Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Trái cấm và phận người

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 11:40 UTC+7 598

Sách Sáng Thế kể lại rằng khi Ađam & Evà nghe theo lời cám dỗ ăn “trái cấm” thì mắt họ được mở ra, họ cảm thấy xấu hổ khi biết mình trần truồng và cuối cùng bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng. Từ đó, loài người đánh mất cơ hội trường sinh bất tử và phải tự kiếm sống bằng mồ hôi nước mắt của chính mình. Họ phải phấn đấu với thiên nhiên để bảo tồn sự sống và phải đương đầu với đầy dẫy gian nan, hoạn nạn trên đời. Hạnh phúc không hưởng được bao nhiêu nhưng nước mắt và đau khổ thì nhiều. Đời là bể khổ! Các tôn giáo khác xem đó như là một chân lý đại đồng, rút tỉa từ kinh nghiệm sống. Thần học Công Giáo đi xa hơn nữa khi cho rằng hành động ăn “trái cấm” không chỉ là “tội nguyên tổ” mà còn là nguồn gốc mọi sự dữ và tội lỗi trên thế gian. Nhưng, “tội nguyên tổ” là tội gì mà cả nhân loại đều phải mang cùng thân phận này? Hơn nữa, nếu Thiên Chúa là Đấng tạo dựng nên muôn loài, trong đó có cả “con rắn” (hiện thân của Satan) và cho phép nó đến cám dỗ loài người thì ai là người có trách nhiệm tối cao cho “tội” này? “Trái cấm” có ý nghĩa hiện sinh gì không? Để giải đáp những khúc mắc này, chúng ta hãy đi ngược dòng lịch sử, trở lại thời điểm mà việc ăn “Trái cấm” chưa được xem như là “tội nguyên tổ” và hãy tìm hiểu ý nghĩa sự tích này trong bối cảnh nguyên thủy những chuyện cổ tích vùng Trung Đông.

Ngày nay, giới khoa học đồng ý với nhau là loài người không thể khởi đầu từ “vườn địa đàng” nhưng là hiệu quả của một tiến trình biến hóa hàng triệu năm, trải qua rất nhiều giai đoạn thoái hóa và phân loại khác nhau. Công Đồng Vatican II tuyên xưng Thiên Chúa là tác giả nguyên thủy của mọi tạo vật, nhưng vẫn xác định giá trị khoa học về sự tiến hóa của loài người. Khoa chú giải Kinh Thánh cho rằng sách Sáng Thế không phải là một loại “sử liệu”, được viết với mục đích ghi chú lại các biến cố lịch sử như sách Dân Số, Xuất Hành… nhưng là một loại “huyền sử” được đúc kết từ nhiều sự tích khác, tương tự như “con Rồng cháu Tiên” hay “Sơn tinh – Thủy tinh” của người Việt. Trước khi tổ phụ dân Do Thái xuất hiện, các sự tích như con người từ lò đất ra, vườn địa đàng, lụt đại hồng thủy, hoặc tháp xây chọc trời .v.v. đã lưu hành sẵn trong các nền văn minh cổ đại Trung Đông. Đặc điểm của “sự tích Ađam” là sự khẳng định về mối giao ước giữa dân Do Thái với Thiên Chúa Yavê. Nói cách khác, sách Sáng Thế là một lối giải thích thần học qua “sự tích Ađam” đã cho thấy một quan điểm rõ rệt về thân phận con người: Một tạo vật ưu việt do bàn tay Thiên Chúa dựng nên nhưng trong kiếp sống phải chịu đau khổ và gian nan vì sự chọn lựa của chính mình.

