Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

TÔN GIÁO QUA NHÃN QUAN NHÂN HỌC

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 09:39 UTC+7 100

Joseph Tân Nguyễn, OFM

1695131535-ton-giao-nhan-hoc.png

Bài khảo luận này tìm hiểu vai trò của tôn giáo trong cách con người phóng chiếu chính mình qua các truyện thần thoại, chức năng của nghi thức và ngôn ngữ biểu tượng. Chúng ta sẽ lược qua ba nhóm học thuyết: Nhân học Victorian, Nhân học Chức năng và Nhân học Biểu tượng.

THUYẾT NHÂN HỌC “VICTORIAN”

Môn nghiên cứu nhân học bắt đầu xuất hiện vào khoảng giữa thế kỷ XIX, khi các học giả thu thập mọi hiện tượng tôn giáo xa lạ trên khắp thế giới rồi dùng phương pháp phân tích và so sánh để chiết lọc ra một bản tính chung về con người. Họ phân tích cẩn thận và hệ thống hóa nhiều dữ liệu về nghi thức hay tập tục văn hóa kỳ lạ và trêu ngươi. Họ tìm hiểu lịch sử khởi đầu của nhân loại qua các huyền thoại, rồi từ những hình thức tôn giáo sơ khai họ đã đề nghị một quan điểm tiến hóa về tôn giáo. Mục tiêu của trường phái nhân học này là khám phá bản tính con người một cách chung chung, chứ không phải riêng rẽ về một xã hội đặc thù nào cả.

Edward Burnett Tylor (1832 – 1917) quan sát và thấy rằng, con người sơ khai có những giấc mơ về những kẻ mới chết và đón nhận những hình ảnh thấy được trong giấc mơ như là người thật. Thế nhưng, họ cũng có giấc mơ về kẻ sống, và từ đó, họ hiện thực hóa giấc mơ về kẻ chết như linh hồn tách biệt khỏi người sống. Nếu các linh hồn có thể tồn tại riêng biệt, thì trên lý thuyết cũng sẽ có những hồn khác chưa bao giờ tồn tại trong thể xác. Các linh thể này có thể là thần linh hoặc khí phách con người. Tylor cho rằng niềm tin vào hữu thể thần linh và chủ thuyết Vật linh luôn hiện diện tại gốc rễ của tôn giáo. Truyện thần thoại là lời giải thích về sự kiện chứ không thể hiểu theo nghĩa nguyên văn là sự kiện. Lối giải thích này tiếp tục tồn tại qua những tàn tích hay các họa tiết hiện tại, cho dù không hữu ích gì nữa (ví dụ, cây thông Noel). Tàn tích tương đương với mê tín dị đoan, tuy không có chức năng thật sự trong thế giới hiện đại nhưng vẫn bám vào các thói quen và tập tục.

Trước Taylor, các thuyết tôn giáo chính thống xem trình thuật về biến cố “Sa Ngã” trong sách Sáng Thế như là đánh mất sự hoàn hảo ban đầu của con người sơ khai, và loại bỏ mọi tương quan giữa xã hội sơ khai và xã hội tân thời. Nhưng dựa trên các chứng liệu thu thập được từ khảo cổ học và cổ sinh vật học, Tylor đề nghị một quan điểm tiến hóa rằng con người cổ đại cũng giống như con người hiện đại trong nỗ lực muốn thăng hoa bản tính người. Chỉ khi nào có sự tương đồng trong khả năng và hoạt động tri thức, thì chúng ta mới có thể nghiên cứu xã hội từ nhiều khía cạnh như khoảng cách thời gian, không gian và mức độ phát triển văn hóa.

