Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

KINH THÁNH: “LỜI CỦA CHÚA” hay “LỜI VỀ CHÚA”?

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-06 07:15 UTC+7 304

KINH THÁNH: “LỜI CỦA CHÚA” hay “LỜI VỀ CHÚA”?

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM

1695180644-kinh-thanh-loi-cua-chua.png

Có một Rabbi kia tổ chức sinh nhật cho cậu quý tử mà ông mong muốn sau này cậu sẽ nối nghiệp mình. Các bô lão khuyên vị Rabbi đó rằng, khi em ngủ hãy đặt lên giường em một túi tiền, một cuốn Kinh Thánh và một chai rượu nhỏ. Lúc thức dậy, nếu em cầm cuốn Kinh Thánh thì sau này sẽ trở thành Rabbi; nếu em ôm túi tiền thì sẽ làm kinh doanh như đa số người Do Thái; và nếu em lấy chai rượu thì lớn lên sẽ đam mê ăn nhậu. Một lát sau, họ trở lại thì thấy em bé một tay cầm cuốn Kinh Thánh, tay kia ôm túi tiền, còn miệng thì đang ngậm chai rượu! Mọi người sững sờ, bối rối, gãi đầu, không biết phải giải thích như thế nào đây... Sau một hồi suy nghĩa, cuối cùng ông bố Rabbi thốt lên: “Thôi rồi! Lạy Chúa! Con trai yêu quí của tôi sẽ trở thành Linh mục Công Giáo!!!”

Qua ví dụ trên, ta thấy có hai quan điểm về mục vụ: một là chỉ chú tâm vào việc rao giảng Torah như các Rabbi làm, hai là lảm hết mọi sự có liên quan đến mục tiêu xây dựng và mở mang nước Chúa, từ việc soạn bài giảng lễ cho đến kiếm tiền xây nhà thờ và ngoại giao với các quan chức cho tốt đời đẹp đạo, v.v. Thời Trung Cổ cũng có hai lối hiểu về Kinh Thánh như thế. Khởi đầu, Kinh Thánh được hiểu đơn sơ là “lời của” Chúa ẩn dấu thực tại siêu việt mà Thiên Chúa đã mạc khải cho chúng ta. Nhưng qua thời gian, các giáo phụ ý thức rằng bản văn Kinh Thánh được mạc khải nhưng vẫn do người nào đó đã viết xuống, cho một nhóm độc giả nào đó, về Thiên Chúa. Vì thế, ý nghĩa của Kinh Thánh không chỉ bị giới hạn trong phạm vi ngôn từ của bản văn, mà cả về không gian phía sau bản văn (xuất xứ của bản văn, hoàn cảnh lịch sử, ý định của tác giả) và không gian phía trước bản văn (tình huống đức tin của cộng đoàn đón nhận bản văn, độc giả tương lai). Hai cách hiểu Kinh Thánh là“lời của Chúa” và “lời về Chúa” đã tồn tại song song với nhau qua lịch sử. Phụng vụ thì nhấn mạnh về quan điểm thứ nhất, còn thần học thì được khai triển dựa trên quan điểm thứ hai. Bài này sẽ sơ lược qua ba cột mốc tiêu biểu trong tiến trình thay đổi trên đây: Thánh Augustinô, các học giả tiền Kinh Viện và thánh Tôma Aquinô. Sau đó, chúng ta sẽ bàn về các nguy cơ trong việc chú giải bản văn Kinh Thánh.

THÁNH AUGUSTINÔ

Augustinô là nhân vật đầu tiên khai triển mối tương quan giữa ngôn ngữ và việc tìm hiểu thánh ý Chúa. Trước khi được rửa tội, ngài dạy môn tu từ học (rhetorics) nên rất am hiểu về văn chương và ngôn ngữ. Vì Kinh Thánh là mạc khải về mầu nhiệm thực tại vô hình trở thành hữu hình nơi Đức Kitô, nên việc chú giải Kinh Thánh là làm sáng tỏ ý nghĩa của thực tại siêu việt - vốn là nguồn cội của mọi tri thức và khôn ngoan mà đức tin đang tìm kiếm. Augustinô áp dụng quan điểm nhị nguyên của Platô vào việc chú giải: Cần phải giải thích những gì thay đổi, hữu hình, thuộc thời gian và lịch sử con người trong tương quan với những gì là bất biến, siêu việt, vĩnh cửu và kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Chính tri thức về thực tại vĩnh cửu mới có thể giúp giải thích các ký hiệu vật chất, tức là ngôn ngữ của Kinh Thánh. Thực tại vĩnh cửu đó đang soi chiếu trên tâm hồn của con người và chờ đợi con người trở về nội tâm của chính mình. Do đó, để thấu hiểu mầu nhiệm Đấng Siêu Việt tiềm ẩn trong Kinh Thánh, Augustinô đã khai triển cả hai chiều kích khách quan (tu từ học) và chủ quan (thanh luyện tâm hồn).

