Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Các Tông Phụ và vấn đề “Bầu Cũ & Rượu Mới”

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 10:16 UTC+7 263

Joseph Tân Nguyễn, OFM

1695132255-ruou-moi-bau-cu-thong-dien-hoc.jpg

Tại một giáo xứ bên Mỹ, chị bếp có thói quen mỗi ngày hâm lại món ăn của ngày hôm trước và dọn lên bàn cùng với món vừa mới được nấu. Đến thứ bảy, chị đem tất cả đồ ăn trong tủ lạnh ra xào nấu lại và khéo léo trình bày thành những món trông rất hấp dẫn. Đến trưa, cha xứ vừa đi đánh golf về, đói bụng, nhìn thức ăn thơm phức và nóng hổi dọn sẵn trên bàn; như thường lệ, ngài đưa tay ra làm phép trước khi ngồi vào bàn. Thấy vậy, chị bếp buột miệng thốt lên: “Cha ơi, mấy món đó đã được làm phép 5 lần rồi cha à!” Cha xứ ??!!

Nếu bạn là Cha Xứ thì bạn sẽ phản ứng như thế nào? Đối với chị bếp, nấu ăn là nghệ thuật cân bằng giữa việc đáp ứng khẩu vị của người ăn với sự cần kiệm tránh phí phạm. Có lẽ, chị ta rất hãnh diện về khả năng biến chế đồ ăn dư thừa thành những món cha xứ thích thú, để ngài thưởng thức và giảng lễ vào dịp cuối tuần hăng say hơn. Còn cha xứ thì nhìn thực tại từ góc độ thiêng liêng, những gì ngon miệng và nuôi dưỡng thể xác thì cũng tốt cho phần hồn, nhờ đó mà đẹp lòng Chúa và giúp ta cầu nguyện liên lỉ. Hai quan điểm trên có hoàn toàn đối nghịch nhau không? Hàng ngày, chúng ta gặp nhiều hoàn cảnh tương tự. Hành vi thì có vẻ đối nghịch, như câu nhắc nhở của chị bếp và thói quen làm phép thức ăn của cha xứ; thế nhưng, ý tưởng và động lực bên sau các hành vi đó thì không hoàn toàn trái ngược như thế. Vậy, có cách nào để kết nối khía cạnh tích cực của hai hành vi này lại với nhau không?

Việc chú giải Kinh Thánh ở thế kỷ thứ II cũng gặp những mâu thuẫn như vậy. “Biến cố Kitô”, bao gồm sứ vụ rao giảng Nước Trời, cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, đã để lại những chấn động trên cuộc sống của các môn đệ và nhiều thế hệ dân Do Thái cũng như dân ngoại sau đó. Sách Tông Đồ Công Vụ ghi lại sự hăng say, nóng lòng muốn lan truyền cho thế giới về một Thần Khí Mới đang phát sinh nơi cộng đồng những người mới chịu Phép Rửa. Nhưng sự hăng say này không được người Do Thái đón nhận cách tích cực. Sau khi Giêrusalem bị quân đội Rôma phá hủy (70 Công Nguyên), người Do Thái trở nên thù nghịch hơn và đã khai trừ các Kitô hữu ra khỏi hội đường. Tuy vậy, các tín hữu vẫn kiên trì, xem lời hứa cứu rỗi của dân Do Thái cũng là lời hứa cho chính mình, và cố gắng giữ sự liên tục giữa Kinh Thánh và “biến cố Kitô”, vì cả hai cùng đến từ một Thiên Chúa. Trong lúc đó, các nhóm Ngộ giáo (Gnostics) quá khích, muốn hoàn toàn loại bỏ “bầu cũ” một khi đã có “rượu mới”, sẵn sàng trích xuất các Thư của Phaolô để lên án linh đạo lề luật của Cựu Ước. Đó là chưa kể những cuộc bắt đạo đẫm máu mà Giáo Hội sẽ gánh chịu.

Vì thế, để tìm một hợp đề “công giáo” thích ứng cho bối cảnh này thì sẽ cần thời gian và ơn soi sáng của Thần Khí. Tiến trình giải quyết vấn đề “bầu cũ & rượu mới” trải dài qua các Tông Phụ tiêu biểu như Inhaxiô và Barnaba, Marcion và Justinô, Plôtêmê và Valentinô. Cuối cùng, Irênê đã kết nối nền tảng linh ứng của Tân Ước với thẩm quyền của Giáo Hội. Những nỗ lực bảo tồn tính vẹn toàn của mặc khải trên đây sẽ đóng góp cho sự hình thành của thư quy “Tân Ước”.