James Frazer (1854 – 1941) cũng phác họa một sơ đồ tiến hóa của nhân loại trải qua ba giai đoạn: trẻ thơ, lớn lên và trưởng thành. Ở giai đoạn trẻ thơ, con người dùng ảo thuật để thực hiện công việc và thao túng thế giới bên ngoài. Trong giai đoạn tôn giáo, con người cầu cứu các đấng thần linh để đạt được mục đích của mình. Tất cả chấm dứt với giai đoạn khoa học. Cũng giống như ảo thuật, khoa học dùng kỹ thuật để thực hiện những công việc cụ thể nhưng dựa trên các nguyên lý hợp lý và hữu hiệu hơn. Frazer minh họa sự tiến hóa này bằng cách kết nối các sự tích tương tự nhưng xuất hiện qua nhiều trình thuật văn hóa sơ khai khác nhau. Trong tác phẩm Cành Vàng (The Golden Bough, 1890), Frazer kể lại câu chuyện về vị Vua Rừng ở Aricia chiếm đoạt ngai vàng sau khi giết được người tiền nhiệm. Khi lên ngôi, ông đương nhiên trở thành tình nhân của nữ thần săn bắn Diana, và ngai vàng của ông sẽ bị đe dọa nếu có ai tìm được “cành vàng” từ khu rừng của các cây thần linh. Frazer cho rằng sự tích Vua Rừng hàm chứa nhiều điển tích và thói quen xa xưa như các sự tích về nữ thần mang thai bởi phàm nhân, việc thờ các cây rừng, hay chuyện kết hôn giữa con người với các cây thần linh. Ông thu thập nhiều chuyện cổ tích về vua đóng vai tư tế hay sự cố nam thần trẻ bị giết bởi cây tầm gửi (mistletoe). Frazer cho rằng đó là “cành vàng” vì màu sắc của nó dựa, và dùng nguyên lý đồng cảm và lây nhiễm của ảo thuật để giải thích sự tương đồng giữa các sự tích trên thế giới.

Nói chung, nền tảng cho lý thuyết của các học giả thời Victorian đều dựa trên những khám phá mới của Darwin về sự tiến hóa trong địa chất học và khảo cổ học. Họ tìm kiếm tính người qua cách phân tích cán trình thuật tôn giáo, và kết luận rằng tri thức con người cũng phát triển theo luật tiến hóa. Tuy cho rằng tôn giáo đã lỗi thời vì nó không đủ mạnh để giải thích về thế giới như khoa học, nhưng thuyết Nhân học Victorian cho thấy tôn giáo đã là một bước tiến trong nỗ lực gia tăng sự hiểu biết của con người về thế giới. Điểm yếu của họ là dùng những dữ liệu còn hồ nghi, vốn được thu thập từ khắp thế giới. Chính họ thì không học ngôn ngữ địa phương nào cả, do đó sẽ không nắm bắt được chức năng của biểu tượng tôn giáo trong sự hình thành của bản tính người.

THUYẾT NHÂN HỌC CHỨC NĂNG

Chủ thuyết Nhân học Chức năng chỉ trích loại “nhân học ghế bành” của trường phái Victorian, vốn chỉ lo trích xuất các nghi thức và niềm tin tôn giáo ra khỏi tổng thể bối cảnh văn hóa của chúng, so sánh chúng với những hiện tượng hoàn toàn khác để tìm những mô mẫu. Trái lại, quan điểm “duy chức năng” cho rằng, mọi hình thức văn hóa hay tôn giáo đều có vai trò đóng góp vào sự bảo tồn và phát triển của xã hội. Sứ mệnh của nghiên cứu là chú giải chức năng chứ không chỉ tập trung vào ý nghĩa của dữ kiện thu thập được. Muốn biết tôn giáo tác dụng như thế nào trong xã hội, nhà nghiên cứu cần phải trở thành những chuyên viên về tập tục tôn giáo và ngôn ngữ địa phương, trước khi đến tận nơi thực hành công việc nghiên cứu. Tôn giáo cũng giống như những sinh vật, với mỗi bộ phận tác dụng một số chức năng nào đó để bảo đảm sự sinh tồn của tổng thể. Nhà nghiên cứu cần tránh sự phán đoán tiêu cực về các tập tục văn hóa xa lạ và nhận diện chức năng của mỗi bộ phận trong tổng thể của xã hội.

