Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

VAI TRÒ NGÔN SỨ CỦA ĐỨC GIÊ-SU TRONG TIN MỪNG GIOAN CHƯƠNG 9

BTT HOCVIEN OFMVN 4
2024-11-18 16:38 UTC+7 20
Tiểu luận tốt nghiệp thần học của Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Nho, OFM

Để tìm hiểu Vai trò ngôn sứ của Đức Giê-su trong Ga 9, chúng ta đã khai triển trong ba chương. Đầu tiên, chúng ta tìm hiểu đặc tính ngôn sứ Thánh Kinh, ngang qua việc tìm hiểu danh xưng ngôn sứ và vai trò ngôn sứ trong thời Cựu Ước. Kế đến, chúng ta tìm hiểu vai trò ngôn sứ của Đức Giê-su trong Ga 9. Đây là phần trọng tâm của bài nghiên cứu. Cuối cùng, chúng ta khẳng định Đức Giê-su là vị ngôn sứ vĩ đại, vì Người là Con Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô.

Đầu tiên, chúng ta nhận thấy ngôn sứ là những người được Thiên Chúa tuyển chọn và sai đi để truyền thông sứ điệp cho con người nhân danh Thiên Chúa; đồng thời, là người đại diện dân để thỉnh ý Thiên Chúa và chuyển cầu những ước nguyện của con người lên Thiên Chúa. Ngôn sứ có nhiều danh xưng khác nhau như: người của Thiên Chúa, thiên sứ hay sứ giả, tôi tớ Đức Chúa, người chăn dắt và trông nom, người canh gác, cha và mẹ. Từ những danh xưng này, chúng ta nhận thấy ngôn sứ có nhiều vai trò khác nhau. Nếu xét ngôn sứ trong tương quan với Thiên Chúa thì ngôn sứ có những vai trò như trung gian giữa Thiên Chúa và dân chúng, nói Lời của Thiên Chúa, giải thích kế hoạch và ý định của Thiên Chúa cho dân chúng; kế đến, nếu xét ngôn sứ trong tương quan với dân chúng thì ngôn sứ có những vai trò như: cầu nguyện và chuyển cầu cho dân chúng, chữa lành bệnh tật cho dân chúng, dấn thân cho công bằng xã hội và ưu tiên bênh vực người nghèo.

Các ngôn sứ trong Cựu Ước đã thể hiện vai trò trung gian giữa Thiên Chúa và con người. Cách cụ thể hơn, ngôn sứ I-sai-a đã chữa lành vua Khít-ki-gia khi ông đang đứng trước ngưỡng cửa của tử thần (x. 2V 20,7). Ngôn sứ Ê-li-a đã làm cho con của bà góa thành Xa-rép-ta sống lại, và giúp hai mẹ con bà vượt qua nạn đói (x. 1V 17,7-24). Bên cạnh đó, ngôn sứ A-mốt đã chống lại những bất công xã hội như lên án cảnh bóc lột những người cùng quẫn (x. Am 4,1), việc nhận quà hối lộ và ức hiếp người nghèo tại tòa án (x. Am 5,12) hầu kiến tạo công bằng xã hội. Sứ điệp của các ngôn sứ không chỉ là một bản cáo trạng, nhưng còn là lời kêu gọi hoán cải và lời thách thức những người giàu có, vì các ngôn sứ là những người trung thành trong việc bảo vệ những người nghèo và những người bên lề xã hội.

Trong chương II, chúng ta nhận thấy việc Đức Giê-su chữa lành anh mù, giúp anh nhìn thấy được là nguyên nhân dẫn đến những cuộc tranh luận để xác định căn tính của Đức Giê-su. Tuy nhiên, thái độ cứng lòng tin của những người Pha-risêu và người Do Thái khiến họ khước từ thần tính (x. Ga 9,16.22) và kết án Đức Giê-su là người tội lỗi (x. Ga 9,24). Do đó, họ trở thành những người mù lòa trong đức tin. Họ khẳng định biết về Đức Giê-su, nhưng thực ra họ không biết; ngược lại với thái độ cố chấp của người Pha-ri-sêu và người Do Thái, anh mù chuyển từ bóng đêm của thế giới mù lòa đến ánh sáng đức tin. Anh nhận ra Đức Giê-su là một ngôn sứ (x. Ga 9,17), khẳng định Người đến từ Thiên Chúa (x. Ga 9,33), và cuối cùng, anh đã phủ phục dưới chân Đức Giê-su, hầu phó thác trọn vẹn cuộc đời vào Đức Giê-su (x. Ga 9,38).