Giải quyết vấn đề “Bầu Cũ & Rượu Mới”

Chỉ vài thập niên sau khi Chúa Giêsu lên trời thì đã có thêm một số bản “Tin Mừng” và các “Thư” về sứ vụ của thánh Phaolô và các Tông Đồ. Thời đó, khái niệm “Tân Ước” vẫn còn linh động. Đối với những tín hữu gốc Do Thái, “biến cố Kitô” là sự ứng nghiệm của lề luật và ngôn sứ. Nhưng trong bối cảnh truyền giáo ở thế kỷ thứ II, các tín hữu gốc Hy Lạp không mang cùng tâm thức lịch sử về “Vượt Qua”, “Xuất Hành”, “Sa Mạc” hay “Đất Hứa” của Do Thái giáo, nên sự kiện ứng nghiệm của Cựu Ước không đóng góp gì cho nền tảng đức tin của họ. Việc tuân giữ lề luật cũng gây tranh cãi giữa các cộng đoàn truyền giáo. Một bên cho rằng: “Đức Giêsu đến để hoàn thiện lề luật. Không một dấu, một vết của lề luật có thể bị bỏ qua” (Mt 5,18). Còn quan điểm trái ngược thì cho rằng: “Đức Giêsu đến để giải thoát chúng ta khỏi lề luật, do đó chúng ta được tự do sống theo Thần Khí và ân sủng” (2 Cr 3,4-6). Thế nhưng, giữa hai thái cực này còn có nhóm Ngộ giáo với linh đạo cuồng tín của họ không phù hợp với tính “công giáo” của đạo mới. Với tác phẩm “Tông Đồ Công Vụ”, cộng đồng Kitô hữu bắt đầu gom lại các thư của Phaolô và các Tông Đồ để truyền nhau đọc trong các buổi phụng vụ. Tuy cùng chia sẻ chung một niềm tin mặc khải qua “biến cố Kitô” mang tính siêu việt hơn mặc khải của Cựu Ước, nhưng vẫn còn đó nhiều khác biệt về cách kết nối “bầu cũ” với “rượu mới” và nền tảng linh ứng của các bản văn mới.

Inhaxiô (khoảng 108) và Barnaba

Trước tiên, Inhaxiô, một vị giám mục trên đường bị truy điệu về Rôma để chịu án tử hình, đã viết bảy lá thư mục vụ khuyên bảo các cộng đoàn Kitô hữu giữ vững đức tin. Qua đó, ngài đã để lại một nguyên tắc quan trọng về việc chú giải Lời Chúa. Tại Philadelphia, một số Kitô hữu cho rằng, nếu không tìm thấy “bản văn” Kinh Thánh trong các “Thư” thì đó không thể thuộc về Tin Mừng. Phản hồi lại thái độ quá lệ thuộc vào Cựu Ước này, Inhaxiô giải thích rằng “Bản Văn” được mặc khải chính là Đức Giêsu, công cuộc cứu độ và đức tin phát xuất từ Người. Vì Kinh Thánh được viết về Đức Kitô, nên ý nghĩa thư quy phải là hiện thân và là sứ vụ Nước Trời của Người. Như thế, Inhaxiô đã giới thiệu một nguyên tắc linh ứng dựa trên quan điểm Kitô luận của ngài.

Nguyên tắc Kitô luận để biện phân Lời Chúa cũng được Barnaba dùng nhưng đưa đến kết luận hơi thái quá. Barnaba cho rằng, vì người Do Thái đã hiểu sai những hình bóng về lịch sử ơn cứu độ; do đó, không có lý do gì mà Kitô giáo cần phải viện đến lời giao ước cũ, để giải thích cho ý nghĩa về sự trọn vẹn hay hoàn tất của lời giao ước mới, chính là Đức Kitô. Barnaba muốn cắt đứt mối liên kết giữa hai lời giao ước với cách dùng lịch sử Cựu Ước để minh họa cho mặc khải Kitô giáo.

