ĐỜI SỐNG CẦU NGUYỆN, NỀN TẢNG THIẾT YẾU CỦA SỨ VỤ LOAN BÁO TIN MỪNG TRONG TÔNG HUẤN EVANGELII GAUDIUM
Tải xuống
Đề tài: Đời sống cầu nguyện, nền tảng thiết yếu của sứ vụ loan báo Tin Mừng trong Tông huấn Evangelii Gaudium của Đức Giáo Hoàng Phan-xicô là một đề tài đầy ý nghĩa và rất thiết thực. Đầu tiên, đề tài ý nghĩa vì cho thấy đời sống cầu nguyện là yếu tố không thể thiếu nếu muốn thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng cách đúng đắn, hiệu quả. Kế đến, đề tài thiết thực là vì loan báo Tin Mừng luôn là một sứ vụ thiết yếu, gắn liền với sự hiện hữu của Hội Thánh. Sứ vụ này là bổn phận và trách nhiệm chung của tất cả thành phần Dân Chúa, không ai được miễn trừ hay đứng ngoài cuộc.
Để hiểu rõ về đề tài, người viết đã tìm hiểu về bối cảnh xã hội, tôn giáo ngày nay. Bên cạnh đó là những nét quan trọng và chính yếu mà Tông huấn Evangelii Gaudium đã đề cập: Năng động truyền giáo mới, Hội Thánh như những người được sai đi và Tông huấn cũng cho thấy những đặc quyền mà người nghèo đáng được. Tiếp theo, người viết đã trình bày về sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong đó, sứ vụ này có nền tảng Kinh Thánh là xuất phát từ ý định Chúa Cha, lệnh truyền của Chúa Giê-su cũng như sự hoạt động của Chúa Thánh Thần.
Các văn kiện huấn quyền của Giáo Hội: Sắc lệnh Ad Gentes, Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Thông điệp Redemptoris Missio luôn đề cập trực tiếp đến sứ vụ cao cả này. Thời đại khác nhau, con người khác nhau và những hoàn cảnh cũng khác nhau. Thế nên, Giáo Hội đã có những chỉ dẫn cũng như những phương thế phù hợp giúp các tín hữu thêm nhiệt thành và hăng say lên đường thực thi sứ vụ thiết yếu này. Ngõ hầu, Tin Mừng không ngừng được lan rộng khắp nơi.
Qua Tông huấn Evangelii Gaudium, người viết đã đề cập đến ba cách thức để thực thi sứ vụ loan báo Tin Mừng. Đầu tiên là việc truyền thông Lời Chúa vì Lời Chúa chính là nguồn mạch của sứ vụ loan báo Tin Mừng. Thứ hai chính là cách thức đồng hành với mọi người để chia sẻ niềm vui mà chính mỗi người đã thực sự kín múc và cảm nhận nơi chính mình qua cuộc gặp gỡ Đức Ki-tô. Cách thức thứ ba thái độ sống chứng tá của mỗi tín hữu. Đây được xem là cách thức có sức lay động và thu hút mạnh mẽ, nhất là đối với những con người của thời đại hôm nay.
Tiếp theo, người viết đã làm rõ vai trò thiết yếu của đời sống cầu nguyện đối với sứ vụ loan báo Tin Mừng. Trong phần này, người viết có nêu lên một vài khái niệm cùng những hình thức cầu nguyện. Kế đó là ý nghĩa của đời sống cầu nguyện cũng như những mẫu gương tiêu biểu trong số vô vàn mẫu gương của việc loan báo Tin Mừng. Các thánh nhân luôn có thể hiện một sự kết hợp mật thiết với Chúa qua đời sống cầu nguyện sâu đậm: Đức Ma-ri-a, thánh Phao-lô, thánh Phan-xi-cô, thánh Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, thánh Arnold Janssen.
Ở chương cuối người viết liên hệ đến sứ vụ loan báo Tin Mừng ngay chính tại Việt Nam. Qua một vài số liệu thống kê, chúng ta có thể thấy rõ thực trạng và tình hình đời sống Giáo Hội ngay tại quê hương. Bên cạnh đó, người viết cũng muốn nhấn mạnh đến vai trò của người giáo dân như sự ưu tiên đặc biệt trong sứ vụ loan báo Tin Mừng. Bởi lẽ, ngay từ ban đầu người giáo dân đã có vai trò quan trọng cùng những đóng góp thiết thực để Tin Mừng không ngừng được trổ sinh và lớn lên.
Qua đề tài này, người viết nhận thấy loan báo Tin Mừng là sứ vụ thiết yếu. Nhưng để có thể thực thi sứ vụ này cách đúng đắn và hiệu quả thì không thể không đề cập đến tầm quan trọng của đời sống cầu nguyện. Qua đời sống cầu nguyện, các tín hữu sẽ có được sự gặp gỡ cá vị với Đức Ki-tô và kín múc niềm vui sâu xa từ Ngài. Niềm vui này khi được cảm nhận thực sự vị tất sẽ được lan tỏa đến mọi người, dù là qua những hoạt động hay lời rao giảng.
Các tín hữu cần có sự kết hợp mật thiết và sâu xa với Đức Giê-su qua đời sống cầu nguyện dù ở bất cứ nơi đâu hay trong bất kỳ hoàn cảnh nào. Chính cầu nguyện sẽ mang lại ý nghĩa cho mọi hoạt động nơi đời sống chúng ta. Đức Giáo Hoàng Phan-xicô đã xác quyết cách mạnh mẽ trong Tông huấn Evangelii Gaudium: “Nếu không được thiết lập vững chắc trên đời sống cầu nguyện thì mọi hoạt động có nguy cơ trở thành trống rỗng và rốt cuộc lời rao giảng cũng trở nên không có hồn” (EG 259).
Tu sĩ Giuse Nguyễn Chánh Tín, OFM