Trước tiên, từ khía cạnh khách quan, Augustinô dùng cả ba lối chú giải ẩn dụ, tiên trưng và từ nguyên để chú giải bản văn. Ngài xem ngôn ngữ như là ký hiệu, vốn làm cho ta liên tưởng đến một điều gì khác. Nếu “khói” là ký hiệu tự nhiên cho ta biết có “lửa”, thì ngôn ngữ--ký hiệu được đưa ra--nói lên ý định của tác giả. Người đọc chú giải ý định của tác giả dựa trên kinh nghiệm riêng của mình; nhưng với kinh nghiệm và uy tín của nhiều người khác, sự hiểu biết đó sẽ được mở rộng và giúp đạt đến tri thức phổ quát hơn. Sau khi được thánh Ambrôsiô giải thích và rửa tội, con mắt thiêng liêng của Augustinô được mở ra, và ngài bắt đầu xem Kinh Thánh như là chứng từ chứa đựng các ký hiệu về thực tại vĩnh cửu - vốn thiết yếu cho ơn cứu rỗi xuất phát từ Đức Kitô. Từ đó, Augustinô xem Giáo Hội như là một cộng đoàn về kinh nghiệm đức tin, giúp ngài đi từ tri thức đến khôn ngoan, từ thế giới hữu hình tới thế giới vô hình, và từ hiện tượng cho đến đức tin chân chính. Là một “cộng đoàn chú giải”, Giáo Hội có uy tín và thẩm quyền trên cách các tín hữu chú giải Kinh Thánh. Như thế, học thuyết về chú giải Kinh Thánh của Augustinô rất trân trọng truyền thống đức tin của cộng đoàn.

Kế tiếp, Augustinô cho rằng, nếu muốn nắm bắt mạc khải siêu việt đứng sau Kinh Thánh, thì người chú giải cần phải có một sự khao khát tâm linh. Chỉ khi nào thực lòng muốn tìm kiếm hạnh phúc vĩnh cửu, thì con người mới đón nhận được chân lý của mạc khải. Trong khi học thuyết Tân-Platô khai thác lộ trình “exitus-reditus” qua ánh sáng thần linh của vũ trụ bên ngoài, thì Augustinô nhấn mạnh đến hành trình đi vào bên trong tâm hồn để nhận ra ánh sáng thần linh đang chiếu tỏa trên lý trí con người. Cá nhân phải có lòng yêu mến, tâm hồn thanh sạch và sự kiên trì tìm kiếm Thiên Chúa. Trong tác phẩm Giáo lý Kitô giáo (De Doctrina Christiana), Augustinô liệt kê bảy bước thiết yếu để đạt đến ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh: lòng kính sợ Thiên Chúa, lòng sùng mộ, bám chặt vào lòng bác ái, ơn dũng cảm tìm sự công chính, lòng nhân ái, tâm hồn thanh luyện, và thái độ khôn ngoan rút tỉa từ thực hành chiêm niệm. Như thế, việc hiểu biết về Kinh Thánh không buộc phải có kiến thức mới lạ, nhưng đòi phải biết khám phá cho ra thánh ý Thiên Chúa, ngõ hầu đạt tới mức chiêm niệm các chân lý trường cửu vốn là đối tượng của sự khôn ngoan và hạnh phúc.

Ngoài ra, Augustinô còn đề nghị một số nguyên tắc cụ thể khác. Trong trường hợp hoài nghi về ý nghĩa của bản văn, chúng ta nên dùng quy tắc:“Hãy chú giải để Lời Chúa làm gia tăng lòng mến Chúa yêu người.” Cả hai khía cạnh ‘gia tăng lòng mến Chúa yêu người’ và ‘dựa trên đức tin chân chính của Giáo Hội’ đều là tiền thức để hiểu Kinh Thánh. Qua Kinh Thánh, Đức Kitô cho chúng ta tri thức tối hậu về sự khôn ngoan hay ơn cứu rỗi mà đức tin đang tìm kiếm. Ngài là uy tín của Thiên Chúa và Kinh Thánh làm chứng về uy tín của Ngài. Chú giải Kinh Thánh là làm sáng tỏ ý nghĩa của những thực tại siêu việt, vốn có tương quan hết sức mật thiết với việc suy tư thần học.