Chuyện cổ tích về thân phận con người

Thật ra không chỉ mình Kinh Thánh mà còn nhiều truyền thuyết hay sự tích khác nói về nguồn gốc đau khổ và sự dữ. Loại truyền thuyết cổ xưa nhất tại xứ Sumeria (Enuma Elish) kể lại sự tạo dựng vũ trụ như một “cuộc chiến” giữa thần dữ và thần lành. Lúc trời đất còn hỗn loạn, có thần Mudok tranh chấp với một con rắn tiền sử. Rắn bị tử thương, thần Mudok lấy hai mắt rắn làm mặt trời và mặt trăng, da sần sùi làm núi và đất, lấy máu rắn làm thành người. Con người có sự sống là nhờ rắn tiền sử đổ máu. Vũ trụ (cosmos) không tự mà có nhưng là công trạng chiến thắng của vị đại thần, nên vị thần này phải được phụng thờ và trung thành tuyệt đối. Những tế lễ ngày đêm tiến dâng trong đền thờ với mục đích duy trì sự quân bình và thứ tự mà vị thần này đã lập nên đồng thời để ngăn ngừa hỗn loạn (chaos) trở lại. Theo truyền thuyết này, sự dữ trên đời khởi xuất từ một thần lực có sẵn từ nguyên thủy. Câu chuyện này giúp giải thích sự có mặt của “con rắn” trong vườn địa đàng và những khủng hoảng con người gặp sau khi sa ngã. Khi tội lỗi nhập vào thế gian, đất đai không còn màu mỡ nhưng trở nên gai góc cằn cỗi để lộ bản chất “rắn” của nó. Ngoài ra, ảnh hưởng của sự tích Ađam còn thấy trong các truyền thống tư tế của Cựu ước. Đó là khi nói về cách Thiên Chúa tạo dựng thế gian (phân cách thứ tự trời và đất, ngày và đêm, nước và đất khô), hoặc trong việc các tổ phụ dân Do Thái dâng của lễ hiến tế cho Yavê (Abraham đem con lên núi tính làm của lễ toàn thiêu dâng để chứng tỏ lòng thành).

Loại truyền thuyết thứ hai đến từ văn minh Hy Lạp, kể lại nguồn gốc con người như một tấn “bi kịch”. Sự dữ và sự lành không là đối thủ với nhau nhưng cả hai cùng hiện diện trong quyền năng của các vị thần trên trời. Con người là nạn nhân của ganh tị hoặc tranh chấp giữa thần quyền, không khác gì những tên nô lệ bị đem ra hí trường, thí mạng sống vật lộn với sư tử để mua vui cho vua chúa. Trong định mệnh oái ăm đó, kiếp làm người không có tự do thật sự mà chỉ bị ném vào cõi trần ai đầy chông gai (“Trời kia đã bắt làm người có thân”, Truyện Kiều). Lúc còn ấu trĩ tưởng có hạnh phúc thật sự, khi bắt đầu hiểu biết và nếm mùi hạnh phúc thì không ai tránh khỏi những đau thương khổ ải đang chờ sẵn. Không ai có thể trốn chạy định mệnh. Chỉ sau khi trải qua nhiều cay đắng đoạn trường thì con người mới thấu hiểu được ý nghĩa của cuộc sống. Sự tích thần thoại của Hy Lạp giúp giải thích hoàn cảnh nông nổi của Ađam và Evà sau khi ăn trái “biết lành biết dữ”. Cái giá phải trả cho mọi sự trưởng thành và khôn ngoan trên đời này là kiếp sống đày đọa và gian nan, đúng như Karl Jasper đã nói: “Suffering for the saking of understanding”.

Cả hai loại cổ tích trên đây xem thân phận con người hoàn toàn do bàn tay thần thánh trên trời quyết định, loại cổ tích thứ ba hay “sự tích Ađam” cho rằng chính con người đã đem tội lỗi vào thế gian khi con người mạo hiểm, làm theo ý riêng của mình. Đây mới đích thực là sự tích về “con người” (Ađam). Qua sự mạo hiểm này, con người đã khám phá bản thân mình (mắc cở khi bị trần truồng), khả năng sinh tồn và nhất là trách nhiệm tiếp tục duy trì giống nòi. Tuy nhiên sự tích này cũng không thể che đậy được cái “ngoại tính” (externality) của tội lỗi, đó là sự cám dỗ đến từ bên ngoài con người. Con người không phải là nguyên nhân của sự dữ. Con người chỉ trở thành “tội nhân” khi tiếp tay với quyền lực của sự dữ. Bản chất con người là tốt lành nhưng trong kiếp làm người lại dễ bị sa ngã vào vòng tội lỗi. Tội lỗi và sự dữ do đó không có quyền lực vô hạn trên con người nhưng chỉ được phép lộng hành trong khuôn khổ “lịch sử” nào đó, với khởi đầu (Ađam) và kết thúc (Đức Kitô) rõ ràng. Thánh Phaolô cho rằng nếu tội của Ađam thứ nhất đem lại chết chóc và đày đọa cho con người, thì cái chết của Đức Kitô – Ađam thứ hai – trên Thập giá sẽ đem lại sự cứu rỗi và mở cửa Thiên đàng cho nhân loại.

