Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Những nét đặc trưng của Triết học Phan Sinh (II)

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 12:03 UTC+7 108

Những nét đặc trưng của Triết học Phan Sinh (I)

Những nét đặc trưng của Triết học Phan Sinh (II)


II. THIÊN NHIÊN NHƯ MỘT QUYỂN SÁCH THÁNH


Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh diễn giải cách thâm sâu bằng ngôn ngữ thần học nhãn quan của Thánh Phanxicô về vũ tru. Thánh Bonaventura trình bày viễn tượng triết-thần ấy khi viết: “Toàn thể học thuyết siêu hình của chúng ta gồm trong các điểm: quá trình lưu xuất, nguyên nhân mẫu mực, và sự hoàn tất – được chiếu rọi bằng những tia sáng thiêng liêng và được đưa dẫn đến thực thể tối cao”.[1] Theo Thánh Bonaventura. trong tiến trình tạo dựng, vạn vật tuôn trào từ Thiên Chúa, biểu dương Thiên Chúa, và quay trở về với Thiên Chúa. Khi gọi tiến trình này là “một cấu trúc siêu hình,” Thánh Bonaventura muốn khẳng định rằng đây mới thực là “bản chất” của thụ tạo. Bản chất của thụ tạo chính là ấn tích. Trong tác phẩm Breviloquium (Đoản Thoại), Thánh Bonaventura viết:


Thế giới thụ tạo giống như một quyển sách trong đó, Đấng Tác Tạo là Thiên Chúa Ba Ngôi tỏa sáng, được biểu lộ, và có thể đọc thấy ở ba cấp độ diễn tả: cấp độ vết tích, cấp độ hình ảnh, và cấp độ tương đồng. Có thể thấy được vết tích của Thiên Chúa trong tất cả mọi tạo vật; chỉ có thể thấy được hình ảnh của Thiên Chúa trong các hữu thể có trí khôn hay những hữu thể linh thiêng có lý trí; còn sự tương đồng thì chỉ thấy nơi những tạo vật đã khuôn theo Thiên Chúa.[2]

 

A. Thiên Nhiên như một Sách Thánh trong nhãn quan và linh đạo của Thánh Phanxicô


Trong các trước tác của thánh Phanxicô, người ta gặp rất nhiều đoạn biểu lộ tình yêu của Ngài đối với thiên nhiên. Vũ trụ vật lý phản ảnh Thiên Chúa. Tạo vật phong phú xung quanh ta không chỉ đơn thuần nhắc nhở cho chúng ta về một Thiên Chúa quảng đại, nhưng sự phong phú ấy chính là ngôi nhà của Thiên Chúa. Thiên Chúa hiện diện trong thế giới phong phú ấy, và Người náu mình trong đó. Hiển nhiên bài Trường ca các Tạo vật của Thánh Phanxicô là một trong những hình thức diễn đạt sâu sắc nhất về sự hiện diện của Thiên Chúa trong thế giới. Ngay trong hai khổ thơ đầu Thánh Phanxicô đã nói lên rằng Thiên Chúa là khát vọng tối hậu của chúng ta:


Lạy Chúa Tối Cao, toàn năng, chí nhân, xin dâng lên Ngài muôn lời ca ngợi, xin dâng lên Ngài mọi vinh quang và danh dự, và tôn vinh. Duy mình Ngài, ôi lạy Chúa, đáng nhận muôn lời chúc khen (Bài ca tạo vật 1-2).

Tuy nhiên, khổ thơ thứ hai lại khẳng định rõ ràng: chúng ta không có cách thế nào để trực tiếp ca ngợi, tôn vinh và chúc tụng Thiên Chúa: “Không môi miệng phàm nhân nào xứng đáng gọi tên Ngài.”[3] Chính là qua và cùng với tất cả tạo vật, chúng ta mới có thể ngợi khen và chúc tụng Thiên Chúa. Sự hiện diện của Thiên Chúa trong toàn thể thiên nhiên là con đường qua đó mỗi người chúng ta, kể cả Thánh Phanxicô, có thể đến với Thiên Chúa. Cũng không thể nói rằng Thánh Phanxicô chỉ kêu mời chúng ta ngợi khen Thiên Chúa “qua” Anh Mặt Trời, Chị mặt Trăng, v.v. Đúng thực ra, Ngài cho chúng ta thấy rằng Anh Mặt trời ngợi khen Thiên Chúa đơn thuần vì là mặt trời, và Chị Mặt trăng ca ngợi Thiên Chúa đơn thuần vì mặt trăng. Trong các tạo vật, Thánh Phanxicô chiêm ngắm sự khôn ngoan, uy quyền và tốt lành của Thiên Chúa. Đối với Thánh Phanxicô, tất cả mọi tạo vật đều tôn thờ Thiên Chúa, giống như tất cả mọi con người đều tôn thờ Thiên Chúa. Đây chính là tâm điểm linh đạo của Ngài.

