãy chăm chú nhìn Người,
suy niệm đến Người,
chiêm ngắm Người,
như bà ao ước noi gương Người.
Nếu bà cùng chịu đau khổ với Người, bà sẽ cùng hiển trị với Người.
Nếu bà sầu khổ với Người, Bà sẽ vui sướng với Người.
Nếu bà cùng chết với Người trên thập giá gian truân, Bà sẽ đạt được lâu đài thiên quốc trong sự huy hoàng của các thánh, và trong Sổ Trường Sinh, tên bà sẽ được vinh hiển công bố giữa loài người (T2Ag 20-22.)
Qua cầu nguyện suy niệm, trong tình yêu chiêm niệm về cuộc khổ nạn của Đức Kitô, phẩm cách và giá trị con người có thể được khẳng định và biến đổi cho cả đời. Trong tiến trình lớn lên và trưởng thành của con người, phẩm cách và giá trị của một đứa trẻ được củng cố khi nó bắt đầu hiểu về tình yêu của bố mẹ, người mà nó thấy phải làm thêm việc cho đến khuya mới đủ để chu cấp cho gia đình nhưng không bao giờ quên thức dậy sớm vào mỗi buổi sáng để gói phần ăn trưa để con đem theo lên trường và nấu điểm tâm cho con ăn trước khi đi học. Tương tự như thế, người ta có thể xác nhận và củng cố kiến thức về nhân phẩm của chính mình qua việc chiêm ngưởng cuộc khổ nạn của Đức Kitô. Qua sự đồng cảm “cùng-đau khổ” với Đức Kitô, chúng ta có thể cảm thức được tình yêu không lay chuyễn của Thiên Chúa dành cho chúng ta và được thúc đẩy yêu thương tha nhân theo cách thức như vậy.
Bí tích Thánh thể và Nhân Phẩm
Clara đã rước Thánh Thể thường xuyên trong thời đại mà điều này không phải là một thói quen. Thật vậy, sự kính trọng cao cả của Clara đối với Thánh Thể được biểu thị không chỉ trong việc rước lễ thường xuyên nhưng cả trong cách ngài xử lý các phụ dụng liên hệ đến Bí Tích này. Ngay cả khi lâm bệnh nặng, Clara vẫn làm các khăn thánh bằng vải tốt để dùng trong các nhà thờ trong vùng Assisi. Ngài đã có những cái hộp đặc biệt lót bằng lụa tím (loại lụa theo truyền thống dùng làm phẩm phục cho hoàng gia) trong đó đựng các khăn thánh để được mang đi, thường là các tu sỹ, tới những nhà thờ cần chúng.
Có lẽ ví dụ được biết tốt nhất về lối Clara am hiểu về quyền năng của sự hiện diện thực sự của Đức Kitô trong Thánh thể được tìm thấy trong bài tường thuật về việc ngài đẩy lui quân Saracens, những kẻ xâm nhập vào San Đamianô, với mục đích tàn phá thị trấn Assisi. Khi Clara đã nghe rằng người Saracens đã xâm nhập vào đan viện, ngài bảo mang ra một hộp nhỏ trong đó lưu trử Thánh thể của Chúa Giêsu Kitô chúng ta. Sau đó, Clara cầu nguyện, xin Chúa bảo bọc các chị em của ngài, bởi vì ngài bất lực trước việc đó. Các tường trình khác cũng mô tả sự cố tương tự nhưng nhấn mạnh vào việc Clara xin toàn thể cộng đoàn cùng cầu nguyện với ngài, và lời cầu của họ đã được đáp trả. Người Saracens rút lui, trả lại sự an bình cho Chị Em Thanh Bần lẫn thị trấn. Một cách tỏ tường, trong tâm trí Clara không có một dấu vết nghi ngờ về Đấng đã yêu nhiều đến nỗi Người đã tự hạ mình hiện diện trong Thánh thể thì cũng sẽ bảo vệ phẩm giá của các Chị Em Thanh Bần và quê hương Assisi yêu dấu của ngài.