Marcion (85-160) và Justinô (100-162)

Marcion, thuộc phái Ngộ giáo, còn đi xa hơn nữa, khi loại bỏ lối chú giải “tiên trưng”. Marcion giải thích tính đối nghịch giữa lề luật và ân sủng thường được thấy trong các thư mục vụ của Phaolô dựa trên quan điểm nhị nguyên. Marcion phân biệt Thiên Chúa Công Chính (Lề luật và Do thái giáo) với Thiên Chúa Thiện Hảo (Cha của Đức Kitô). Sự mới mẻ của Tin Mừng đã loại bỏ tính thô lỗ hay cục mịch của Cựu Ước. Những nhân vật như Cain, dân thành Sôđom, dân Ai Cập và những kẻ gian tà khác đều đến với Đức Kitô để mong được cứu rỗi; thế nhưng, vì dựa trên sự công chính, họ đã bị loại trừ. Chỉ có ân sủng và đức tin mới cứu độ con người. Vì muốn biện minh cho thuyết ân sủng của Phaolô, Marcion đã cắt đứt mối liên kết giữa hai lời giao ước vốn xuất phát từ cùng một Thiên Chúa. Nhưng Giáo Hội sơ khai muốn tin Thiên Chúa của Cựu Ước được mạc khải là Cha của Đức Kitô, do đó không có Cựu Ước thì cũng sẽ không có Tân Ước. Justinô sẽ khai triển điểm này một cách hệ thống hơn.

Justinô là nhà biện giáo đầu tiên phản đối sự tách biệt giữa Cựu Ước và Tân Ước. Thay vào đó Justinô đề nghị một thuyết chú giải, vốn sẽ trở thành nền tảng cho quan điểm mặc khải của Giáo Hội. Ông cho rằng tất cả các chứng nhân cho Thiên Chúa, bao gồm cả triết gia Heraclitus, đều có thể cho là thuộc cùng một gia tộc Kitô hữu. Justinô đã dùng yếu tố lịch sử lẫn Kitô luận để minh chứng về các cấp độ mặc khải khác nhau, được tìm thấy trong Cựu Ước và triết Hy Lạp. Ông giải thích mối tương quan giữa Lề luật và linh đạo Kitô giáo, giữa các ngôn sứ và sự mong chờ vào sự hoàn tất của lời tiên tri. Các tổ phụ Do Thái vẫn được cứu rỗi, nhưng không cần phải cắt bì, giữ ngày Sabat hay luật lệ về ăn uống và của lễ hiến tế; bởi vì, hai biến cố cuộc khổ nạn và sự (phục sinh) vinh quang của Đấng Mêsia đã được Cựu Ước tiên báo. Justinô đã ra công bảo tồn Cựu Ước cho Kitô giáo, nhưng cách dùng phương pháp tiên trưng của Justinô hơi lỏng lẻo, thậm chí đưa đến những lời tố cáo khó minh chứng như khi ông cho rằng, một số bản văn nói đến mặc khải Kitô giáo trong Cựu Ước đã bị người Do Thái cắt bỏ.

Ptôlêmê (100-170) và Valentinô (100-180)

Một cách chú giải lịch sử khác đến từ Ptôlêmê (Ptolemaeus) và Valentinô (Valentius) thuộc phái Ngộ giáo. Ptôlêmê vẫn tôn trọng mặc khải Cựu Ước nhưng phân biệt rằng, lề luật của Cựu ước thì không hoàn toàn do Thiên Chúa mà một số đến từ con người vì nhu cầu đặc biệt của dân Do Thái. Còn luật tình yêu trong Tân Ước thì do chính Đức Kitô, Con Thiên Chúa ban cho chúng ta. Luật Thiên Chúa thì hoàn hảo, nhưng cách giải thích chúng thì bất toàn, cần phải hoàn thiện bởi Đấng Cứu Độ, Người đã cải biến thực tại khả giác thành những thực tại thiêng liêng và vô hình. Lề luật Do Thái cần được mặc lấy ý nghĩa thiêng liêng, như thánh Phaolô đã tuyên bố: “Đức Kitô, cuộc vượt qua của chúng ta đã hiến tế cho chúng ta” (1 Cr 5,7). Với lý luận này, Ptôlêmê đã đưa yếu tố truyền thống vào việc chú giải Kinh Thánh. Không phải cắt bỏ truyền thống, nhưng cần biện phân các thực tại thiêng liêng và vô hình tiềm tàng trong đó. Sau này, Irênê sẽ kết nối vai trò của truyền thống với thẩm quyền Giáo Hội một cách hệ thống hơn.

