Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

GIÁO LÝ VỀ ĐỨC GIÊSU KITÔ TRONG PHÉP GIẢNG TÁM NGÀY

BTT HOCVIEN OFMVN 4
2024-11-18 16:33 UTC+7 17
Tiểu luận tốt nghiệp thần học của Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Duy Thăng, OFM

Sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày đã trình bày những điều cốt lõi và căn bản nhất về căn tính và sứ mạng của Đức Giêsu từ sự tiền hữu đến cuộc đời trần thế của Người. Được đặt trên nền tảng Thánh Kinh và theo cấu trúc của kinh Tin Kính, sau khi nói đến mầu nhiệm Ba Ngôi, linh mục Đắc Lộ đã nói đến các biến cố trong cuộc đời của Đức Giêsu từ nhập thể trong lòng trinh nữ Maria, đến cuộc đời sứ vụ công khai rao giảng Nước Trời, đến các phép lạ Người làm, đến cuộc Vượt Qua và việc Người lên trời vinh hiển. Vì mục đích của sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày là dành cho những người muốn theo đạo nên linh mục Đắc Lộ chủ yếu tập trung vào hình ảnh Đức Giêsu là Đấng Cứu Chuộc con người tội lỗi. Khi thích nghi và hội nhập giáo lý vào văn hoá Việt, ngài đã cho thấy Đấng Cứu Chuộc ấy chính là “đức Chúa trời ra đời cứu thế”. Do đó, khía cạnh thần tính của Đức Giêsu Kitô là nền tảng khẳng định mọi lời nói và việc làm của Người là chân thật. Người là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Một duy nhất của Chúa Cha. Vì là Ngôi Hai Thiên Chúa, Người đồng bản thể với Chúa Cha và có mọi phẩm tính như Chúa Cha và Chúa Thánh Thần. Vì để cứu chuộc con người tội lỗi, Người là Chúa Con duy nhất đã vâng lời thánh ý Chúa Cha hạ sinh làm người. Người chịu thai bởi phép Chúa Thánh Thần trong lòng Trinh Nữ Maria. Người có quyền năng thực hiện các phép lạ. Quyền năng mạnh mẽ nhất là Người đã chết và đã phục sinh. Vì là người thật, Người được sinh ra mà không phải được tạo thành, có hồn xác, có đời sống sinh hoạt như con người và cũng phải chết như con người.

Chịu ảnh hưởng cách lập luận về ơn cứu độ theo công thức công bằng giao hoán trong thời đại của mình, linh mục Đắc Lộ trình bày Đức Giêsu Kitô mang đậm nét Đấng Cứu Chuộc đến trần gian để đền thay tội lỗi của con người. Sứ vụ của Người khi đảm nhận thân phận con người chính là để loại bỏ tội lỗi ra khỏi con người, ra khỏi trần gian và để xoá hết tội lỗi qua việc hiến tế chính mình làm giá chuộc cho con người. Người hoàn toàn tự nguyện chịu chết thay cho con người để con người được sống và sống dồi dào. Để thích nghi và hội nhập văn hoá Việt, linh mục Đắc Lộ đã trình bày Đức Giêsu là vị Thầy Thuốc Cả bởi trời. Sứ vụ cứu chuộc của vị Thầy Thuốc Cả này chính là sửa lại thực tại mà con người đang phải chịu khi xúc phạm đến Thiên Chúa. Thực tại đó chính là sự mỏng giòn, yếu đuối luôn hướng chiều về tội và sự u mê không biết cách thức và con đường để đạt tới sự sống đời đời. Do đó, trong tư cách là Thầy Thuốc Cả bởi trời, Người chữa trị cho con người qua gương các nhân đức và “đạo thật” Người đem đến từ trời cho con người vì tự sức mình, con người khó khăn trong việc từ bỏ tội lỗi để quay trở về với Chúa. Qua lời giảng dạy, những gương sáng nhân đức và những phép lạ, Người phục hồi tình trạng nguyên tuyền cho con người và sửa lại sự xúc phạm Thiên Chúa. Đặc biệt, một danh hiệu khác linh mục Đắc Lộ dùng để diễn tả sứ vụ cứu chuộc con người qua việc hy sinh chính mình làm giá chuộc cho con người đó là Chiên Lành Vượt Qua. Tước hiệu này nói lên việc Người đã chịu khổ nạn, chịu tội chịu chết thay cho con người. Qua việc dùng hình ảnh Người Tôi Trung, ngài đã cho thấy Đức Giêsu là Đấng vô tội đã hoàn toàn tự do trong việc vâng theo thánh ý Chúa Cha chịu án tử thay cho con người. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cái chết trên cây thập tự của Người chính là sự ghen ghét của giới Pharisêu, Người là Chiên Vượt Qua đã tiêu diệt sự chết và đem lại ơn cứu độ cho con người. Để làm cho người nghe tin tưởng, linh mục Đắc lộ đã thực hiện ba việc: thứ nhất là nhấn mạnh những phép lạ trong tự nhiên xảy ra khi Đức Giêsu chịu chết, thứ hai là nuôi dưỡng lòng sốt mến của người nghe đối với cuộc khổ nạn của Người và thứ ba là kết nối sự Phục Sinh với cuộc Vượt Qua của Người.