Clara đã đòi hỏi tất cả mọi người gia nhập với các Chị Em Thanh Bần phải tin nhận sự hiện diện thật sự của Đức Kitô trong bí tích Thánh Thể, như Giáo Hội đã dạy. Clara đã cho thấy phẩm giá của ngài về Bí tích Thánh thể bằng cách đề cập đặc biệt về nó trong Luật dòng của ngài. Ngài dành ngoại lệ cho các tuyên uý được vào nội vi cử hành Thánh Lể cho cả các chị em đau ốm và khoẻ mạnh. Và ở một thời điểm mà việc rước Thánh thể thường xuyên là ngoài lệ hơn là luật, ngài đặc vào Luật dòng việc đòi hỏi các Chị Em Thanh bần phải rước lễ ít nhất bảy lần một năm. Điều đó không khó để đi đến kết luận rằng, như một người Công giáo và như tình nhân của Đức Kitô khó nghèo, Clara đã cảm thức được sự hiện diện tình yêu tuyệt diệu của Đức Kitô trong Bí tích Thánh thể. Nơi đó ngài đã cảm nghiệm một sự xác nhận đầy quyền năng về phẩm giá của mình.
Có lẽ chúng ta có thể bắt đầu thấu hiểu về nhân tính của ngài, nếu chúng ta phản tỉnh cảm giác mà chúng ta có khi đang ở bên cạnh người bạn chí thân hoặc với một người nào đó mà chúng ta biết họ yêu chúng ta. Trong trạng thái như thế, không khó đáp trả tình yêu và để mình được thay đổi qua tiến trình giao tiếp. Đây chính là sự huyền bí của Bí tích Thánh thể và nhân phẩm đối với Clara và đối với chúng ta. Một khi chúng ta cảm thức nhân phẩm của chúng ta, xuyên qua ánh mắt của người khác, chúng ta có được cảm hứng và sức năng để tiếp tục đem cảm nghiệm này đến cho kẻ khác.
Hiện Thân Của Nhân Phẩm: Bước Theo Dấu Chân Đức Giêsu.
Không có gì nghi ngờ trong việc Đức Giêsu là mẫu mực cho cả Phanxicô và Clara, Đấng mà họ kiên quyết đi theo. Thật vậy, Clara đã khích lệ Agnes Prague vì đã chỉ thi hành việc này: “Như người nhiệt thành cho sự thánh thiện tột đỉnh của Đức khó nghèo, trong tinh thần của sự khiêm hạ cao cả và đức mến nồng nàng nhất, chị hãy bám sát theo dấu chân của Người (1Pr 2, 22), với Đấng mà chị đã xứng đáng được kết hợp như một hiền thê”(2LAg7). Mặc dầu Clara đã không sử dụng văn phong như Phanxicô đã dùng, chắc chắn Chị đã đi theo Đức Giêsu trong mọi cách và đã thấy việc noi gương Người như là sứ mạng của đời Chị. Thật vậy, thực tại về việc Clara noi gương Đức Kitô thì quá tỏ tường đến nỗi nó đã được Đức Giáo Hoàng Innocentio IV dùng như một lý do để phê chuẩn Thể Thức Cho Đời Sống của Clara (Luật):
Bởi vì các chị đã từ chối sự lộng lẫy và hoan lạc của thế gian và bước theo dấu chân của chính Đức Kitô (x. 1Pr 2, 21) và Mẹ Rất Thánh của Người, các chị đã chọn sống khép kín về thể lý và phục vụ Thiên Chúa trong đức khó nghèo cao cả, mong các chị trong tự do tâm linh sẽ là những đầy tớ của Thiên Chúa (LCl 2).
Chúng ta có thể kết luận từ điều này là có một cái gì đó đang tiến triển trong đời sống Clara mà đã đánh động người khác về Đức Kitô.
Phương cách Clara cụ thể hóa nhân phẩm chắc chắn có liên hệ đến đời sống chiêm niệm, sự đau khổ trầm lặng, thực hành tinh thần nghèo khó, sống đơn giản như người nghèo, và sống đức ái trong cộng đoàn. Tuy nhiên chúng ta biết rằng San Đamianô không phải bị cô lập kín mít tách khỏi thế giới bên ngoài. Có nhiều chuyện kể về Clara và các Chị Em Thanh bần tiếp nhận người nghèo và người đau khổ trong vùng và giúp đỡ họ cả tinh thần lẫn nhu cầu căn bản của đời sống. Thật vậy, Clara được biết về năng khiếu chữa lành của ngài. Chẳng hạn, một người anh mất trí, một bé trai với viên sỏi kẹt trong mũi, một bé trai bị bệnh sởi, một đứa bé với vảy cá trên mắt, tất cả được ngài chữa lành. Thể thức sống của Clara là đặt biệt qua các nhiều tương tác với thế giới bên ngoài nội vi đan viện.
