Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

John Duns Scotus: “Vô Nhiễm Thai”

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-06 06:28 UTC+7 91

JOHN DUNS SCOTUS (1226-1308)

 

Fr. Alexis Trần Đức Hải, Ofm

 

+ Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

+ Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

+ Trật tự ý hướng

+ Tính ngẫu nhiên

+ Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

+ Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

+ “Vô Nhiễm Thai”

+ Tạo dựng – Con người

+ Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện

=============================



 

“VÔ NHIỄM THAI”

 

Ngoài tước hiệu “Tiến sĩ tế vi,” chân phước John Duns Scotus còn được người ta biết đến dưới tước hiệu “Tiến sĩ của Đức Maria,” do lòng sùng kính của ngài đối với Đức Maria, theo truyền thống mà thánh Phanxicô Assisi để lại cho các con cái của Người, cũng như công lao vất vả của ngài trong việc dũng cảm và kiên trì tranh đấu cho niềm tin: Đức Maria chí thánh được miễn khỏi tội tổ tông truyền ngay từ giây phút đầu Mẹ được cưu mang. Niềm tin này đã phát xuất từ lâu trong cộng đoàn dân Chúa, và nó không ngừng được củng cố, phát triển…cho đến ngày nó được Đức Giáo Hoàng Piô IX chính thức tuyên bố như một tín điều qua sắc lệnh: “Ineffabilis Deus” (1854). Đây là kết quả của cảm nhận của các tín hữu (sensus fidelium), nghĩa là của niềm tin sống động của các Kitô hữu. Và trong quá trình phát triển của tín điều này, Duns Scotus đã góp phần quan trọng, có thể nói là mang tính quyết định, và ngài được các vị Giáo Hoàng sau này long trọng và công khai thừa nhận. Ví dụ:

 

Khi phong Duns Scotus lên bậc Chân Phước vào ngày 20/03/1993, Đức Gioan Phaolô II mô tả ngài như “người ca hát về Ngôi Lời nhập thể và người bảo vệ tín điều Vô nhiễm nguyên tội.” Gần đây, Đức Bênêđictô XVI tuyên bố: “Sự đóng góp to lớn mà Duns Scotus cống hiến cho lịch sử thần học là: a/ Cái nhìn quy tâm Kitô: Đức Kitô là trung tâm của lịch sử và của vũ trụ; b/ Vô nhiễm nguyên tội: Đức Maria chí thánh được thoát khỏi tội tổ tông truyền ngay từ giây phút đầu tiên Mẹ được cưu mang; c/ một chú ý tập trung trên vấn đề tự do của con người.”

 

1. Cái nhìn của Scotus về Vô Nhiễm Thai

1.1 Đức Maria ở trong ý nghĩ và trong con tim của Thiên Chúa

 

Tại sao và làm thế nào mà Thiên Chúa đã dựng nên thế giới? Thánh Phaolô trả lời: Ep 1: 4-6: “Trong Đức Kitô, Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện, nhờ tình thương của Người. Theo ý muốn và lòng nhân ái của Người, Người đã tiền định cho ta làm nghĩa tử nhờ Đức Giêsu Kitô, để ta hằng ngợi khen ân sủng rạng ngời, ân sủng Người ban tặng cho ta trong Thánh Tử yêu dấu.” Chính trong Đức Kitô, Ngôi Lời nhập thể, mà vũ trụ đã có được ý nghĩa, tính ổn định và cùng đích của nó. Chính trong Ngôi Lời nhập thể mà người ta tìm thấy chìa khóa cho biện chứng của lịch sử. Tất cả triết lý của chúng ta, hoặc hay hơn, nền thần học về câu chuyên tạo dựng của chúng ta nằm ở trong mầu nhiệm Giáng sinh với tất cả những gì bắt nguồn ra từ đó. Nếu Nhập thề nằm ở trung tâm của hành vi tạo dựng của Thiên Chúa, thì chính Đức Maria là người đã làm cho việc Nhập thể trở thành hiện thực, và chính điểm này làm nên sự vĩ đại không gì có thể so sánh của Mẹ. Chức năng làm mẹ của Mẹ là câu trả lời cho sự Nhập thể của Ngôi Lời, và từ mắt xích cốt yếu và sống còn này mà chuỗi các mầu nhiệm khác bắt đầu.

