Skip to content
Main Banner
ĐẠI LỄ THÁNH PHANXICÔ (04/10) - Xét mô tả, dàn bài TL thần IV (07/10) - HỘI THAO MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ (12/10) - LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11)

TÔN GIÁO QUA NHÃN QUAN TÂM LÝ HỌC (II)

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 09:42 UTC+7 91

Bài khảo luận trước khai triển mối tương quan giữa tôn giáo và vô thức của Freud và Jung, trong bài này chúng ta sẽ tìm hiểu quan điểm thực dụng của James, và quan điểm thực nghiệm của Stark. William James, một tâm lý gia và là người đồng sáng lập triết thuyết thực dụng, cho rằng niềm tin tôn giáo xuất phát từ ý chí muốn tin vì không ai có thể chờ đợi cho tất cả mọi sự phải hiện diện trước khi phán đoán. Do đó, niềm tin tôn giáo không nhất thiết phải hợp lý, nhưng là hữu dụng trong cách con người đối đầu với những sự truân chuyên của cuộc sống. Mặt khác, Rodney Stark xem niềm tin tôn giáo như là hậu quả của một sự tính toán và cân nhắc hợp lý để con người có thể thụ hưởng giá trị của cái chúng ta khao khát được sở hữu. Cả hai quan điểm thực dụng và thực nghiệm này cho dù không chú tâm đến nội dung của niềm tin tôn giáo, nhưng vẫn cho chúng ta thấy tôn giáo không chỉ là một hiện tượng xã hội khách quan mà còn là hiệu quả của ý thức và động lực tâm lý nữa.

William James (1842–1910): TRẢI NGHIỆM TÔN GIÁO

Đóng góp của William James vào nền tri thức của Hoa Kỳ thì rất rộng rãi, nhưng chúng ta chỉ giới hạn vào cách ông dùng tâm lý học và triết học để hình thành một học thuyết về tôn giáo. Là người sáng lập trường phái Thực Dụng, vốn cho rằng chân lý trừu tượng thì không đáng để nghiên cứu, James chỉ muốn chú tâm đến những niềm tin và thái độ gây nên tác động trên thế giới. Trong cuốn Ý Chí Muốn Tin (The Will to Believe, 1897) James nhấn mạnh rằng niềm tin tôn giáo không phải là những kết luận hợp lý từ những tranh luận xuyên suốt, nhưng là những điều thuyết phục chúng ta hành động và được mang vào hiện hữu bằng sức mạnh của ý chí. Ngoài ra, tác phẩm cổ điển Các Loại Trải Nghiệm Tôn Giáo (The Varieties of Religious Experience, 1902) James liệt kê nhiều loại trải nghiệm tôn giáo, và phân loại chúng theo tôn giáo lành mạnh hay bệnh hoạn căn cứ trên cá tính và hành vi mà chúng cổ võ.

James được sinh ra trong một gia đình bề thế ở New England. Anh ruột của ông là nhà văn nổi danh Henry James. Trong thời gian ở Harvard, ông ta tham dự vào những cuộc thám hiểm sông Amazon ở Nam Mỹ. James khởi đầu sự nghiệp là giáo sư về cơ thể học nhưng sau đó chuyển qua dạy tâm lý học. Cùng với Pierce, James sáng lập trường phái triết học Thực Dụng. Chủ thuyết này xem nhẹ giá trị nội tại của ý tưởng và nhấn mạnh vào hiệu quả của ý tưởng trong việc tạo nên hành vi. Đối với James, tôn giáo không phải là tập hợp những định đề buộc phải chấp nhận như chân lý nhưng là một hành vi năng động do sự chọn lựa thực sự và ý chí muốn tin của con người.

Khoảng đầu thế kỷ 19, triết học Tây Phương bắt đầu mất tin tưởng vào ý tưởng thuần túy. Kant đề nghị phương áng “lý tính thực hành” hầu để vượt qua những bế tắc nghịch lý vốn không thể giải quyết bằng lý tính thuần túy. Các phám phá mới về hình học không gian cho thấy ý tưởng thuần túy cần phải được nới rộng để khoa học có thể phản ảnh trung thực hơn về thế giới thể lý. Học thuyết Thực Dụng dựa trên lý luận căn bản là ý tưởng có ý nghĩa chỉ khi chúng đưa đến hiệu quả trong thế giới. Một ý tưởng thuần túy tuy thú vi nhưng nếu không tạo nên hiệu quả thì không có tầm quan trọng gì cả. Một ý tưởng có hiệu quả quan trọng cần phải đưa đến thay đổi cảm xúc và thôi thúc cá nhân hành động. James nhấn mạnh vào tính ưu tiên của kinh nghiệm và dùng từ “dòng chảy của ý thức” để mô tả thực tại liên tục của trải nghiệm con người.

