CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH TIÊN KHỞI TẠI PARIS VÀ OXFORD
CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH TIÊN KHỞI TẠI PARIS VÀ OXFORD
Kể từ cuối thế kỷ XIII, như đã đề cập ở trên, có một kiểu mẫu thần học gọi là thần học “Phan Sinh.” Gốc rễ của truyền thống này đã có từ trong Tin Mừng, trong các Giáo phụ và trong các nhà thần học thời đầu Trung Cổ, trước thế kỷ XIII. Thần học Phan Sinh không bắt đầu với các anh em Phan Sinh. Việc nền thần học ấy được gọi là “Phan Sinh” cho thấy rằng các học giả Phan Sinh thời đầu đã thực hiện được một công trình đáng nể khi tổng hợp thành công những yếu tố thừa hưởng từ các thế hệ trước. Họ tiếp thu một trong các truyền thống lớn của lịch sử Kitô giáo, đã có trong Tân Ước và các Giáo phụ. Họ đã làm cho truyền thống ấy thêm phong phú đến mức chính lịch sử đã đặt ra một tên mới – Thần Học Phan Sinh – để gọi truyền thống đã được phong phú hoá này.
Các trang tiếp theo sẽ trình bày sơ lược các học giả Phan Sinh tiêu biểu cùng với các vị thầy của họ tại hai Đại Học Paris và Đại Học Oxford. Người ta thấy rõ là chỉ một thời gian ngắn sau khi anh em Phan Sinh đầu tiên có mặt tại các trung tâm học vấn này, hình thức diễn đạt tri thức của Truyền Thống Thần Học Phan Sinh đã trở thành một kiểu mẫu hàng đầu để diễn đạt đức tin Kitô Giáo. Con số và tầm quan trọng của các thần học gia Phan Sinh ấy cho thấy Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh đã khởi đầu trên một nền tảng vững chắc và được kính nể.
TRƯỜNG PHÁI PHANXICÔ TẠI ĐẠI HỌC PARIS
ALEXANDER HALES
Alexander sinh tại Hales Owen miền Gloucestershire vào khoảng năm 1185. Ông theo học khoa nhân văn và thần học tại Đại Học Paris. Vào năm 1220, ông được cử giữ một chức giám học. Khi nhóm anh em Phan Sinh trẻ đến học tại Paris, Alexander là giáo sư chính của họ. Nhờ ông, nhóm tu sĩ trẻ này hiểu rằng linh đạo của họ có thể dung hợp với việc học thần học. Vào khoảng năm 1236/7, Alexander gia nhập dòng Thánh Phanxicô. Khi gia nhập Dòng, ông không thấy cần phải thay đổi đường lối suy tư thần học của mình. Linh đạo của các sinh viên Phan Sinh đã thu hút ông một cách sâu sắc, và chính ông là người khởi xướng việc hòa hợp viễn tượng Phan Sinh với thần học khoa bảng trong các giảng khoá của mình. Ngay khi còn là một giáo sư thuộc hàng linh mục giáo phận, ông đã hướng dẫn nhóm giảng viên Phan Sinh đầu tiên soạn một bộ Summa theologiae (Tổng luận Thần học). Đây là một bộ bình giải tập Các Luận Đề của Peter Lombard và mặc dù ông không phải là tác giả duy nhất, tác phẩm đó vẫn mang tên là Summa Alexandri (Tổng luận của Alexander). Ông là một trong những nhân vật chính chủ trương du nhập tư tưởng Aristốt và sử dụng Các Luận đề tại Đại Học Paris. Các học giả tại Quarrachi nhận định rằng nếu không có công trình của ông trong hai lãnh vực trên đây, có lẽ sẽ không có các học giả lỗi lạc như Tôma Aquinô, Bonaventura và John Dun Scotus. Cả ba vị này đều dựa trên Aristốt và Peter Lombard. Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh mang ơn rất nhiều các nỗ lực của vị học giả uyên bác này. Ông mất năm 1245, và tang lễ được sứ thần tòa thánh là Odo thành Chateauroux cử hành.