 

B. Quyển sách Thiên Nhiên trong quá trình triển khai của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh

 

1. Thiên Nhiên như là Quà tặng của Thiên Chúa tự do và yêu thương


Tất cả các thần học gia thời Trung Cổ đều hiểu rằng công cuộc tạo dựng là một hành động chỉ có Thiên Chúa mới thực hiện được. Tạo dựng có nghĩa là làm cho một cái gì đó hiện hữu từ hư vô tuyệt đối. Quyền năng trên hữu thể hữu hạn và cái tuyệt đối hư không chỉ thuộc về một mình Thiên Chúa. Chúng ta đã thấy tầm quan trọng của trực kiến này khi bàn về triết lý Aristốt. Tuy nhiên, thường thì thần học nhấn mạnh đến quyền năng – Thiên Chúa có quyền phép để tạo dựng từ hư vô. Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh không bắt đầu từ quyền năng Thiên Chúa, nhưng khởi sự từ tự do tuyệt đối của Thiên Chúa.


Về nhiều phương diện, thần học của John Duns Scotus về sự tự do tuyệt đối của Thiên Chúa tỏ ra đầy đủ và sâu sắc hơn bất kỳ hệ thống thần học tương tự nào khác của các học giả Phan Sinh thời trung cổ. Trong tác phẩm De Primo Principio: Khảo luận về Thiên Chúa xét như là nguyên lý đệ nhất, Scotus đã cẩn thận trình bày khá kỹ lưỡng về Nguyên Lý Đệ Nhất trước khi nói đến Thiên Chúa. Ông bắt đầu bàn về vấn đề này khi diễn giải các khái niệm ‘đối cực tiên nghiệm’, và đặc biệt là đối cực “hữu hạn-vô hạn”. Richard Cross cho rằng Scotus lấy phẩm tính vô hạn làm trọng tâm cho cách hiểu của ông về Thiên Chúa:


Scotus khởi đi từ phẩm tính ‘vô hạn’ nơi Thiên Chúa để suy ra phẩm tính ‘độc hữu’ và ‘đơn nhất’ của Ngài. Cách suy diễn của ông vì thế đi ngược với cách thức của Thánh Tôma Aquinô. Thánh Tôma lấy phẩm tính đơn nhất của Thiên Chúa làm nền tảng, để từ đó suy ra phẩm tính vô hạn và độc hữu. Scotus minh nhiên bác bỏ nỗ lực của Thánh Tôma muốn suy diễn tính ‘vô hạn’ của Thiên Chúa từ phẩm tính ‘đơn nhất’ của Ngài.[4]


Nghĩa gốc của từ ‘vô hạn’ là không có giới hạn. Vậy nơi Thiên Chúa, điều gì không có giới hạn? Câu trả lời của Scotus rất rõ ràng. Về phương diện triết học, điều không có giới hạn nơi Thiên Chúa chính là sự tự do của Ngài; còn về phương diện thần học, điều không có giới hạn nơi Thiên Chúa chính là tình yêu của Ngài. Giữa tự do tuyệt đối của Thiên Chúa và tình yêu của Thiên Chúa, có một mối liên hệ hiển nhiên. Một hành vi tự do của Thiên Chúa là một hành vi yêu thương; một hành vi tình yêu của Thiên Chúa là một hành vi tự do.


Viễn tượng này của Scotus có ảnh hưởng rất lớn trong Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh. Từng khía cạnh của vũ trụ tạo thành chỉ tồn tại nhờ có sự tự do tuyệt đối của Thiên Chúa và nhờ có tình yêu vô hạn của Ngài. Tất cả thiên nhiên là một quà tặng. Chẳng có gì trong thiên nhiên là tất yếu. Hiểu theo nghĩa này, mọi sự đều là ân huệ, một quà tặng cho không của Thiên Chúa. Thánh Phanxicô và Thánh nữ Clara cảm thấy mình được bao bọc bởi những quà tặng. Trong bản Di chúc, Thánh Phanxicô thổ lộ :


Chúa đã ban cho tôi, tu sĩ Phanxicô, ơn bắt đầu hoán cải như thế này: khi còn sống trong tội lỗi, mỗi lần trông thấy người mắc bệnh phong, tôi lấy làm ghê tởm lắm. Nhưng chính Chúa đã dẫn tôi đến với họ và tôi đã tỏ lòng thương xót họ. Khi rời họ, điều trước kia đối với tôi là ghê tởm đã trở thành dịu ngọt (Dc 1-3, phần nhấn mạnh thêm vào sau).


