Linh đạo Thánh Phanxicô: Hình ảnh về Thiên Chúa của Phanxicô
LINH ĐẠO THÁNH PHANXICÔ: HÌNH ẢNH VỀ THIÊN CHÚA CỦA PHANXICÔ (1)
Đọc bài viết gốc tại (www.ofmvn.org)
Phanxicô không phải là nhà thần học. Vì vậy, nếu chúng ta hỏi ngài Thiên Chúa là gì, chúng ta không hy vọng nhận được từ ngài một câu trả lời thông thái để thỏa mãn trí tò mò của chúng ta. Phanxicô là nhân chứng cho Thiên Chúa hằng sống, và tất cả những gì chúng ta có thể đòi hỏi ở một nhân chứng như thế, đó là người ấy nên mô tả những gì anh (chị) ta đã thấy, đã nghe và cảm nhận, và bảo đảm với chúng ta rằng trải nghiệm của anh (chị) ta không chỉ là hình ảnh tưởng tượng mà là một thực tế đã thay đổi cuộc đời anh (chị) ta.
Vì vậy, Phanxicô đang hành động như một nhân chứng khi ngài đứng trước mặt chúng ta như một mẫu gương về những gì Thiên Chúa có thể làm nơi chúng ta. Đồng thời, ngài là một lời nhắc nhở sâu sắc cho chúng ta về chiều sâu thẳm của Thiên Chúa, điều mà chúng ta khao khát và cũng là điều mà chúng ta đã quyết định không đáp lại một cách nghiêm túc bởi vì chúng ta nghi ngờ rằng nếu chúng ta làm như thế thì cuộc sống của chúng ta cũng sẽ bị thay đổi hoàn toàn.
Bằng cách này, Phanxicô cho chúng ta thấy rõ ràng rằng Thiên Chúa đang hiện diện giữa chúng ta và chúng ta phải mở rộng vòng tay chào đón Người nếu chúng ta muốn tìm lại niềm vui khi cảm thấy mình được yêu bằng một tình yêu vô biên. Chứng từ của Phanxicô về niềm tin của ngài thì đáng tin cậy vì ngài là bằng chứng sống động cho thấy nhân loại đích thực sẽ triển nở khi chúng ta dám để cho Thiên Chúa hằng sống hiện diện trong cuộc đời chúng ta.
PHẦN I: THIÊN CHÚA VÀ PHANXICÔ
Khi chúng ta cố gắng tiếp cận vị Thiên Chúa mà Phanxicô đã biết, chúng ta đang chạm đến điều cơ bản nơi mỗi một Kitô hữu dấn thân và có trách nhiệm. Cuộc hành trình của một người như vậy sẽ bị chi phối trong suốt cuộc đời của mình bởi sự hiện diện của Chúa. Chính điều này chỉ rõ và xác định phẩm chất của người này như một Kitô hữu và do đó, không thể bỏ qua nó khi mô tả hành trình tâm linh của linh hồn.
1. Thiên Chúa trong Linh đạo Phan Sinh
Trừ một số ngoại lệ hiếm hoi, linh đạo Phan Sinh theo truyền thống được xây dựng trên các giá trị cụ thể, mặc dù chúng là cơ bản, nhưng không tiết lộ nguồn gốc hoặc vai trò chính xác của chúng trong toàn bộ kế hoạch cứu độ.
Tại nguồn gốc và ở diễn tiến đời sống thiêng liêng của thánh Phanxicô, cũng như trong mọi nền linh đạo Kitô giáo, chúng ta có thể thấy tác động của Thần Khí Chúa khai mở linh hồn đón nhận ân sủng của Người và sống cuộc đời mình theo hình ảnh Thiên Chúa hiện diện trong đó (DC 1) (2). Phanxicô đã thành công trong việc định hình một lối sống Kitô giáo nguyên thủy trong Giáo hội vì ngài đã kinh nghiệm Thiên Chúa một cách độc đáo. Bằng cách bắt đầu lối sống mới của mình, ngài đã chỉ dạy một loạt thái độ và những cách sống theo Tin Mừng. Chính các thái độ và cách sống này đã truyền cảm hứng cho nhiều tín hữu đang tìm cách sống đức tin của mình một cách trọn vẹn hơn.
Tuy nhiên, nếu chỉ đơn giản thừa nhận tầm quan trọng của Thiên Chúa trong linh đạo của Phanxicô mà thôi thì không đủ. Ngay cả khi chúng ta chấp nhận rằng vai trò của Người là tối cao, chúng ta cũng không tiếp cận được nó theo bất kỳ cách máy móc nào hoặc bỏ qua việc liên hệ nó với bối cảnh cuộc đời của Phanxicô là cái đem lại ý nghĩa và chứng tỏ hiệu quả của nó. Điều này có nghĩa là, một mô tả đơn giản về các khái niệm lấy từ các tác phẩm của Phanxicô thì không đủ để cho thấy tầm quan trọng của Chúa trong cuộc đời của ngài. Thay vào đó, chúng ta cần đọc lại những lời của ngài để khám phá lại những điều rõ ràng đối với ngài nhưng đã mất đi ý nghĩa đối với chúng ta vì những thay đổi trong xã hội.
Đây không phải là một nhiệm vụ dễ dàng, xét chúng ta không có khả năng và thiếu các phương tiện thích hợp, tuy nhiên chúng ta phải cố gắng thực hiện nó bằng mọi giá vì nếu không, chúng ta có thể tạo ra một hình ảnh về Thiên Chúa không tương ứng với Thiên Chúa hằng sống, Đấng biến đổi Phanxicô và đồng hành với ngài trong suốt cuộc đời của ngài.
2. Khó khăn trong việc nhận biết Thiên Chúa của Phanxicô
Tái tạo lại hình ảnh của Phanxicô có về Thiên Chúa từ cuộc đời và các tác phẩm của ngài là một nhiệm vụ phức tạp và điều này càng trở nên khó khăn hơn do bởi bản tính tự nhiên của ngài là miễn cưỡng tiết lộ những kinh nghiệm tôn giáo sâu sắc nhất của mình. Ngài không tin tưởng vào bất kỳ anh em nào không thể giữ cho riêng mình những ân huệ mà Chúa đã ban, nhưng thay vì hành động theo các ân huệ Chúa ban, người ấy lại chỉ thích nói về những ân huệ đó. Theo cách suy nghĩ của Phanxicô, một hành động như vậy sẽ vô ích vì nó sẽ không mang lại lợi ích cho chính người anh em ấy cũng như cho các khán thính giả của anh ta (Hn 21), vì chỉ có Đấng Tối Cao mới có quyền tiết lộ “những điều tốt lành” mà Người ban cho chúng ta (Hn 28).
Mặt khác, như chúng ta đã nói, Phanx- icô không phải là một nhà thần học mà là một nhà thần bí thiếu ngôn ngữ kỹ thuật cần thiết để mô tả kinh nghiệm của mình. Vì vậy, ngài phải nhờ đến ngôn ngữ của phụng vụ để mô tả âm vang mà sự hiện diện áp đảo của Thiên Chúa đã thiết lập trong ngài. Ngài hầu như luôn diễn tả bản thân dưới hình thức ca ngợi Chúa và sử dụng thuật ngữ khách quan vốn đã được người ta sử dụng cách phổ biến, vì vậy nó che giấu hơn là tiết lộ những cảm xúc sâu thẳm nhất của ngài.
Các tác phẩm của Phanxicô là sự diễn tả trực tiếp duy nhất những kinh nghiệm của ngài mà chúng ta có, và thậm chí chúng còn được đọc cho các thư ký ghi chép. Vì vậy, chúng ta phải xem xét kỹ các tác phẩm này và cố gắng xác định bản chất chính xác của những thuộc tính của Thiên Chúa xuất hiện trong đó. Và để làm được điều này, chúng ta phải tái tạo bầu không khí xã hội, văn hóa và tôn giáo trong đó Phanx- icô đã hình thành hình ảnh Thiên Chúa của riêng ngài. Điều này là như thế, bởi vì mọi trải nghiệm thần bí, ít nhất là ở các dân tộc phương Tây, đều bị quy định bởi hình ảnh mà nhà thần bí có về Thiên Chúa là Đấng mà họ dành cả con tim cho Người.
3. Hình ảnh về Thiên Chúa của Phanxicô
Khi chúng ta nói về hình ảnh Thiên Chúa của Phanxicô, chúng ta không nói đến một Hữu thể huyễn hoặc, một sản phẩm của trí tưởng tượng, hoàn toàn không liên quan đến thực tế. Điều chúng ta muốn biết là: hình ảnh nào của Thiên Chúa đã thu hút và gợi hứng cho Phanx- icô? Thiên Chúa có ý nghĩa gì đối với ngàì? Ngài hình dung như thế nào hoặc nghĩ gì về Thiên Chúa cho chính mình?
Ngay cả sau khi Phanxicô đã trở thành một “con người của Giáo hội”, ngài cũng đã không được đào tạo thần học cách chính thức dưới bất kỳ hình thức nào. Vì thế, chúng ta có thể bỏ qua ảnh hưởng - ít nhất là ảnh hưởng trực tiếp - của các trào lưu thần học đương đại đối với việc xây dựng hình ảnh Thiên Chúa của chính ngài. Sự huấn luyện tâm linh mà ngài nhận được là sự huấn luyện của một giáo dân bình thường vào thời của ngài, và ngay cả điều này ngài cũng đón nhận và hấp thụ gần như một cách vô thức, giống như những giáo dân khác ở cùng thời điểm và nơi chốn như ngài . Nếu chúng ta muốn tìm ra cách chính xác những yếu tố đã góp phần trực tiếp vào khả năng của Phanxicô để cô đọng kinh nghiệm và hình ảnh của ngài về Thiên Chúa thành một linh đạo bình dân, thì chúng ta phải xem xét lai lịch trực tiếp của ngài, đó là gia đình, trường học, phụng vụ và nghệ thuật vào thời điểm của ngài.
Chúng ta không có những tài liệu cụ thể về sự giáo dục tôn giáo của Phanxicô khi ngài còn nhỏ. Những mô tả mà Cêlanô đưa ra chỉ là kỹ xảo văn học thuần túy. Trong Truyện ký thứ nhất của mình, Cêlanô vẽ nên một bức tranh ảm đạm về hoàn cảnh gia đình và quá trình nuôi dạy của Phanxicô, trong khi ở Truyện ký thứ hai, anh ấy miêu tả mẹ của Phanxicô như một hình mẫu nhân đức, có thể so sánh với người chị em họ của Đức Mẹ là bà Êlisabét (I Cel 1; 2 Cel 3). Đối mặt với mâu thuẫn này, điều tốt nhất chúng ta có thể làm là giả định rằng Phanxicô đã được dạy các giá trị tôn giáo thông thường như một phần di sản văn hóa của ngài.