Clara đã am hiểu một cách chắn chắn rằng ơn gọi của ngài không chỉ là một tình tự riêng tư với Thiên Chúa, nhưng là một cuộc sống tận hiến cho Giáo Hội, và cho cả thế giới. Ngài viết trong lá thư thứ ba gửi Agnes Prague: “Tôi xem chị như là cộng sự viên của Thiên Chúa (x. 1Cr3,9; Rm16,3) và là người nâng đỡ các chi thể yếu đuối trong thân thể khôn tả của Người” (3LAg8). Như thế phẩm giá mà Clara và các Chị Em Thanh bần đã cảm thức trong đời sống chiêm niệm được thực hiện một cách tỏ tường trong nhiều cách bên ngoài các bức tường nội vi.
Trong khía cạnh này, Clara và các chị em của ngài đã cung cấp một khuôn mẫu cao cả cho lối sống tôn trọng nhân phẩm một cách chân thật. Họ cho thấy rằng điểm khởi đầu quan trọng để sống như thế chính là ý thức về cái tôi được đảm bảo qua sự am tường đích thực về nhân đức khiêm hạ. Được bén rễ từ trong tình yêu Thiên Chúa, mối liên hệ của họ với tha nhân vượt xa lối quen thuộc sơ sài hay giao tế để làm ăn buôn bán. Elizabeth A. Dreyer vạch ra rằng mối liên hệ giữa các chị em được đánh dấu bởi sự kết giao tình bạn đích thực. Không chỉ mối quan hệ của họ kết nối thân thiện và được bắt rễ từ sự khiêm hạ, mà còn mang tính cách hỗ tươn. Và như Margaret Carney đã nhận thấy, có ba khía cạnh cho sự yêu mến hổ tương này: “(1) cá nhân các chị em qua hoạt động của họ góp phần tạo dựng môi trường yêu thương; (2) đan viện mẫu và các vị hữu trách của cộng đoàn có trách nhiệm đặc biệt để nuôi dưỡng và thúc đẩy lòng mến; (3) cơ cấu và nội qui của cộng đoàn đóng góp vào sự công bằng cơ bản mà làm cho đức ái trở thành thực tại.”
Nhân phẩm được thể hiện trong khi đáp ứng những nhu cầu tâm lý và sự tha thứ giữa các chị em. Qua thái độ và thực hành hằng ngày, giá trị của nhân phẩm được phô bày. Với một sự nhạy cảm tuyệt vời tân thời đối với những điều kiện thiết yếu để nâng đỡ một phẩm tính con người lành mạnh, Clara trong luật của ngài, hoạch định một cách sống phản ảnh lòng sùng kính và tôn trọng cho đời sống con người. Chẳng hạn, chương 5 câu 4 nói rằng: “khi cần thiết (Chị Em) có thể trao đổi với nhau một cách ngắn gọn và nhỏ tiếng, mọi lúc và mọi nơi.” Đây là một thừa nhận đơn giản rằng “giao tiếp” với người khác có thể cung cấp một ý thức về giá trị và mối quan hệ của mỗi cá nhân. Không con người nào có thể sống lâu dài trong cô lập. Mặt khác, nếu chị em dính líu vào trong chuyện ngồi lê đôi mách hoặc nếu có bất cứ thương tổn nào gây ra cho một chị em bởi chị em khác, thì người gây ra vấn đề phải, trước khi dâng lời cầu nguyện của chị ấy lên Thiên Chúa, không những phủ phục cách khiêm hạ lập tức dưới chân chị kia và xin tha thứ nhưng còn phải xin chị ấy chuyển cầu cho mình trước mặt Chúa, để Người tha thứ cho. Phần chị kia hãy nhớ lời Chúa: “Nếu ngươi không hết lòng tha thứ thì Cha trên trời cũng sẽ không tha thứ cho ngươi,” và hãy rộng lòng tha thứ mỗi một điều sai quấy chị kia đã gây ra cho mình (RCl 9, 6-10).