Valentinô đại diện cho giới trung lưu, hiểu biết nhiều về triết lý Hy Lạp. Ông có thái độ cứng rắn hơn về mối tương quan giữa Cựu Ước và Tân Ước khi trích dẫn Gioan 10,8: “Mọi kẻ đến trước tôi đều là trộm cướp.” Valentinô cho rằng, Cựu Ước chỉ là một cuốn sách tầm thường với luật lệ bất cập, mâu thuẫn và đôi khi bất nhân. Thiên Chúa của Do Thái giáo không được giới triết gia Hy Lạp tôn trọng, nhưng thời đó Giáo Hội chưa có cách đáp ứng thích đáng cho vấn đề này. Phaolô và tác giả của “Thư Do Thái” đã thỏa mãn nhu cầu cập nhật đức tin cho các phần tử nội bộ của Giáo Hội; nhưng cấp bách hơn là nhu cầu lý giải đức tin cho những kẻ bên ngoài, nếu Giáo Hội muốn tiếp tục sứ mệnh truyền giáo của mình.

Linh ứng và thẩm quyền Giáo hội: Irênê (130 – 202)

Irênê là Giám mục người Hy Lạp ở Lyon, Pháp. Ngài đáp ứng nhu cầu giải thích đức tin Kitô giáo cho dân ngoại. Từ đó, ngài đưa ra “nguyên tắc tông truyền” trong tập sách có chủ đề “Về cách nhận diện và đả phá các tri thức ngụy biện” (180 CN). Tập sách này vạch trần hai điểm sai lầm trong lối suy tư Ngộ giáo của Valentinô và Marcion, khi hai ông phân biệt tính thứ cấp của Thiên Chúa Cựu Ước so với Thiên Chúa của Tân Ước. Irênê chứng minh rằng, chỉ có một Thiên Chúa vốn đã mặc khải qua cả hai lời giao ước. Lề luật trong Cựu Ước là thật và đúng cho thời đại của nó, nhưng Thiên Chúa trong Tân Ước đã hài lòng với cách mặc khải mới qua sự hiện diện của Con Thiên Chúa, Đức Kitô. Lề luật hay lời ngôn sứ tự nó không chứa đựng lời giải thích cho nó. Nhưng với “biến cố Kitô”, lề luật và lời ngôn sứ được xem như là những báu vật, được chôn cất từ lâu, và nay được khám phá qua Thánh Giá của Đức Kitô. Chính Người đã giải thích điều này sau khi Phục sinh (x. Lc 24,27). Từ nhãn quan lịch sử tính của mặc khải, Irênê đã tìm một hợp đề tốt hơn để kết nối sự đối nghịch giữa hai giao ước trong việc chú giải Kinh Thánh.

Kế tiếp, Irênê vạch ra khuynh hướng “lấy râu ông này gắn cằm bà nọ” trong cách mà phái Ngộ giáo đã ráp nối hình ảnh các tầng trời (eon) của truyện thần thoại Hy Lạp với hình ảnh về Chúa Cha, Ân Sủng và Đấng được hạ sinh. Khi pha trộn những giai thoại Hy-lạp tìm thấy trong Eliad và Odyssey vào Kinh Thánh, các nhóm Ngộ giáo đã tạo nên những đám hỏa mù để biện minh cho linh đạo mờ ám và bí ẩn của họ. Họ làm như thế chỉ qua mắt được những người ít học, nhưng sẽ là một sự lừa đối với những kẻ có kiến thức về tác giả Homer. Irênê không phản đối phương pháp chú giải ẩn dụ, nhưng chống lại cách giải thích sự bí ẩn của một bản văn bằng một sự mờ ám khác. Thay vào đó, Irênê giới thiệu khái niệm “quy phạm của đức tin” (the rule of faith), xuất phát từ tính tông truyền của Giáo Hội. Giáo Hội được Thiên Chúa giao phó cho sứ mệnh loan báo Tin Mừng, do đó chân lý chỉ được tìm thấy nơi Giáo Hội. Triết học có thể cho ta nhiều cách giải thích, có cái đáng tin và cũng có cái đáng hoài nghi; thế nhưng, chân lý thì luôn ở trong sự quan phòng của Thiên Chúa, qua tính tông truyền từ lúc khởi đầu nơi các tông đồ trải dài đến các vị giám mục hiện nay. Lời giáo huấn của các Tông Đồ là sự hiểu biết chân chính nhất. Ai muốn tìm ý nghĩa chân thực của Kinh Thánh, thì hãy đọc Kinh Thánh với các vị giám quản vốn được giáo huấn theo qui phạm đức tin Công giáo.