Trường học giáo xứ Thánh George, nơi Phanxicô theo học (1Bon 15:5), được điều hành bởi một giáo sĩ, người đã sử dụng thánh vịnh như một cuốn sách giáo khoa cơ bản để dạy ngài đọc và viết tiếng Latinh, và rất có thể đã dạy những nguyên tắc cơ bản của Đức tin và Đời sống Kitô hữu. Học thuộc lòng các thánh vịnh, đây là điều cơ bản trong việc hình thành hình ảnh Thiên Chúa trong trái tim và tâm trí của cậu bé Phanx- icô, và Thần tụng Thương khó là bằng chứng về ấn tượng sâu sắc mà việc học thuộc lòng các thánh vịnh còn ghi lại nơi ký ức của Phanxicô.
Ngoài ra, phụng vụ ở Assisi đã đưa Phanxicô vào thế giới nội tâm nhiệm mầu của tôn giáo, một thế giới trong đó hình ảnh của ngài về Thiên Chúa hẳn phải trở nên sắc nét và chi tiết hơn khi ngài hiểu rõ hơn tính biểu tượng của những lời nói và hành động của các linh mục. Và các bài giảng mà ngài đã nghe chắc hẳn cũng có ích, bởi vì chúng có lẽ đã được đón nhận cách xây dựng, vì Giám mục Rufino, người tiền nhiệm của Guido với tư cách là Giám mục của Assisi, là một trong những nhà chú giải và thầy dạy đầu tiên về Sắc lệnh Gratian.
Ngoài việc được hướng dẫn về phụng vụ, Phanxicô còn được dạy về các bức tranh và tác phẩm điêu khắc tôn giáo. Như Emile Male đã nói với chúng ta, vào thời Trung cổ, nghệ thuật được coi và sử dụng như một công cụ giảng dạy. Tất cả những kiến thức sẽ hữu ích trong cuộc sống của một người - lịch sử tôn giáo của thế giới từ Sáng thế trở đi, các giáo điều của tôn giáo, các ví dụ về các vị thánh, những cấp bậc cao thấp của các nhân đức - tất cả những điều này đã được mô tả ở trong các kính màu và ở các bức tượng đặt ở mặt tiền của các nhà thờ. Mỗi nhà thờ giống như một cuốn “Kinh thánh cho người nghèo”. “Dân thánh của Chúa”, kể cả những người mù chữ và chậm hiểu, có thể hình dung ra trước mắt hầu hết mọi điều họ đã biết nhờ đức tin. Những nhân vật vĩ đại được trình bày qua các kính màu và đá là bằng chứng cho những gì Giáo hội đang giảng dạy. Vô số các bức tượng, được sắp xếp theo một sơ đồ, tượng trưng cho trật tự mà các nhà thần học đã sắp xếp trong thế giới ý tưởng. Theo cách này, thông qua phương tiện nghệ thuật, những khái niệm quan trọng nhất của thần học đã được truyền đạt, dù chỉ là một cách mơ hồ, cho những người có trí khôn khiêm tốn nhất.
Chúng ta cũng không được quên rằng lòng đạo bình dân thời Trung cổ đã được nuôi dưỡng bởi những câu chuyện và truyền thuyết đạo đức cũng như bởi những giáo điều thuần túy, trừu tượng, những câu chuyện phát xuất từ bối cảnh của một số tầng lớp văn hóa và tôn giáo. Lòng mộ đạo thời Trung cổ là kết quả của bốn lớp hoặc tầng lớp truyền thống: bản địa hoặc “nguyên thủy”; La mã; Do Thái giáo-Thiên chúa giáo; và Đức-Celtic.
Chúng ta có thể thấy điều này trong các di tích văn học và kiến trúc của Assisi. Đền thờ Minerva và bảo tàng La Mã nhắc nhở chúng ta về thời đại La Mã, được kết nối với “Truyền thuyết về những người tử vì đạo,” được viết vào thế kỷ thứ mười một, kể về cách các giám mục đầu tiên, -Rufino, Victorino và Savino,- rao giảng Kitô giáo ở Assisi ngoại giáo như thế nào. Trong kho lưu trữ của nhà thờ có rất nhiều tài liệu từ năm 963, mô tả các phong tục và tập quán của người Lombard sống trong thị trấn. Không còn nghi ngờ gì nữa, sau khi hoán cải, Phanxicô đã tiếp xúc với những phương cách khác, phức tạp hơn, để miêu tả Thiên Chúa. Việc nói chuyện với các nhà thần học trong và ngoài Huynh đệ đoàn của ngài, cũng như tài liệu mà ngài có thể đọc hoặc đã nghe đọc, hẳn đã ảnh hưởng đến sự phát triển tâm linh của ngài. Nhưng khi phân tích những tác phẩm viết về Chúa sau này của ngài, chúng ta vẫn còn thấy ở đó hình ảnh phổ biến về Thiên Chúa bắt nguồn từ phụng vụ và truyền thống, mặc dù nó được cảm nghiệm một cách mãnh liệt hơn. Ngài cũng xây dựng cái nhìn của mình về Thiên Chúa từ sự hiểu biết về Kinh thánh, mà ngài có được bằng cách cố gắng sống nó một cách trọn vẹn chứ không phải theo bất kỳ chương trình học tập cố định nào (2 Cel 102105).
Dù sao đi nữa, hình ảnh Thiên Chúa mà Phanxicô đã hình thành cho chính mình làm chúng ta thích thú, không phải vì nó độc đáo mà vì nó khiến ngài hoạch định một hình thức sống mới có thể sẽ làm sáng tỏ Thiên Chúa là gì và có ý nghĩa gì đối với tín hữu nhiệt thành. Do đó, chúng tôi quan tâm nhiều hơn đến những thái độ có khả năng hình thành tư tưởng của Phanxicô hơn là những ý tưởng mà hình thức sống này có thể cung cấp.
Điều này xảy ra như thế bởi vì hình ảnh của Phanxicô về Thiên Chúa là hình ảnh của Đấng thúc đẩy và giục chúng ta, với sự giúp đỡ của Người, đưa vào thực hành trong cuộc sống của chúng ta những gì chúng ta khám phá được khi chúng ta tự mình gặp gỡ Người.
4. Một vị Thiên Chúa hoán cải con người
Đằng sau hình ảnh truyền thống về Thiên Chúa mà Phanxicô đã hình thành, ẩn giấu một Thiên Chúa hằng sống, Đấng đã hoàn toàn thay đổi và mở rộng tầm nhìn tâm linh của ngài. Tôma Cêlanô (I Cel 5) mô tả trải nghiệm gây bối rối này trong giấc mơ nổi tiếng tại Spolêtô. Trong một bối cảnh phong kiến điển hình, nó cho chúng ta thấy sự thay đổi trong các giá trị mà Chúa đã tạo ra nơi Phanxicô. Cho đến thời điểm này, mục tiêu duy nhất trong đời của ngài là giành được danh hiệu hiệp sĩ trên chiến trường danh vọng. Nhưng bây giờ tất cả những suy nghĩ của ngài đều hướng về Chúa của ngài, Đấng đã cho ngài sự sống và là Đấng mà, từ nay về sau, ngài sẽ sống cho Người.
Vị Chúa theo tập quán của Phanxicô, Đấng không thay đổi và hoàn toàn phù hợp với các giá trị khác của ngài, bây giờ nhường chỗ cho vị Chúa sống động và ban sự sống, Đấng chinh phục và tiếp quản, Đấng mở rộng và thậm chí xé nát những chân trời quen thuộc của đời sống của một con người. Việc Phanxicô đồng ý với quyền tối cao hiển nhiên của Thiên Chúa có nghĩa là từ nay trở đi, ngài sẽ sống trong một loại trạng thái xuất thần liên tục, một sự từ bỏ vĩnh viễn bản thân hầu có thể đi đến với Thiên Chúa của sự viên mãn. Sau trải nghiệm này, ngài sẽ không còn có thể tiếp tục vun trồng nhân cách cho riêng mình nữa, nhưng sẽ đưa ra những con đường mới với tư cách là người hành hương của Đấng Tuyệt đối, tìm kiếm nguồn suối mà tại đó ngài có thể làm dịu cơn khát Thượng đế của mình.
Bởi vì Phanxicô là một người của thời Trung cổ, đã quen nhìn thấy Thiên Chúa trong bối cảnh tôn giáo xã hội của thời đại của mình, nên việc Thiên Chúa đột ngột xâm chiếm cuộc đời ngài chắc hẳn đã rất tàn khốc đối với ngài. Trong Di chúc của mình (1-3), khi nhìn lại cuộc đời mình, ngài nói với chúng ta rằng sự hiện diện mạnh mẽ của Thiên Chúa đã thay đổi hoàn toàn cách nhìn và cách tiếp cận mọi sự việc của ngài. Nơi mà trước đây ngài chỉ cảm thấy ghê tởm hoàn toàn - chẳng hạn, khi nhìn thấy một người phong cùi - thì giờ đây ngài đã tìm thấy niềm vui vì cuối cùng ngài có thể nhìn thế giới từ quan điểm của Thiên Chúa.
5. Nói về Chúa
Khi chúng ta nói về Chúa, chúng ta luôn nói bằng các biểu tượng và phép án chừng mặc dù các phương tiện ngôn ngữ này không đầy đủ và không phù hợp. Do đó, chúng ta không bao giờ có thể nói về Người một cách phù hợp (BcMT 2). Trên thực tế, chúng ta đang giải quyết một nhiệm vụ gần như vô vọng vì chúng ta đang cố gắng mô tả Sự siêu việt tuyệt đối, Bí ẩn khôn tả, Đấng hoàn toàn khác và khác biệt với chính chúng ta. Nhưng là những tín hữu, chúng ta cần nói về Thiên Chúa vì nếu chúng ta không diễn tả đức tin của mình bằng lời nói, đức tin sẽ khô héo và chết. Nếu chúng ta không cố gắng mô tả Chúa, sự hiện diện của Người sẽ mờ dần khỏi tâm trí chúng ta và biến mất hoàn toàn. Và vì vậy, chúng ta phải can đảm nói về Người cho dù chúng ta ý thức rõ những khó khăn liên quan.
Khi một người tin tưởng sâu xa vào Thiên Chúa muốn nói về Người, người ấy cảm thấy căng thẳng khi cố gắng làm điều không thể. Đây là điều mà Phanxicô đã cảm nhận trong suốt cuộc đời mình. Mặc dù ngài tiết kiệm lời khi nói về Thiên Chúa, nhưng Thiên Chúa lại là chủ đề duy nhất mà ngài nói đến. Lòng nhiệt thành trước sự hiện diện của Thiên Chúa thôi thúc ngài nói về sự vĩ đại của Người, nhưng khi ngài bắt đầu nói ra suy nghĩ của mình thành lời, ngài chỉ thành công trong việc nói lắp bắp không đầy đủ. Truyền thống “thần học phủ định” vĩ đại của Đông và Tây phương mô tả Thiên Chúa bằng cách nói cái mà Người không phải là, và Phanxicô cũng theo truyền thống này khi ngài nói về những thuộc tính của Thiên Chúa bắt đầu bằng một từ phủ định và phản ánh giáo huấn của công đồng Lat- eranô thứ tư: “Không thể nói đến bất cứ sự tương đồng nào giữa Đấng Tạo Thành và thụ tạo mà lại không tạo ra một khác biệt lớn hơn.” (Denzinger 806: 1215 AD)
Do đó, để nói rằng Thiên Chúa không thể sai lầm, rằng Người không thể diễn đạt được, không thể hiểu được, không thể biết được, bất biến và vô hình, thì đó chỉ đơn giản là thừa nhận mầu nhiệm của Người, thừa nhận việc chúng ta không có khả năng diễn giải kinh nghiệm của chúng ta về Người thành các khái niệm của con người. Tuy nhiên, chúng ta phải cố gắng làm như vậy, và một trong những cách ít bất cập hơn để thực hiện điều này, đó là mô tả Người như Đấng siêu việt.