Sự khoan hồng trong cách tha thứ trên đây được rập khuôn không gì khác hơn là từ chính tình yêu cao cả của Thiên Chúa dành cho mỗi cá nhân. Sẽ hhông bao giờ thấy được một sự tôn kính cao cả hơn về nhân tính!
Clara tổ chức cộng đoàn qua cách sử dụng cơ chế phân quyền. Dù đã trao chức danh “Đan viện Mẫu,” chị không bao giờ sử dụng nó để phóng đại cá nhân mình, và chị hiếm khi áp dụng toàn quyền lực trên các chị em mà qui luật cho phép. Theo Luật Dòng của chị, chức Đan viện Mẫu phải được chọn với sự đồng ý chung. Đan viện Mẫu là người “tổ chức tu nghị hàng tuần,” “công khai thú nhận công khai thiếu sót của mình” và “duy trì sự hiệp nhất, tình yêu hỗ tương và bình an” (Luật Dòng Clara 4: 15-16. 22). Ngôn ngữ có tính chất gồm hàm (inclusive) và tham kiến thường được sử dụng trong thư văn của Clara, như một số cụm từ “lối sống của chúng ta,” “luật của chúng ta” hay “cuộc sống tận hiến của chúng ta.” Có thể nói rằng Clara chọn hành sử quyền lực của chị với các chị em hơn là trên họ. Thực ra, chị dự liệu qua Luật Dòng của chị để các Chị Em Thanh Bần được tham gia đầy đủ trong việc điều hành cộng đoàn. Rõ ràng, Clara đã đề cao sự hỗ tương.
Mặc dù Clara và các Chị Em Thanh Bần thực hành các kỷ luật thể lý, họ vẫn duy trì sự tôn trọng cho thân xác con người. Ý thức nhân phẩm của thánh Clara đòi hỏi một sự kính trọng bình đẳng cho tất cả mọi người. Chị không coi thường việc cư xử riêng biệt với mỗi chị em tùy theo tính riêng hay nhu cầu thân xác riêng tư của mỗi người. Ai cũng biết, trong thời thánh Clara, thân xác người nữ bị xem là tội lỗi và yếu đuối, và vì vậy người nữ thường ép mình vào việc ăn chay hãm mình khắc khổ và những luật lệ tự nhiên khắc nghiệt khác. Có chứng cứ cho rằng một số người đã thấy nguyên tắc nghèo khó của Clara quá khắc nghiệt và cố thuyết phục chị thay đổi Cách Thức Sống của chị. Tuy nhiên, theo Ingrid J. Peterson:
Không phải Clara thành Assisi hay các phụ nữ làm chứng cho Chị nói về nhu cầu làm việc đền tội thân xác là bởi do thân xác phụ nữ là tội lỗi. Trong Thư Thứ ba Gởi cho Agnes, Clara công nhận rằng thân xác là yếu đuối, đó chính thực là lý do Clara khuyên Agnes không nên giữ chay quá khắc khổ.
Thực ra, Clara đã tôn trọng thân xác Đức Trinh Nữ Maria như ngai tòa của Thiên Chúa trên mặt đất, bởi vì Mẹ mang Đức Giêsu, Con Thiên Chúa, vào thế giới. Trong tâm trí Clara, thực tại này đảm bảo cho chị phẩm giá của thân xác con người như là một nơi cư ngụ cho Thiên Chúa trên trái đất.
Hơn nữa, thư của thánh Clara gởi cho Agnes thành Prague chứa đầy dẫy những hình ảnh tiếp nhận qua cảm thụ của con người, diễn tả quyền lực diệu kỳ, vẽ đẹp của chiêm niệm và kết hợp với Thiên Chúa. Một ví dụ sau đây cho ta thấy rõ:
Hạnh phúc thay cho chị nào được mời tham dự bữa tiệc thánh này để chị ấy gắn bó hết lòng với Đức Kitô, Đấng mà sắc đẹp mọi thần thánh trên trời phải liên tục ngưỡng mộ, Đấng mà tình yêu khích động mọi sự, Đấng mà chiêm niệm sẽ làm thanh sạch, Đấng mà sự tốt lành làm no thỏa, Đấng mà trí nhớ chiếu soi một cách say mê, Đấng mà hương thơm làm cho kẻ chết sống lại, Đấng mà trực kiến vinh quang của Ngài sẽ chúc lành mọi công dân Giêrusalem Thiên quốc, vì lẽ chính đó là sự tráng lệ của vinh quang vĩnh cửu, và làsự rực rỡ của ánh sáng bất diệt và tấm gương không hề bị hoen ố. (4LAg 9-14).