 

Trong sắc thư Ineffabilis, Đức Pius IX tuyên bố: “Nguồn gốc mầu nhiệm của Đức Maria được nhìn thấy trước và được ban hành bởi cùng một sắc lệnh (decree) với sự Nhập thể của sự Khôn Ngoan Thiên Chúa. Mối liên kết này thì không thể phá vỡ được. Nó có thể hiện hữu kể cả cách độc lập với sự cứu chuộc của thế giới.” Đó là lập trường của Scotus, Albert the Great, Scheeben…

 

Đức Kitô xuất hiện, và Đức Maria ở trong Ngài, như được Thiên Chúa muốn, trước mọi thụ tạo, như đỉnh điểm của tạo dựng, một tạo dựng được quy hướng về Ngài. Ngay từ khởi thủy, Thiên Chúa quyết định tạo dựng, ở trong Đức Kitô và cho Ngài, viên ngọc quý là Đức Maria, với thế giới được ví như là hộp tráp nhỏ đựng nữ trang.

 

Khi một nghệ thuật gia bắt đầu vẽ một bích họa, trước tiên ông quyết định chọn những nhân vật quan trọng, và rồi, vì lợi ích của các nhân vật này cũng như để làm nổi bật họ, ông bắt đầu tạo phối cảnh, ánh sáng và bóng tối, cận cảnh, phong cảnh, bầu trời, chim chóc…Là nghệ thuật gia vô song, Thiên Chúa muốn toàn thể tạo dựng bởi vì (in view of) Đức Kitô, và vì vậy, vì Đức Maria, bởi vì trong chương trình của Thiên Chúa, Đức Kitô không thể được nghĩ đến mà không có Đức Maria. Tất cả tạo dựng là để cho Mẹ, bởi vì Mẹ là thụ tạo đầu tiên trong các thụ tạo được sinh ra trong Đức Kitô. Bởi vì Mẹ ở ngay tâm điểm của Nhập thể, phụng vụ đã không ngần ngại áp dụng cho Mẹ đoạn văn sau đây của Kinh Thánh, đoạn văn vốn qui chiếu về sự Khôn Ngoan thần linh: Prov. 8: 22-23: “Đức Chúa đã dựng nên ta như tác phẩm đầu tay của Người, trước mọi công trình của Người từ thời xa xưa nhất. Ta đã được tấn phong từ đời đời, từ nguyên thủy, trước khi có mặt đất.”

 

Thiên Chúa yêu chúng ta bằng tình yêu khôn tả; chính trong Ngôi Lời Nhập Thể mà Người yêu chúng ta với tất cả sự sung mãn thần linh. Tuy nhiên, các thụ tạo và ơn gọi của chúng không đồng đều nhau; các ân ban đến từ Thiên Chúa không giống nhau ở mọi trường hợp. Tính bất đồng đều nhau này không đến từ sự việc tình yêu đầu tiên được trao ban không đều nhau. Sự bất đồng đều nhau trong các ân huệ được Chúa trao ban phải được đo lường, từ phía Thiên Chúa là người trao ban, tùy theo vị trí (chỗ đứng) mà Người dành cho chúng ta trong vương quốc của Người, trong thân thể nhiệm mầu của Người. Trong khi nhìn từ phía của con người là kẻ đón nhận, nó lệ thuộc vào mức độ đón nhận. Như chúng ta có thể thấy, mọi sự xảy ra chỉ cho thấy rõ là: ở cả hai bình diện vừa nói trên, sau tính nhân loại (humanity) của Đức Giêsu Kitô, Đức Maria là người thứ nhất. Tất cả chúng ta được gọi làm con Thiên Chúa và làm người thừa hưởng Nước Trời, tuy nhiên sự khác biệt duy nhất nằm ở trong phần mà Thiên Chúa định cho mỗi người, trong chức năng mà người này đóng. Do vai trò của Mẹ, Thiên Chúa đã dành cho Mẹ tình yêu ở mức tối đa. Cái làm cho Mẹ có một vai vế có một không hai là khả năng đáp trả tình yêu Thiên Chúa của Mẹ, là vực thẳm (abyss) hiến dâng và đón nhận mà Mẹ dành cho tình yêu tuôn trào của Chúa. Không có thụ tạo nào, dù là thiên thần hay loài người, có thể đón nhận tình yêu này như khả năng đón nhận của Mẹ; không ai đáp trả được như Mẹ các yêu sách của Chúa. Mẹ hoàn toàn tuân phục ý muốn của Chúa, và trong Mẹ, Người đã có thể thực hiện công trình toàn hảo của tạo dựng. Người đã đoái nhìn Mẹ bằng một tình yêu đặc biệt. Khi Thiên Chúa chọn một tâm hồn để thực hiện một sứ mạng cao quý và đặc biệt, sứ mạng này là để phục vụ lợi ích của tất cả. (qc. đoàn sủng, charism) Tình yêu dành cho một cá nhân tức thời biến thành một tình yêu phổ quát. Thay vì loại trừ các kẻ khác, sự chọn lựa của Người bao gồm tất cả họ. Điều tốt riêng lẻ trở thành một lợi ích chung và ảnh hưởng rộng rãi trên toàn thế giới…Thiên Chúa tuyển chọn một người; người được chọn đón nhận một ơn gọi cao hơn; phạm vi của ơn gọi này sẽ được trải rộng hơn. Con suối càng cao thì nguồn nước của nó sẽ được cung cấp dồi dào hơn, tốt hơn. Như thế, sự yêu thích ưu đãi của Thiên Chúa không làm ai thiệt hại, và không làm họ mất mát điều gì.