Bronislaw Malinowski (1884 – 1942) là người sáng lập Nhân học Chức năng. Malinowski nhìn thấy các chức năng của một xã hội phản ảnh nhu cầu thiết yếu để bảo tồn một sự sống của một sinh vật như: dinh dưỡng, sinh sản, thoải mái thể xác, an toàn, nghỉ ngơi, di chuyển, và trưởng thành đến mức độ nhu cầu cao hơn trong xã hội. Muốn thấu hiểu bất cứ khía cạnh nào của văn hóa, chúng ta cần phải nhận diện chức năng nào đã được thỏa mãn. Tác phẩm thời danh của ông, Các Thủ Thủy tàu “Argo” của vùng Tây Thái Bình Dương, nghiên cứu khía cạnh kinh tế và trao đổi hàng hóa giữa các thổ dân đảo Trobrian, và được xem như là điểm khởi đầu cho ngành “Nhân học Kinh tế”. Ông chỉ trích loại ‘chú giải thần thoại chỉ chú tâm vào bản văn’ thì quá đơn sơ, vì nó không nói gì về vai trò của truyện thần thoại trong cấu trúc tổng thể của một xã hội. Chỉ sự có mặt tại hiện trường mới quan sát thể cách các truyện thần thoại đan xen với nghi thức, cung cấp mệnh lệnh và mô hình cho hoạt động xã hội. Truyện thần thoại không giải thích về thiên nhiên, nhưng thường xuyên cung cấp mô hình cho tương quan xã hội và đời sống gia đình.

Để minh họa quan điểm này, Malinowski phân tích truyện thần thoại của bốn bộ lạc Trobriand về cuộc đối thoại hầu như vô nghĩa giữa Chó và Heo nổi lên từ âm phủ. Khi chúng xuất hiện, Chó khẳng định vị thế thấp kém của Heo và vai trò cao thượng của mình. Khi quan sát mối tương quan giữa các bộ lạc Trobriand các chuyên viên mới thấy rằng, truyện thần thoại có sức mạnh bảo đảm cho sự hàn gắn của bộ tộc. Truyện thần thoại được kể cho bất cứ ai mới đến, để dạy cho họ cách mau chóng về cấu trúc xã hội và các tương quan hợp pháp của mỗi thôn làng. Malinowski muốn chứng tỏ rằng, khác với Tylor và Frazer, truyện thần thoại không chỉ là những chủ đề phổ quát về vấn nạn nan giải trong thế giới tự nhiên. Đúng hơn, chúng tác động vào sự toàn vẹn của văn hóa địa phương trong cách chúng bảo đảm sự liên tục của các mối tương quan. Chức năng căn bản của trình thuật là “tác động” chứ không phải “giải thích”.

Radcliffe-Brown (1881–1955), một chuyên viên hiện trường thuộc trường phái Nhân học Chức năng đã khai triển sâu rộng hơn về sự tác động của truyện thần thoại lên cảm thức của cộng đồng xã hội. Ông nhận thấy các tập tục và niềm tin tôn giáo có vai trò thôi thúc sự bảo tồn cấu trúc xã hội, để giúp cá nhân được hòa nhập vào đó như là một tổng thể. Mọi chuyện cổ tích, nghi thức, tập tục hay niềm tin đều phải đóng góp vào việc hợp pháp hóa và phát huy cấu trúc đó. Radcliffe-Brown nhấn mạnh vào nghi thức, vì chúng có chức năng điều phối hay tạo nên những cảm xúc để con người sẵn sàng giảm nén hành vi của mình vào các nhu cầu xã hội. Cảm thức quan trọng cần được nung đúc nơi tâm khảm con người là sự lệ thuộc vào quyền lực của tập thể xã hội. Tuy nhiên, học thuyết này có khuynh hướng lướt qua sự giao thoa với những xã hội khác bên ngoài như chế độ bảo hộ thực dân hoặc sự thống trị của các bộ lạc lân cận. Radcliffe-Brown chỉ ra khía cạnh công cụ của nghi thức, nhưng vẫn chưa nói lên được quan điểm của người bản địa và bề dày của văn hóa, và như thế cuối cùng cũng chỉ là “trình thuật về trình thuật”!