Cả ba loại truyền thuyết trên đây không nói đến “phần hồn” của con người rõ ràng bằng sấm truyền “Orphism” mà Platon đã đúc kết thành sự tích “cái hang” trong tác phẩm “The Republic”. Theo Platon, vật chất và xác thịt là nguồn gốc của tội lỗi và đau khổ trên đời. Con người như chim đang bị nhốt trong lồng “thể xác” đam mê với những lộng lẫy giả tạo chung quanh. Càng theo đuổi thỏa mãn dục vọng bao nhiêu thì lại càng thất vọng bấy nhiêu vì bản chất con người không phải là thể xác mà là linh hồn. Muốn thoát khỏi ngục tù thể xác, con người phải giác ngộ, nhận định chân lý và trở về với cái gốc linh thể của mình. Tôn giáo và đạo đức giúp con người tỉnh thức, can đảm quay lưng nhìn vào ánh sáng ở cửa hang, tức là nguồn của mọi sự chân, thiện, mỹ trên đời này. Ảnh hưởng của truyền thuyết này được thấy rõ qua thái độ xung đột giữa thân xác và linh hồn trong một số thần học tu đức Kitô giáo (dualism). Thể xác được xem như là chướng ngại vật, chỉ linh hồn mới có khả năng trường tồn và đưa con người về cuộc sống vĩnh hằng. Thánh Augustinô cũng cho rằng linh hồn là “cửa sổ” để chúng ta nhìn vào cõi thiêng liêng.

Ý nghĩa của “Con rắn” và “Trái cấm”

Tại sao Kinh Thánh chọn loài “rắn” làm hiện thân cho Satan? Còn “Trái cấm” có ý nghĩa hiện sinh gì trong cuộc sống không? Trước tiên, hình ảnh “rắn” rất quen thuộc trong Cựu ước. Cái tên “Satan” (Quỉ vương) có sẵn trong các tôn giáo cổ xưa nhưng Do Thái là tôn giáo đầu tiên cho rắn đội lốp Satan đến cám dỗ con người ăn trái cây “biết lành biết dữ”. Rắn cũng xuất hiện lần nữa khi Môsê và Aharôn ném gậy xuống đất hóa thành rắn để Pharaô cho dân Chúa ra đi tự do. Trong sa mạc, Môsê đúc rắn đồng treo lên cây cao, hễ ai bị rắn cắn nhìn vào đó sẽ được khỏi. Có thể hiểu “bị rắn cắn” theo nghĩa rộng như là một sự chùn chân, chán nản không muốn tiếp tục cuộc hành trình qua sa mạc. Trong bốn mươi năm lưu lạc ở sa mạc, dân Do Thái có lẽ đã tiếp xúc, đụng độ hoặc muốn đồng hóa với các bộ lạc thờ rắn sống trong vùng. Môsê phải đúc rắn đồng riêng cho dân Do Thái để họ lên tinh thần mà đi về đất hứa. Ngày nay các nhà khảo cổ đã tìm thấy được một số rắn đồng tại vùng mỏ đồng sa mạc Araba.

Ngoài Kinh Thánh ra cũng có nhiều chuyện thần thoại khác về rắn đã được lưu hành trước đó rất lâu. Chuyện thần thoại Gilgamesh ở xứ Sumeria kể lại vua Utnaphistim và vợ ông ta đã tìm được một loại cây trường sinh nhưng trước khi có dịp ăn quả thì một con rắn đã đánh cắp cây quí khỏi tay nhà vua. Từ đó, không ai có thể sống đời đời được nữa. Điển tích về rắn cướp lấy cơ hội trường sinh bất tử ảnh hưởng ít nhiều vào sự tích Satan hóa thân con rắn đến cám dỗ bà Evà, từ đó loài người mất đi cơ hội sống đời đời. Phải đợi đến thời Kitô giáo, “Trái cấm” được thay thế bằng “Mình và Máu” của Chiên Thiên Chúa. Cũng như thế, Evà, người nữ đem “Trái cấm” đến cho Ađam ăn sẽ được thay thế bằng Đức Trinh Nữ Maria, người “chưa hề biết đến một người nam”. Ngoài ra, cuộc chiến giữa rắn tiền sử và thần Mudok nói lên nhu cầu hy sinh đổ máu của “thần thánh” để loài người được sống. Sự tích “thần thánh” đổ máu đem lại sự sống cho nhân loại có ảnh hưởng đến khái niệm “Chiên Thiên Chúa” đổ máu để cứu rỗi thế gian trong Tân ước. Tư tưởng “máu đào các thánh tử đạo là hạt giống đức tin” cũng từ đó mà ra.