PHẦN II: THIÊN CHÚA NHƯ ĐẤNG SIÊU VIỆT
Sẽ thật giả tạo khi chúng ta nói về vị Thiên Chúa mà Phanxicô đã biết mà lại phân biệt giữa tính siêu việt và nội tại của Người, bởi vì Phanxicô chưa bao giờ sử dụng những thuật ngữ này và do đó chắc hẳn ngài không có kinh nghiệm về Chúa theo cách đó. Chắc chắn, việc Thiên Chúa không thể tiếp cận được là một phần trong kinh nghiệm của ngài: Thiên Chúa ở ngoài tầm nắm bắt của mọi khả năng của con người bởi vì Người ngự trong ánh sáng mà mắt chúng ta không thể tiếp cận được (HN1:5) và nơi ở của Người nằm ngoài tầm với của chúng ta.
Nhưng Thiên Chúa siêu việt không có nghĩa là Người bị cô lập, bị cắt đứt khỏi chúng ta. Thiên Chúa của Phanxicô là một vị Thiên Chúa để ý đến chúng ta, quan tâm đến chúng ta. Dù Người khác chúng ta, nhưng Người vẫn đến gần chúng ta, mời gọi chúng ta thoát ra khỏi vòng vây của tính ích kỷ và giải phóng chúng ta để chúng ta có thể đến với Người. Khi đó chúng ta có thể nói rằng Thiên Chúa của Phanxicô là “lưỡng cực” bởi vì Người vừa là Đấng Tối Cao và vừa là Cha, là Con và vừa là vĩnh cửu. Nơi Người không có sự tách biệt giữa hai chiều kích này, nhưng bởi vì chúng ta thiếu ngôn ngữ để mô tả Người một cách đầy đủ, nên chúng ta phải dựa vào sự mô tả này bằng các thuộc tính riêng lẻ mặc dù chúng ta hoàn toàn ý thức tính giả tạo của nó.
1. Uy phong của Thiên Chúa
Thế giới kiểu Rôman bị chi phối bởi khái niệm “uy nghiêm”. Nhân vật Thần thiêng quen thuộc nhất khi đó là Đấng Toàn năng ngồi trên tòa phán xét của Người và được bao quanh bởi các chư hầu của Người. Tuy nhiên, những chư hầu này không phải là các Tông đồ mà là những nhân vật cổ xưa ở trong các thị kiến trong Khải Huyền và các Tổng lãnh thiên thần của đạo binh thiên quốc. Lối hình dung này đã được mở rộng để bao gồm cả Chúa Kitô, Người cũng được miêu tả như một thẩm phán trong các bức tượng và bức tranh phía trên cổng vòm, cổng tò vò và lối vào chính.
Tuy nhiên, lối hình dung này về Thiên Chúa trong vẻ uy nghi của Người không tồn tại lâu. Nó dần dà lộ ra quan niệm về một vị Chúa đáng sợ, đang ngồi giữa một hội đồng các thẩm phán, một vị Chúa bày tỏ sự tức giận của Người bằng cách giáng xuống nhân loại nạn đói, chiến tranh hoặc bệnh dịch, đã trở thành người trong Đức Kitô, và không chỉ là Đấng Kitô của sách Khải huyền mà còn là Đấng Kitô của các sách Phúc âm và chính xác hơn là của các Phúc âm Nhất lãm. Vì vậy, khi nghệ thuật và kiến trúc Gothic bắt đầu xuất hiện, chúng không tôn kính một vị Chúa xa vời và đáng sợ nữa, mà là một vị Chúa, Con người, mà qua các nét đặc thù của Người, người ta có thể thấy rõ nhân tính của Người.
Bất chấp sự nhân bản hóa này của việc Thiên Chúa tỏ mình ra cho chúng ta trong Đức Kitô, Phanxicô vẫn giữ hình ảnh về vị Chúa uy nghiêm, Quan tòa của kẻ sống và kẻ chết, Đấng thưởng phạt tùy theo việc làm của mỗi người (Lksc 23:4; TTh I:22 ; TTh II 85), và đứng trước sự hiện diện của Người, thái độ thích hợp sẽ là sợ hãi và tôn kính (TTD 4). Thực ra đây là hình ảnh của Cuộc Phán Xét Cuối Cùng mà Thánh Mát- thêu đã vẽ trong Phúc Âm của ngài (Mt 25:3146).
Từ “uy nghi” không xuất hiện trong các tác phẩm của Phanxicô, nhưng ngài nói về Thiên Chúa Tối Cao, Tuyệt đối, Vĩnh Cửu, Toàn Năng và Vinh Quang, những tỉnh từ mô tả sự siêu việt hùng vĩ mà ngài đã thấy nơi Thiên Chúa. Sự siêu việt này là một chiều kích thiêng liêng cho thấy rằng Chúa không hiện hữu trong các sự việc hay sự kiện và không được nhầm lẫn với chúng, nhưng vượt qua chúng như là sự hỗ trợ và lý do tồn tại của chúng.
Với những từ “Cao” và “Tối cao”, Phanxicô đã bày tỏ kinh nghiệm của ngài về Thiên Chúa, Đấng vượt trên mọi ranh giới. Giả dụ ngài đã nghiên cứu về hiện tượng học của tôn giáo hoặc lịch sử so sánh của các tôn giáo, thì chúng ta có thể nói rằng ngài đã sử dụng những từ như vậy để mô tả phẩm chất “cao cả” của Thiên Chúa và chỉ đề cập đến thần tính của Người chứ không nói đến điều gì khác. Trên thực tế, chính sự quen thuộc của Phanxicô với ngôn ngữ phụng vụ, Kinh thánh, đặc biệt là các thánh vịnh, và các Giáo phụ, đã cung cấp cho ngài vốn từ vựng mà ngài dùng để nói về sự siêu việt của Thiên Chúa.
Thiên Chúa Chí Cao là Rex tremendae majestatis, “vị Vua của sự uy nghiêm đáng sợ,” mà khi ở trước sự hiện diện của Người, chúng ta thấy choáng ngợp nhưng lại là Đấng mà chúng ta ca ngợi và chúc tụng, mặc dù không nói thành lời (BcMT 1t.; Lksc 17:18). Đấng Tối Cao là Đấng ở xa chúng ta nhất nhưng lại hiện diện trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta như Đấng cứu độ chúng ta. “Vẻ uy nghiêm đáng sợ”của Người không ngăn cản Người là người Cha tốt lành nhất, là người Anh em của chúng ta, và trong phép Thánh thể, làm một với chúng ta trong sự nghèo hèn của chúng ta (TGs 3; DC 10).
Như Đấng tối cao, Thiên Chúa cũng là Đấng Chí tôn (Lksc 17:18; 23:1), một thuật ngữ khác được Phanxicô yêu thích, mà ngài đã thêm vào đó các từ “Cao Nhất” và “Cao Cả,” để chỉ ra khoảng cách không thể hiểu được giữa chúng ta và Thiên Chúa siêu việt. Thượng đế ở chân trời siêu việt xa xôi, ở rìa ngoài của cái tối hậu, nơi không ai có thể thách thức “sự khác biệt” tuyệt đối của Người với mọi thứ bên ngoài Người.
Sự vĩnh cửu mà chúng ta gán cho Thiên Chúa không phải là một biểu tượng của tuổi tác cũng không chỉ hoàn toàn nói về quá khứ. Vĩnh cửu có nghĩa là đồng thời với và hiện diện trong mọi thời đại, sống trong và tham gia vào mọi giai đoạn của lịch sử. Thiên Chúa là vĩnh cửu, không chỉ bởi vì Người không có bắt đầu hay kết thúc, mà còn bởi vì Người soi đường chỉ lối cho các thụ tạo của Người, đồng hành với họ trên hành trình của họ và chờ đợi họ ở điểm tận cùng (Lksc 23:3t). Mối quan tâm vô bờ này đối với chúng ta có thể thực hiện được do bởi sự vĩnh cửu của Người và bởi sự vận dụng quyền toàn năng của Người cho lợi ích của chúng ta.
Thiên Chúa toàn năng bởi vì Người là Đấng Tạo Thành, là tác giả của các phép lạ chứng tỏ rằng Người muốn chúng ta chia sẻ sự sống của Người. Sáng tạo, nhập thể, cứu chuộc và nâng chúng ta lên vinh quang trên trời đều là những công việc vượt quá khả năng của chúng ta và chỉ có thể quy cho một mình Đấng Toàn Năng mà thôi (Lksc 23:8). Nhưng những “điều kỳ diệu” này diễn ra trong cuộc sống hàng ngày; do đó, khi Phanxicô nhận ra chúng trong hành trình tâm linh của chính mình, ngài không thể làm gì khác hơn là mở lòng ca ngợi, đó là cách hợp lý duy nhất để thừa nhận quyền thế toàn năng của Thiên Chúa (Lksc 23:1-4; KSt1).
Các thuật ngữ “Vua” và “Hoàng đế” mang màu sắc chính trị và tôn giáo để biện minh quyền lực, nhưng chúng vẫn giữ được những hàm ý siêu việt của ngôn ngữ phụng vụ là nơi mà từ đó chúng bắt nguồn, đặc biệt là từ các thánh vịnh. Thiên Chúa là Vua vì Người đã trị vì từ đời đời trên trời và dưới đất (KMN 7:3; 1:5), và vương quốc của Người hiện diện theo mức độ mà chúng ta đồng ý và chấp nhận ý muốn của Người là để cứu chúng ta bằng cách đưa chúng ta đến hạnh phúc viên mãn trên thiên đường (SnKLC 4). Bằng cách mở ra con đường dẫn đến vinh quang này, Thiên Chúa đang thực thi vương quyền của Người, khi chúng ta tiếp tục kiện toàn bản thân cho đến khi chúng ta xứng đáng nhận được vinh quang của sự viên mãn trong Người. Chỉ khi đó Thiên Chúa mới thực thi đầy đủ vương quyền của Người vì chỉ khi đó chúng ta mới hoàn toàn bước vào Vương quốc của Người.