THUYẾT NHÂN HỌC BIỂU TƯỢNG

Nhân học Biểu tượng, dựa trên ký hiệu học của Ferdinand de Saussure (1857–1913) có khả năng lắp vào khoảng trống của thuyết Victorian và thuyết Duy Chức năng về nhu cầu khai triển bề dày của ngôn ngữ biểu tượng. Saussure cho rằng ngôn ngữ hay nghi thức biểu tượng là sự tham dự của con người vào hoạt động xã hội, mà qua đó tỏ lộ cấu trúc tư tưởng và tạo nên một mạng lưới văn hóa. Saussure phân biệt giữa “ngôn từ” (ký hiệu) và “diễn ngôn” (hành vi ngôn ngữ), vốn có khả năng chỉ ra bề dày của “hành vi” văn hóa mà “ký hiệu” văn hóa không có. Những “âm-hình” hay ký hiệu không thể tự nó tạo ra sự khác biệt trong thế giới; nhưng qua “diễn ngôn” hay hành vi ngôn ngữ, con người đã tạo nên những “khái niệm” để nói lên sự khác biệt đã có sẵn trong thế giới. Cần phải hiểu hành vi tôn giáo như là “diễn ngôn”, thì lúc đó ta mới có thể nhận ra cấu trúc của tư tưởng và viễn tượng văn hóa tiềm tàng trong biểu tượng tôn giáo. Cả hai khía cạnh cấu trúc của tư tưởng con người và động lực điều phối mạng lưới văn hóa sẽ được khai triển sâu rộng hơn do các học giả thuộc trường phái Nhân học Biểu tượng.

Trước tiên, Claude Lévi-Strauss (1908 – 2009) kết nối tri thức luận của Kant và ký hiệu học của Saussure để cho thấy cấu trúc của ngôn ngữ có thể tỏ lộ chiều sâu của cấu trúc tư tưởng con người. Ông so sánh cách các bộ lạc bố trí biểu tượng tôn giáo và phân tích các ký hiệu (âm-hình) và quy tắc (ngữ pháp) mà thổ dân dùng để tìm những cơ chế căn bản vốn điều phối cấu trúc của tư tưởng. Giống như ngôn ngữ, văn hóa được thể hiện qua hành vi tương giao. Bên dưới của việc thực hành văn hóa (nghi thức cưới hỏi, kể chuyện thần thoại, trang trí bàn ăn cho một bữa tiệc) là “cấu trúc” phổ quát của tư tưởng. Hành vi của thú vật là phản xạ của bản năng sinh tồn tác động trực tiếp lên sự vật chứ không biểu tượng hóa chúng. Cấu trúc căn bản của tâm trí giúp con người biểu tượng hóa tư tưởng của mình qua ngôn ngữ và đặt ý nghĩa lên sự vật với mục tiêu tổ chức và tương giao với chúng. Ý nghĩa được gán vào các hiện tượng tự nhiên trong thế giới để phân biệt giữa trạng thái cố định và biến chuyển, hay các tác động lên mức độ thông tin văn hóa. Đó là cách con người ứng biến thực tại tự nhiên thành thực tại văn hóa.

Phương pháp phân tích cấu trúc của Lévi-Strauss bộc lộ chân lý tôn giáo tiềm tàng trong cơ cấu của tư tưởng. Các chủ đề, như người con trai vô tình giết cha mình (Oedipus) hay người vợ trung thành bị tố cáo gian dâm (Sita, Thị Mầu), tiềm tàng trong nền tảng luân lý về những ước muốn hay cấm kỵ, vốn không thể truyền đạt một cách trực tiếp. Các chu kỳ về đau khổ và nhiêu khê cần phải vượt qua trước khi đạt đến hạnh phúc, thường thấy qua những truyện thần thoại, cũng tỏ lộ những chân lý phổ quát mà con người đã rút tỉa được từ kinh nghiệm sống. Các yếu tố này được đan xen và tái diễn với mục đích nhằm bảo đảm chân lý tôn giáo, mà không trở thành mơ hồ và tối nghĩa qua thời gian. Lévi-Strauss cho rằng tuy hành vi tôn giáo luôn mang tính ngẫu hứng, nhưng trong cách con người ráp nối các yếu tố có sẵn để tạo nên sản phẩm tôn giáo đã tỏ lộ một vô thức tập thể hay nguyên mẫu đang tồn tại trong khả năng ứng biến của con người. Cấu trúc này bộc lộ chân lý tôn giáo được tái diễn qua nhiều hình thức với mục đích bảo đảm chân lý tôn giáo sẽ không trở nên mơ hồ và tối nghĩa qua thời gian. 