Thánh Phanxicô Assisi đã hôn những người bệnh phong và lau rửa vết thương cho họ. Đó là cách sống mà Thiên Chúa đã ban tặng cho ngài, và quà tặng này mang dấu tích khiêm hạ của nhập thể. Trong cùng bản Di chúc ấy, Thánh Phanxicô viết:


Sau đó, Chúa đã ban, và vẫn còn ban cho tôi ơn tin mạnh mẽ vào các linh mục sống theo quy luật của Hội thánh Rôma vì thánh chức của các ngài, nên dầu các ngài có bách hại tôi, tôi vẫn chạy đến với các ngài (Dc 6).


Quà tặng đức tin bao gồm các linh mục, những vị sống túng thiếu và những vị sống trong tội lỗi; điều này một lần nữa bày tỏ sự khiêm hạ của nhập thể.


Sau đó Thánh Phanxicô tiếp tục cho biết rằng chính Chúa đã ban cho ngài các anh em, đã ban cho Ngài khả năng nói và viết ra Luật Dòng. Khi chúng ta hiểu được rằng mọi sự đều là quà tặng, do một Thiên Chúa tự do tuyệt đối và đầy yêu thương trao ban, khi ấy và chỉ khi ấy, chúng ta mới bắt đầu hiểu được ý nghĩa thâm sâu của thiên nhiên và do đó hiểu được sự kính trọng cần phải dành cho thiên nhiên. Chính qua cách nhìn thiên nhiên như một quà tặng, chúng ta mới có thể thấy căn cứ vững chắc và sự cần thiết của một nền thần học về môi sinh. Một quyển sách của Leonardo Boff có tựa đề rất ý nghĩa: Tiếng kêu khóc của Trái đất, Tiếng kêu khóc của Người nghèo.[5] Nội dung của quyển sách dựa trên sự tôn trọng chúng ta phải có dành cho mọi người, kể cả người nghèo, và dành cho thiên nhiên, vì thiên nhiên là quà tặng của Thiên Chúa cho chúng ta. Sự tôn trọng dành cho thiên nhiên bảo đảm rằng tất cả mọi người, kể cả người nghèo, có những gì họ cần, để mọi người được ăn no mặc ấm, có nhà ở, có việc làm và thưởng thức cái đẹp. Lạm dụng thiên nhiên chính là làm cho nước mắt người nghèo tiếp tục tuôn trào. Bởi vì tất cả là quà tặng, nên anh chị em Phan Sinh xem tiếng kêu khóc của người nghèo và tiếng kêu khóc của trái đất là một.

 

2. Haecceitas: Học thuyết về tính Cá Biệt (‘Đích Thị’)


Tuy nhiên còn có một chiều kích sâu xa hơn nữa trong quan niệm của Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh về tạo dựng. Ở đây Scotus vẫn là người dẫn đầu. Trong các sáng tác của ông, vấn đề cá thể hoá được bàn đến nhiều lần. Ông tạo ra một thuật ngữ riêng (để gọi tính cá biệt của một hữu thể), đó là Haecceitas (tạm dịch là tính “Đích Thị”)Nếu hỏi Aristốt, Thánh Tôma Aquinô hay một vị nào khác về định nghĩa con người là gì, sẽ có ngay câu trả lời : con người là một động vật có lý trí. Cái khó trong viễn tượng này là ở chỗ rõ ràng Thiên Chúa đã tạo ra nhiều cá thể động vật có lý trí, chứ không hề tạo ra một động vật có lý trí đơn nhất. Chúng ta chỉ thấy được ý nghĩa của ‘động vật có lý trí’ trong một cá thể. Allan Wolter đã trình bày điều này rất rõ:


Học thuyết về tính Cá Biệt/Đích Thị (Haecceitas) của Scotus, khi áp dụng cho con người, dường như đã mang lại một giá trị độc nhất cho mỗi cá nhân, vì mỗi cá nhân là một hữu thể được Thiên Chúa đích thị mong muốn và yêu thương cách riêng biệt, hoàn toàn không kể đến bất cứ nét nào người ấy có chung với ai khác hay bất cứ một sự đóng góp nào mà người ấy có thể mang lại cho xã hội. Còn có thể nói rằng, tính đích thị là quà tặng Thiên Chúa ban để hình thành mỗi cá nhân chúng ta.[6]

 

3. Tính bất tất và ân sủng


Sự tự do và tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi còn thấm nhập vào thụ tạo theo một cách khác nữa; và một lần nữa Scotus đã viết về đề tài này sâu sắc hơn các học giả nào khác trong Truyền Thống Tri Thức Phan Sinh. Khía cạnh này được gọi là “tính bất tất”. Mỗi thụ tạo trong suốt quá trình hiện hữu riêng (cũng như toàn thể vạn vật trong quá trinh hiện hữu chung) đều phụ thuộc vào phẩm tính nguyên khởi (primitas) và phong phú (fecunditas) của Thiên Chúa Ba Ngôi. Đối với Scotus, điều này có nghĩa là các hữu thể thụ tạo, hữu hạn và nhất thời, xét về mặt siêu hình học, đều bất tất. Chính bản chất và sự tồn tại của chúng phụ thuộc vào tính nguyên khởi và phong phú của Thiên Chúa Ba Ngôi, đến mức nếu không có phẩm tính nguyên khởi và phong phú thần linh này thì tuyệt đối sẽ không có gì cả, một sự hư vô hoá hoàn toàn.