 

Ơn gọi của Đức Maria đã là một mầu nhiệm của sự trung gian và của sự hiệp thông với chúng ta, những con người phải chết đáng thương! Ở mọi mặt, Mẹ mở rộng lòng ra với tình yêu của Thiên Chúa, một tình yêu mà qua Mẹ, lôi kéo chúng ta đến gần với Chúa Cha và với các anh chị em của chúng ta. Trong Mẹ, không có chuyện tích trữ kho báu và sở hữu riêng cho mình: Mẹ cho như Mẹ nhận (qc. nhận nhưng không, cho nhưng không), chuyển trao toàn bộ những gì Mẹ được giao.

 

Nói tóm, nơi Mẹ “tràn đầy ân sủng” của Thiên Chúa…và sự thánh hóa này ở Mẹ là sự chuẩn bị cho sứ mạng của Mẹ như người Mẹ của tất cả mọi sinh linh, theo quy luật kiên định của sự ưu ái của Chúa. (x. Chúa thương ai nhiều thì sẽ đòi hỏi nhiều, giao nhiều trách vụ…)

 

1.2 Vô Nhiễm Thai

 

Đức Maria được tuyên bố là Vô Nhiễm Thai (Immaculate Conception). Điều này muốn nói là chỉ có Mẹ được thụ thai mà không vướng tội tổ tông truyền.

Ở đây không có chuyện Maria là một luật trừ trong trật tự tự nhiên (the order of nature): Mẹ cũng đã được cưu mang như bất cứ con trẻ nào khác của Ađam, -trừ duy nhất Người Con của Mẹ: do Chúa Thánh Thần- qua liên hệ vợ chồng giữa cha và mẹ của Mẹ. Cái liên can ở đây là một luật trừ trong trật tự ân sủng (in the order of grace.) Đặc ân Vô Nhiễm Thai là việc xảy ra dưới dấu hiệu (biểu hiện, sign) của ân sủng; ngay từ giây phút đầu tiên hiện hữu trong lòng dạ mẹ của Ngài, thay vì thiếu thốn tình bạn và sự sống của Thiên Chúa, ngược lại, Đức Maria tràn ngập nhũng điều đó: Mẹ đã “tràn đầy ơn phúc.” Ở đây chúng ta có toàn bộ sự khác biệt giữa Maria và các con cái khác của Ađam: kể từ khi tội nguyên tổ đến trong thế gian, các con cái khác của Ađam khi được thụ thai và sinh ra, đều thiếu chính thứ ân huệ mà Maria không bao giờ thiếu.

 

Thật ra, ngày lễ kính Mẹ vô nhiễm thai đã có ở phương Đông từ thế kỷ thứ bảy, và thậm chí là nó được đưa vào trong nhiều giáo phận phương Tây, mặc dù học thuyết này còn thiếu căn bản triết học. Trong khi thánh Anselmô Canterbury đã đề ra một nguyên tắc nổi tiếng: potuit, decuit, ergo fecit (“Thiên Chúa có thể làm điều đó, điều đó thì thích hợp, vì thế Người đã làm”), Duns Scotus lại đề xuất ra luận chứng sau: Đức Maria cần được cứu như tất cả những hữu thể khác, nhưng do nhờ vào các công nghiệp của việc Đức Giêsu chịu đóng đinh được ban trước cho Mẹ mà Mẹ được cưu mang không vướng mắc tội tổ tông. Đức Giáo hoàng Piô IX nhắc lại luận chứng này khi tuyên bố tín điều Đức Mẹ Vô Nhiễm.