Thuyết thực dụng về tôn giáo 

Niềm tin tôn giáo không chỉ là sự vươn lên để chấp nhận một định đề là đúng dựa trên lý trí nhưng là sự thủ đắc một niềm tin với ý định và chủ động đưa đến hành động. Hành vi của ý chí này bao gồm các yếu tố bên ngoài lý trí, do đó chúng ta cần phải chú tâm đến khía cạnh cảm xúc của niềm tin. Có những sự chọn lựa bên ngoài phạm vi thuần túy thúc đẩy con người chấp nhận những chọn lựa hầu như phi lý trong quyết định của họ. Điều này giúp chúng ta hiểu tại sao một người nhận thấy niềm tin này thật lôi cuốn, trong lúc đó người khác lại vô cảm về nó. Do đó, không phải lý trí mà tâm lý mới là yếu tố nền tảng trong việc nghiên cứu niềm tin tôn giáo. Có những vấn nạn tôn giáo quan trọng không thể giải quyết được bằng lý trí tự nó, nhưng phải dựa trên với ý chí chọn lựa và khía cạnh cảm xúc của con người.

Lý tính không bao giờ là nguyên nhân tối hậu của bất cứ niềm tin nào cả vì hiếm khi chúng ta có tất cả mọi chứng cớ để quyết định. Giới hạn về thông tin có nghĩa là niềm tin thì không hoàn toàn dựa trên nền tảng của lý trí. Không ai có thể nán lại niềm tin mãi cho đến khi có đầy đủ mọi chứng cớ thật sự. Một khi chúng ta bước vào cuộc sống, chúng ta cần phải hành động, và hành động của chúng ta đều phải dựa trên các niềm tin nào đó. Tình trạng mãi hoài nghi vì sợ bị đánh lừa sẽ đưa đến khả năng đánh mất cơ hội tốt. Đây là hoàn cảnh không thể tránh được trong cuộc sống, và như thế, mọi người đều phải hành động dựa trên có niềm tin nào đó của họ.  

James thẳng thắng loại bỏ những điều tra luận lý về chân lý trừu tượng. Ông nhấn mạnh rằng con người hành động theo ý chí muốn tin, và một khi hành động được chọn mang lại hiệu quả thích đáng cho cuộc sống, thì nó được cũng cố và trở thành chân lý. Do đó, chân lý là cái xảy ra trong khi con người thực nghiệm ý chí muốn tin của mình trong thế giới. sau đó. Chỉ có tôn giáo xứng đáng tên gọi của nó là tôn giáo đòi hỏi chúng ta phải thật sự chọn lựa, quyết định và dấn thân. 

Các Loại Trải Nghiệm Tôn Giáo

James giới hạn nghiên cứu tôn giáo học của ông trong phạm vi trải nghiệm cá nhân, và loại bỏ mọi cứu xét về các hệ thống thần học hay các tổ chức tôn giáo. Ông tra cứu các nguồn liệu như nhật ký, lý lịch, tự truyện và các tác phẩm vốn có thể giúp nhận diện những dấu vết nội tâm của cuộc sống thánh thiện. Nghiên cứu của ông mang tính hiện tượng luận vì nó không chú tâm đến thực tính nhưng đến chân lý được nhận thức qua trải nghiệm cá nhân và hiệu quả của chúng. Khi nhấn vào kinh nghiệm và hiệu quả của niềm tin tôn giáo, James gạt bỏ các vấn đề về nguồn gốc của tôn giáo. Ông cho rằng các giả thuyết về nguốn gốc đa phần chỉ là suy tưởng và thiếu kiên định. Vấn đề nguồn gốc cần phải được tách biệt ra khỏi vấn đề giá trị của tôn giáo.