JOHN LA ROCHELLE
John, xuất thân từ La Rochelle, là một đệ tử nhiệt thành của Alexander Hales. Ông sinh khoảng năm 1200, theo học chương trình tiến sĩ thần học tại Đại Học Paris, và Alexander là một trong các giáo sư chính của ông. Sau khi tốt nghiệp Đại Học Paris, ông làm phụ tá cho Alexander, và năm 1238, kế vị thầy trong chức vụ giám học. Ông là tu sĩ Phan Sinh đầu tiên giữ chức giám học tại Học viện Phan Sinh ở Paris. Tác phẩm chính của ông là Summa de anima (Tổng luận về linh hồn). Ông tiếp thu và khai triển tư tưởng của Avicenna về tri thức của con người. Ông khai triển lập trường của Alexander, chủ trương nơi con người có ba quan năng hiểu biết: lý trí, để phân tích các hữu thể tinh thần; trí khôn, để tìm hiểu các hữu thể thụ tạo; và tuệ giác để nhận thức hữu thể tự tại. Ông nhấn mạnh vai trò thiết yếu của học vấn và văn hoá, và phi bác chủ trương bài tri thức. Ông là một trong những tác giả chính của bộ Summa Alexandri (Tổng luận Alexander). Ông qua đời vào năm 1245.
ODO RIGALDUS
Odo Rigaldus (Eudes Rigaud) sinh vào khoảng năm 1205 và qua đời vào năm 1275. Khi còn là một sinh viên Phan Sinh tại Đại Học Paris, ông theo học với Alexander Hales. Từ năm 1243 đến 1245, ông thuyết trình tại Đại Học Paris về Các Luận đề của Peter Lombard. Từ tháng 9 năm 1245 đến 1248, ông giữ chức giám học tại Học viện Thánh Phanxicô ở Paris, kế vị tu sĩ John La Rochelle. Các nhà nghiên cứu cho rằng Odo Rigalus có viết một số bài bổ túc trong bộ Tổng luận Alexander. Tác phẩm Commentary on the Sentences (Bình Giải về Các Luận đề) của ông là nhịp cầu giữa các chủ trương của Peter Lombard vốn được ông lấy làm cơ sở lý luận, với tư tưởng của Bonaventura, người từng là học trò của ông. Vào năm 1248, ông được phong làm Tổng Giám Mục thành Rouen và đã tích cực hoạt động cả về mặt chính trị dưới quyền vua Louis IX lẫn về mặt quản trị Giáo Hội tại Công Đồng Lyon vào năm 1274.
WILLIAM MELITONA
William người miền Melitona (Middleton, miền Trung nước Anh) là một trong những tu sĩ tiên khởi nhận được bằng tiến sĩ thần học tại Paris. Ông là học trò của Alexander Hales. Từ năm 1248 đến 1253, ông giữ chức giám học tại Học viện Thánh Phanxicô ở Paris, kế vị Odo Rigaldus. Hầu hết sự nghiệp giảng dạy của ông tập trung tại Đại Học Paris. William thường được xem như một trong những người chủ biên của bộ Summa Alexandri (Tổng luận Alexander). Ông mất vào năm 1260.