 

Sự tự do lựa chọn của Mẹ đáp trả lời mời gọi của Thiên Chúa thì không bị điều kiện sa ngã (phạm tội) làm trở ngại -điều kiện hoặc tình trạng mà ở trong đó tất cả chúng ta đều mắc phải khi được sinh ra-. Người ta thường hiểu cách lẫn lộn tín điều này với tín điều Đức Mẹ đồng trinh được cử hành vào ngày lễ Truyền tin 25 tháng 03. Sự “sinh nở đồng trinh” (virgin birth) ám chỉ sự việc Đức Giêsu được thụ thai bởi quyền năng của Chúa Thánh Thần, và Đức Maria không đánh mất sự trinh trong khi sinh hạ Đức Giêsu, trong khi đó, “Vô nhiễm thai” là một khẳng định về giá trị của Đức Maria như một ngôi vị, và vì thế nó được nối kết với vai trò chủ chốt của Mẹ trong Nhập thể và trong toàn bộ chương trình của Thiên Chúa. Nó cũng đặt Nhập thể độc lập khỏi các hậu quả của tội tổ tông truyền.

 

Cũng như khi bàn về lý do của Nhập thể, lập trường của Scotus là tách nó ra khỏi tội lỗi của con người, ở đây, khi bàn cãi về Vô nhiễm thai, chúng ta cũng tìm cách tách sự hiểu biết của chúng ta về cứu chuộc ra khỏi tình trạng ngã sa của con người. Scotus diễn đạt ý kiến của ngài theo chiều hướng một nền nhân học mới, - trong ánh sáng của bản tính nhân loại-, của phẩm cách và tính quảng đại của Thiên Chúa. Cái nhìn đổi mới này, vì thế, có thể thay thế cái nhìn dựa trên tình trạng tội lỗi, sự công chính hóa và sự thứ tha của Thiên Chúa. Tuy nhiên, theo học giả Ingham, một cái nhìn nhân học lạc quan như thế sẽ phải đối mặt với hai vấn đề căn bản:

 

Vấn đề thứ nhất đòi hỏi một sự tách rời “tội nguyên tổ” khỏi ước muốn xác thịt (nhục dục, concupiscence). Điều này có nghĩa là vứt bỏ quan niệm về tội theo kiểu của Augustinô, và cách đặc biệt, về tội tổ tông truyền cùng với sự lan truyền của nó qua giao hợp. Kiểu giải thích này mô tả thân phận con người qua lăng kính của sự nhiễm phải tội nguyên tổ, bởi cuộc gặp gỡ có tính chất vật lý của linh hồn với “xác thịt bị nhiễm”. Xác thịt bị lạc thú quá mức của những cặp vợ chồng làm ô nhiễm, qua hành vi giao hợp. Bởi vì lạc thú này vượt tầm kiểm soát của lý trí, nó trở thành tính dâm ô và chính tính này làm hư hỏng vật chất (thân thể) là nơi đón nhận linh hồn (mô thể). Một khi linh hồn bị hư hỏng như thế, nó sẽ thừa hưởng cách thể lý (physically) tình trạng của tội tổ tổ tông truyền và các hình phạt đi kèm như đau khổ, bệnh tật, chết chóc. Vậy, nếu tách rời được tội nguyên tổ ra khỏi tính ham muốn xác thịt, thì trên bình diện luận lý (lôgích), một người có thể được thụ thai trong một cách thức nhân loại bình thường, qua giao hợp xác thịt (như Đức Maria) mà không mắc phải tội tổ tông truyền.

 

Vấn đề thứ hai xuất phát một cách luận lý từ vấn đề đầu tiên này. Nếu có một người không vướng mắc tội tổ tông truyền như thế, thì người này cần được cứu theo hướng nào và theo nghĩa nào? Có thể có một người không có tội mà không cần Đức Kitô không? Người ta có thể tranh biện là một người, dù không có tội như thế, vẫn nợ Đức Kitô một cái gì đó không?

 

Như đã nói trước, Scotus nhìn Nhập thể trước tiên như hành động, qua và nhờ đó, bản tính con người được kết hợp với Thiên Chúa, và chỉ thứ đến mà thôi, như một hành động, qua và nhờ đó, bản tính con người được thoát khỏi tội. Thậm chí trong trường hợp sự thứ tha tội lỗi của nguyên tổ là một cái gì không nhất thiết cần phải có đi nữa, bản tính con người vẫn cần đến Nhập thể để đạt mục đích cuối cùng: kết hiệp với Thiên Chúa. Theo hướng này, chứng cứ thuận cho Vô nhiễm thai thực sự bảo vệ lý lẽ liên quan đến Nhập thể và ước muốn của Thiên Chúa trở thành người phàm một cách độc lập (independently) khỏi hiện trạng tội lỗi của nhân loại. Vô nhiễm thai là bước lôgích tiếp theo trong cái nhìn hoàn vũ quy tâm Kitô.