Thân xác là yếu tố mà làm cho mỗi con người trở nên có một không hai và giúp con người kinh nghiệm những cách thức mà Thiên Chúa tỏ mình cho chúng ta. Clara nhìn việc ăn chay quân bình như một nguyên tắc tích cực, vì lạm dụng thân xác thì không phải là một điều kiện cần thiết để đón nhận tình yêu Thiên Chúa. Trong thực tế, Clara đã thường xuyên miễn chuẩn cho những chị em trẻ và đau bệnh, cũng như người làm việc bên ngoài đan viện được miễn giữ chay. Thân xác con người là tốt và có giá trị, và phẩm giá con người đòi hỏi chúng ta phải chăm sóc thân thể chúng ta.
Trong mối quan hệ giữa Phanxicô và Clara có một sự bình đẳng và kính trọng lẫn nhau. Đây không phải là một mối tình lãng mạn, nhưng đúng hơn là một tình bằng hữu linh thiêng và sâu thẳm nuôi dưỡng bởi một khao khát chung cho Thiên Chúa và một sự say mê cuộc sống. Cùng nhau, họ lập nên những lối sống Tin Mừng mới. Cho dù có nguy cơ là hành động đó của họ có thể làm cho người khác ngờ vực, xem như là một việc tai tiếng, hoặc thậm chí bị xét đoán là lạc giáo, họ chia sẻ và nâng đỡ nhau qua việc dạy dỗ, lời cầu nguyện, định hướng, đau khổ và thành công. Tuy nhiên, xuyên suốt, họ luôn duy trì tính cách cá biệt và mẫu mực sống riêng tư của họ. Điều quan trọng đáng lưu ý là cả hai đều nhìn nhận ơn gọi và quyền lợi của các Chị em cũng là ngang hàng với các Anh Em.
Ngoài sự kính trọng đầy yêu thương của chị dành cho các Chị em, Clara tiếp tục nuôi dưỡng mối quan hệ với các Anh Em hèn mọn. Sau cái chết của thánh Phanxicô, mối quan hệ này trở nên căng thẳng. Thay vì bỏ rơi họ, Clara, được bén rễ sâu vào tình yêu của Thiên Chúa, tiếp tục dẫn chứng những cam kết của Phanxicô với chị và các chị em là Anh em Phan sinh sẽ chăm sóc họ bằng tình thương và sự quan tâm. Phần họ, Clara và những Chị em Thanh Bần tiếp tục dành sự chăm sóc yêu thương và lo lắng cho các anh em.
Nhân phẩm và Tính Thụ tạo của con người.
Tin tưỡng một cách trọn vẹn vào tình yêu thẳm sâu và vĩnh cửu của Thiên Chúa cho chính chị và cho những loài thụ tạo khác được dựng nên theo hình ảnh và chân dung Thiên Chúa, Clara cho chúng ta thấy rằng chính sự tự cảm thức như thế sẽ “làm cho ta được tự do kính trọng và ý thức là mọi cái “khác”--dẫu cái khác đó là một con người hay là một cái cây hay là một côn trùng--cũng được Thiên Chúa tạo nên và mến yêu. Chắc chắn là Clara không xem thế giới là một nơi đầy sự dữ. Tuy nhiên, với nhiệt tâm sống trong sự hiện diện của Thiên Chúa và chiêm niệm Đức Kitô, chị xem thế giới như có tiềm lực làm sao lãng tâm điểm Kitô của chị. Chị nhận thấy thế giới tạo vật-–ngoài con người ra –bị giới hạn trong chính tiềm năng hàm chứa Đấng tạo hóa như linh hồn con người có thể. Trong khi chị nhìn nhận Thiên Chúa như là nguồn mạch của sự sung mãn và an toàn, trái lại thế giới thì tạm bợ và đầy dẫy chi phối và cám dỗ. Song, chị lại thấy chính chị và những Chị Em Thanh bần như là những tạo vật phụ thuộc vào Thiên Chúa như “hoa huệ ngoài đồng”, và “chim trên bầu trời” được chăm sóc đồng đều bởi cùng một Thiên Chúa đầy yêu thương. Quan điểm này giúp chị được tự do cảm kích vẻ đẹp của tạo vật và mối quan hệ của chị với chúng mà không bị nhụt chí vì chúng. Như thế, Clara và Phanxicô đã đồng tâm nhất trí, ca ngợi Thiên Chúa qua tạo vật, không trong chúng và cũng không đồng nhất Thiên Chúa với chúng.