Thánh BONAVENTURA BAGNOREGIO
Thánh Bonaventura sinh tại làng Bagnoregio, gần Orvieto, nước Ý. Các học giả không thống nhất về ngày sinh của ngài, có thể vào khoảng từ năm 1217 đến năm 1221. Lúc bé, ngài là một hiến sĩ – thiếu niên tại cộng đoàn Phan Sinh ở Bagnoregio và được giáo dục khởi đầu ở đây. Lớn lên, Bonaventura chuyển đến Paris, vẫn trong tư cách một giáo dân và bắt đầu học tại phân khoa nhân văn. Sau khi tốt nghiệp, chàng thanh niên xin gia nhập Dòng Thánh Phanxicô. Trong những năm đầu theo học thần học tại Đại Học Paris, giáo sư của ngài là Alexander Hales, William La Rochelle, Odo Rigaldus và William Melitona. Từ năm 1248 đến 1250, ngài là một giảng viên Kinh Thánh. Ngài giữ chức giám học tại Học viện Phan Sinh từ năm 1254 đến 1257. Vào năm 1257, ngài được bầu làm Tổng Phục Vụ của Dòng Anh Em Hèn Mọn, và tiếp tục giữ chức vụ này cho đến lúc qua đời năm 1274. Bộ Bình Giảng về Các Luận đề của ngài là một tác phẩm thần học hàng đầu của thế kỷ XIII. Ông cũng đã hoàn thành các tác phẩm thần học quan trọng khác như: Tìm lại mối liên hệ giữa các môn học nhân văn với thần học, Hành trình của tâm hồn về với Thiên Chúa, Các Tranh Luận về huyền nhiệm Ba Ngôi và Các Tranh Luận về Tri thức của Đức Kitô. Ngài cũng đã viết một sách Hạnh Thánh Phanxicô và nhiều nghiên cứu khác về linh đạo Phan Sinh.
Ngài là một người chủ xướng lỗi lạc trong phạm vi học thuật, một tác giả có ảnh hưởng lớn trong phạm vi linh đạo, và là một nhà quản lý tài ba của Dòng trong suốt nhiệm kỳ Tổng Phục Vụ. Năm 1273, ngài trở thành Hồng Y Tổng Giám mục Giáo phận Albano và được giao trọng trách chuẩn bị nhiều đề tài cho Công Đồng Lyon. Ngài qua đời ngày 15 tháng 7 năm 1274, trong khi đang tham dự Công Đồng này. Đức Giáo Hoàng Sixtô IV phong thánh cho ngài năm 1482 và vào năm 1588, Đức Giáo Hoàng Sixtô V phong ngài làm Tiến Sĩ Giáo Hội với tước hiệu là “Tiến Sĩ Sốt Mến.” Cùng với John Duns Scot, Thánh Bonaventura được xem như một trong các thần học gia kinh viện then chốt của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh.
Thánh Bonaventura có nhiều học trò, sau này một số đã trở nên thần học gia Phan Sinh danh tiếng. Trong số đó có Richard Rufus người miền Cornwall (†1260), Gilbert người thành Tour (†1284), William người miền Mare (†1298), John người xứ Wales (†1302), Richard người miền Middleton (†1308) và có lẽ đệ tử nổi tiếng nhất của ngài là Matthew người miền Aquasparta (†1308). Thánh Bonaventura đã có ảnh hưởng mạnh mẽ trên tư tưởng thần học ngay lúc còn sống và vẫn tiếp tục là một yếu tố chính cho cả nền thần học Công Giáo lẫn Tin lành đến tận nay.