Với quan niệm của người Á Đông xem rồng như là vật linh thiêng thì dân tộc Trung Đông cũng tôn thờ con rắn vậy. Rắn đại diện cho sự khôn ngoan, nhanh nhẹn và cả sự nguy hiểm, trả thù độc địa. Dân tộc Syria xem rắn như một thần phụ trợ. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy tại các đền thờ, cổng thành nơi đây có tạc hình “đầu rắn” vì họ tin thần rắn sẽ cắn chết những kẻ xâm lăng và bảo vệ dân chúng khỏi hiểm nguy bệnh tật. Khi thấy rắn lột da nhưng vẫn sống, người ta tin rắn có bí quyết trường sinh bất tử. Người Hy Lạp có thần Asklepios chuyên về chữa bệnh mang dấu hiệu hình rắn mà ngày nay vẫn thấy tại các tiệm thuốc tây, văn phòng bác sĩ hoặc nhà thương. Người Việt tuy không thờ rắn nhưng tin là rắn có trí nhớ và khả năng trả thù (trong câu chuyện của Nguyễn Trãi). Người dân quê miền Nam có một khoái khẩu đặc biệt về thịt rắn và biết chế biến nhiều món rắn rất hấp dẫn; thịt rắn, máu rắn, da rắn, mật rắn hay cao rắn đều có thể dùng để trị nhiều chứng bệnh từ đau lưng, nhức mỏi, yếu mật, thiếu máu cho đến các bệnh sản phụ.

Vì sự khôn ngoan của rắn, Satan đội lốt rắn để đem “Trái cấm” đến dụ dỗ con người. Nhưng, “Trái cấm” là trái gì? Nếu xét theo kinh nghiệm trưởng thành của mỗi người, chúng ta có thể diễn đạt ý nghĩa của “Trái cấm” qua ba giai đoạn sau đây: Trước tiên, “vườn địa đàng” đại diện cho tuổi còn bé thơ, sống trong vô tư và trần truồng, mọi miếng ăn thức uống đều lệ thuộc vào cha mẹ, chỉ biết chơi đùa với thú vật, mỗi buổi chiều tà, cha mẹ đến dẫn đi chơi hay ngồi nghỉ dưới bóng mát. Giai đoạn “Ađam và Evà bị cám dỗ” nói lên tuổi dậy thì, ưa mạo hiểm và tự do, hay chống đối lại bề trên nhưng không màng đến hậu quả xấu; tuổi này rất dễ bị cám dỗ về tính dục và tình cảm. Cuối cùng, giai đoạn “sống ngoài vườn địa đàng” nói lên sự trưởng thành, đầy đủ nghị lực và trách nhiệm để tự lập, đàn ông kiếm sống với mồ hôi nước mắt, đàn bà mang nặng đẻ đau nhưng cả hai sẵn sàng chấp nhận mọi vất vả để tạo dựng mái ấm gia đình riêng cho họ. Vườn địa đàng có thiên thần “cầm gươm đứng gác cửa” ngăn chặn không cho con người trốn chạy trách nhiệm hay trở về với tổ ấm của cha mẹ nhưng phải đương đầu với thực tại đau khổ và biết giá trị của sự chọn lựa (no pain no gain). Nói cách khác, “Trái cấm” đánh dấu một khúc quanh quan trọng trong đời người. Khi lớn lên không tránh khỏi những sai lầm hay sa ngã, nhưng chỉ qua đó, con người mới làm chủ vận mệnh và chịu trách nhiệm cho sự chọn lựa của mình. Đó cũng là lý do tại sao “Trái cấm” được gọi là trái của “cây biết lành biết dữ”.