CHÚ GIẢI KINH THÁNH THỜI TIỀN KINH VIỆN

Việc chú giải Kinh Thánh trong các thế kỷ đầu của Giáo Hội đã giúp cho tín lý Kitô giáo giảm bớt tính thần thoại của các tôn giáo cổ xưa, nhưng cũng đưa đến tranh luận về một số chủ đề giáo lý nền tảng. Do đó, vai trò của các Công Đồng trở nên tất yếu trong việc giải quyết các tranh chấp và thiết lập tính chính thống của thần học. Từ Nicea I (325) cho đến Nicea II (787), có tổng cộng bảy Công Đồng đã đóng góp vào việc thiết lập các quy phạm về tín lý Kitô giáo. Đây là giai đoạn chuyển tiếp từ hình thức chú giải Sách Thánh (Sacra Pagina) đến sự hình thành của bộ môn Giáo Lý Thánh (Sacra Doctrina). Tài liệu nghiên cứu thì không thay đổi, gồm những bản chú giải của các Giáo Phụ cùng với các đoạn trích dẫn ngắn gọn của các học giả bình luận về bài chú giải gốc. Tất cả được kết nối lại thành những bài “bình phẩm” (catena), thường mang tên của các học giả nổi tiếng như: Gioan Kim Khẩu, Ambrôsiô, Hilariô, Augustinô và Giêrônimô.

Ở thế kỷ X dưới triều đại Carolingius, một cải cách mới bắt đầu xuất hiện. Thay vì sáng tác những bài giảng hay bình phẩm về Kinh Thánh thì người ta dùng “chú thích” (gloss), tức là những lời giải thích ngắn gọn gồm cả ý kiến cá nhân được ghi chú bên lề, chen vào giữa bản văn gốc, hoặc để riêng cuối sách, như cách chúng ta dùng “footnotes” hoặc “end notes” ngày nay. Trong các thế kỷ sau, nhiều câu hỏi và chủ đề thần học được thêm vào các “chú thích”; và cuối cùng, các “chú thích” ngày càng dài thêm và trở thành những tiểu phẩm bình luận riêng biệt, được các sinh viên ghi chép lại từ bài giảng của các giáo sư về bản văn gốc. Từ đó, việc chú giải Kinh Thánh sớm trở thành một môn học thuật riêng biệt, lan rộng từ thư viện của các Kinh sĩ Đan viện Victor (Victorines) đến Đại học Paris.

Nét đặc thù của chú giải Kinh Thánh thời Trung Cổ là cách dùng ngụ ngôn (allegory). Thay vì đi tìm một nền tảng nào khác bên ngoài (ẩn dụ, lịch sử, triết lý, kinh nghiệm thần bí) để minh họa cho ý nghĩa của Kinh Thánh, thì phương pháp này nhấn mạnh các mức độ ngữ nghĩa. Phương pháp ngụ ngôn gia tăng tối đa sự phong phú về ngữ nghĩa và thỏa mãn khát vọng chú giải của thời Trung Cổ. Ví dụ, từ “Giêrusalem” là ngụ ngôn về bốn thực tại: thành đô Do Thái, Giáo Hội, Thiên Đàng, và linh hồn. Kết quả là có bốn cách chú giải Kinh Thánh rất thông dụng thời Kinh Viện: (1) Nghĩa lịch sử nhấn mạnh vào ý nghĩa cụ thể của mặt chữ hay thân xác; (2) Nghĩa biểu tượng chú giải theo luân lý hay tâm linh; (3) Nghĩa tiên trưng xem sự kiện quá khứ như hình ảnh của biến cố hiện tại, ví dụ, “tàu Nôê” hay “rắn đồng” là hình ảnh tiên trưng cho “Thánh giá”; và cuối cùng, (4) Nghĩa loại suy chỉ ra nhiều mức độ bản thể luận mà cùng một hạn từ có thể được dùng.

