Skip to content
Main Banner
ĐẠI LỄ THÁNH PHANXICÔ (04/10) - Xét mô tả, dàn bài TL thần IV (07/10) - HỘI THAO MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ (12/10) - LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11)

John Duns Scotus: Trật tự ý hướng

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 12:14 UTC+7 84

JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)

 

Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm

 

+ Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

+ Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

+ Trật tự ý hướng

+ Tính ngẫu nhiên

+ Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

+ Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

+ “Vô Nhiễm Thai”

+ Tạo dựng – Con người

+ Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

=============================

 



TRẬT TỰ Ý HƯỚNG

 

Ghi chú: Thông thường, mỗi tác giả có một số từ “chìa khóa,” hoặc một số khái niệm “nền tảng” trong hệ thống tư duy của mình. Duns Scotus cũng có một số từ, hoặc một số khái niệm căn bản và đặc thù như thế. Do đó, để có thể nắm bắt được một cách có hệ thống các tư tưởng, cũng như lập trường triết học và thần học của ngài, thiết nghĩ việc tìm hiểu các từ quan trọng, các quan niệm căn bản của ngài là điều cần thiết.


1. Chủ thể hành động và trật tự ý hướng:

 

Đây là một trong những điểm mà Scotus nhấn mạnh trong hệ thống suy tư của ngài. Khác với Aristote và đa số các nhà triết học kinh viện khác thường nhấn mạnh đến nguyên nhân mục đích như là nguyên nhân cuối cùng chi phối các nguyên nhân khác, Scotus lại bận tâm bênh vực một dạng nhân quả tính tự do, để dựa vào đó, ngài có cơ sở bảo vệ sự tự do của Thiên Chúa như một chủ thể hành động có lý trí và sắp xếp mọi sự một cách trật tự.

 

Một chuyên gia hàng đầu hiện nay về Duns Scotus, M.E Ingham, đã diễn giải như sau: “Ngài chuyển từ đối tượng xét như cùng đích qua đối tượng xét như động lực (motive). Việc nhấn mạnh trên khía cạnh chủ quan này của tác nhân, trong khi vẫn không phủ nhận tầm quan trọng của tính mục đích, đặt tất cả mọi tính nhân quả khách quan (objective causality) bên trong tác nhân: như thế, lệ thuộc vào sự ý thức của nó.”

 

Ngài đã di chuyển đối tượng như mục đích (cái bàn) qua đối tượng như “động lực” nghĩa là, ngài nhấn mạnh đến chủ thể tác thành (người thợ), đến ý hướng của tác nhân, bởi vì ý hướng của tác nhân định dạng mục đích và mặc cho nó ý nghĩa cuối cùng: mô hình của một cái nhà trong đầu của một kiến trúc sư là nguyên nhân tác thành của cái nhà mà ông ta sẽ xây. Chỗ đứng của mục đích (=cái nhà) được sáp nhập vào trong đối tượng là cái nhà, và được đặt vào bên trong ý chí như là phần của tính ý hướng của nó. Như thế, nguyên nhân mục đích được mô tả như đang hoạt động cách hiệu năng bên trong trí của tác nhân. Điểm quan trọng mà Scotus nhắm vào ở đây là động lực thúc đẩy (motivation). Chính ngài đưa ra một ví dụ về sự bố thí để minh họa như sau: hành vi cho tiền một người nghèo vô gia cư có thể được phát sinh do nhiều động lực khác nhau: ví dụ như do khuynh hướng tự nhiên, hoặc vô thức, muốn chia sẻ cách quảng đại; hoặc do ước muốn tỏ mình hơn người khác, nghĩa là làm cho người khác tự cảm thấy thấp kém, thậm chí do ước muốn dốc khỏi túi những đồng tiền kẽm nặng trịch! Cùng một hành vi đó, nếu phát xuất do bởi ý chí tự do, thì có thể tốt, hoặc đạo đức trên bình diện luân lý, bởi vì nó được thực hiện dưới sự kiểm soát của ý chí của tác nhân, dựa theo sự suy nghĩ có lý lẽ. Ingham đúc kết cách xuất sắc sự lựa chọn có tính cách phương pháp luận của Scotus, khi ngài nhấn mạnh trên khía cạnh chủ quan của tác nhân.

 

“Sự thiện hảo là điểm nhắm cuối cùng của ý hướng của ý chí. Như một thực tại ngoại tại được gọi là nguyên nhân cùng đích, nó hoạt động như một nguyên nhân tác nhân nội tại… Như thế, Scotus không phủ nhận tính nguyên nhân cùng đích, nhưng ngài giải thích nó qua thuật ngữ của nguyên nhân tác thành, ở trong ý hướng của tác nhân.”