Trong khi nghiên cứu, James chọn dùng những loại trải nghiệm và hành vi tôn giáo có khuynh hướng kích động và thôi thúc đối với cá nhân. Những đồn đãi về trải nghiệm tôn giáo của đám đông đối với James thì không đủ mạnh để soi sáng hiện tượng này. Trái lại, các trải nghiệm cá nhân mãnh liệt và hiếm có sẽ hé mở cho chúng ta cách nhận diện hiện tượng tôn giáo khác hơn các kinh nghiệm tôn giáo thông thường. Các nhân vật lập dị hay cuồng tín thường được xem như là trường hợp điển hình chân chính để nghiên cứu về niền tin tôn giáo. Trải nghiệm tôn giáo cực đoan cho phép chủ thể bị lôi cuốn vào đó một cách sâu sắc hơn, do đó có thể mang lại những trải nghiệm sâu sắc hơn nhiều.

Từ những lời chứng của trải nghiệm tôn giáo cá nhân, James ghi nhận và đúc kết lại ba phẩm tính về trải nghiệm tôn giáo. Nhóm thứ nhất là trải nghiệm tôn giáo lành mạnh vốn cho chủ thể cái nhìn lạc quan và sức mạnh để đối phó với mọi khó khan trong cuộc sống. Nhóm thứ nhì là những tâm hồn bệnh hoạn đưa đến suy tư rằng có điều gì sai lầm bên trong họ vốn thôi thúc họ tìm cách giải quyết qua tôn giáo. Nhóm thứ ba những kẻ tâm linh đang bị phân tán, một trải nghiệm qua đó cá nhân nhận thức mình cần có sự hoán cải, trở nên toàn vẹn và liêm chính vốn chỉ có được qua thực hành tôn giáo. 

James tin rằng sự đa dạng tôn giáo là cần thiết và không thể tránh được vì có nhiều loại cá tính và nhu cầu tâm lý khác nhau của con người. Ông phản bác ý kiến lập nên một “khoa học về tôn giáo” vì như thế sẽ đánh mất trải nghiệm chân thật về đời sống tôn giáo, vốn chỉ có thể hiểu được qua cách lắng nghe trải nghiệm của những cá nhân đạo đức. Nhưng James cũng không chối bỏ có nhiều loại tri thức thứ cấp hàm chứa trong tôn giáo.

 

RODNEY STARK (1934-): TÔN GIÁO VÀ SỰ CHỌN LỰA HỢP LÝ 

Rodney Stark và các đồng nghiệp của ông nghiên cứu về xã hội học, nhưng cách lý giải thích về tôn giáo của họ thì nhấn mạnh về chiều kích tâm lý của xã hội. Do đó, chúng ta có thể xếp quan điểm của Stark vào nhóm tâm lý học về tôn giáo. Khởi đầu từ Comte, hầu hết tất cả học thuyết xã hội học về tôn giáo đều giả định rằng tôn giáo là một năng lực phản tiến hóa trong xã hội. Qua những hiểu biết sai lầm và mê tín dị đoan, tôn giáo đã giữ chân bước tiến của nhân loại khỏi những khám phá mới và mê hoạt các tín đồ tiếp tục bám víu vào các niềm tin và thực hành cổ hủ. Khoảng cuối thập niên 1970, khởi đầu do Rodney Stark, nhiều học giả loại bỏ giả định này và đề nghị rằng tôn giáo, giống như mọi hoạt động khác của con người thì căn bản là hữu lý. Phong trào này cho ra đời học thuyết “chọn lựa hợp lý” vốn lý giải rằng con người là một hữu thể bị lôi cuốn bởi mục đích. Một khi con người chọn lộ trình để đạt đến mục tiêu của mình thì họ sẽ cân nhắc và tính toán về giá phải trả để thủ đắt được nó, vốn đòi hỏi những hạn chế cách thức ăn mặc, tương quan với tha nhân hay cả mạng sống nữa. Stark và các bạn đồng nghiệp đưa ra một số “nguyên lý” căn bản để giải thích cho tính hợp lý nền tảng trong các chọn lựa về niềm tin và hành vi tôn giáo xem qua có vẽ vô lý.

