Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

Thần học về Ba Ngôi theo thánh Phanxicô: Bối cảnh cho nền thần học và linh đạo của thánh Bonaventura

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-06 06:39 UTC+7 94

THẦN HỌC VỀ BA NGÔI THEO THÁNH PHANXICÔ:

BỐI CẢNH CHO NỀN THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA THÁNH BONAVENTURA

 

Seamus Mullholand, OFM

Franciscan Center, Canterbury, England

 

Đời sống triệt để của Phanxicô luôn làm say mê những ai được ngài gợi hứng. Tuy nhiên, đời sống ấy đến từ một kinh nghiệm đặc biệt về Thiên Chúa. Để tìm hiểu tại sao Phanxicô đã sống cuộc đời như ngài đã sống là hỏi một câu hỏi nền tảng: Phanxicô đã có kinh nghiệm về Thiên Chúa như thế nào?

Chúng ta thường nghe biết người ta đã thử xếp các bút tích của Phanxicô vào loại “Kitô luận” hoặc “Luận về Ba Ngôi”. Những cố gắng đó có lợi nhưng cuối cùng lại vô ích, vì Phanxicô đã không khảo sát về Ba Ngôi hoặc về Đức Kitô nhưng là đã kinh nghiệm về chúng. Vì thế, Phanxicô không bận tâm tới chuyện lý luận thần học về Ba Ngôi, nhưng đúng hơn ngài có kinh nghiệm về Ba Ngôi trong ba “hoạt động” vĩ đại của tấn kịch cứu độ: Tạo dựng, Cứu chuộc và Tái tạo:

 

“Vậy chúng ta đường ước ao, đừng ham muốn, cũng đừng vui thích hay yêu quý điều gì ngoài Đấng Tạo hóa, Cứu chuộc và Cứu độ chúng ta; chỉ mình Người là Thiên Chúa thật, là sự thiện viên mãn, tất cả sự thiện, sự thiện vẹn toàn, sự thiện chân thật và tối thiện” (Lksd 23, 9).

 

Đối với Phanxicô, Thiên Chúa Cha là đối tượng của tình yêu của ngài (5, 14) và ngay cả việc cho rằng Phanxicô được nhắc tới như một Đức Kitô khác, thì một cuộc nghiên cứu kỹ lưỡng về các bút tích của Phanxicô cũng chỉ ra cho thấy cá nhân ngài chẳng có mối liên hệ nào về bất cứ điều gì với Chúa Kitô.

 

Nhưng Chúa Cha lại hằng được chú tâm tới qua các cụm từ như “Chúa Cha của con”, “Chúa Cha thánh thiện của con”. Phanxicô dùng từ Chúa Cha trong một mạch văn rõ ràng có liên hệ tới Ba Ngôi hơn 20 lần trong các bút tích của ngài. Thực vậy, trong khi Chúa Cha đối với Phanxicô tỏ ra rất thân thiết, thì Người vẫn là “Cha trên trời”, là Đấng siêu việt, vinh quang, oai phong, xa thẳm.

Đối với Phanxicô, Cha là Đấng Sáng tạo, Đấng Tối cao, nhưng Đấng Tối cao lại được nhận biết nhờ Người Con và Thánh Thần. Chúa Cha không bao giờ tách biệt khỏi Người Con và Thánh Thần. Trong Bản Luật không sắc dụ có một đoạn nhấn mạnh tới yếu tố này trong tư tưởng của Phanxicô và cung cấp cho chúng ta chìa khóa để hiểu được thần học của ngài:

 

“Lạy Thiên Chúa toàn năng, chí thánh, cao cả, là Chúa Cha thánh thiện và công minh, là Đức Vua Chúa tể trời đất, chúng con xin dâng lời cảm tạ, chỉ vì chính Cha mà thôi, vì do bởi thánh ý Cha và nhờ Thánh Tử duy nhất cùng với Thánh Thần, Cha đã dựng nên muôn vật hữu hình và vô hình, và đã dựng nên chúng con … không đáng kêu cầu Danh Cha, nên chúng con tha thiết nài xin Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng con, là Con yêu dấu của Cha, … cảm tạ Cha về tất cả mọi sự, hợp theo ý của Cha và của Người” (Cf. Lksd 23, 1 … 5).