Như thế, với Irênê, việc chú giải Kinh Thánh bước sang một giai đoạn mới. Chú giải Kinh Thánh thì không giống như viết Kinh Thánh - hay dùng lý trí để phán đoán, nhưng là một việc nại đến thẩm quyền vừa nội tại lẫn ngoại tại. Một mặt, Giáo Hội không tạo nên Tin Mừng, mà qua sự linh ứng của Thần Khí, Giáo Hội đã mang Tin Mừng vào sự tồn tại của nó như một bản văn. Nhưng Tin Mừng là cuốn sách mà Giáo Hội đã chọn lựa các trình thuật lịch sử về nguồn gốc và Đấng Sáng Lập. Do đó, không thể tách biệt thẩm quyền của truyền thống Giáo Hội với việc chú giải Kinh Thánh. Irênê là Thần học gia đầu tiên bảo vệ tính linh ứng của Tân Ước trên nền tảng truyền thống của Giáo Hội.

Kết

Tranh luận về chú giải Kinh Thánh của các Tông Phụ cho chúng ta thấy rằng, bản văn Kinh Thánh không thể tự chú giải chính mình. Khi chúng ta đọc và giải thích Kinh Thánh phù hợp với nhu cầu sống đức tin của cộng đoàn hiện tại, thì chính chúng ta cũng đang mang ý nghĩa của Kinh Thánh vào hiện tại bằng ngôn ngữ của mình. Nhưng chúng ta cũng không bao giờ chú giải Kinh Thánh trong chân không. Trước khi chú giải Kinh Thánh thì Kinh Thánh đã chú giải chúng ta rồi. Cho dù có ý thức hay không, thì chúng ta luôn chú giải Kinh Thánh dưới ảnh hưởng của truyền thống đức tin hay một chân trời tri thức nào đó. Kitô hữu luôn xem “biến cố cám dỗ” của Adam & Eva như là khởi đầu của “nguyên tội”; là bởi vì, thần học nguyên tội Kitô giáo đã được thấm nhuần ảnh hưởng của thánh Augustinô rồi. Chân trời tri thức này giới hạn khung hiểu biết của chúng ta, nhưng cũng cho phép chúng ta kết nối ý nghĩa của mặc khải trong quá khứ với mặc khải trong hiện tại.

Nói tóm lại, việc chú giải Kinh Thánh gắn liền với sự thành hình và phát huy của truyền thống Giáo Hội. Khi các thế hệ Kitô hữu tiếp tục quay trở về truyền thống để tìm cách câu trả lời cho đức tin hiện tại, thì truyền thống được cập nhật hóa và sự hiểu biết về đức tin được phong phú hơn. Mặt khác, truyền thống Giáo Hội cũng đang thông diễn cách Kitô hữu đáp ứng với các dấu hiệu của thời gian. Các nghị phụ tại Công đồng Vatican II có thể tiếp cận vấn đề bất công xã hội, tranh đấu giai cấp, kỳ thị chủng tộc, chiến tranh lạnh, v.v., từ nhãn quan khoa học xã hội. Nhưng họ được mời gọi trở về truyền thống, vì đó là nơi tích tụ những thành công và thất bại, cùng với kinh nghiệm đau khổ và bài học khôn ngoan mà Giáo Hội góp nhặt được qua hành trình mở mang Nước Chúa. Là một “lịch sử phê phán”, truyền thống có thẩm quyền trên cách chúng ta chú giải truyền thống và tìm hiểu mầu nhiệm đang điều phối và lôi cuốn chúng ta.

Nguồn tham khảo:

- Joseph Tân Nguyễn, OFM. Thông Diễn Học. Đồng Nai: NXB Đồng Nai, 2022.

- Robert Grant & David Tracy. A Short History of the Interpretation of the Bible. Fortress Press, 1985.


Chia sẻ