Trong công cuộc truyền giáo tại môi trường đa nguyên văn hoá và tôn giáo của người Việt, sách giáo lý Phép Giảng Tám Ngày đã chỉ cho thấy phương pháp dạy giáo lý hiệu quả và phù hợp trong quá trình thích nghi và hội nhập văn hoá người Việt. Không đi theo cách thức của các sách giáo lý đại cương đương thời, linh mục Đắc Lộ trình bày sách giáo lý thích hợp với nền văn hoá riêng biệt của người Việt. Câu chuyện về Đức Giêsu Kitô được xây dựng hầu như hoàn toàn từ những câu chuyện được chọn lọc kỹ càng từ Tân Ước sau khi đã được suy niệm và thực hành thiêng liêng. Chính vì thế, khi áp dụng phương pháp kể chuyện và tạo khung cảnh linh thiêng trong Linh Thao, linh mục Đắc Lộ đã tạo nên buổi học giáo lý trở nên lôi cuốn, gần gũi và đi vào chiều sâu hơn đối với người nghe. Sự gần gũi và lôi cuốn của các bài giáo lý này có được chính là nhờ việc linh mục Đắc Lộ áp dụng và tạo ra những thuật ngữ Kitô học từ những từ ngữ được dùng trong đời thường và những văn chương truyền khẩu của người Việt. Khi nói Đức Giêsu là vị Thầy Thuốc Cả bởi trời, linh mục Đắc Lộ cho người nghe nhận ra Người là vị lương y cứu chữa không những thể xác mà còn linh hồn con người. Qua gương nhân đức chống lại tội lỗi và đạo thật từ trời, Người dạy chân lý và mặc khải về Thiên Chúa hầu đưa con người đến sự sống vĩnh cửu. Khi nói Người là Chiên Lành Vượt Qua, ngài cho thấy Người là Đấng Cứu Thế làm người để chịu chết chuộc tội cho thiên hạ. Đây là nỗ lực to lớn của ngài trong việc hình thành và diễn tả nội dung thần học, đồng thời mang ý nghĩa to lớn về “hội nhập văn hóa” của Kitô giáo vào dân tộc Việt. Sự thành công trong việc hình thành hạn từ Kitô học đó đến từ việc ngài đã thấm nhuần nội dung bất biến trong đạo Công Giáo và sự tận tâm không ngừng học tập, tìm hiểu về văn hóa, phong tục, tôn giáo và tín ngưỡng Việt. Ngài đã nhận ra các giá trị Tin Mừng vốn đã được ẩn chứa trong các nền văn hóa. Văn hóa sẽ có tính thánh thiêng khi các giá trị Tin Mừng thấm vào.

Chúng ta không thể giới thiệu về Đức Giêsu cho một dân tộc nào nếu chúng ta không hiểu biết về văn hóa và niềm tin của họ. Sự hình thành hạn từ mới và chuyên biệt này là một minh chứng thiết thực và là nguồn động lực cho các thế hệ hậu sinh trên con đường rao giảng Tin Mừng. Qua giáo lý về Đức Giêsu Kitô trong tác phẩm Phép Giảng Tám Ngày, chúng ta thấy nỗ lực trình bày và thích nghi hiệu quả những giáo lý của Hội Thánh của linh mục Đắc Lộ. Khi áp dụng vào việc truyền giáo thời nay, giáo lý về Đức Giêsu trở nên gần gũi và dễ hiểu hơn đối với người Việt. Sự hội nhập trong việc dạy giáo lý này sẽ đưa đến những hiệu quả to lớn đối cho những vùng truyền giáo tại đất Việt.

Tu sĩ Phanxicô Xaviê Nguyễn Duy Thăng, OFM

Chia sẻ