Bất chấp ý nghĩa vương quyền của những thuật ngữ như thế, hình ảnh của Phanxicô có về vương quyền của Thiên Chúa không phải là vương quyền mà là sự sỉ nhục và đau khổ. Hình ảnh Chúa Kitô trên thập giá ở San Damianô hẳn đã gây ấn tượng sâu sắc trong ngài về hình ảnh một vị Chúa cai trị từ thập giá chứ không phải từ ngai vàng (KMN 7:9), một thị kiến phản ánh thần học của Thánh Gioan, trong đó người tôi tớ đau khổ là vị Chúa đang ngự trị. Từ đó Phanx- icô khăng khăng thúc giục các anh em của mình đi theo trong sự khó nghèo vị Vua cai trị từ cây thập giá và là Đấng sẽ tôn chúng ta làm vua của vương quốc thiên đàng (Lsc 6:4). Cách đi theo bước chân của Đấng Kitô này đã khiến ngài bước đi trên con đường hoán cải tâm linh một cách nhẹ nhàng và kiên trì (SnKLC 5).
2. Sự thánh thiện của Thiên Chúa
Sự thánh thiện của Thiên Chúa được kết nối với sự toàn năng của Người (KMg 1). Một lần nữa, chính phụng vụ đã cung cấp cho Phanxicô những lời để diễn tả sự thánh thiện của Chúa, sự thánh thiện cao cả mà Giáo hội đã hấp thu từ Thánh kinh và loan truyền dưới dạng thức tung hô ở lời xưng tụng Thánh, Thánh, Thánh của Thánh lễ. Tiếp đó, đây là những từ mà Phanx- icô đã sử dụng để bày tỏ sự kính sợ của chính mình đối với sự thánh thiện của Thiên Chúa. Tuy nhiên, sự hiện diện của Thiên Chúa không gây kinh hoàng cho những ai đến gần Người, bởi vì Đức Giêsu đã bắc cầu nối ngăn cách giữa thiêng liêng và phàm tục.
Sự thánh thiện của Thiên Chúa đã được cụ thể hóa cho chúng ta nơi Con Trẻ đã được sinh ra cho chúng ta (KMN 15:7) bởi Đức Trinh Nữ Maria vinh hiển, thánh đức ( TTh II 4). Cũng chính sự thánh thiện này tiếp tục thánh hóa chúng ta qua các dấu chỉ bánh, rượu và lời (TTD 14, 34), mà các linh mục phải thi hành một cách tôn kính (TTD 22t.) trong Giáo Hội thánh thiện (TTD30), để tất cả chúng ta có thể chia sẻ sự thánh thiện đó và được cứu (TTh II 34).
Do đó, sự thánh thiện của Thiên Chúa không phải là nguyên nhân gây kinh hoàng cho Phanxicô, mặc dù nó là như thế cho những ai không ăn năn hối cải và phải đối mặt với cuộc phán xét cuối cùng (TTh II 82, 85). Khi chiêm ngắm vinh quang và uy nghiêm của Thiên Chúa, Phanxicô thấy rõ hơn bao giờ hết rằng ngài chỉ là một kẻ tội lỗi (Lksc 23:8). Tuy nhiên điều này không làm cho ngài từ bỏ việc cố gắng lấp lại hố sâu ngăn cách ngài với Thiên Chúa, Đấng Thánh. Thay vào đó, ngài nài xin Chúa Con và Chúa Thánh Thần giúp ngài, trong tình trạng bất xứng tội lỗi của ngài, ngợi khen Chúa Cha như Người đáng được khen ngợi (Lksc 23:5), để ngài có thể tôn vinh sự thánh thiện của Thiên Chúa (TTh II 4,54, 62) cùng với bốn sinh vật ngày đêm không ngừng hát ca: “Thánh, Thánh, Thánh, Đức Chúa, Thiên Chúa Toàn năng, Đấng đã có, hiện có và sẽ đến” (KSt 1).
Mặc dù Phanxicô cảm thấy rằng ngài là một tội nhân trước sự hiện diện của Đấng duy nhất thánh thiện, nhưng ngài vẫn có thể chịu đựng cái nhìn của Chúa vì ngài biết rằng sự thánh thiện của Thiên Chúa không vị kỷ và không loại trừ người khác nhưng là thánh hóa và chữa lành. Ngài đã trải nghiệm những tác động này trong chính con người yếu đuối của ngài khi ngài cảm thấy Chúa đón nhận ngài và ban cho ngài cuộc sống mới.
Thiên Chúa làm cho chúng ta nên thánh thiện bằng cách trao ban chính Người cho chúng ta, bằng cách hiện diện giữa nhân loại tội lỗi. Tuy nhiên, điều này không làm giảm bớt hoặc làm suy yếu sự siêu việt của Người, bởi vì chỉ một mình Người chủ động. Nghĩa là, sự thánh thiện của Thiên Chúa không bao giờ lẫn lộn với sự thánh thiện của con người. Thiên Chúa thánh thiện vì Người thánh hóa, và con người thánh thiện vì được Thiên Chúa thánh hóa. Mặc dù Phanxicô cảm thấy mình không xứng đáng nhắc đến Danh Chúa (BcMT 2), nhưng ngài vẫn muốn không ngừng hát khen Thiên Chúa, Đấng Thánh, vì Người đã đón nhận các tội nhân vào vòng ấm áp của sự thánh thiện của chính Người (KSt 1).
3. Sự Tốt lành của Thiên Chúa
Niềm tin của Phanxicô vào sự tốt lành cơ bản của mọi sự vật là kết quả của ước muốn “cùng suy nghĩ với Giáo hội” của ngài. Vào thời của ngài, Giáo hội gặp rắc rối với dị giáo, đặc biệt là dị giáo của Cathari, là những người đã dạy rằng thế giới hữu hình thì xấu xa vì nó không được tạo ra bởi vị Chúa tốt lành. Đó là lý do tại sao Phanxicô đã không chỉ nhấn mạnh rằng mọi sự đều tốt lành (BcMT), mà cả nguồn gốc của chúng -vị Chúa đã tạo dựng nên chúng,- cũng tốt lành. Do đó, chúng ta nên thừa nhận một cách biết ơn rằng mọi điều tốt đẹp đều thuộc về Chúa vì mọi điều tốt đẹp đều đến từ Người (Lksc 17:17f.).
Sự tốt lành của Thiên Chúa là một khía cạnh khác của sự thánh khiết oai nghiêm của sự siêu việt của Người. Trên hết, Chúa thì tốt lành; hơn nữa, chỉ mình Người là tốt, là duy nhất tốt (Lksc 23:2). Ngay cả từ góc nhìn hạn chế của mình, cái nhìn của Phanxicô về lòng tốt của Chúa đã áp đảo ngài và làm cho ngài thấy rằng ngài không bao giờ có thể hy vọng đi vào tận các chiều kích sâu thẳm của nó.
Theo gương các Giáo phụ, Phanxicô đã sử dụng cùng một ngôn ngữ để “lắp bắp” nói về những gì ngài biết là nguồn gốc từ đó mọi điều tốt đẹp được phát sinh (SnKLC 2). Việc ngài suy ngẫm về lòng tốt của Thiên Chúa đã cung cấp cho ngài vô số cách thức mới để đánh giá sâu sắc hơn tất cả những điều tốt đẹp mà Người đã ban cho chúng ta. Bất cứ phẩm chất tốt lành nào mà chúng ta sở hữu đều phát xuất từ Thiên Chúa vì mọi sự tốt lành là của Người (Lksc 17; 5t.; 23:1,8).
Tuy nhiên, ma quỉ bên trong chúng ta làm chúng ta mù quáng và ngăn cản chúng ta nhìn thấy và làm bất cứ điều gì tốt (Lksc 22:6). Hơn nữa, nó tuyên bố chính nó là tác giả của bất cứ điều gì tốt đẹp mà chúng ta có thể làm, phủ nhận nguồn gốc thực sự của các điều này và qui công cho một mình nó (Hn 2:3). Sự “cướp công” điều tốt lành này của Thiên Chúa , khi chúng ta coi mình là nguồn gốc và cùng đích của mọi sự tốt lành, phá vỡ sự hài hòa mà Thiên Chúa đã định. Chúng ta biến những món quà của Người thành vũ khí để sử dụng chống lại người khác khi chúng ta chiếm đoạt những món quà đó cho chính mình và ngăn cản người khác thưởng thức chúng (Hn 5:5-7). Tội cố gắng biến chúng ta thành đối tượng của mọi món quà và từ chối dâng trả chúng cho Thiên Chúa là Đấng ban chúng cho chúng ta, đã bị Phanxicô coi như một sự báng bổ chống lại lòng nhân lành vô biên của Thiên Chúa (Hn 8:3). Việc chiêm ngưỡng Thiên Chúa, Đấng tốt lành nơi chính Người và trong mọi công trình của Người, đã khiến Phanxicô ca ngợi Người về mọi điều tốt lành mà ngài nhìn thấy, mặc dù ngài ý thức sâu sắc rằng ngài không thể làm điều này một cách thích đáng (TTh II 6It.).
Cái nhìn của Phanxicô về Thiên Chúa là Đấng tốt lành đã thúc đẩy ngài làm nhiều hơn là ngợi khen Người, mặc dù việc ngợi khen tự nó thì quan trọng. Hình ảnh về Chúa của ngài cũng thôi thúc ngài hành động bởi vì cách đáp trả hợp lý nhất đối với lòng tốt của Chúa là bắt chước nó trong giới hạn khả năng của chúng ta. Kinh nghiệm của chúng ta về sự tốt lành của Thiên Chúa cũng sẽ truyền cảm hứng cho chúng ta làm điều tốt (Lksc 17:19), mặc dù chúng ta không thể làm điều đó hoàn toàn vì tình yêu thương (TTh II 27). Chúng ta sẽ thành công trong việc hiểu được bản chất của sự nghèo khó của chúng ta chỉ khi nào chúng ta nhận ra rằng chúng ta phải quy mọi sự về Thiên Chúa trong ngợi khen và thực hành.
PHẦN III: SỰ GẦN GŨI CỦA THIÊN CHÚA
Khi nói về Thiên Chúa như Đấng siêu việt, chúng ta đã ám chỉ đến tính giả tạo của việc tách biệt sự siêu việt của Người khỏi tính nội tại hay tính gần gũi của Người. Tương tự như vậy, chúng ta không thể thực sự mô tả Thiên Chúa là đấng duy nhất không thể tiếp cận được, cũng như không thể nói rằng Người không là bất cứ điều gì khác hơn là gần gũi với chúng ta. Phanx- icô đã không cố gắng làm những phân biệt như vậy, nhưng ngài đã thấy và đi theo Thiên Chúa trong thực tại trọn vẹn của Người.
Giấc mơ của Phanxicô tại Spôlêtô đã thay đổi hình ảnh của ngài về Thiên Chúa, từ một Thiên Chúa theo ước lệ, Đấng hầu như không quan trọng trong các lựa chọn của cuộc sống của con người, thành một vị Thiên Chúa hằng sống và chân thật, Đấng đã hoàn toàn chiếm được trái tim của ngài đến nỗi ngài không bao giờ có thể coi thường Người nữa. Bị thu hút bởi cái nhìn mới về Thiên Chúa, ngài cảm thấy bị lôi cuốn lao vào sự bao la thần thiêng để trải nghiệm Nguồn của sự sống và cảm thấy thực sự sống (l Cel 6; L3S 8). Cho đến nay, ngài đã nhầm lẫn Thiên Chúa với những thần tượng mà xã hội dựng lên trước mặt ngài, nhưng giờ đây, chính Thiên Chúa thật sự duy nhất đã trở thành mục đích và chỗ dựa cho cuộc đời của ngài.