Thời đó, Kinh Thánh được xem như một Vương Cung Thánh Đường đầy dẫy những biểu tượng và hình ảnh, cho nên người chú giải phải tìm mọi cách để nói lên tính siêu việt của Đấng Tối Cao vốn vượt trên mọi giới hạn của ngôn ngữ và ý niệm. Trời Trung Cổ chưa có một học thuyết mạc khải rõ ràng và thần lý học hay thần học tự nhiên cũng chưa được phát triển đầy đủ. Các giáo phụ chú giải Kinh Thánh dựa trên niềm tin vào sự linh ứng của Lời Chúa. Đến thời Kinh Viện thì có hai phản ứng đối lập về lối chú giải siêu nghiệm: khuynh hướng duy lý của Albertô Cả và khuynh hướng thần bí của Gioakim thành Flora. Khuynh hướng thần bí cuối cùng bị lên án và phương pháp chú giải ẩn dụ cũng mất dần ảnh hưởng. Với sự nghiên cứu tại các đại học, nhất là của Thánh Tôma, thì việc khai triển tín lý (Sacra Doctrina) được tách ra khỏi ngành chú giải Kinh Thánh.

THÁNH TÔMA

Trong khi học thuyết chú giải của Augustinô nhấn mạnh vào khía cạnh chủ quan và hảnh trình nội tâm, thì Tôma Aquinô chú tâm đến khía cạnh khách quan của bản văn. Qua nhãn quan duy thực của Aristotle: “Tất cả mọi tri thức đều bắt đầu từ giác quan”, Tôma lý luận rằng chúng ta không cần phải loại bỏ thực tại vật chất để có thể nhận ra ý nghĩa thiêng liêng của Kinh Thánh, nếu chúng ta biết cách kết nối đức tin với lý trí. Tôma cẩn thận so sánh hình thức của các bản văn để xác định tính trung thực và phân tích cách dùng ngôn ngữ của nó. Chú giải Kinh thánh là việc trừu xuất Giáo Lý Thánh từ Sách Thánh. Như thế, chú giải Kinh Thánh thì đồng nghĩa với việc khai triển tri thức về Thiên Chúa và đó cũng là sứ mệnh của thần học.

Tôma cho rằng nếu Kinh Thánh bao hàm nhiều loại ngôn ngữ mà tác giả được linh ứng dùng để nói về Thiên Chúa, thì người chú giải cần phải có sự hiểu biết về nhiều cách dùng ngôn ngữ khác nhau để nắm bắt chân lý của bản văn và diễn giải nó cho bối cảnh đức tin của mình. Sự đa dạng của ngữ nghĩa (sense) có thể giúp chúng ta giải quyết vấn đề dùng ngôn ngữ con người để nói về Thiên Chúa. Tuy nhiên, nghĩa phủ định của trường phái thần bí cho dù chính xác nhưng không đủ cho thần học, vì chúng ta không thể mãi mãi nói: “Thiên Chúa không là…”. Mặt khác, dùng ngôn ngữ khẳng định như “Thiên Chúa là...” thì có thể vướng vào sự mâu thuẫn của “đơn nghĩa” hay sự mơ hồ của “đa nghĩa”. Vì thế, chỉ có ngôn ngữ “loại suy” (một từ được dùng ở nhiều mức độ ngữ nghĩa) mới phù hợp cho thần học, vì trong đó có sự hiểu ngầm về sự khác biệt về mức độ bản thể luận giữa Thiên Chúa và con người. Qua phương pháp “loại suy” chúng ta có thể dùng ngôn ngữ của thế giới này (khôn ngoan, chiến thắng, đá tảng, tức giận, v.v.) để nói về Thiên Chúa mà không bị mâu thuẫn. Thần học tự nhiên có thể “gọi tên” Thiên Chúa một cách sáng tạo như trong luận cứ “Ngũ đạo” của Tôma. Học thuyết loại suy đã để lại dấu ấn lâu dài trên lịch sử thần học và thông diễn học hiện đại.

Qua đức tin, người chú giải khai triển tri thức về Thiên Chúa được mạc khải nơi Kinh Thánh. Nhưng trong thế kỷ thứ XII, vấn đề đặt ra là hỏi xem đức tin có phải là một loại tri thức hay không. Thông thường, người ta đặt cho đức tin nằm ở một mức cao hơn là ý kiến nhưng chưa đạt hẳn tới mức tri thức, và Giáo Lý Thánh được xem là “tri thức” (scientia) theo ý nghĩa tổng quát. Thế nhưng, Tôma đã đưa khái niệm “khoa học thứ cấp” của Aristotle vào việc xác định tính chất khoa học của khoa Giáo Lý Thánh. Aristotle phân biệt giữa khoa học xuất phát từ các nguyên lý tự nhiên (số học và hình học) với khoa học khởi phát từ những nguyên lý thứ cấp (quang học thì dựa trên hình học; âm nhạc thì dựa trên số học). Như vậy, Giáo Lý Thánh là một khoa học thứ cấp xuất phát từ những nguyên lý vốn được mạc khải; và qua đó, con người mới có được tri thức thực sự. Qua đức tin và sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, thần học gia Kitô giáo được thông dự vào chính nguồn tri thức của Thiên Chúa, và chú giải nội dung của Giáo Lý Thánh (Sacra Doctrina).