Ôm ấp Sự Chết của Thân xác như là Một phần của Đời Người.
Clara chết cũng như chị đã sống—với các chị em tụ tập chung quanh và trong sự cầu nguyện. Khi chị viết lá thư cuối cùng gởi cho Agnes thành Prague, chị nhận thấy rằng đoạn kết của đời ngài đã gần kề: “Hỡi con yêu dấu của mẹ, mẹ tạm biệt con và các chị em của con cho đến khi chúng ta gặp nhau nơi ngai toà vinh quang của Thiên Chúa cao cả” (4LAg39). Đây là một khẳng định đầy hy vọng nói lên sự hoàn thành tột đĩnh. Clara đã gây dựng nhiều thứ trong cuộc sống của chị. Có lẽ điều cao cả nhất trong tất cả là đã lập nên một cách lối sống mà hoàn toàn noi theo gương Đức Kitô khó nghèo. Chị hy vọng rằng, trước khi qua đời, bà có thể nhận được sự phê chuẫn chính thức của Giáo hội cho Thể Thức Sống (Luật Dòng) và phép lành cuối cùng cho đặc ân khó nghèo của bà. Điều đó, thật sự, đã xảy ra.
Không còn nghi ngờ rằng Clara đã thấu hiểu chết là con đường dẫn đến sự hoàn tất cho cuộc lữ hành đi tìm mối tương quan mật thiết với Thiên Chúa trong Đức Kitô. Chị không đòi hỏi gì khác ngoài niềm khao khát thâm sâu đó. Chị qua đời được ôm ấp trong tình yêu và tự do viên mãn. Điều mà có lẽ xúc động nhất liên quan đến cái chết và tỏ lộ “nhân tính” là Chị đã khích lệ linh hồn mình trên đường tiến về quê trời như người mẹ đảm bảo cho đứa con thơ: “Hãy ra đi êm đềm và trong an bình, vì con sẽ có một người hộ tống, vì Đấng đã dựng nên con sẽ gửi Thánh Thần đến và luôn luôn bảo bọc con như người mẹ che chở con thơ mà vốn rất yêu thương người mẹ của nó… Ôi Lạy Chúa, cầu mong cho Ngài Đấng đã dựng nên con, được chúc phúc (Proc3,20). Ước gì mỗi người trong chúng ta sẽ chết với một cảm thức như thế về tình yêu và sự ôm ấp của Thiên Chúa.
Như thế, chúng ta đã bắt được chút lóe sáng qua cách thức mà Bà Clara và Chị Em Thanh Bần đã đóng góp vào thần học Phan sinh về con người. Trong thế giới chúng ta nơi mà khuôn mẫu ưu thế về mối tương quan chính là sự thống trị và sự áp chế của kẻ kém quyền lực bởi kẻ nhiều quyền lực hơn, cả nhân vật và phi nhân vật, Clara cho thấy cách thức về cuộc sống con người đầy hổ tương và đáng kính trọng. Khởi đầu với niềm tự tin của người được Chúa yêu (Đấng hằng quan tâm đến chim trời và hoa huệ ngoài đồng) và với một thái độ cúi mình lịch sự đối với mọi tạo vật, Clara cho chúng ta thấy rằng một cuộc sống đánh dấu bởi sự tôn kính chân thực, tình yêu và sự qúi trọng bình đẳng đối với người khác, sẽ mang lại hoa trái chính là sự nhạy cảm, hiệp kết và hài hoà. Đây chính là khuôn mẫu cho sự sống con người mà nền văn minh của chúng ta phải dịch chuyển nếu quả thực hành tinh chúng ta muốn tồn tại. Qua sự hoà hợp hỗ tương với “kẻ khác,” chúng ta có thể đạt đến an bình cho cuộc sống và mối tương quan mà thường là mục tiêu của những kẻ muốn nắm giữ của cải và quyền lực nhưng mục tiêu đó lại thường lẫn tránh họ.