Có lẽ, cụm từ “Thiên Chúa, Đấng hằng sống và chân thật”, đối với Phanxicô, mang một ý nghĩa chống lại bè rối Cathari, nhưng bên cạnh việc khẳng định tính chính thống, nó còn diễn tả sự nhận thức của ngài về Thiên Chúa hằng sống, Đấng mở ra tương lai cho chúng ta. Cuộc gặp gỡ của ngài với Thiên Chúa hằng sống đã khiến ngài không còn thấy cuộc sống bị phủ bóng bởi viễn cảnh cái chết về thể xác mà là được sống trước sự hiện diện của Người, Đấng thực sự sống và do đó cũng làm cho mọi thứ khác sống.
1. Thiên Chúa là tình yêu
Nói Thiên Chúa là tình yêu tức là nói rằng Thiên Chúa yêu thương. Vì tình yêu, Người đến với chúng ta, tạo dựng chúng ta, sai Con của Người đến cứu chuộc chúng ta (Lksc 23:3), và cũng chính Tình Yêu này đồng hành với chúng ta trên đường đến với Người (DC 1,4, 6,14). Việc chúng ta tồn tại nhờ tình yêu và có một Thiên Chúa yêu thương chúng ta là nền tảng cho toàn bộ đời sống thiêng liêng của Phanxicô. Vì vậy, ngài khuyên các anh em ngài đừng khép mình trong sự cô lập ích kỷ để được Đấng hoàn toàn hiến thân vì chúng ta đón nhận họ (TTD 29).
Sự đáp trả của Phanxicô đối với tình yêu trọn vẹn và vô vị lợi của Thiên Chúa chỉ có thể là kiên cường đấu tranh để loại bỏ bất kỳ trở ngại nào có thể cản trở sự phát triển tình yêu của chính ngài đối với Thiên Chúa (Lksc 22:26; 23:8), một tình yêu mà ngài biết là có giới hạn và cần sự giúp đỡ của Chúa Con và Chúa Thánh Thần để trở thành một đáp trả tương xứng (Lksc 23:5).
Phanxicô biết rằng tình yêu của Thiên Chúa dành cho ngài đã định hình ngài thành một con người và chỉ nhờ sức mạnh của tình yêu đó, ngài mới có thể trưởng thành trọn vẹn. Do đó, ngài cố gắng tiến tới một điều cần thiết duy nhất -- tình yêu thương đối với Thiên Chúa và những người đồng loại mà Thiên Chúa yêu thương. Tuy nhiên chỉ có chính Thiên Chúa mới có thể giúp ngài đáp lại tình yêu của Người một cách thích đáng. Đứng trước sự cần thiết này, đồng thời với những thiếu sót của mình, Phanxicô đã khẩn nài sự trợ giúp của Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Lksc 23:5) và nhẹ nhàng mời gọi tất cả anh em của ngài hãy yêu mến Chúa hết lòng, hết linh hồn và tất cả tâm trí của họ, tất cả sức mạnh và khả năng của họ, tất cả sự hiểu biết của họ, tất cả nỗ lực của họ, tất cả cảm xúc của họ, tất cả mong muốn và ước vọng của họ (Lksc 23: 8), tức là với toàn bộ con người họ.
Tình yêu Thiên Chúa không phải là cái cớ để quên anh chị em của chúng ta. Khi chúng ta yêu mến Thiên Chúa, chúng ta bắt đầu dự phần vào sức mạnh tình yêu của Người và tình yêu đó bao trùm mọi người (TTh II 18). Vì Thiên Chúa yêu tất cả chúng ta, nên chúng ta phải yêu người thân cận như chính mình (TTh II 27) ngay cả khi họ là kẻ thù của chúng ta (Lksc 22:1-4). Điều này là như vậy bởi vì, đối với chúng ta, những Kitô hữu, việc chúng ta yêu thương người khác không tùy thuộc vào việc họ đáp lại tình yêu của chúng ta mà tùy thuộc vào sự chắc chắn rằng tình yêu của Thiên Chúa đang biến đổi họ và chúng ta. Vì thế, tình yêu của chúng ta phải được đem ra thực hành một cách hữu hiệu, vì chúng ta biết rằng tình yêu đối với đồng loại, đối với anh chị em của chúng ta là dấu chỉ của tình yêu của chúng ta đối với Thiên Chúa (TPv 9).
2. Thiên Chúa, Đấng Tạo thành
Sự sáng tạo là dấu chỉ đầu tiên cho thấy Thiên Chúa yêu thương chúng ta, và điều này xảy ra bởi vì tình yêu của Thiên Chúa thì không cằn cỗi, nhưng sinh hoa trái, một hoa trái được thể hiện bằng cách truyền sự sống của chính Người cho các thụ tạo. Hơn nữa, Người đã chứng tỏ rằng Người yêu thương chúng ta bằng cách đến gần chúng ta đến nỗi cuối cùng Người đã làm người ở giữa chúng ta, một điều kỳ diệu được thực hiện bởi cả Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con cũng như Đức Chúa Thánh Thần.
Hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng Tạo thành, rất được yêu thích trong lòng đạo bình dân vào thời Trung Cổ. Giáo hội tuyên bố trong phụng vụ niềm tin của mình vào Thiên Chúa là Cha Toàn năng, Đấng tạo thành trời đất, muôn vật hữu hình và vô hình. Phụng vụ được vang vọng trong các loại hình nghệ thuật ở trong các nhà thờ và các vương cung thánh đường nhằm nuôi sống đức tin của dân chúng. Để chống lại dị giáo, các Công đồng của Giáo hội liên tục lặp lại niềm tin của họ vào Chúa, Đấng Tạo Thành, và điều này đã trở thành một hình ảnh quen thuộc về Thiên Chúa.
Không chỉ đơn thuần là một bài tập luyện trí, sự bày tỏ đức tin nơi Đấng Tạo thành này là một lời khẳng định nghiêm túc rằng vạn vật được tạo thành đều tốt lành vì Đấng đã tạo ra chúng và gìn giữ chúng tồn tại cũng tốt lành. Nhu cầu giải thích sự tồn tại của cái ác đã khiến một số người chấp nhận sự tồn tại của một Nguyên lý xấu xa, vốn là một trong những nguyên lý chính của dị giáo Cathari. Nhưng hầu hết các tín hữu bình thường đều tiếp tục tin tưởng một cách tự phát vào hành động của một Thượng đế tốt lành với tư cách là Nguyên lý sáng tạo của mọi vật trong sự tồn tại của chúng. Vì thế, họ coi trọng sự sống và những điều tốt đẹp trên trái đất, ở đó họ nhìn thấy dấu ấn của Lòng Tốt đã tạo ra và duy trì chúng. Phanxicô đã chia sẻ cái nhìn phổ biến này về Thiên Chúa như là Đấng Tạo Thành. Ngài đã viết rằng tất cả mọi thứ, cả tinh thần và thể xác, đều đến từ bàn tay của Người (BcMT), đặc biệt là loài người, được tạo ra theo hình ảnh và giống như Người (Lksc 23:1). Tuy nhiên, sự tạo dựng không phải là một hành động biệt lập, nhưng được tiếp tục như sự quan phòng của Thiên Chúa (Lksc 23:8), cung cấp những bằng chứng mới mẻ về tình yêu sáng tạo của Người và ý muốn của Người là cứu nhân loại khỏi chủ nghĩa vị kỷ tai hại của họ. Ý muốn của Thiên Chúa tiếp tục tạo dựng đã dẫn đến Cứu Chuộc và sẽ dẫn đến nguồn hạnh phúc vĩnh cữu của chúng ta trên trời.
Đối với Phanxicô, mọi thụ tạo đều là nhân chứng cho Cội Nguồn mà từ đó chúng phát sinh. Vẻ đẹp gợi lại cho ngài Vẻ đẹp thần linh, và sự tốt lành nói với ngài rằng Đấng Tạo Thành của ngài chính là Sự tốt lành (2 Cel 165). Nhân loại, ở giữa sự tạo dựng, là thành quả tốt nhất trong hoạt động sáng tạo của Ngài. Thiên Chúa tạo ra con người theo hình ảnh của chính Người và để con người tự do quyết định số phận của nó. Lịch sử của chúng ta cho chúng ta biết chúng ta đã lạm dụng quyền tự do tồi tệ như thế nào. Tuy nhiên, chúng ta không trở nên độc lập với Thiên Chúa bằng cách quay lưng lại với Người. Phanx- icô biết điều này và ý thức rằng, bởi vì ngài đến từ bàn tay của Thiên Chúa, nên số phận của ngài và của cả nhân loại sẽ nằm trong đôi tay này, như trong đôi tay của một người anh cả.
Toàn bộ tạo dựng là một dấu chỉ và bằng chứng tình yêu của Thiên Chúa. Bằng những sự vật và sự kiện, kể cả những điều tầm thường nhất (Lksc 10:3; TPv 2), Thiên Chúa tiếp tục bày tỏ cho chúng ta ý muốn cứu chúng ta của Người. Mỗi biến cố là một hồng ân mà chúng ta nên đón nhận và ca tụng Thiên Chúa như một dấu chỉ của lòng biết ơn của chúng ta. Vì vậy, Phanxicô đã mời tất cả các thụ tạo tham gia vào dàn hợp xướng của nhân loại (BcMT) để dâng lên Thiên Chúa một cách biết ơn tất cả những điều tốt đẹp vì chúng là của Người và đến từ Người. “Hãy để mọi thụ tạo trên trời dưới đất, trong biển cả và trong các vực sâu,” thừa nhận quyền thống trị của Thiên Chúa bằng cách dâng lên Người “lời ngợi khen, vinh quang, danh dự và chúc tụng” (TTh II 61; Lksc 17:18).
3. Đức Chúa Trời
Hệ quả của việc tuyên bố Thiên Chúa như Đấng Tạo Thành là thừa nhận Người là Chúa Tể của vạn vật. Danh hiệu này, danh hiệu mà Phanxicô thường sử dụng, cho thấy các tín hữu nói chung đã thiếu chính xác như thế nào khi gọi tên Thiên Chúa. Trên thực tế, họ đã dùng từ “Chúa” để chỉ Thiên Chúa nói chung và mỗi một Vị trong Ba Ngôi Thiên Chúa nói riêng.
Trong lòng đạo đức bình dân thời Trung cổ, hình ảnh của lãnh chúa phong kiến và vua nước Đức được phóng chiếu lên Thiên Chúa là Đấng Tạo Thành. Đức Chúa Trời là Dominus, Chúa tể của vạn vật, là Đấng phân phát chúng một cách rộng rãi cho những người nam và nữ trong khi vẫn giữ quyền tối thượng của Người đối với chúng. Nếu chúng ta cố gắng chiếm đoạt chúng cho riêng mình, chúng ta đang phủ nhận quyền tể trị của Thiên Chúa, và chúng ta tạo ra những kỳ vọng sai lầm bởi vì cuối cùng, “điều mà chúng ta tưởng mình có, sẽ bị lấy đi khỏi chúng ta.” (Hn 18:2 ). Vì vậy, điều đúng đắn cần làm là tôn trọng quyền sở hữu của Thiên Chúa và cảm ơn Người về sự rộng lượng của Người (TTh II 61).