 

Thật ra, để chống lại lối nhìn quá thế tục và quá dựa vào lý trí về thế giới, về con người và thành tựu nhân sinh của bối cảnh trào lưu tư tưởng thế kỷ 13, mà Scotus đã cố gắng đưa ra một cấu trúc thực tại sâu xa hơn, dựa vào tình yêu hợp lý của Chúa, một thực tại hoàn toàn phù hợp với Kinh thánh, nhất là phần Kinh thánh mô tả Chúa như một Chúa Ngôi Vị của sách Xuất hành, mầu nhiệm Nhập thể, và việc Chúa Sống lại, một Chúa Ba Ngôi khát mong tự mặc khải cho chúng ta, và trong việc mặc khải ấy, Chúa thiết lập một mối quan hệ giao ước với chúng ta.

 

Đức Giáo hoàng Phaolô VI khẳng định nỗ lực này của Scotus, khi Ngài gửi sứ điệp sau đây cho hàng Giám mục nước Anh, nhân dịp hội nghị lần thứ hai về học thuyết Kinh viện, được tổ chức tại Oxford và Edimburg:

 

Vị Tiến sĩ tinh tế xây dựng thần lý học của mình bằng cách dựa vào các nguyên tắc và lý lẽ rút ra từ Kinh thánh: “Ta là Đấng hiện hữu” (Xh 3,14); và “Thiên Chúa là tình yêu” (I Ga 4,16); các nguyên tắc và lý lẽ mà ngài giải thích và triễn khai để xây dựng học thuyết của mình dựa trên Đấng là “sự Chân và sự Thiện vô biên”, “nguyên nhân đệ nhất”, “cùng đích của mọi sự”, “Đấng tuyệt đối đệ nhất siêu vượt”, “đại dương của mọi toàn hảo” và “tình yêu bởi yếu tính”

 

Gần đây, Đức Giáo hoàng Biển Đức XVI cũng khẳng định:

 

“Scotus là người chuyên rao giảng về Chúa như là Tình yêu, đây là một chân lý cần được nghiên cứu và giảng dạy cách đặc biệt trong thời đại chúng ta.

 

Như thế, các vị lãnh đạo Giáo hội xem ra như nhất trí với kết quả nghiên cứu của học giả Gilson là:

“Tất cả nền thần học của Duns Scotus được ghi dấu bởi luận đề rất quan trọng này, đó là hành động tự do đầu tiên diễn ra trong toàn bộ hữu thể, là một hành động của tình yêu. […] Do đó, chỉ vì Chúa là ý chí theo dạng thức, Chúa là tình yêu theo yếu tính: Deus caritas est (Chúa là tình yêu).”

 

2. Áp dụng vào chương trình hành động của Thiên Chúa:

 

Thiên Chúa của Scotus là Thiên Chúa Tình Yêu và Thiên Chúa mạc khải. Suy tư về mạc khải tình yêu của Thiên Chúa đã dẫn ngài đến sự phân biệt: “Thần học tự thân” (Theologia in se) và “Thần học của chúng ta” (Theologia nostra). Nói cách khác, Scotus khám phá có hai loại thần học: (1) Theologia in se còn được gọi là “thần học hướng nội” (theologia ad intra), “thần học tất yếu” (theologia necessaria) như Thiên Chúa Ba Ngôi Nhất Thể, bản tính của Thiên Chúa; tính tất yếu như gắn liền với hoạt động nội tại của Thiên Chúa; (2) Theologia in nobis: còn được gọi là “thần học ngẫu nhiên” (theologia contingentia), “thần học hướng ngoại” (theologia ad extra): bàn về cái ngẫu nhiên, những gì không tất yếu, tức là các hoạt động bên ngoài của Thiên Chúa, như tạo dựng, nhập thể, cứu chuộc, quan phòng.

 

Nền thần học về các công trình bên ngoài (ad extra) này của Scotus xuất phát từ cùng nguyên tắc là Thiên Chúa hành động một cách có lý trí, trước tiên muốn cùng đích, kế đến các phương tiện để đạt được các mục đích này, theo nguyên tắc primum in intentione, ultimum in executione. Từ nguyên tắc này, phát sinh nền Kitô học của Scotus, theo đó Đức Kitô, “người đầu tiên được tiền định”, là con đường qua đó thụ tạo quay trở về cùng Đấng Tạo dựng.

 

Như thế, nhìn từ quan điểm của Nhập thể, tạo dựng không phải là một hành vi độc lập của tình yêu của Thiên Chúa, và biến cố Thiên Chúa tự mạc khải Người trong giao ước xảy ra tiếp theo sau đó không phải là một biến cố ngẫu nhiên. Tất cả là thành phần của một chương trình toàn bộ, của trật tự ý hướng của Thiên Chúa.