Như các ngôn sứ trong Cựu Ước, Đức Giê-su đã thể hiện vai trò ngôn sứ của Người trong Ga 9. Trước hết, Đức Giê-su đã chữa lành anh mù bẩm sinh (x. Ga 9,6-7), giúp anh nhìn thấy và trở về với cuộc sống thường nhật như những người khác. Kế đến, Đức Giê-su đã bênh vực người yếu thế, cụ thể là anh mù. Khi anh bị chất vấn bởi những người Pha-ri-sêu và Do Thái; đặc biệt, khi anh bị những người chức trách Do Thái trục xuất khỏi Hội đường, thì Đức Giê-su đã xuất hiện để đón nhận anh (x. Ga 9,35-38. Thứ ba, Đức Giê-su là ánh sáng thế gian (x. Ga 9,5), hầu soi sáng và dẫn dắt con người nhận ra và tin vào Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, để được hưởng ơn cứu độ. Người mang ánh sáng thể lý đến cho anh mù, và mang ánh sáng tâm linh đến cho thế giới. Do đó, những ai mù thể lý mà tin vào Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, thì có sự sống đời đời và không bước đi trong bóng tối (x. Ga 8,12). Ngược lại, những ai nhìn thấy mà không đón nhận và tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa thì trở nên mù lòa, nghĩa là thuộc về bóng tối và bước đi trong bóng tối. Cuối cùng, Đức Giê-su xét xử thế gian, hầu giúp cho người không xem thấy được thấy, và người xem thấy lại trở nên đui mù (x. Ga 9,39-41). Đây là kết quả của những người Pha-ri-sêu và Do Thái, mắt họ sáng nhưng không đón nhận và tin vào Đức Giê-su thì trở thành những người mù, nghĩa là thuộc về bóng tối và bước đi trong bóng tối vì không có ánh sáng của sự sống là Đức Giê-su; do đó, họ đang sống trong tình trạng tội lỗi.

Trong chương III, chúng ta khẳng định Đức Giê-su là ngôn sứ, nhưng Người là ngôn sứ vĩ đại. Người không phải là ngôn sứ được tuyển chọn giữa những người phàm, nhưng Đức Giê-su là vị ngôn sứ đến từ Thiên Chúa, là Đấng Ki-tô, và là Con Thiên Chúa. Do đó, Đức Giê-su hiểu về sứ mạng của mình là loan báo về Triều đại Thiên Chúa, hầu giúp nhân loại được hưởng ơn cứu độ. Nhờ Đức Giê-su, và qua Đức Giê-su mà Triều đại Thiên Chúa đến trong trần gian, nên bất cứ ai thấy Đức Giê-su là thấy Triều đại Thiên Chúa; và ai từ chối Lời Người sẽ chịu phán xét và không được dự phần Triều đại Thiên Chúa (x. Mt 10,32-33; Lc 12,8-9). Vì thế, Đức Giê-su đòi buộc chúng ta phải sám hối và hoán cải ngay tức khắc để bước theo Người. Trong quá trình loan báo về Triều đại Thiên Chúa, Đức Giê-su đã làm nhiều dấu lạ, dùng uy quyền của Thiên Chúa để chữa lành bệnh tật, làm cho người chết sống lại, thể hiện quyền năng trên thiên nhiên và ma quỷ hầu giúp nhân loại tin Đức Giê-su là Con Thiên Chúa, Đấng phải đến thế gian hầu được hưởng ơn cứu độ.

Cuối cùng, trong bối cảnh hiện nay, thế giới đang đối diện với nhiều bất ổn và nhiễu nhương, thì người thánh hiến trở thành dấu chỉ cho thời đại. Họ trở thành chứng nhân sống động về một tình yêu tận hiến nhưng không cho Thiên Chúa và tha nhân. Đời sống thánh hiến trở thành chứng tá ngôn sứ để cảnh tỉnh nhân loại trước những hiểm họa do chính mình tạo ra; đồng thời, giúp nhân loại sống hoán cải để trở về với Thiên Chúa, ngang qua việc yêu thương tha nhân, và bảo vệ công lý hòa bình, và toàn thể tạo thành.

Tu sĩ Giuse Nguyễn Văn Nho, OFM

Chia sẻ