 

Cách bảo vệ Vô nhiễm thai của Scotus (Ordinatio III, d.3,1) tạo sự phân ly giữa ước muốn của con người (đặc biệt ước muốn nhục dục), tội và cứu rỗi, hiểu như một sự trả nợ. Nó khẳng định nét đẹp tự nhiên của ước muốn của con người, kể cả ước muốn giới tính. Nó xác định vị trí của tội là ở trong linh hồn, chớ không ở trong thân xác. Nó chấp nhận các hậu quả thể lý của một tình trạng ngã sa mà không lên án thân xác. Cuối cùng, nó biện hộ cho tính toàn vẹn ý nghĩa của hành vi cứu độ, kể cả cho những ai không nô lệ cho tội.

 

Có thể lược tóm cái nhìn nhân học quy tâm Kitô của Scotus khi được áp dụng vào Mẹ Maria như sau:

 

Điểm đầu tiên của giải pháp của Scotus là tách tội nguyên tổ ra khỏi ước muốn của con người và nhục tính. Điểm thứ hai là tách nhu cầu cần có Đức Kitô khỏi hiện trạng tội lỗi. Cả hai điểm này đưa đến việc loại bỏ cách chú giải truyền thống kiểu của Augustinô, với cách giải thích tội nguyên tổ và sự lan truyền tội qua việc giao hợp. Sự cứu độ không lệ thuộc vào sự hiện diện của tội, cũng như hiện trạng tội lỗi không là một điều kiện cần thiết cho nó. Một lần nữa, Nhập thể tỏ hiện ra như hành vi vĩ đại nhất của sáng kiến của Thiên Chúa và của tình yêu của Người. Đức Maria không cần phải phạm tội để cần một vị cứu tinh.

 

Ingham đã kết luận cách tổng hợp và sâu sắc như sau:

 

“Lập trường của Scotus về Nhập thể và về Vô nhiễm thai đều cùng hướng sự chú ý về ba nội thị (insights, sự thật ngầm hiểu) của linh đạo Phan sinh: sự tốt đẹp của tạo dựng, phẩm giá của con người, tính độ lượng của Thiên Chúa. Cả ba hướng này được Scotus phối hợp cách hài hòa và làm thành cái khung trong đó ngài khai triển tương quan của Thiên Chúa với trật tự tạo dựng, một tương quan hoàn toàn dựa trên căn bản là tình yêu thương của Người: yêu thương con người, yêu thương vũ trụ tự nhiên. Và trung tâm của lối nhìn này chính là ân sủng, một ân sủng luôn hoạt động trong trật tự tạo dựng, bởi vì sự hiện diện tình yêu của Thiên Chúa thì năng động và phát sinh sự sống.”

 

2. Các nhận định

2.1 Vô nhiễm thai và xã hội ngày nay

 

Làm sao có thể giải thích “Vô Nhiễm Thai” cho thế giới hôm nay? Đây là câu hỏi được đặt ra cho tất cả những ai tin vào mầu nhiệm đức tin này, một mầu nhiệm không dễ dàng gì hiểu được cách thấu triệt! Tuy nhiên, linh mục Stefano Cecchin nghĩ rằng “đó là biểu tượng của một tình yêu quá lớn của một vị Chúa muốn thiết lập một “tình bạn” với con người. Sau biến cố con người sa ngã, Thiên Chúa hứa đặt một mối thù nghịch giữa người nữ và cái xấu (được tượng trưng bởi con rắn), giữa miêu duệ của cả hai bên. Với biến cố Đức Kitô đến, lời hứa này đã được thực hiện. Mẹ của Đấng Mê-si-a không bao giờ là bạn của con rắn. Đó là vì do sứ mạng của Mẹ như người Mẹ của Đấng Cứu Thế, mà Thiên Chúa ban cho Mẹ một ân huệ tiền dự vào toàn bộ công trình của Đức Kitô, công trình mà nhờ vào tiếng “Xin vâng” của Mẹ, đã có thể thực hiện. Do đó mà Đức Maria hưởng cùng một ơn cứu chuộc như chúng ta, tuy nhiên, đối với Mẹ, Mẹ được hưởng trong một cách thức khác với chúng ta, để cho thấy rằng Đức Kitô thực sự là Đấng Cứu Chuộc toàn hảo: công trình cứu chuộc của Người có tác dụng trước và sau biến cố thập giá.