 

Và để đi vào thực hiện cụ thể chương trình này, trước tiên đòi hỏi một hành vi tạo dựng, và tiếp đó, sự tạo dựng các hữu thể có khả năng bẩm sinh đáp trả lời chào mời của Thiên Chúa cách tự do, những hữu thể mà tự chúng có khả năng thiết lập một tương quan cá vị, nghĩa là hữu thể có khả năng hiểu biết và tự do lựa chọn. Bởi vì bản tính của hữu thể này -tức là con người-, không bao giờ tự nó có thể là thần linh, nó sẽ không bao giờ có được một quan hệ pháp lý, một địa vị chính thức tương xứng với Thiên Chúa để thiết lập quan hệ với Người. Một cái gì đó phải xảy ra trước khi sự sung mãn của vinh quang Thiên Chúa đươc chia sẻ: Hai bản tính -thần linh và nhân loại-, phải được kết hợp trước khi một tương quan như thế có thể được thực hiện. Sự Nhập thể, do đó, là giây phút kết hiệp khi, ở trong Đức Kitô, bản tính Thiên Chúa và bản tính con người hiện diện ở nơi cùng một người.

 

Trong truyền thống Phan sinh của Scotus, con người được nhìn như hình ảnh của Đức Kitô (imago Christi) cũng như của Thiên Chúa ( imago Dei): Đức Kitô là khuôn mẫu, là bản thiết kế có chủ tâm (intentional) dành cho trật tự tạo dựng. Sự tiến bộ trong đời sống thiêng liêng được xem như một quá trình Kitô hóa (christification), cũng như thần hóa (deification), và sự kết hợp này của chúng ta với Thiên Chúa được thực hiện qua trung gian của con người Giêsu Kitô mà bản tính nhân loại của Người là bản tính của chúng ta. Vì thế, nói như nhà thần học Norris Clark: “Sự khám phá Thiên Chúa là một hành trình bên trong, trong tận cõi thâm sâu của chúng ta, chớ không phải là một hành trình bên ngoài tìm kiếm Thiên Chúa ở tận cùng bên kia của vũ trụ vật chất.” Cách thức đọc lịch sử cứu độ có ý hướng (intentional reading of salvation history), nghĩa là đặt Nhập Thể trước tạo dựng, phát sinh từ hai lý do sau: vì tạo dựng là ở trong hình ảnh của Đức Kitô, và vì tạo dựng sẽ là bước đầu tiên hướng về giây phút lịch sử của Nhập Thể. Sự khẳng định này của linh đạo Phan sinh về tính siêu việt và tính trung tâm của Đức Kitô (primacy and centrality of Christ) có nhiều hàm ý quan trọng trong việc Scotus hiểu về động cơ thần linh của Nhập Thể. (divine motive for the Incarnation).

 

Nói tóm lại, Scotus nhấn mạnh đến chỗ đứng và vai trò của Đức Kitô như nguyên nhân quyết định công trình của Nghệ nhân. Mọi sự trong tạo dựng đều tương quan với tính cùng đích được diễn tả trong Đức Kitô, và mục đích cuối cùng này ghi ấn vào trong mỗi một vật. Đức Kitô là ý nghĩa và khuôn mẫu của tạo dựng, và mỗi tạo dựng được dựng nên theo hình ảnh của Đức Kitô. Vì tạo dựng được tập trung vào Nhập thể, nên mỗi một chiếc lá, áng mây, hoa quả, súc vật và con người là một cách kiểu yêu thương độc đáo mà Ngôi Lời Thiên Chúa diễn tả ra trong thế giới. …Mọi sự được dựng nên giống Đức Giêsu Kitô. Điều này có nghĩa là mặt trời, mặt trăng, cây cối, sinh vật… tất cả đều có sự sống trong Đức Kitô, nhờ Đức Kitô và với Đức Kitô, bởi vì Đức Kitô là Ngôi Lời qua đó tất cả đều được dựng nên.

 

Trên bình diện thần học, Scotus nhấn mạnh đến vai trò của tác nhân Thiên Chúa nhằm để đề cao sự nhất quán của hoạt động của Thiên Chúa trong lịch sử, tính chủ động và sự tự do chia sẻ tình yêu của Người cho con người. Quan điểm này kéo theo quan điểm lấy con người làm trung tâm và làm nền tảng cho sự bàn luận luân lý của ngài sau này

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFMTriết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

 

Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

Bài III. Trật tự ý hướng

Bài IV. Tính ngẫu nhiên

Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”

Bài VIII. Tạo dựng – Con người

Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

 


Chia sẻ