Bối cảnh thời Trung cổ này đã giúp Phanxicô hiểu được quyền tể trị của Thiên Chúa trong mối tương quan giữa Chúa và tôi tớ. Con người có nghĩa vụ vâng lời Thiên Chúa là Đấng làm chủ mọi sự: nghĩa là, chúng ta phải hoàn toàn mở rộng cuộc sống của chúng ta cho Thiên Chúa để Người có thể chiếm hữu hoàn toàn cuộc sống của chúng ta. Do đó, thái độ của người đầy tớ phải là thái độ cúi đầu trước ý muốn của Thiên Chúa mà không đặt để bất cứ trở ngại nào trước các ý muốn của Người. Việc khăng khăng muốn có con đường riêng của chúng ta sẽ là khẳng định quyền hoàn toàn làm chủ của chúng ta đối với cuộc sống của chính chúng ta: đó sẽ là phản kháng lại quyền tối cao của Thiên Chúa. Vì vậy, sự vâng lời đích thực đòi hỏi phải quên đi các ước muốn của chính chúng ta và chỉ tìm cách làm những gì Thiên Chúa muốn và những gì làm hài lòng Người (Lksc 22:9; TTD 50), và khi làm điều này, không phải với tư cách là những nạn nhân bất đắc dĩ, mà bởi vì chúng ta đã khám phá ra rằng sự viên mãn thực sự của chính chúng ta ẩn tàng trong ý muốn của Thiên Chúa.
Trong các Huấn ngôn của mình, Phanx- icô mô tả, với kỹ năng điêu luyện, thái độ của người tôi tớ hiến dâng ý chí nhân loại của mình để quyền tối thượng của Thiên Chúa có thể được biểu lộ. Ở đây, Phanxicô mô tả một cách tinh tế thái độ của người đầy tớ đối với vị Chúa của mình, sự sẵn sàng làm theo ý Thiên Chúa trong việc xây dựng vương quốc của Người.
Phanxicô đã đưa vào thuật ngữ “Chúa” một khía cạnh khác về quyền tối thượng của Thiên Chúa, đó là Người là Đấng phán xét kẻ sống và kẻ chết, đặc biệt là liên quan đến Đấng Kitô. Lòng mộ đạo bình dân thời Trung cổ đã rất quen thuộc với hình ảnh của Thiên Chúa trong vai vị Thẩm phán của lịch sử. Trong nhiều năm, giáo lý truyền khẩu đã nhấn mạnh hình ảnh này, hình ảnh mà sau đó được lấy lại trong nghệ thuật tôn giáo trên các vòm cửa ở các tu viện và thánh đường. Vẻ uy nghi xa cách của Vị Thẩm Phán Ngày Tận Thế dần dần nhường chỗ cho bức tranh về Cuộc Phán Xét Cuối Cùng của Thánh Mátthêu (Mt 12:36), một hình ảnh mà Phanxicô đã giữ lại và là hình ảnh mà ngài quy chiếu về đó mọi mối quan hệ của con người, bởi vì Thiên Chúa, Đấng tạo thành chúng ta và là Đấng mà chúng ta được sinh ra từ trong tay Người, cũng là vị Thiên Chúa mà chúng ta phải xuất hiện trước mặt Người trong ngày cuối đời của chúng ta. (Lksc 4:6; TGs 14)
4. Chúa Ba Ngôi
Thiên Chúa của trải nghiệm của Phanx- icô không phải là một vị Thiên Chúa vĩnh cửu xa vời, mà là một vị Chúa hằng sống và chân thật, mặc dù Người có thể siêu việt. Vị Chúa này, Một và Ba, mang đến cho chúng ta khả năng hoàn thiện bản thân ở cấp độ cá nhân cũng như ở cấp độ cộng đoàn hoặc tập thể.
Việc cầu khẩn Thiên Chúa là Chúa Ba Ngôi thì phổ biến trong lòng đạo thời Trung cổ và bao gồm tất cả các khía cạnh của Chúa Ba Ngôi, mặc dù, lẽ dĩ nhiên, lòng sùng kính bình dân thì không thể đạt đến cùng những chiều sâu như kiến thức của các nhà thần học.
Với tư cách là nền tảng của Đức tin, Chúa Ba Ngôi tràn ngập toàn bộ đời sống của Giáo hội và thậm chí có một số ảnh hưởng đến các phong tục của xã hội, như có thể thấy qua tần suất mà Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong cả các tài liệu chính thức dân sự và tôn giáo, và trong một số văn kiện xã hội nhất định. ( Lksc.l). Phanx- icô tiếp thu truyền thống Chúa Ba Ngôi và đào sâu nó đến nỗi cuộc đời của ngài xoay quanh đó. Đối với ngài, tin và tôn thờ Thiên Chúa như Chúa Ba Ngôi là những phương cách thiết yếu để đáp lại niềm tin vào lời mời cứu độ của Thiên Chúa.
Tin vào Thiên Chúa Ba Ngôi không chỉ là hiểu hệ thống phức tạp của các bản tính và những mối quan hệ mà các nhà thần học đã triển khai, dựa trên các định tín của Giáo hội, và được Công đồng Lateranô thứ tư định nghĩa như sau:
Chúng tôi tin chắc và chân thành tuyên xưng rằng có một Thiên Chúa chân thật duy nhất, vĩnh cửu, bao la và bất biến, không thể hiểu được, toàn năng và khôn tả, là Cha, Con và Thánh Thần; ba ngôi nhưng chỉ có một bản tính, bản thể hoặc bản chất, hoàn toàn đơn thuần. Chúa Cha không xuất phát từ ai, Chúa Con xuất phát từ một mình Chúa Cha, và Chúa Thánh Thần xuất phát đồng thời từ Đấng này và Đấng kia. Không có khởi đầu và luôn luôn không có kết thúc, Chúa Cha sinh ra, Chúa Con được sinh ra và Chúa Thánh Thần phát xuất. Các Vị đồng bản tính, toàn năng và vĩnh cữu.
Phanxicô không bác bỏ bất cứ điều gì Giáo hội dạy, tuy nhiên đức tin của ngài có một dòng chảy ngầm bình dân giúp phân biệt nó với các kỹ thuật ngôn ngữ thần học như trên, tuy nhiên các kỹ thuật này đồng thời cũng giúp ngài nhận ra các chiều kích thực tế của niềm tin vào Chúa Ba Ngôi. Chúng ta biết Chúa Ba Ngôi qua các hoạt động của Ba Ngôi vị vì lợi ích của chúng ta. Do đó, việc tin vào mầu nhiệm, trên bình diện khái niệm, thì nằm ngoài sự hiểu biết của chúng ta và sẽ chuyển thành thái độ và hành động làm cho nó hiện diện và hoạt động.
Một trong những hoạt động này là công bố Chúa Ba Ngôi như nguồn phát sinh ơn cứu độ của chúng ta (Lksc 21:2). Cuộc đời của Phanxicô được đánh dấu bằng sự nhiệt tình của ngài trong việc nói với mọi người, -cho cả những người tin lẫn người không tin- cốt lõi đức tin của ngài là gì : hành động cứu rỗi của Thiên Chúa Tam Vị Nhất Thể. (Lksc 16:7).
Ngoài việc cảm thấy cần phải rao giảng về Chúa Ba Ngôi, Phanxicô còn muốn ca tụng và chúc phúc, cảm tạ và thờ lạy Thiên Chúa Toàn Năng, Ba Ngôi Hiệp Nhất, Chúa Con và Chúa Thánh Thần (Lksc 21:2; 23:10). Đây là một phản ứng hợp lý, vì ngài biết rằng ân huệ cứu rỗi đến với chúng ta từ bàn tay của Thiên Chúa, với điều kiện là chúng ta chào đón Người với lòng biết ơn và biến lòng chúng ta thành “nhà và nơi ở” của Người. (Lksc 22:27).
Đời sống bên trong của Chúa Ba Ngôi là mẫu mực cho Phanxicô vì ở đó ngài và các anh em có thể thấy các thành viên trong một gia đình phải yêu thương nhau đến mức hòa quyện thành một như thế nào (TTD 50-52).
5. Thiên Chúa Cha
Có Ba Ngôi trong Một Thiên Chúa: Chúa Cha, từ đó Chúa Con xuất phát, và Chúa Thánh Thần, xuất phát từ Chúa Cha và Chúa Con. Mặc dù có Ba Ngôi, nhưng lời cầu nguyện mà chính Chúa Kitô đã dạy chúng ta như một kiểu mẫu cầu nguyện chỉ hướng về một mình Chúa Cha mà thôi. Phanxicô đã nhiều lần đề nghị Kinh Lạy Cha là kinh căn bản của người Kitô hữu (TTh II 21). Tuy nhiên, khi cầu nguyện một mình, ngài hiếm khi gọi Thiên Chúa là Cha. Chúng ta có thể nghi ngờ rằng mối quan hệ sóng gió của ngài với cha mình, ông Piêtrô Bernardonê, có thể đã ảnh hưởng đến thái độ của ngài đối với Thiên Chúa Cha, đặc biệt khi chúng ta nhớ lại mô tả của Cêlanô về cuộc xét xử trước mặt vị Giám mục được kết thúc bằng việc Phanxicô tuyên bố cách công khai: “Từ giờ trở đi, tôi có thể tự do nói: ‘Lạy Cha chúng con ở trên trời’, chứ không phải ‘cha Phêrô Bernardônê’” (2 Cel 12). Nhưng ý nghĩa thực sự của đoạn Kinh thánh dường như không ủng hộ luận điểm này.
Đối với Phanxicô, Thiên Chúa là Cha cách đặc biệt đối với Con của Người. Trong thần tụng về sự Thương Khó của ngài, ngài nói cho chúng ta biết Chúa Cha là gì đối với Chúa Kitô, hơn là Chúa Cha là gì đối với ngài. Kinh nghiệm của chính ngài về vai trò làm Con Thiên Chúa đã khiến ngài dạy chúng ta về mối quan hệ hiếu thảo của (Chúa) Con đối với (Chúa) Cha. Để cho chúng ta thấy Chúa Cha là ai, ngài không bộc lộ những cảm nghĩ của riêng mình nhưng nhắc chúng ta đến những cảm nghĩ của Chúa Kitô, bởi vì Chúa Cha trước hết là “Cha của Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta,” như Thánh Phaolô đã nói với chúng ta (2 Cor 1:3). Đối với Phanxicô, sự liên kết của chúng ta với Thiên chức Con Thiên Chúa là nguyên nhân gây ra sự sợ hãi và run sợ. Đó là lý do tại sao ngài muốn cho chúng ta thấy “thật vinh quang biết bao, thánh thiện biết bao và vĩ đại biết bao, khi có một người Cha trên trời” (TTh II 54).