Tôma cho rằng thẩm quyền của Giáo Lý Thánh bắt nguồn từ thẩm quyền của mạc khải. Trong hệ thống Thần học Kinh Viện, “thẩm quyền” (auctoritas) là uy tín hay khả năng chuyên môn mà một người đã đạt được do các tác phẩm người ấy đã sáng tác. Thái độ tôn trọng thẩm quyền được thể hiện qua việc trích dẫn tài liệu hay tác giả có uy tính trong các bài bình phẩm. Một khi trào lưu tranh luận về ý nghĩa của những lời chú giải trở nên phức tạp, tự lập và tách rời khỏi công việc diễn giải văn bản, thì danh xưng “Thần Học” đã dần dần được dùng để thay thế cho Giáo Lý Thánh. Tuy nhiên, trong việc sáng tác thần học, thì thẩm quyền của Kinh Thánh vẫn chiếm giữ một vị thế ưu đẳng, vì đức tin Kitô được trao phó cho các tông đồ và các thánh sử. Sau đó mới đến thẩm quyền của các tiến sĩ trong Giáo Hội, và cuối cùng mới đến thẩm quyền của các triết gia vốn được coi là ngoại tại. Triết học không thể minh chứng cho chân lý của thần học, nhưng đơn thuần chỉ có thể giúp cho ý nghĩa của các chân lý ấy được sáng tỏ và không đi ngược lại với lý trí.

CÁC VẤN ĐỀ TỒN ĐỌNG

Một giả định chung trong việc chú giải Kinh Thánh là cuối cùng chân lý mạc khải sẽ được tìm thấy trong các bản văn, vì đó là lời đã được linh ứng. Nhưng một khi Giáo Hội nhận ra Kinh Thánh không chỉ là “lời của” mà còn là “lời về” Thiên Chúa, thì sự phức tạp trong cách xác định ý nghĩa của bản văn bắt đầu xuất hiện. Từ đó khoa giải thích học đã khai triển nhiều kỷ năng chuyên biệt để giúp phân biệt giữa cách hiểu đúng và hiểu sai về bản văn. Một khi giải thích học càng trở nên đa dạng và chuyên sâu hơn, thì việc chú giải Kinh Thánh cũng có nguy cơ trở thành bình phẩm văn học, khảo cổ học, văn hóa học hay sử liệu học. Sau đây là vài cám dỗ mà việc chú giải Kinh Thánh đã gặp phải.

Trước hết, khoa bình phẩm lịch sử giả định rằng ý nghĩa nguyên thủy của bản văn có thể được khôi phục lại cách chính xác. Nhưng đây là một giả định sai lầm vì chúng ta không bao giờ có thể hoàn toàn tái thiết lịch sử như nó đã xảy ra mà không bao hàm các tiên kiến của mình trong đó. Phương pháp bình phẩm lịch sử coi nhẹ tính đa nghĩa của ngôn ngữ và khả năng tiếp cận cá nhân đối với bản văn. Cách người đọc tiếp cận bản văn thì đã mang một lịch sử chú giải của các bản văn cổ điển trên quan điểm của người đọc rồi.