TRƯỜNG PHÁI PHAN SINH TẠI ĐẠI HỌC OXFORD
ROBERT GROSSETESTE
Robert Grosseteste là một linh mục giáo phận, và đã từng giữ chức Chưởng Ấn tại Đại Học Oxford trong thời gian ngắn. Khong ai biết chính xác ông theo học hay tốt nghiệp ở đâu. Vào năm 1229, ông làm Giám học của Học viện Phan Sinh tại Oxford và dạy lớp tu sĩ Phan Sinh đầu tiên ở đây cho đến năm 1235. Ông rất có cảm tình với các lý tưởng Phan Sinh và giáo huấn của ông liên kết linh đạo Phan Sinh với thần học. Nhieu thân hữu của ông nghĩ rằng thế nào rồi ông cũng sẽ trở thành một tu sĩ Phan sinh, vì ông đã tự nguyện giữ đức khó nghèo bằng lời khấn tư. Vào năm 1235, ông được tấn phong làm Giám mục Lincohn. Trong cương vị là Giám mục, ông vẫn tiếp tục mối liên hệ thiện cảm với anh em tu sĩ hèn mọn, đặc biệt là với Adam Marsh, học trò và bạn thân của ông. Suốt mười bảy năm sau đó, liên tiếp ba linh mục thuộc hàng giáo sĩ triều tiếp nối ông làm Giám học tại Học viện Thánh Phanxicô. Ông mất năm 1253. Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh mang ơn sâu sắc đối với thần học gia thuộc hàng giáo sĩ giáo phận này. Tại Oxford, ông chính là người đã giáo huấn các anh em tu sĩ đầu tiên, và nhiều luận điểm thần học của ông đã trở thành một phần chính yếu của Truyen Thống Phan Sinh. Alexander Hales, cũng là một linh mục triều, đã chịu ảnh hưởng sâu đậm của Grosseteste, và đã truyền bá cho các tu sĩ Phan Sinh đầu tiên tại Đại Học Paris những luận điểm triết học và thần học tiếp thu được từ Grosseteste.
ADAM MARSH
Adam Marsh vào Dòng năm 1227 và trong bốn mươi năm là bạn thân và đồng nghiệp của tu sĩ Roger Bacon. Họ cùng nhau nghiên cứu thư tịch Hy Lạp, khảo cứu về toán học và khoa học tự nhiên. Marsh đã giúp Robert Grosseteste phân chương và đặt tựa đề chương cho tác phẩm chính của Grosseteste là Hexameron, một bộ chú giải các trình thuật tạo dựng trong sách Sáng Thế. Năm 1247, Marsh trở thành vị giám học Phan Sinh đầu tiên tại Đại Học Oxford. Ông hoạt động tích cực cho đến khi qua đời vào năm 1258.
THOMAS YORK
Có nhiều khả năng Thomas người thành York là một học trò của Alexander Hales. Năm 1253, ông là tu sĩ Phan Sinh thứ nhì giữ chức giám học tại Học viện Phan Sinh ở Oxford, kế vị Adam Marsh. Vào năm 1259, ông đã hầu như hoàn tất tác phẩm chính của mình là Sapientiale, trong đó ông cho thấy kiến thức uyên thâm của mình về Maimonides, Avicenna, Averroes, Aristốt và Platô. Đây là một sách “kinh điển” trong giới học thuật ban đầu tại Oxford. Năm 1256, ông kế vị William Melitona làm giám học Học viện Phan Sinh tại Cambridge. Ông mất năm 1260. Ngay từ thời còn trẻ ông đa là một học giả lỗi lạc. Tuy nhiên, mặc dù tài giỏi, nhưng vì tuổi còn trẻ, nên ông bị các giáo sư tại Oxford trì hoãn không cho nhận bằng tiến sĩ.
RICHARD RUFUS người CORNWALL
Richard Rufus gia nhập Dòng tại Paris năm 1238. Ông theo học tại Oxford và giáo sư Phan Sinh thứ nhì tại Oxford, và là tu sĩ Phan Sinh đầu tiên viết một bộ chú giải Các Luận đề của Peter Lombard. Việc này đã lôi cuốn ông vào trong cuộc tranh luận về vấn đề thần học lớn thời ấy: Thần Học dựa trên Kinh Thánh hay Thần Học dựa trên Lombard? Ông mất vào khoảng sau năm 1259.
JOHN PEKHAM
John Pekham ( 1225-1292) theo học với Thánh Bonaventura tại Đại Học Paris vào khoảng năm 1270. Năm 1271 ông chuyển qua Oxford; tại đây ông hoan tất công việc học của mình vào năm 1275. Năm 1279, ông được phong làm Tổng Giám Mục Canterbury. Trong nhiều vấn đề thần học, ông giữ lập trường bảo thủ, nhất là đối với các chủ trương triết học đi ngược lại viễn tượng Augustinô của ông. Theo Pekham, Averroes là một kẻ rối đạo nguy hiểm. Ông theo lập trường của Thánh Bonaventura, cho rằng sự hiện hữu của Thiên Chúa là một sự thật hiển nhiên chúng ta biết được cách trực tiếp. Ông nhấn mạnh ưu thế của ý chí trên tri thức.