Mặt khác, Clifford Geertz (1926 – 2006), từ quan điểm nhân học thực dụng của Mỹ, chú tâm nhiều hơn về mối tương quan giữa biểu tượng tôn giáo và mạng lưới văn hóa mà con người đã tạo nên. Geertz cho rằng cần phải bóc tách các ý nghĩa đang đan quyện với nhau trong mạng lưới văn hóa đã được tạo nên từ biểu tượng. Nếu chỉ quan sát hành vi mà không nhận ra mạng lưới ý nghĩa, thì ta không thể phân biệt giữa việc nháy mắt ra hiệu với việc mắt bị giật ngoài ý muốn. Dùng ngôn từ của Gilbert Ryle, Geertz sử dụng phương pháp “phân tích bề dày” (thick description) để nghiên cứu chiều sâu của văn hóa bản địa, thay vì chỉ trình thuật lại những gì đã quan sát được. Phương pháp “phân tích bề dày” có thể chẩn đoán khủng hoảng đang xảy ra khi có sự thay đổi về biểu tượng. Ví dụ về một tang lễ của người Nhật khi xảy ra sự cố lầm lẫn trong cách dùng biểu tượng, thì ý nghĩa quan trọng của tang lễ đã bị lấy ra khỏi tâm trí của gia đình tang quyến đang hiện diện. Mạng lưới văn hóa không chỉ cho con người hiểu về “cái là” mà cả về “cái nên là” với những giá trị được hiểu ngầm, vốn chỉ có phương pháp “phân tích bề dày” mới bộc lộ được.

Lối nhìn niềm tin tôn giáo như một diễn ngôn cho chúng ta một phương pháp mô tả “bề dày” của biểu tượng tôn giáo mà các nhãn quan xã hội học hay tâm lý học trước đây còn thiếu sót. Diễn ngôn tôn giáo, tỏ lộ cấu trúc căn bản của tư duy con người, là hệ thống văn hóa tác động lên sự thiết lập tâm thức và động lực mạnh mẽ, tràn ngập và lâu bền nơi con người. Tôn giáo dàn dựng và mặc lên một hào quang thực tế cho các khái niệm về trật tự phổ quát, vốn làm cho các tâm thức và động lực có vẻ là hiện thực. Như thế, tôn giáo vừa là mô hình “của” thế giới, vừa là kiểu mẫu “cho” thế giới. Tôn giáo cung cấp nhãn quan hay lăng kính, vốn điều phối cách con người nhìn thế giới như một tổng thể mạch lạc và có ý nghĩa. Tôn giáo cũng là một lối sống phù hợp với các tiêu chuẩn về hạnh kiểm, cũng như các hành vi mà con người chấp nhận là đúng và tốt cho mình.

Là mô hình “của” thế giới, tôn giáo phản ảnh thế giới quan của tập thể xã hội. Con người cần thế giới quan để định hướng cho thực tại, vì thiếu nó con người sẽ rơi vào trạng thái hỗn loạn. Sự hỗn loạn có thể gây nên vì sự cố không thể giải thích được (như UFO, vật thể bay không xác định) bằng những nguyên tắc quen thuộc, hay khi khả năng chịu đựng vượt quá giới hạn luân lý và tâm lý của con người như nạn diệt chủng Do Thái. Trước những mối hỗn loạn bất thường này chỉ có tôn giáo mới có khả năng lý giải và phục hồi sự tự tin để con người có thể tiếp tục thăng tiến cuộc sống của họ trong thế giới. Mặt khác, tôn giáo còn là kiểu mẫu “cho” thế giới khi nó cung cấp những quy tắc hợp lý về hành vi, tâm thức và động lực của con người. Tâm thức là những xu hướng, cảm hứng, hoặc mức độ cảm xúc cụ thể, ví dụ: tâm thức hiếu chiến của thổ dân da đỏ Plains Indians. Tâm thức thì vô hướng trong cường độ của nó, nhưng động lực thì đưa con người đến việc hành động. Một khi tâm thức và động lực giao thoa với nhau, thì ý nghĩa của hành vi sẽ trở nên mạch lạc hơn, và thế giới quan của chúng ta sẽ được xem là đúng. Nghi thức tôn giáo gắn kết hai yếu tố tâm thức và động lực lại với nhau, vì nghi thức tự bản chất của mình vừa tạo nên thực tại và vừa đáp ứng nhu cầu của thực tại đó.