Tâm lý xã hội và sự chọn lựa hợp lý

Nhóm nghiên cứu “chọn lựa hợp lý” chống lại lối giải thích giản lược về tôn giáo bằng một “chìa khóa” độc nhất (như thuyết thuốc phiện ý thức hệ của Marx). Họ nhận thấy các quan điểm của Marx, Freud và Durkheim tuy có khả năng áp dụng rộng rãi nhưng lại thiếu chiều sâu. Họ chỉ ra rằng các trường phái trước đây chỉ đưa ra những ẩn dụ chứ không phải học thuyết về tôn giáo. Họ không đồng ý với lăng kính tiêu cực vốn cho rằng tôn giáo tự bản chất là phi-lý, một thứ khoa học dởm, một trạng thái rối loạn tâm thần, hay liều thuốc mê giúp giới lao động tạm thời thoát khỏi sự tha hóa của họ. Họ lý luận rằng một học thuyết ngay từ đầu loại bỏ tính hợp lý của tôn giáo thì không thể thông diễn tính năng động và sức mạnh kiên trì của tôn giáo. Vì thế, họ đề xướng một học thuyết mới, khác biệt các học thuyết trước đây ở hai điểm quan trọng. Thứ nhất, học thuyết mới này cần giả định niềm tin và sinh hoạt tôn giáo là hữu lý căn cứ trên sự hiểu biết thế nào là hợp lý. Thứ hai, học thuyết này không khai triển những giả thuyết vĩ mô về tôn giáo nhưng chỉ đề nghị những câu hỏi và tìm câu trả lời cho các hiện tượng tôn giáo được quan sát trong thế giới cuộc sống.

Kết quả là lối giải trình này là tập hợp của một số nguyên lý, định đề và định nghĩa thuộc nhiều phạm vi và được đan xen với nhau. Học thuyết này dùng lý luận suy diễn. Lý luận qui nạp bắt đầu với những quan sát dựa trên kinh nghiệm rồi tổng kết chúng với nhau, còn lý luận suy diễn khởi đầu bằng vài nguyên lý căn bản được cho là đúng rồi qua định nghĩa các khái niệm, đạt đến một số định đề như hậu quả của tiến trình lý luận. Các nguyên lý, định nghĩa và định đề của học thuyết “chọn lựa hợp lý” thì không dựa trên tín điều tôn giáo hoặc bất cứ nguyên lý siêu nghiệm nào cả.

Thuyết “chọn lựa hợp lý” được xây dựng trên nền tảng lý thuyết đổi chác kinh tế vốn giả định rằng con người có thói quen muốn trao đổi mọi thứ với nhau. Qua cách họ thao túng tỷ lệ đổi chác để mang lại giá trị nhiều nhất ở mức tốn kém thấp nhất, con người để lộ bản tính hợp lý của mình. Trong đa số tình huống, con người sẽ đổi chác bất cứ gì họ sở hữu cho phần thưởng mà họ ước muốn và có khả năng đạt được. Tuy nhiên, đôi khi phần thưởng thì hiếm hoi và bị thao túng bởi những kẻ có quyền lực (ví dụ, một tòa lâu đài). Có những phần thưởng thì không hiện thực và không có cách nào kiểm chứng (sự sống vĩnh cửu). Điều này có nghĩa là có những phần thưởng mà con người không thể tự mình dùng bất cứ quyền lực nào để bảo đảm sự chiếm hữu về nó. Đứng trước tình huống đó, con người có sự chọn lựa, hoặc là từ bỏ mọi hy vọng chiếm hữu phần thưởng đó, hoặc là chấp nhận một sự bồi thường khác thay vào đó.

Theo hệ hình lý giải này, tôn giáo được định nghĩa như là “hệ thống gồm các bồi thường dựa trên những giả định siêu nhiên.” Các hình thức bồi thường được hiện thực bởi các chuyên gia tôn giáo (linh mục, giáo sĩ), vốn hành xử như trung gian phân phối sự bồi thường cho đối tác trên danh nghĩa Thiên Chúa. Chuyên gia sẽ cần được huấn luyện một khi xã hội phát triển và trở nên phức tạp. Cũng như mọi việc điều hành kinh doanh, tổ chức tôn giáo sẽ tìm cách độc quyền trong tiến trình đổi chác và tẩy chay các thế lực cạnh tranh. Điều này chỉ có thể hiện thực bằng cách kết hợp với quyền lực chuyên chế của nhà nước. Điều nguy hiểm là khi các nhà kinh doanh độc quyền trở nên biếng nhát hay ỷ lại, không còn lưu tâm hay xem thường nhu cầu của khách hàng. Vì thế, bối cảnh đa dạng tôn giáo như ở Hoa Kỳ thì tốt hơn cho tôn giáo vì nó không để cho giới kinh doanh ngủ quên trên các nguồn tư lợi của họ.