Trong cộng đoàn Thiên Chúa Ba Ngôi, Chúa Cha là Đấng khởi xướng ơn cứu độ của chúng ta. Người là Đấng Tạo Thành của muôn loài thiêng liêng và vật chất (Lksc 23:1). Người cũng là Đấng Cứu Chuộc đã khiến cho Con của Người được sinh ra bởi Đức Trinh Nữ Maria và muốn rằng sự chết của Ngài trên thập tự giá sẽ là công cụ cứu rỗi chúng ta (Lksc 23:3). Tương tự như vậy, Người là Đấng An Ủi và là Đấng Cứu Rỗi cuối cùng của chúng ta (SnKLC 1), Đấng chờ đợi để quy tụ chúng ta vào lòng Người vào thời kỳ cuối cùng (Lksc 23:4).
Mặc dù Cha ngự trong ánh sáng không thể đến được (Hn 1:5), nhưng Người đã bày tỏ tình yêu của Người cho chúng ta qua Con của Người, Đấng đã trở thành con đường dẫn đến Người (Hn 1:1). Do đó, tấm gương mà chúng ta nên noi theo với tư cách là những người con của Chúa Cha, phải là Người Con Thiên Chúa, Người mà, từ đầu đến cuối, vẫn luôn trung thành với ý muốn của Thiên Chúa, Cha của Người.
6. Chúa Con
Nghệ thuật, nói chung, đóng một vai trò tích cực và quyết định trong việc hình thành hình ảnh của Thiên Chúa - và của Chúa Kitô - trong lòng mộ đạo bình dân thời Trung cổ. Trên nhiều mái hiên và mái vòm thời Trung cổ, Chúa Kitô được miêu tả trong vinh quang, ngồi bên hữu Chúa Cha với tư cách là Quan tòa xét xử kẻ sống và kẻ chết, một hình ảnh gây ra sự sợ hãi tôn kính và một phần là do một số thao túng nhất định của giai cấp cầm quyền.
Bên cạnh hình ảnh Chúa Kitô Thẩm Phán, còn có hình ảnh Chúa Kitô Thầy Dạy, được bao quanh bởi các Tông Đồ của Người và cống hiến cho thế giới cuốn sách Lời Chúa. Nếu chúng ta bao gồm hình ảnh Chúa Kitô lên trời và sai Thánh Thần xuống trên các Tông đồ, chúng ta sẽ có một số ý tưởng về yếu tố siêu việt, vốn hiện diện rất mạnh trong cách tiếp cận Thiên Chúa của các Kitô hữu thời Trung cổ.
Tuy nhiên, cũng như hình ảnh này của Chúa Kitô trong vinh quang, có một hình ảnh khác bổ sung cho nó. Chúng ta đang đề cập đến những cây thánh giá lớn treo trên bàn thờ của các nhà thờ theo phong cách La Mã. Lúc đầu, những thứ này cho thấy Rex gloriae, Vua vinh quang, nhưng dần dần chúng phát triển theo hướng những khía cạnh đầy đau đớn hơn, con người hơn, của sự đóng đinh, song song với sự phát triển của linh đạo bình dân. Cây thánh giá ở San Damianô, có ảnh hưởng rất lớn trong việc kết tinh hình ảnh về Thiên Chúa của Phanxicô, là một tổng hợp của hai xu hướng, vì trong đó “Vua vinh quang” và Chúa chịu đóng đinh hợp nhất thành một.
Điều này có nghĩa là hình ảnh về Thiên Chúa của Phanxicô là một hình ảnh cân bằng của “Thiên Chúa làm người”, trong đó cả thần tính của Chúa Kitô lẫn nhân tính của Người đều không được nhấn mạnh. Phanxicô luôn chiêm ngắm Chúa Kitô trong bối cảnh của Chúa Ba Ngôi, trong mối tương quan của Người với Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Phanxicô đã nhìn thấy Đức Kitô ở một nơi siêu việt xa vời, nhưng thay vào đó, Đức Kitô là Con Người, Đấng mà ở đó lòng thương xót của Thiên Chúa hiện diện giữa chúng ta, vẫn chia sẻ Thần tính của Thiên Chúa.
Điều này đưa đến cùng một vấn đề đã nảy sinh khi chúng ta nói về thực tại “hai cực” của Thiên Chúa, đó là tính siêu việt và nội tại của Người. Nhưng nếu chúng ta muốn tiếp tục thảo luận như trước đây, chúng ta sẽ phải thực hiện sự phân chia này.
a) Chúa Kitô là Chúa
Cách thông thường mà Phanxicô diễn tả sự siêu việt của Chúa Con, đó là sử dụng cụm từ phụng vụ: “nhờ Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng ta”. Bằng cách này, ngài cho thấy rằng Đấng Kitô là Dominus, “Chúa”, Đấng ngồi bên cạnh Đức Chúa Cha và chia sẻ Thần tính của Người.
Việc chiêm ngắm Chúa Kitô trong cộng đoàn Ba Ngôi đã cho phép Phanxicô gán cho Ba Ngôi những kỳ công cứu độ. Ngài coi Đấng Kitô là Tác giả của sự tạo dựng, của sự cứu chuộc -qua sự giáng sinh, sự chết và sự phục sinh của Người- và của sự cứu rỗi cuối cùng của chúng ta; nghĩa là, ngài gán cho Đấng Kitô vai trò của Đấng Tạo Thành (Hn 5:2t.), Đấng Cứu Chuộc và Cứu Chúa (Lksc 16:7). Vì vậy, Phanxicô thấy rằng Chúa Ba Ngôi là nền tảng thiết yếu của Đức tin.
Vai trò của Đấng Kitô trong sự tạo dựng là vai trò của Đấng Trung Gian (Lksc 23:1,3), qua Người, Chúa Cha đã hành động. Tuy nhiên, sự trung gian của Chúa Kitô không chỉ đơn giản là công cụ mà còn là mẫu mực, đặc biệt là đối với nhân loại (Hn 5:1), vì Người là Con Đầu Lòng của tạo dựng (KMN 15:4).
Với tư cách là Đấng Tạo Hóa, Đức Kitô cũng là Đấng Tái Tạo hoặc Đấng Cứu Chuộc thân phận con người của chúng ta, Đấng Cứu Rỗi vinh hiển đã giải thoát chúng ta một lần thay cho tất cả bằng cách hòa giải chúng ta với Chúa Cha (Lksc 16:7). Như Ngôi Lời của Chúa Cha (TTh II 3), Người đã đến thế gian, ở giữa chúng ta để loan báo cho chúng ta biết ý muốn của Người là cứu độ chúng ta (TTh II 4), kể cả khi phải chịu đau đớn trên Thập giá để làm điều đó (TTh II 11t.). Tuy nhiên, Chúa Cha đã không bỏ mặc Con của Người cho sự chết nhưng đã khiến Ngài từ cõi chết sống lại và đặt Ngài ngồi bên hữu Người, để từ đó Ngài sẽ phán xét loài người vào ngày tận thế (KMN 9:1-3).
Trong một thế giới đen tối và xấu xa của sự mù quáng và giả dối, Phanxicô đã nhìn thấy Chúa Kitô là Ánh sáng (TTh II 66), là Sự thật (Hn 1:1), là Sự khôn ngoan (TTh II 67) và là Thầy duy nhất (Lksc 1:1). Qua Đức Kitô, sự hiểu biết đích thực về Thiên Chúa được mạc khải cho chúng ta để chúng ta có thể phân biệt điều gì là tốt nhất cho phần rỗi của chúng ta, một sự hiểu biết có được nhờ lãnh nhận Thánh Thể và sống theo giáo huấn của Đức Tin (TTh II 63-68) . Một khi Phanxicô đã khám phá ra Sự khôn ngoan thần thiêng vào lúc hoán cải, ngài đã chuyên tâm theo đuổi nó và thờ ơ với sự khôn ngoan của thế gian (Hn 7).
Đức Kitô là Chúa, Đấng đã làm rất nhiều điều cho chúng ta, nhưng Người cũng chờ đợi chúng ta với tư cách là Thẩm phán của chúng ta, và vì thế, Phanxicô đã thờ phượng Người trong kính sợ và tôn kính Người. Đức Kitô là Chúa bởi vì Người là Con của Đấng Tối Cao, và giống như Đấng Tối Cao, Người xứng đáng được ngợi khen và chúc phước qua mọi thời đại (TTD 3t.).
b) Chúa Kitô Tôi Tớ
Trong khi Phanxicô kinh ngạc chiêm ngưỡng Thiên tính của Chúa Kitô, thì sự ngạc nhiên của ngài còn lớn hơn khi ngài nghĩ rằng Ngôi Lời của Chúa Cha, rất cao cả, thánh thiện và vinh quang, đã mặc lấy xác phàm nhân loại yếu đuối của chúng ta trong cung lòng Đức Trinh Nữ Maria. (TTh II 4). Ngài thấy rằng hành động khiêm nhường này được tiếp tục với thời gian vì nó được lặp lại mỗi ngày khi Chúa từ lòng Chúa Cha xuống giữa chúng ta dưới hình dạng khiêm nhường của bánh và rượu (Hn 1:16-18).
Việc Nhập Thể đã làm cho Đức Kitô trở thành con đường mà qua đó lòng nhân lành cứu độ của Thiên Chúa đến với chúng ta và là con đường mà chúng ta phải đi, theo dấu chân của Đức Kitô, cho đến khi gặp được Chúa Cha (Hn 1:2). Đức Kitô là Con yêu dấu mà Chúa Cha bày tỏ tình yêu của Người và từ Người Con yêu dấu này, Chúa Cha nhận được cùng một tình yêu tương xứng (Lksc 23:5); Do đó, Đức Kitô là trung tâm của sự trung gian kép giữa Chúa Cha và chúng ta, và giữa chúng ta với Chúa Cha. Sự can thiệp của Đức Kitô xuất hiện cách rõ ràng trong Thần tụng Thương khó, trong đó giọng nói của Phanx- icô nhường chỗ cho giọng nói của Chúa Kitô để Người có thể nói với Chúa Cha. Phanxicô đã lấy hình ảnh Đức Kitô lúc Người đang cầu nguyện này từ Tin Mừng theo Thánh Gioan, và trong đó chúng ta thấy sự tin tưởng tuyệt đối của Chúa Con vào ý muốn của Cha Người bất chấp bóng tối và đau khổ (KMN 1-5).
Người Con yêu dấu của Chúa Cha cũng là người Anh của chúng ta (TTh II 56), Đấng biết những yếu đuối của chúng ta vì Người đã cưu mang những yếu đuối đó trong chính xác thịt của mình, để ngoài việc là Thẩm phán của chúng ta, Người còn là Đấng Cầu bầu của chúng ta (TTh II 56), là Mục tử và Người bảo vệ chăm sóc và bảo vệ chúng ta (Lksc 22:32). Thiên Chúa đến gần chúng ta trong Con của Người: Đấng là Chúa của vũ trụ đã tự biến mình thành một nô lệ và Người Tôi Tớ, một hình ảnh được Phanxicô yêu mến, và ngài bắt đầu từ nó, chứ không phải từ mô tả của Thánh Phaolô về việc Chúa Kitô tự trút bỏ mình (kenosis; Phil 2 :5-11), nhưng từ trình thuật của Thánh Gioan về việc Chúa Giêsu rửa chân cho các Tông đồ (Ga 13).