Hơn nữa, có một não trạng tương đối nếu chỉ giới hạn tính linh ứng trong bối cảnh nguyên thủy của bản văn như khi cho rằng mạc khải chấm dứt sau khi các môn đệ cuối cùng của Chúa Giêsu qua đời. Đức Giáo Hoàng Benedict XVI chỉ ra nguy cơ việc nghiên cứu lịch sử các tín điều (history of dogma) trở thành một “giáo điều lịch sử” (dogma of history), tức là chỉ có lịch sử mới là tiêu chuẩn để khẳng đinh chân lý của mạc khải. Cần phải có sự quân bình giữa tính vẹn toàn của mạc khải Kinh Thánh và sự linh ứng tiếp diễn trong lịch sử, như được thấy nơi các tín điều về Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (1854) hay Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời (1950). Tân Ước nói về bản tính linh ứng của Lời Chúa, nhưng không giải thích tiến trình linh ứng đã xảy ra như thế nào. Thuyết linh ứng truyền thống cho rằng các thánh sử được Thiên Chúa soi sáng để viết ra các bản văn; Thiên Chúa gợi ý và tác giả chỉ đóng một thư ký. Công Giáo nhấn mạnh vào linh ứng về nội dung, còn Tin Lành nhấn mạnh vào linh ứng về ngôn từ của Kinh Thánh. Quan điểm linh ứng truyền thống giúp người đọc phân biệt giữa nội dung được mạc khải với bối cảnh văn hóa của tác giả. Ngày nay, học thuyết linh ứng mở rộng hơn, bao gồm cả truyền thống và lịch sử tiếp thu của bản văn. Ví dụ, kinh nghiệm “Phục Sinh” giúp các môn đệ nhận ra tính linh ứng của các biến cố “Xuất Hành” và “Vượt Qua” trong Cựu Ước. Linh ứng của Kinh Thánh là một triến trình liên tục của chú giải dựa trên chú giải.

Mặt khác, nếu ngưởi chú giải chỉ lưu tâm về việc bảo vệ chân lý tuyệt đối của bản văn thì dễ bị rơi vào não trạng duy cơ bản (fundamentalism), giống như khuynh hướng bảo vệ tính bất khả ngộ của Kinh Thánh trong Tin Lành, hay tính bất khả ngộ của Giáo Hoàng trong Công Giáo, mà không nhận ra các điều kiện hay phạm vi áp dụng của nó. Đây là một sự phản bác bằng cách rút lui vào trong vỏ bọc kiên cố mà chủ nghĩa duy cơ bản đã tự tạo ra cho mình. Ngay từ lúc đầu, Giáo Hội luôn tôn trọng tính đa dạng và phong phú về ý nghĩa của các bản văn Kinh Thánh, như được thấy khi Tertulianô lên án thói quen chỉ chấp nhận nghĩa đen của bản văn nơi các nhóm Ngộ Giáo. Cho dù chủ thuyết duy cơ bản muốn giải thích Kinh Thánh một cách đơn sơ và giản dị, nhưng chính nó đang bị thao túng bởi khuynh hướng bảo thủ trong các cộng đoàn Kitô giáo nơi nó xuất phát.

Một bài học quan trọng về việc chú giải Kinh Thánh là vai trò tiên kiến hay tiền thức của người chú giải. Augustinô nhấn vào sự khao khát sâu sắc về Thiên Chúa và lòng mến Chúa yêu người. Thần học Giải Phóng cho rằng, chỉ qua sự đồng cảm và hiệp thông với đau khổ hay áp bức thì chúng ta mới hiểu được ý nghĩa giải phóng của Tin Mừng. Thông Diễn Học của Heidegger-Gadamer khẳng định không ai tiếp cận bản văn như tờ giấy trắng mà không có sẵn kinh nghiệm hay giả định nào đó đến từ ảnh hưởng của những bản văn cổ điển lên sư hiểu biết của mình. Riceour cho thấy khoảng cách giữa bản văn và người đọc không là trở ngại mà còn là điều kiện thiết yếu để ý nghĩa được phát triển qua sự giao thoa của các truyền thống chú giải. Habermas nhấn mạnh vào khả năng nhận diện ý thức hệ trong bản văn do tiền thức khác biệt của người đọc. Chủ thuyết Hậu Hiện Đại lý luận rằng một khi tác phẩm thoát ra khỏi ngòi bút của tác giả, thì ý nghĩa của nó thuộc về truyền thống lịch sử vốn tiếp thu nó. Thế thì, tiên kiến và tiền thức của người chú giải luôn nằm trong quỹ đạo của vòng tròn giải thích giữa bản văn và cách tiếp cận của người đọc. Nói tóm lại, vòng tròn này đã ghi dấu ấn cách đây hơn 16 thế kỷ, qua lời cầu nguyện từ đáy lòng của thánh Augustinô: “Lạy Chúa, xin ban cho con đức tin để con hiểu và giúp con hiểu để đức tin con được gia tăng” (Tự Truyện).

 

Tài liệu tham khảo

- Joseph Tân Nguyễn. Thông Diễn Học. NXB Đồng Nai, 2022.

- Joseph Tân Nguyễn. Tương Quan Thần Học. NXB Đồng Nai, 2022.

- Robert Grant & David Tracy. A Short History of the Interpretation of the Bible. Fortress Press, 1985.


Chia sẻ