Sự tích Adam và tội nguyên tổ

Sau khi sơ lược qua các truyền thuyết trên đây, chúng ta có thể phân biệt ý nghĩa của “sự tích Ađam” với “Tội nguyên tổ.” Trước tiên, việc ăn “Trái cấm” trong sự tích trên chưa phải là một “tội” nếu hiểu theo định nghĩa thần học Công Giáo. Muốn bị kết tội, con người phải phạm một điều luật nào đó với sự tự do chọn lựa và hiểu biết việc làm của mình. Tội trọng cắt đứt mối liên kết giữa con người với Thiên Chúa và tha nhân. Hành động ăn “Trái cấm” chưa cắt đứt hoàn toàn mối liên hệ giữa con người với Thiên Chúa nhưng chỉ là một sự khủng khoảng hiện sinh, làm thay đổi quan niệm, thái độ của con người về tri thức, luân lý, đạo đức và nhất là mối liên hệ với gia đình. Qua biến cố đó, con người từ bỏ mái ấm của cha mẹ và đi tìm hạnh phúc riêng cho chính mình. Do đó “Trái cấm” vừa là một sự khủng hoảng, vừa là khởi đầu của một giai đoạn mới trong cuộc sống. Dân Do Thái đã tận dụng những kinh nghiệm sa ngã, những khúc quanh trong đời, khủng hoảng trong mối liên hệ gia đình để diễn đạt mối liên kết của họ đối với Thiên Chúa Yavê. Nếu hiểu sự kiện “bị đuổi ra khỏi vườn địa đàng” như một “hình phạt” thì xét ra kiếp người phải đứng trước một ngã ba khó xử: Chúa muốn con người mãi mãi sống trong ấu trĩ và ngây thơ, hay muốn họ được trưởng thành hiểu biết với tinh thần trách nhiệm? Con người nên tiếp tục sống trong sự vô tư và vô tri như mọi loài thú vật trong vườn địa đàng hay nên mạo hiểm “biết lành biết dữ” cho dù sự chọn lựa nào cũng sẽ đem đến nhiều đau khổ gian truân? Ađam và Evà đã “chọn” con đường trần ai bên ngoài vườn địa đàng và đối diện với thực tại trớ trêu của kiếp người. Vậy thì xét theo ngôn ngữ linh động của huyền sử thì “tội” của Ađam cũng chưa hoàn toàn là tội và “hình phạt” cũng không hẳn là hình phạt thật sự nhưng là một sự sa ngã hay khủng hoảng mà nếu không vượt qua con người sẽ mãi mãi sống trong ấu trĩ và ngây thơ.

Mặt khác, xét theo ngôn ngữ thần học của thánh Augustinô thì không chỉ Ađam và Evà đã phạm “Tội tổ tông” mà cả loài người cũng đều mặc lấy tội này. Mục tiêu nguyên thủy của tín điều này là để sửa sai thái độ ngạo mạn “Pelagianism” cho rằng chỉ cần tự do và tu đức thì con người tự mình có thể đạt được nước Thiên đàng. Tuy nhiên, lối diễn giải “khiêm nhường” của Augustinô vô tình đã giới hạn sự hiểu biết về tội nguyên tổ vào trong khuôn khổ “sinh vật” (biological), đánh mất đi bản tính “xã hội và môi sinh” (social & environmental) của tội lỗi. Tại Công Đồng Carthage (418), Augustinô tuyên bố rằng loài người vì “cùng dòng dõi với Ađam” đã sinh ra trong tội nguyên tổ và không ai được cứu rỗi nếu không tiếp nhận ân sủng đến từ Đức Kitô. Hơn mười một thế kỷ sau, Công Đồng Trentô (1545-1563) cũng lập lại ngôn ngữ “cùng dòng dõi với Adam” nhưng với mục đích xác định bản chất tốt lành, sự tự do của con người và bác bỏ chủ trương muốn đồng nghĩa bản tính hay sa ngã với tội tổ tông (Tin Lành). Lập trường của Giáo hội Công giáo là bí tích Rửa tội xóa bỏ tội Nguyên tổ nhưng bản tính hay sa ngã (concupiscence) vẫn tiếp tục trong cuộc sống. Do đó, muốn thánh hóa cuộc sống mọi tín hữu cần phải tham dự tích cực vào các bí tích, nhất là bí tích Thanh tẩy.