Aristote đã dạy rằng một sự vật hiện hữu có thể được xem là thiết yếu bao lâu nó còn hiện hữu. Phần đông các thần học gia thời Trung cổ chấp nhận viễn tượng triết học này. Nếu sự vật nào đó đã hiện hữu rồi thì bao lâu nó còn tồn tại, nó tồn tại một cách nhất thiết. Họ chủ trương rằng một khi Thiên Chúa tạo dựng nên một sự vật, hữu thể đó có một vị thế thực sự trong không gian và thời gian, một vị thế chính Thiên Chúa cũng không thể thay đổi được. Nói cách khác, khi một tạo vật hiện hữu và hiện hữu trong một khoảng thời gian-không gian cụ thể nào đó, không bao giờ có thể nói nó chưa hiện hữu trong khoảng thời gian-không gian đó. Thiên Chúa không thể “xoá” (“undo”) điều Thiên Chúa đã “làm.” Về phương diện này, và chỉ về phương diện này, các nhà thần học có thể xem là tất yếu một hữu thể vốn tự bản chất là nhất thời và hữu hạn. Sự tất yếu này hết sức tương đối. Tính chất tương đối nằm trong mối liên hệ của nó với Thiên Chúa Ba Ngôi nhưng dầu sao vẫn là một sự tất yếu, tồn tại bao lâu một hữu thể cụ thể nào đó còn tồn tại.

Tuy nhiên, Scotus đã dạy rằng ngay cả khi một hữu thể hữu hạn và nhất thời đang hiện hữu, Thiên Chúa vẫn tự do tuyệt đối trước tạo vật đang hiện hữu đó. Nếu Thiên Chúa luôn luôn tự do tuyệt đối, không có gì ở ngoài Thiên Chúa có thể được gọi là “tất yếu.”

 

Sự bất tất buộc chúng ta phải có một cái nhìn khác về thế giới. Không có gì trong vũ trụ của chúng ta là tất yếu cả. Mọi sự vật do đó đều mang tính chất tương đối hoặc “không nhất thiết”. Ngay cả công cuộc Nhập Thể, trong mức độ bao hàm một yếu tố thụ tạo như nhân tính của Đức Giêsu, cũng không nhất thiết. Giáo Hội và cơ cấu của Giáo Hội cũng không nhất thiết. Các chính thể cũng không nhất thiết. Cần suy nghĩ lại khi nói đến “các chân lý bất di bất dịch”. Không một tạo vật nào có thể tự cho rằng mình bất di bất dịch.


Học thuyết về tính bất tất không những không lay chuyển nền tảng đức tin của chúng ta, trái lại mời gọi chúng ta trở về với Ba Ngôi Thiên Chúa. Phẩm tính nguyên khởi và phong phú nơi Thiên Chúa mang tính tất yếu; sự tự do và tình yêu trong Ba Ngôi Thiên Chúa mang tính chất vô hạn một cách tất yếu. Chính nơi Thiên Chúa Ba Ngôi chúng ta gặp được chiều sâu của tính tất yếu và chiều sâu của sự tự do. Trong ánh sáng của Thiên Chúa Ba Ngôi, mọi hữu thể đều là bất tất tự bản chất. Điều này sẽ đưa chúng ta về đâu? Nó đưa chúng ta trở về nhìn thụ tạo thiên nhiên trong mọi hình thái của nó như một quà tặng, một ân huệ cho không, như một trao ban cơ bản. Chỉ với cái nhìn như vậy chúng ta mới có thể thoáng thấy được một chút gì về chiều cao, chiều sâu, chiều rộng, chiều dài của mầu nhiệm mà chúng ta gọi là Ba Ngôi Thiên Chúa. Thiên Chúa thật là bất tận trong tính nguyên khởi, Thiên Chúa thật là quảng đại trong sự phong phú của Ngài!


Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFMTriết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021


I. TRUYỀN THỐNG TRI THỨC PHAN SINH

II. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH TIÊN KHỞI TẠI PARIS VÀ OXFORD

III. CÁC HỌC GIẢ PHAN SINH THẾ KỶ XII VÀ XIII BÊN NGOÀI CÁC ĐẠI HỌC PARIS VÀ OXFORD

IV. NHỮNG NÉT ĐẶC TRƯNG CỦA TRIẾT HỌC PHAN SINH

[1]

[2]

[3]

[4]

[5]

[6]

Chia sẻ