 

Ngày nay, người ta nói nhiều đến việc phòng bệnh. Đức Giêsu là vị thầy thuốc toàn hảo, người đến không chỉ để chữa lành các tội của thế giới, mà còn phòng ngừa chúng nữa: Người làm điều này với Mẹ Người. Do đó, việc cử hành tín điều này, -cùng với tất cả các tín điều khác về Đức Maria, - trước hết là nhằm tán dương Đức Kitô. Đây là điều hữu ích bởi vì nó giúp chúng ta hiểu hơn đặc điểm thực sự của công trình Thiên Chúa cứu chuộc chúng ta: tính phổ quát và sức mạnh của sự trung gian của Đức Kitô.”

 

2. 2. Chiều hướng nhân học quy tâm Kitô

 

Như đã nói: Scotus nhìn Nhập Thể của Ngôi Hai Con Thiên Chúa, trước tiên như một hành động mà, qua đó và nhờ đó, bản tính con người được kết hợp với Thiên Chúa, và, chỉ thứ đến mà thôi, như một hành động mà, qua đó và nhờ đó, bản tính con người được thoát khỏi tội - thậm chí trong trường hợp sự thứ tha tội lỗi của nguyên tổ là một cái gì không nhất thiết cần phải có đi nữa-, bản tính con người vẫn cần đến Nhập thể để đạt mục đích cuối cùng: kết hiệp với Thiên Chúa. Theo hướng này, chứng cứ thuận cho Vô nhiễm thai thực sự bảo vệ lý lẽ liên quan đến Nhập thể và ước muốn của Thiên Chúa trở thành người phàm một cách độc lập khỏi hiện trạng tội lỗi của nhân loại. Vô nhiễm thai là bước lôgích tiếp theo trong cái nhìn hoàn vũ quy tâm Kitô.

 

Cách bảo vệ Vô nhiễm thai của Scotus tạo sự phân cách giữa ước muốn của con người (đặc biệt là ước muốn nhục dục), tội và cứu rỗi, hiểu như một sự trả nợ. Nó khẳng định nét đẹp tự nhiên của ước muốn của con người, kể cả ước muốn giới tính. Nó xác định vị trí của tội là ở trong linh hồn, chớ không ở trong thân xác. Nó chấp nhận các hậu quả thể lý của một tình trạng sa ngã mà không lên án thân xác. Cuối cùng, nó biện hộ cho tính toàn vẹn của ý nghĩa của hành vi cứu độ, kể cả cho những ai không nô lệ cho tội. Thật vậy, Scotus lý luận rằng sự vô tội của Đức Maria cần đến sự cứu độ còn hơn cả Maria Mađalêna cần đến ân sủng để phục hồi bản thân. Khi một người được gìn giữ khỏi tội lỗi, điều này là một ân huệ lớn hơn cả khi một ai đó phạm tội và sau đó được phục hồi lại tình trạng nguyên thủy của nó. “Là một ân huệ cao đẹp khi gìn giữ một người khỏi sự dữ hơn là để người ấy ngã xuống vì lỗi rồi mới kéo người ấy lên!”

 

Trong Vô nhiễm thai, món nợ mà Đức Maria mắc nợ Thiên Chúa và Con của Người là một món nợ to lớn nhất: nó là món nợ của nhân phẩm vẹn toàn của Mẹ, không bị tội làm hoen ố. Món nợ này được báo đáp bằng lòng biết ơn của con người, bởi vì nó vốn là món nợ tình yêu.

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021

"Quicumque audet docere, numquam desistat discere"

 

Bài I. Tính hiện đại của Chân Phước John Duns Scotus

Bài II. Cuộc đời – Con người và sự nghiệp

Bài III. Trật tự ý hướng

Bài IV. Tính ngẫu nhiên

Bài V. Chúa hiện hữu và con người tự do theo quan điểm của Duns Scotus

Bài VI. Chỗ đứng của Đức Kitô trong chương trình của Thiên Chúa Cha, theo Duns Scotus

Bài VII. “Vô Nhiễm Thai”

Bài VIII. Tạo dựng – Con người

Bài IX. Đóng góp của John Duns Scotus cho triết học Kinh viện


Chia sẻ