Khi tiếp tục dùng ngôn ngữ “cùng dòng dõi với Ađam”, giáo quyền muốn bảo trì tính chất “duy nhất” của nguồn gốc con người. Tuy nhiên tính chất “đại đồng” của tội Nguyên tổ không nhất thiết phải bị gò bó trong ý nghĩa “sinh vật” của thánh Augustinô. Trái lại, sự tích Ađam cho thấy tội cũng là một sự xâm nhập từ bên ngoài. Ađam và Evà bị cám dỗ bởi một mãnh lực thu hút từ bên ngoài: Con rắn đã giới thiệu khái niệm luân lý (Trái cây biết lành biết dữ) vào tiềm thức và ngôn ngữ của loài người. Đó là lý do tại sao Công Đồng Vatican II nói về hai nguồn gốc của tội lỗi: Sự yếu đuối và chọn lựa sai lầm của cá nhân và môi trường xã hội sa đọa mà con người đang sống. Hiện nay, cũng có hai quan điểm thần học khác biệt về tội nguyên tổ: (1) Quan điểm “cá nhân” cho rằng tội lỗi là kinh nghiệm riêng tư trong thực tại đời sống mọi người; vì ai cũng có tội nên ai cũng có trách nhiệm thánh hóa bản thân để lãnh nhận ơn cứu rỗi của Thiên Chúa; (2) Quan điểm “sinh thái” giải thích rằng con người sống trong xã hội với đầy dẫy bất công, ích kỷ, kỳ thị, truyền đạt từ đời này qua đời kia con người không tránh khỏi bị ô nhiễm (cha mẹ ăn trái chua, con cái hư răng). Nói chung, tính chất “đại đồng” của tội nguyên tổ cần được diễn đạt một cách cẩn thận: Một bên, sự yếu đuối của con người cần phải được nâng đỡ bằng ân sủng Thiên Chúa (các bí tích); còn bên kia, sống trong môi trường sa đọa con người phải được giáo dục để có tinh thần trách nhiệm trong khi chọn lựa.

Kết luận

Nếu nhìn một cách bao quát, sự tích Ađam nối kết loài người vào cùng một thân phận, lịch sử và ơn cứu độ. Sống trong xã hội đa đạng, đức tin lẫn lộn với tội ác, con người khủng bố, sát hại nhau vì tôn giáo, khó mà từ chối thực tại của tội lỗi trong xã hội. Chúng ta cần hợp tác với nhau để tìm một giải pháp chung. Tuy nhiên, giải pháp cũng tùy thuộc theo cách diễn giải tội Nguyên tổ. Theo kinh nghiệm hiện sinh, Nguyên tội làm cho con người sống trong nghi ngờ, tự trói mình vào trong an ninh giả tạo, không dám mạo hiểm theo tiếng gọi của đức tin. Theo phương diện vũ trụ quan, tội Nguyên tổ là khuynh hướng muốn tách rời khỏi mạng lưới ân sủng Thiên Chúa, thay vì xem mình một phân tử trong tiến trình biến hóa chung của vạn vật thì muốn chinh phục tha nhân và môi sinh để thỏa mãn tham vọng riêng tư. Theo quan niệm phái tính, người ta cho rằng chủ nghĩa trọng nam khinh nữ, buộc nữ giới chấp nhận vai trò thụ động, bản ngã không xứng đáng là một đại diện chân chính cho Đức Kitô cũng là hiệu quả của tội Nguyên tổ. Sự tích Ađam giúp chúng ta có một cái nhìn thực tế hơn về con người. Cõi địa đàng chỉ là những mơ ước, không ngoài mục đích khẳng định bản chất tốt lành của con người. Loài người phải chấp nhận thực tại của tội lỗi, tận dụng mọi tài năng Thiên Chúa đã ban cho và tiếp tay xây dựng một xã hội công bằng và bác ái. Tuy con người có tự do thật sự, nhưng chọn lựa sai lầm có thể đưa đến những hậu quả rất tai hại. Xã hội càng văn minh và có kỹ thuật cao siêu bao nhiêu thì con người có thể tàn phá nhân loại và môi sinh khốc liệt bấy nhiêu. Do đó, con người cần phải học các lỗi lầm trong quá khứ và biết nhìn về tương lai với niềm tin và hy vọng rằng chỉ có Thiên Chúa, Đấng Xóa Tội trần gian, mới có thể thánh hóa và gội sạch hoàn toàn mọi đau khổ và tội lỗi của kiếp làm người.

Lm. Nguyễn Đoàn Tân, OFM

Chia sẻ