Áp dụng thuyết “chọn lựa hợp lý” vào tôn giáo

Khác với các học thuyết thế tục về tôn giáo, học thuyết “chọn lựa hợp lý” xem tôn giáo như là một sự phức hợp của những “sản phẩm và dịch vụ” vốn đáp ứng cho nhiều nhu cầu khác nhau, ngay cả đối với những người giàu có. Đặc biệt là trong bối cảnh xã hội đa dạng với sự cạnh tranh của nhiều tôn giáo, thì tổ chức tôn giáo cần phải liên tục cập nhật và thích ứng với nhu cầu của những “khách hàng” tương lai. Lợi điểm của học thuyết này là nó giải thích lý do tại sao các tôn giáo bảo thủ vẫn tiếp tục phát triển. Khi cân nhắc về tính hợp lý của tôn giáo, con người không chỉ nhìn vào sự tốn kém khi nhưng còn cả giá trị của nó nữa. Tiêu biểu là một khi “sản phẩm và phục vụ” được kết nối với nhau, lưu tâm của khách hàng về sự đầu tư và thời gian bỏ vào sản phẩm thực sự làm gia tăng chất lượng của nó, sẽ làm cho nó trở thành một món hàng có giá trị hơn. Mức độ đầu tư cao sẽ đưa đến khả năng loại trừ các mưu đồ “ăn theo” và gia tăng giá trị của sản phẩm.

Các học thuyết trước chỉ nói về tôn giáo như những biểu tượng hay ẩn dụ khác nhau của cùng một sự kiện. Học thuyết “chọn lựa hợp lý” chú tâm đến những gì tôn giáo thực sự truyền đạt và thực hành. Nó cho rằng tín điều, nghi thức và thực hành tôn giáo là những món hàng hay sản phẩm đang được trưng bày nơi phố chợ. Chính vì thế, học thuyết “chọn lựa hợp lý” bị tố cáo là có khuynh hướng hình thức hóa và không thể giải quyết mọi vấn đề của tôn giáo. Nhưng các tác giả nhấn mạnh rằng đây là một học thuyết về tâm lý xã hội, và chỉ có thể giúp chúng ta tìm hiểu sự phát triển về những cơ cấu của tôn giáo như những sự đổi chác xã hội. Trong một nền kinh tế thị trường, tôn giáo cũng phải cạnh tranh với những “món hàng” hay “dịch vụ” khác để dành được thị phần vốn không phải là vô hạn. Do đó, giới “kinh doanh tôn giáo” không chỉ phải đáp ứng nhu cầu tâm lý của người tiêu thụ mà còn phải tiên liệu trước về những xu hướng hay trào lưu trong tâm lý xã hội nữa. Những câu hỏi về nội dung của tín lý hay thực tại thánh thiêng của tôn giáo thì nằm ngoài phạm vi của nó. Các học giả của trường phái này yêu cầu học thuyết của họ, như mọi học thuyết khác, cần phải được đánh giá dựa trên tính hiệu lực, thống nhất và hữu dụng của chúng khi cần giải quyết những vấn nạn cụ thể về tôn giáo.

Tóm lại, nhìn qua bốn học thuyết về tôn giáo dưới nhãn quan tâm lý học, chúng ta thấy tôn giáo không chỉ chạm đến con người cách tiêu cực và tích cực ở mức độ vô thức, mà còn đóng vai trò tất yếu trong cách con ngưởi tiếp cận thế giới bên ngoài qua niềm tin căn bản hoặc sự chọn lựa hợp lý. Nghiên cứu của bốn học giả Freud, Jung, James và Stark cho chúng ta những công cụ thực tế trong sứ mệnh rao giảng Lời Chúa và nắm được chiều sâu và chiều rộng tâm lý của những khao khát và chọn lựa tối hậu của con người.

 

Tài liệu tham khảo:

William James, The Will to Believe, The Project Gutenberg EBook, 1897.

William James, The Variety of Religious Experiences. Longmans, Green & Co, 1902.

Rodney Stark, The Future of Religion: Secularization, Revival, and Cult Formation, 1985. 

Chia sẻ