ROGER BACON
Roger Bacon sinh trong khoảng giữa những năm 1210 và 1215. Ông theo học khoa nhân văn tại Đại Học Oxford, chuyên về hai tác giả Seneca và Cicero. Hình như sau đó ông có đến học tại Paris và tốt nghiệp tiến sĩ vào năm 1240. Tại Paris, ông dạy về triết học Aristốt cho đến 1246. Năm 1247, ông nhập Dòng Thánh Phanxicô và trở về Oxford. Tại đây ông tiếp xúc với Grosseteste và Adam Marsh. Ông rất chú tâm đến khoa học và so với thời điểm lúc ông đang sống, kiến thức của ông về lãnh vực này thật bao la. Từ 1266 đến 1268, ông dồn sức soạn công trình quan trọng nhất của mình là bộ Opus Maius, một bách khoa toàn thư về nhiều lãnh vực tri thức; tuy nhiên ông vẫn tìm được thời giờ để viết hai tác phẩm khác là Opus Minus và Opus Tertium. Có thể thấy rõ ông là con người khó sống chung. Ông đã từng viết rằng Richard Cornwall là một kẻ “tuyệt đối ngu xuẩn”, còn Alexander Hales thì “dốt nát về triết học tự nhiên và siêu hình học”, và Tôma Aquinô thì “hợm hĩnh ấu trĩ và đầy những cái thừa.” Những nhận định khinh bạc như thế có lẽ là một trong những lý do chính khiến ông bị lên án và bị quản chế tại cộng đoàn Paris từ năm 1277 đến năm 1292. Ông mất năm 1992, cùng năm được giải chế.
WILLIAM WARE
William người xứ Ware học tại Đại Học Paris và Oxford, và từ 1290 đến 1300, làm giáo sư chính thức dạy tại cả hai nơi trên. Ông là bạn thân của Roger Bacon và là một người theo trường phái của Thánh Bonaventura. Hình như ông là một trong những giáo sư chính của John Dun Scotus. Ông mất năm 1300.
ROGER MARSTON
Roger Marston theo học tại Đại Học Paris (1269- 1272), rồi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy, trước tại Oxford và sau đó tại Cambridge. Từ 1292 đến 1298, ông giữ chức Giám tỉnh Tỉnh Dòng Phan Sinh Anh quốc. Trong lãnh vực thần học, ông theo Bonaventura và John Pecham. Đối với ông, Thánh Augustinô và Thánh Anselmô là những thần học gia căn bản. Roger Marston là điển hình của một thần học gia theo khuynh hướng Bonaventura-Augustinô trong Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh. Ông mất năm 1303.
JOHN DUNS SCOTUS
John Dun Scotus sinh tại Scotland vào khoảng 1266 và mất tại Cologne năm 1308. Scotus có một người chú là tu sĩ Phan Sinh và có lẽ ông này đã hướng dẫn cho cháu vào Dòng. Scotus theo học tại Đại Học Oxford và Paris, và giảng dạy tại Đại Học Oxford, Paris và Cologne. Các mặt khác trong triết học và thần học của Scotus sẽ được trình bày sau. Thánh Bonaventura và Scotus có thể được xem như là hai vị sáng lập chính của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh.