TÓM KẾT NHỮNG BÀI HỌC TỪ PHANXICÔ VÀ CLARA
Chúng ta học được gì từ Phanxicô và Clara vốn định hướng một sự am hiểu Phan sinh về nhân tính? Theo ngôn ngữ thực tế, khi nói rằng con người được thần hoá qua việc Nhập thể, cứu chuộc qua cuộc khổ nạn và được dưỡng nuôi bởi Bí Tích Thánh Thể có nghĩa là gì? Điều này tạo ra sự khác biệt nào với những con người tầm thường trong cuộc sống hằng ngày không?
1. Con người có một nhân phẩm bất khả xâm phạm vì Thiên Chúa đã tạo dựng mỗi người qua tình yêu và vì tình yêu. Như Kinh Thánh cho ta biết, mỗi người đều mang chính hình ảnh và chân dung của Thiên Chúa (Gen.1:26). Điều này có nghĩa là loài người là những ngôi vị vẹn toàn, cách biệt với các tạo vật khác được tạo dựng “mỗi loài tuỳ theo giống nòi của chúng” (Gen. 1:24). Mỗi người là một sự độc nhất, nhưng kết nối với người khác trong một nhân tính chung. Con người vẫn lưu giữ hình ảnh Thiên Chúa mặc dầu được sinh ra trong một thế giới nơi mà mỗi người bị thâm nhiễm bởi nhiều tội lỗi hơn là họ thực sự phạm phải và cho dù về phương diện cá nhân tất cả mỗi người đều phạm tội. Tình yêu quảng đại của Thiên Chúa tràn ngập rất là phong phú, và con người, trong khi giáp mặt với tội lỗi, vẫn tiếp tục được mời gọi đến với chính tấm lòng của Thiên Chúa. Họ cũng được trao ban phận vụ để trở thành những người đồng sáng tạo và đồng cứu chuộc với Thiên Chúa, dùng ân huệ và tài năng của mình nhằm ích chung của tất cả tạo vật, nhưng cách đặc biếy với người nghèo. Họ được chỉ thị đối xử với tất cả mọi người khác với sự tôn trọng và sùng kính chiều theo sự tôn trọng đối với hình ảnh thần linh. Mọi người, nam và nữ, đều mang hình ảnh thần linh này cách bình đẳng, vì thế điều này loại trừ bất kỳ hình thức nào của kỳ thị chủng tộc, kỳ thị giới tính và những điều như thế.
2. Sự hiện hữu của con người được thần hoá nhờ việc nhập thể. Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa, đã trở nên một như chúng ta, một hữu thể tinh thần và thể lý. Qua sự khôn ngoan của Thiên Chúa, Thiên Chúa đã chon lựa để diễn tả tình yêu vô biên theo cung cách mà con người có thể thấu hiểu nhất, đặc biệt nơi con người Đức Giêsu. Hành động này của Thiên Chúa tái khẳng định sự tốt lành của nhân loại. Cũng vậy, Đức Giêsu là khuôn mẫu cho những gì mà nhân tính chân chính cần trở thành. Con đường đưa đến sự toàn vẹn và thánh thiện của chúng ta là trở nên như Đức Kitô--con người hoàn toàn--phát triển những đoàn sủng và tài năng Thiên Chúa đã ban cho chúng ta cho trọn vẹn theo khả năng của mình và chia sẻ với tha nhân.