Geertz dùng ví dụ bi kịch tranh chấp giữa phù thủy Rangda và con khủng long Barong để minh họa cho quan điểm ‘không có sự thiện hay sự dữ tinh tuyền trong thế giới’. Tương tự như sự tích “Sơn Tinh & Thủy Tinh”, sự tranh chấp giữa các quyền lực xã hội, và sự đối nghịch trong thiên nhiên, mùa màng, sông núi sẽ không bao giờ kết thúc. Nghi thức có khả năng gắn kết hai chiều kích khách quan (tranh chấp trong thiên nhiên) với chiều kích chủ quan (mâu thuẫn trong tâm trí) mà bi kịch muốn truyền tải. Nghi thức tác động lên cảm xúc của khán giả, và gia tăng niềm tin vào thế giới quan của họ. Một khi thế giới quan của họ được củng cố, họ sẽ mang nó vào cuộc sống hàng ngày.

 

KẾT

Nhãn quan nhân học kết nối nghiên cứu về tôn giáo với tiến trình tự thức của con người. Con người biết mình qua những nghi thức và biểu tượng tôn giáo mà chính mình đã phóng chiếu lên thế giới chung quanh. Trường phái Victorian đã để lại sự đồng cảm về các trình thuật cổ xưa vốn là điều kiện thiết yếu để chiếc xuất những yếu tố phổ quát về bản tính con người. Trường phái Nhân học Chức năng đi xa hơn khi chỉ ra khía cạnh công cụ của lý tính qua chức năng của nghi thức tôn giáo. Cuối cùng, Nhân học Biểu tượng, dùng ký hiệu học của Saussure, đã giải thích cách tôn giáo điều phối cấu trúc của tư tưởng và ngôn ngữ, và tạo nên những lý thuyết cố định để duy trì các giá trị xã hội. Tuy nhiên, cấu trúc ngôn ngữ và mạng lưới ý nghĩa vẫn chưa giải thích đầy đủ về tính năng động của biểu tượng. Biểu tượng tôn giáo còn là một diễn ngôn, có khả năng củng cố tâm thức cố định, điều phối động lực xã hội, và giải quyết khủng hoảng gây nên do sự biến thái về ý nghĩa của biểu tượng. Hai quan điểm cấu trúc và diễn ngôn của biểu tượng có thể bổ túc cho nhau. Trong một bữa tiệc lớn của một dòng tộc, Lévi-Strauss sẽ giúp ta hiểu tại sao bàn ăn và chỗ ngồi của khách trong buổi tiệc được sắp xếp theo một trật tự cố định nào đó; còn Geertz sẽ giúp ta hiểu ai mới có quyền tuyên bố khai tiệc hay ai có trách nhiệm chúc mừng các bậc bô lão.

Nói chung, các nhãn quan xã hội học, tâm lý học và nhân học về tôn giáo đã cung cấp những phân tích rất hùng hồn về tác động của tôn giáo lên các chiều kích khác nhau trong cuộc sống con người. Tuy nhiên, tôn giáo không chỉ là những tàn tích để lại trên cơ cấu xã hội, lãnh vực tâm linh, cơ cấu tư tưởng hay biểu tượng văn hóa. Tôn giáo còn là sự thách thức liên tục, mời gọi con người phải vươn lên và sống cho xứng đáng với bản tích siêu việt của mình. Loài vật có khả năng nhận biết những dấu hiệu báo trước thay đổi về thời tiết hay tai họa thiên nhiên như động đất, nhưng chỉ con người mới có thể hiểu lời mời gọi đến từ Đấng Thánh Thiêng. Do đó, nghiên cứu tôn giáo phải tìm hiểu cho tận nguồn của lời mời gọi này. Trong bài tới, nhãn quan hiện tượng học sẽ cung cấp một phương pháp để mô tả cách triệt để cội nguồn thánh thiêng vốn gây nên tâm thức tôn giáo nơi con người.

 

Tài liệu tham khảo:

Edward Burnett Tylor. Văn Hóa Sơ Khai (Primitive Culture, 1871).

James George Frazer. Cành Vàng (The Golden Bough, 1890).

Bronislaw Malinowski. Các Thủ Thủy tàu “Argo” của vùng Tây Thái Bình Dương (The Argonauts of the Western Pacific, 1922)

Clifford Geertz. The Interpretation of Cultures. Barnes & Noble, 1973.

Lévi Strauss. The Savage Mind. English 1966. (French: La Pensée Sauvage. Librairie Plon, Paris 1962). 


Chia sẻ