PETER AUREOLI
Peter Aureoli sinh tại Aquitaine vào khoảng năm 1280. Năm 1304, ông bắt đầu theo học thần học tại Đại Học Paris và đã tiếp xúc với Duns Scotus. Ông giảng dạy với tư cách giảng viên tại các học viện Phan Sinh ở Bologne và Toulouse. Năm 1313, ông trở về Paris, nhận bằng cử nhân và tiến sĩ thần học. Năm 1320/1321, ông trở thành Giám tỉnh Tỉnh dòng Aquitaine. Năm 1320/21, ông được tấn phong làm Giám mục Aix. Ông mất năm 1322. R. Dreiling nhận định rằng Peter Aureoli “không theo Platô, không theo Augustinô, không theo Aristốt, không theo Averroes, không theo Scotus, cũng không theo Tôma.” Ông là một tư tưởng gia độc lập và một cá nhân theo viễn tượng chiết trung. Ông ca ngợi và chỉ trích tất cả các tác giả được đề cập trên. Ông mạnh mẽ bảo vệ luận điểm Phan Sinh về cá biệt tính và về sự tự do của Thiên Chúa, một sự tự do không bị ràng buộc bởi bất cứ một qui luật nào.
FRANSCIS MEYRONNES
Francis người Meyronnes là Giám Tỉnh Tỉnh dòng Meyronnes. Ông theo học tại Paris và là người hăng hái theo tư tưởng của Duns Scotus. Mặc dầu đã viết một bộ bình giải về Các Luận Đề thần học của Peter Lombard, ông vẫn nghiêng về triết học. Ông nhận xét rằng Aristốt có thái độ lạc quan trong lãnh vực vật lý nhưng lại là người bi quan trong lãnh vực siêu hình. Các tác phẩm của ông gồm có: On The Univocity of Being (Khảo luận Về Tính Đơn Nghĩa của Hữu thể)), On The First Principle (Khảo luận Về Nguyên Lý Đệ Nhất), On Relations (Khảo luận Về Các Tương Quan) và On Transcendental (Khảo luận Về Siêu Nghiệm). Tất cả các công trình này cho thấy sự gắn kết của ông với tư tưởng của Scotus. Trong bộ Bình Giải của mình, Francis Meyronnes khẳng định rằng chính trái đất đang chuyển động còn các tầng trời vẫn bất động. Ông mất năm 1328.
WILLIAM OCKHAM
William sinh tại làng Ockham, Anh Quốc vào khoảng năm 1285 và mất tại Munich năm 1347. Ông gia nhập Dòng Thánh Phanxicô và bắt đầu con đường học vấn tại Đại Học Oxford, hoàn thành việc học vào năm 1320. Tại Oxford, ông giảng thuyết về Các Luận Đề Thần Học, và bộ Bình Giải về Các Luận Đề Thần Học vẫn còn là tác phẩm quan trọng nhất của ông. Dầu đã hoàn tất việc học thần học, nhưng ông vẫn không bao giờ được chỉ định giữ chức Giám Học của Học Viện Phan Sinh. Năm 1323/1324, Đức Giáo Hoàng Gioan XXII triệu ông đến Avignon để giải thích năm mươi sáu trong số các luận điểm của ông trước đó đã bị vị chưởng ấn Đại Học Oxford là John Lutterell chỉ trích. William, một người theo Duns Scotus, là một triết gia lỗi lạc và một thần học gia lớn. Đức Giáo Hoàng chưa bao giờ lên án bất kỳ luận điểm thần học hay triết học nào của ông, và tất cả đã được biên soạn trước khi ông bị triệu hồi đến Dinh Giáo Hoàng tại Avignon. Tuy nhiên, một số viễn tượng chính trị của ông bị lên án. William trốn khỏi Avignon và tìm đến trú ẩn dưới sự che chở của Hoàng Đế Louis xứ Bavaria. Ông ở lại Bavaria cho đến khi qua đời. Phương châm nổi tiếng của William hay còn được gọi là “Lưỡi dao của Ockham” vẫn được trích dẫn mãi cho đến thời của chúng ta: không được nhân bội các hữu thể nếu không có sự cần thiết. Ông cũng được xem như vị sáng lập trường phái Duy Danh Phan Sinh. Thuyết Duy Danh là một triết thuyết phủ nhận sự hiện hữu của những khái niệm và những nguyên lý phổ quát ở bên ngoài lý trí con người. Tầm quan trọng đặt trên cá thể. Không có những chuẩn mực luân lý phổ quát, do đó đạo đức đơn giản là tuân phục thánh ý Thiên Chúa, Đấng tự do tuyệt đối.