Đức Giêsu là Người Tôi Tớ. Đồng thời với việc phục vụ các người khác (Hn 4), Người hiến thân cho họ với tư cách là Người Tôi Tớ Đau Khổ bằng một điều gì đó xem ra mơ hồ và có vẻ vô dụng như nỗi đau (KMN 7:8t.). Phanxicô đã đi đến cực điểm khi mô tả Đức Kitô như “một người nghèo và khách trọ” (Lksc 9:5), những hình ảnh lấy từ lòng đạo đức bình dân, không thấy xuất hiện trong các Tin Mừng Nhất Lãm. Nhưng Người Tôi Tớ đã đạt đến đỉnh điểm của sự sỉ nhục khi Người bị coi là “con sâu”, một thuật ngữ mà Phanxicô không chỉ áp dụng cho Đức Kitô, mà còn cho bất kỳ ai ở trong tình trạng tội lỗi, tất nhiên là theo một nghĩa hoàn toàn khác (2EpFid 46 ).
Cùng với việc coi Đức Kitô là Mục Tử, Phanxicô cũng xem Người như một con chiên (TTD 19), một hình ảnh rất dễ hiểu vì nó xuất hiện trong suốt phụng vụ và đặc biệt là trong nghệ thuật La Mã, chẳng hạn, “Agnus Dei”(Chiên Thiên Chúa) trong Thánh Lễ. Nhưng Phanxicô cũng coi Đức Kitô là Chiên Con của Khải Huyền, thể hiện cả vinh quang và đau khổ, và đối với ngài, điều này tượng trưng cho Người tôi tớ đau khổ và Chúa tể tối cao (KSt 3). Người Tôi Tớ không chỉ là một kỷ niệm đối với Phanxicô, như chúng ta đã nói trước đây, ngài đã thấy Người thực sự hạ mình hàng ngày trong Bí tích Thánh Thể, một mầu nhiệm khiến thánh Phanxicô phải kêu lên:
Ôi điều cao cả kỳ diệu và sự hạ cố lạ lùng! Ôi lòng khiêm hạ thẳm sâu! Một điều trọng đại mà thật khiêm tốn! Chúa tể càn khôn, Thiên Chúa và là Con Thiên Chúa hạ mình xuống đến ẩn náu dưới hình ảnh nhỏ mọn để cứu độ chúng ta. Hỡi anh em, hãy nhìn ngắm sự khiêm hạ của Thiên Chúa và trước mặt Người hãy tuôn đổ cõi lòng (Tv 61,9). Anh em hãy hạ mình xuống để Người nâng anh em lên. (TTD 27t).
Trong số những hình ảnh khác nhau mà Phanxicô đề xuất cho chúng ta để mô tả Chúa Kitô như là sự tỏ hiện của Chúa Cha, chúng ta cũng phải kể đến Ngôi Lời, giống như Thánh Thể, đối với ngài, là dấu chỉ thể xác của Con Thiên Chúa (TPv 3), Đấng, qua Chúa Thánh Thần, ban sự sống cho chúng ta (DC 13).
Từ việc xem xét cách Chúa Kitô “tự bỏ mình đi, mặc lấy thân phận tôi tớ,” như thế nào, Phanxicô hoàn toàn xác tín rằng chính ngài là người nghèo khó và tầm thường, và ngài sẵn sàng phục vụ người khác trong cảnh nghèo khó và “hèn mọn”, một xác tín mà ngài đã thực hành bằng cách bước theo Chúa Kitô như một người tôi tớ nghèo khó, đau khổ.
7. Đức Chúa Thánh Thần
Hình ảnh mà Phanxicô có về Chúa Thánh Thần đã chia sẻ sự mơ hồ của các tín hữu bình thường về chủ đề này, một sự mơ hồ có thể thấy được từ cách mà Ngôi Ba của Chúa Ba Ngôi xuất hiện trong lòng đạo đức bình dân thời bấy giờ. Mặc dù chúng ta không thể khẳng định chúng ta biết những gì mà các Kitô hữu thời Trung cổ đã hiểu về Chúa Thánh Thần, nhưng chúng ta biết rằng chính Phanxicô đã không thành công trong việc diễn đạt bằng thuật ngữ thần học chính xác kinh nghiệm sâu sắc của riêng ngài về Thánh Khí của Thiên Chúa. Nhưng, như chúng tôi đã nói, Phanxicô không phải là một nhà thần học.
Từ “Thánh Khí” có hai nghĩa chính đối với Phanxicô - chính sự sống của Thiên Chúa Ba Ngôi được thông ban cho nhân loại, và sự hiện thân của sự sống này trong Chúa Thánh Thần. Theo nghĩa thứ nhất, Phanxicô coi Thánh Khí Thiên Chúa là sự sống nội tại, mật thiết của Ba Ngôi Vị, vượt quá mọi tưởng tượng và phỏng đoán của con người. Chính sự sống của ân sủng Thiên Chúa làm chúng ta ngạc nhiên và bối rối khi nó hiện diện với chúng ta, vì chúng ta không hy vọng hay nghi ngờ rằng nó hiện hữu. Đó là sự tuôn trào phong phú vượt trên mọi ham muốn. Nói tóm, đó là sự sống của Thiên Chúa ban cho chúng ta (Hn 1:1-7).
Chúng ta biết sự phong phú của đời sống ân sủng đó, không phải vì chúng ta có thể đã thành công trong việc đến gần Thiên Chúa, nhưng hoàn toàn ngược lại. Chính sự sống này đã tự bộc lộ cho chúng ta khi nó đến gần chúng ta (TTh I 6). Chúng ta biết Chúa là gì từ những gì Người đã làm và tiếp tục làm. Những điều kỳ diệu vĩ đại mà Người đã làm cho chúng ta là sự bày tỏ thực tại bên trong của Người. Tạo Dựng, Cứu Chuộc và Cứu Rỗi là những sự việc vượt quá mọi khả năng của chúng ta và do đó, chỉ có thể quy cho Thánh Khí của Thiên Chúa. (Lksc 23:10)
Hơn nữa, Thánh Khí này là một ngôi vị. Nhờ Người, Ngôi Lời đã trở nên xác thịt (KMN.2); nhờ Người, Chúa Kitô hiện diện trong Thánh Thể và Lời Chúa (TPv 2); và nhờ Người, chúng ta được trở thành nơi ở cho Chúa Ba Ngôi (TTh II 48). Chỉ có Thánh Khí mới có khả năng giúp chúng ta tham dự vào sự sống của Thiên Chúa (Hn 12:1f.). Tất cả những gì chúng ta phải làm là không cản trở hoạt động này của Thánh Khí; thay vào đó, chúng ta nên chống lại cái ác trỗi dậy từ nơi sâu thẳm của con người chúng ta (Lksc 17:14t.). Cuối cùng, chúng ta thậm chí không thể bày tỏ lòng biết ơn của chúng ta bằng cách ca ngợi Người như Người xứng đáng (Lksc 23:5).
Sự ngự trị của Thánh Khí trong chúng ta không chỉ là một sự hiện diện thụ động. Phanx- icô coi Người là Đấng ban sự sống (Hn 1:6), Đấng giúp ngài đáp ứng những đòi hỏi của Tin Mừng. Thánh Khí là Đấng làm cho chúng ta hiểu và giúp chúng ta đạt được điều mà Đức Kitô đến để dạy chúng ta nhân danh Cha của Người, đó là chúng ta hãy để mình được biến đổi để chúng ta có thể sống theo các Mối phúc và từ bỏ nếp sống tội lỗi cũ vốn chỉ có thể dẫn đến cái chết (Lksc 17:916).
Ý tưởng chính của Phanxicô khi mô tả hoạt động của Chúa Thánh Thần là nhằm nói lên rằng mục đích của sự hiện diện của Người là tái tạo nơi chúng ta hình ảnh của Chúa Kitô. Đức Trinh Nữ Maria là hiền thê của Chúa Thánh Thần bởi vì nhờ Người, Mẹ đã thụ thai Chúa Kitô trong cung lòng mình (KMN.2). Tương tự như thế, chúng ta trở thành bạn trăm năm của cùng một Thánh Thần khi “linh hồn chúng ta trung tín kết hiệp với Chúa Giêsu Kitô nhờ Chúa Thánh Thần” (TTh II 51).
Đối với Phanxicô, Chúa Thánh Thần là Đấng làm cho sự sống Thần Linh có thể tuôn tràn trên chúng ta, mở đôi mắt và con tim của chúng ta để chúng ta có thể theo Đức Kitô trong việc học sống làm sao theo như ý của Thiên Chúa. Trong Đức Kitô, chúng ta thấy được mục đích mà Thiên Chúa dành cho chúng ta và và chúng ta học biết chúng ta phải là gì cho Người. Chỉ có Chúa Thánh Thần mới có thể làm điều đó cho chúng ta (TPv 42).
KẾT LUẬN
Hình ảnh của Phanxicô có về Thiên Chúa chứa đựng những thuộc tính khác thường ít được đề cập đến, nhưng nó lại cho thấy nhiều cách thức phong phú mà ngài đã kinh nghiệm về Thiên Chúa. Ở dưới dạng của một kinh cầu, đặc biệt là trong Chương 23 của Bản Luật đầu tiên của ngài và trong các lời Ca ngợi Chúa, ngài liệt kê từng khía cạnh khác nhau của Chúa mà ngài đã nhìn thấy và trải nghiệm. Những điều này giống như những mảnh ghép mà ngài đã dùng để xây dựng bức tranh khảm tuyệt vời về hình ảnh Thiên Chúa của ngài. Thật không may, chúng tôi đã không có được chìa khóa của sự tập hợp các mảnh ghép đó.
Những thuộc tính này, mà chúng ta có thể gọi là “thứ yếu” vì muốn có một thuật ngữ tốt hơn, cũng rất quan trọng cho mục đích của chúng ta vì chúng là sự biểu lộ cụ thể kinh nghiệm của Phanxicô về Thiên Chúa, một kinh nghiệm không chỉ đơn thuần là trí tuệ. Nói rằng Thiên Chúa là Vẻ đẹp, Niềm vui, Sức mạnh và Sự sảng khoái là nói rằng Người là sự đáp ứng trọn vẹn mọi khao khát thuộc linh và giác quan của chúng ta. Nghĩa là, đối với Phanxicô, Thiên Chúa là tất cả: Đấng đã tuôn đổ trên ngài muôn vàn hồng ân và ban cho ngài vô cùng nhiều hơn những gì ngài có thể hy vọng hoặc thậm chí tưởng tượng.
----------------
(1) The Spirituality St. Francis: Francis’s Image of God
Julio Mico, OFM Cap.
Greyfriars Review, Vol.7, No.2, 1993
Chuyển ngữ: Alexis Trần Đức Hải ofm
(2) Cách viết tắt lấy ở trong “Tác phẩm của Thánh Phanxicô Assisi” - Văn Phòng Tỉnh Dòng - 2015