3. Qua sáng tác và cung cách sống của họ, Phanxicô và Clara đã xác nhận sự thiện lành của thân xác con người. Tuy nhiên không vị thánh nào đạt tới thái độ tích cực đó mà không có phấn đấu. Quả thực, nỗ lực để nhìn thấy sự tốt lành về mặt thể xác là một phần quan trọng về hành trình hoán cải của mỗi người. Trong thế giới hôm nay, có đủ thứ loại lạm dụng thể lý: có lạm dụng trong gia đình, có mãi dâm, có lạm dụng thuốc do các vận động viên và những kẻ khác; có khiêu dâm, nô lệ, tra tấn; có ám ảnh bởi sắc đẹp thể lý và não trạng bám víu về trọng lượng cơ thể. Quan điểm của Phanxicô và Clara phản đối một nguyên trạng như thế. Trái lại, họ nhấn mạnh đến sự tốt lành của thân xác và sự kính trọng đối với nó. Mọi thân xác đều tốt. Thân xác phụ nữ không phải là nguồn gốc của mọi sự xấu như nhiều người đã tin qua nhiều thế kỷ. Quả thực, chính qua một thân xác loài người (Đức Maria), và với một thân thể con người (Đức Giêsu) mà Thiên Chúa đã nhập vào thế gian. Qua thân xác, dù mạnh khoẻ hay yếu đau, chúng ta tiếp chạm với mọi người và thiết lập các mối tương quan với họ. Chúng ta cảm nghiệm sự kết hợp với Đức Kitô về mặt thân xác khi chúng ta đón rước Bánh và Rượu Thánh Thể. Chính qua sự tiếp chạm thân xác với những người thân mà ta biết, một cách loại suy, tình yêu Thiên Chúa là gì. Điều này có nghĩa là nhân tính đòi hỏi chúng ta nới rộng tiếp chạm lành mạnh tới “những kẻ tiện dân” (untouchables) của thời đại và nơi chốn chúng ta, vì Đức Kitô đã ôm lấy chúng ta một cách toàn vẹn, trở nên xác phàm vì chúng ta.
4. Để thấy bất kỳ giá trị nào nơi đau đớn và khổ nhọc, ta phải cảm nghiệm chúng với cặp mắt mới. Rõ rằng như Phanxicô và Clara đã cảm thức rằng, ta không cần phải đi tìm sự đau khổ trong thế giới chúng ta–-khổ đau đầy dẫy khắp nơi. Tuy nhiên lòng trung thành kiên tâm học hỏi từ những đau thương của cuộc sống chính là một cuộc đấu tranh đáng tiến hành. Thật vậy, vì ta biết đau đớn và khổ nhọc thể lý như thế nào, ta có thể thấu đạt chiều sâu và chiều rộng của tình yêu sâu thẳm của Thiên Chúa dành cho ta qua cuộc thương khó. Chính tình yêu tuyệt vời và vô biên này thúc ép ta phải hoán cải tâm hồn, hành động theo tình yêu và công lý, và chiêm niệm về Đấng mà lôi cuốn ta lại gần với Ngài. Cảm giác và cảm động con người chúng ta có giá trị và tốt lành, cảnh báo ta với những cái phức tạp thâm sâu nhất trong hiện hữu của ta và thúc đẩy ta đáp trả với tha nhân với sự nhạy cảm và ân cần.
5. Theo gương Đức Giêsu, Đấng đã trút bỏ quyền năng và thanh thế thần linh của mình (Phil. 2:1-11), con người ở mức độ tốt nhất khi họ phó thác chính mình cho tình yêu và sự quan tâm của Thiên Chúa. Chỉ lúc ấy, mĩa mai thay, chúng ta mới hoàn toàn dũng mạnh và hoàn toàn tự do. Đó là lúc mà sức mạnh của tình yêu thuộc về chúng ta hầu để phục vụ tha nhân, đặc biệt là người nghèo. Chúng trở nên được biến đổi, quan tâm đến việc thiết lập những mối liên hệ hỗ tương hơn là “tác oai tác quái” với tha nhân. Thực vậy, với thái độ giống như- Đức Kitô này, không có “kẻ khác,” không có “kẻ thù.” Mà chỉ có những bạn đồng hành trên cùng hành trình đến với Thiên Chúa. Khi ta sống trong một thế giới được Thiên Chúa phú ban như thế, thì có rất ít điều thực sự đe doạ ta. Như Phanxicô cho ta thấy một cách rõ ràng, tất cả những “cái chết” nhỏ, trong đó chúng ta phấn đấu với thất vọng, giới hạn riêng của ta hoặc của kẻ khác, và ngay cả chính “Chị Chết,” cũng không thể tách biệt ta ra khỏi tình yêu Thiên Chúa. Như Clara đã dạy, điều làm phân tách chúng ta ra khỏi Thiên Chúa và những người đồng hành là sự bám víu vào ảo ảnh của một bản ngã nghèo nàn, trở nên duy kỷ, không biết tìm sự tha thứ hoặc từ chối tha thứ kẻ khác một cách quảng đại.