Thánh Phanxicô Assisi mất năm 1226. Trong vòng một trăm năm sau khi ngài qua đời, chúng ta thấy thế giới thần học đã tiếp nhận được nhiều thần học gia Phan Sinh tài ba.
Dòng Đa Minh cũng đã đóng góp cho thế giới nhiều thần học gia lỗi lạc. C.H.Lawrence, trong tác phẩm The Friars của mình có một chương dài tựa đề “Công cuộc chiếm lĩnh các Đại Học”. Trong chương này, ông thuật lại thời gian đầu các tu sĩ Đa Minh và Phan Sinh đến các Đại Học Paris và Oxford. Chính hai nhóm này, theo kiểu nói của Lawrence, “đã chiếm lĩnh các Đại Học”. Ông viết:
Nếu so sánh với học viện của các giáo phận, hệ thống của các Anh em khất thực, bên cạnh sự trổi vượt về mặt tổ chức, còn có nhiều ưu điểm quan trọng khác. Trong các học viện thuộc giáo phận, người ta chỉ dạy một vài năm rồi chuyển đi. Giảng dạy ở Đại Học không được xem như một sự nghiệp cả đời. Nhu cầu cấp thiết có một bổng lộc, để trả nợ cho các vị bảo trợ, hoặc mong ước có một địa vị cao trong Giáo Hội hay Nhà Nước, thường xuyên lôi kéo các giáo sư rời khỏi nhà trường vào khoảng tuổi mới trung niên. Nhưng khi đã trở thành tu sĩ, được giải thoát khỏi các áp lực của tham vọng thế tục và không phải tranh đấu cho kế sinh nhai, họ có thể theo đuổi việc nghiên cứu trong bầu không khí thanh thoát … Nếu thành công, có thể họ sẽ được phép sống cả đời trong thế giới trí thức.[1]
Nhờ có nhiều tu sĩ theo học và giảng dạy tại các trường Đại Học trong suốt thế kỷ XIII và XIV như thế nên cả hai Dòng Đa Minh và Phan Sinh đều đã có thể hình thành truyền thống thần học của mình một cách phong phú. Một lần nữa, cho phép tôi nhắc lại rằng thần học và triết học không thể đặt ngang hàng với Lời Chúa, với Truyền thống của Giáo Hội, hay với Giáo Huấn long trọng của Giáo Hội. Căn bản luôn là đức tin. Thần học và triết học chỉ là những cách thức để diễn tả và hiểu biết sâu xa hơn về bản chất của đức tin và những điều bao hàm trong đức tin. Đã có nhiều truyền thống triết học và thần học khác nhau trong Giáo Hội ngay từ buổi ban đầu. Các truyền thống tri thức này có khi trợ giúp cho nhau, và cũng có khi xung đột với nhau. Đấy là cơ cấu của mọi ngành khoa học, dù là khoa học nhân văn, triết học hay thần học. Một truyền thống học thuật có thể giúp cho các truyền thống khác giữ được tính chân thực, và ngược lại các truyền thống khác cũng có thể giúp cho một truyền thống giữ được tính chân thực. Những sự khác biệt cần được bàn luận và đánh giá trong bối cảnh này.
Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021
I. TRUYỀN THỐNG TRI THỨC PHAN SINH
II. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH TIÊN KHỞI TẠI PARIS VÀ OXFORD
III. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH THẾ KỶ XII VÀ XIII BÊN NGOÀI CÁC ĐẠI HỌC PARIS VÀ OXFORD
IV. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA TRIẾT HỌC PHAN SINH
[1]