 

Rõ ràng đoạn văn này giúp hiểu tư tưởng của Phanxicô, vì ngài biết rằng không thể trực tiếp đến gần Chúa Cha. Con đường duy nhất đến với Chúa Cha là qua Người Con, vì Chúa Cha hoàn toàn siêu việt/ ngài dựa vào Người Con với tư cách là “Con yêu dấu của Cha”.

 

Điều này chỉ cho thấy rằng hiếm khi Phanxicô đặt mối tình phụ tử của Thiên Chúa trong mối liên hệ trực tiếp với loài người. Thiên Chúa là Cha vì mầu nhiệm trong Ba Ngôi và vì Người Con và mối liên hệ của Chúa Cha với Người Con. Điều này được sáng tỏ bởi hai lời cầu nguyện quan trọng của Phanxicô. Thứ nhứt là lời cầu nguyện trước Thánh giá chuộc tội tại Đamianô, nơi Phanxicô cầu nguyện trước Đấng chịu đóng đinh nghe tiếng nói “Hãy đi tu sửa lại nhà ta như con thấy đó, đang đổ nát”.

 

Sau đó, Phanxicô nguyện lời kinh:

 

“Lạy Thiên Chúa Tối cao Vinh hiển, xin chiếu sáng cõi lòng tăm tối của con, và ban cho con, lạy Chúa, một đức tin ngay thẳng, một đức cậy vững vàng, một đức mến hoàn hảo, ý thức và sự hiểu biết, để con có thể thi hành huấn lệnh thánh thiện và chân thật của Chúa”.

 

Qua tiếng được nghe vọng từ Thánh Giá, lời cầu nguyện không hướng về Chúa Kitô nhưng là hướng tới Đấng Tối cao. Lời cầu nguyện thứ hai là lời cầu nguyện sau khi chịu các Dấu đinh:

 

“Lạy Chúa, Ngài thánh thiện, duy một mình Ngài làm nên những kỳ công, Ngài mạnh mẽ, Ngài vĩ đại, Ngài cao cả, Ngài là Vua toàn năng. Lạy Cha chí thánh, Ngài là Vua thống trị trời đất”.

 

Quyền uy tối thượng của Cha được tỏ lộ qua việc Ngài gởi Người Con, Đấng từ trời cao sang và phú quý ngự xuống và mặc lấy sự mỏng dòn của thân phận loài người. Trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu, Phanxicô nói:

 

“Chúa Cha cao cả trên trời đã báo tin Ngôi Lời chí tôn, chí thánh và chí vinh của Chúa Cha, ngự xuống trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thánh htiện và hiển vinh, và từ lòng Đức Trinh Nữ, Ngôi Lời đã nhận lấy xác phàm đích thực của loài người yếu hèn chúng ta”.

 

Chúa Cha, đối với Phanxicô, là Cha của Người Con và hiện diện nơi Người Con trong mầu nhiệm Nhập Thể. Do đó, tất cả mọi sự thuộc về Chúa Cha và được ban cho Người Con, Đấng lãnh nhận và đến lượt mình, Người dâng trả mọi sự về lại cho Chúa Cha.

 

THÁNH PHANXICÔ VÀ NGƯỜI CON

 

Qua cách Phanxicô hiểu về Chúa Cha, chúng ta có thể đạt tới sự nhận biết về Chúa Giêsu là ai đối với ngài. Nơi Phanxicô, Chúa Kitô luôn luôn là “Người Con yêu dấu”. Người là “sự khôn ngoan đích thực” của Chúa Cha, là “Ngôi Lời của Chúa Cha”. Người được ban xuống cho chúng ta từ trên cao bởi Chúa Cha là Đấng đến ở với chúng ta như “ánh sáng”.

 

Những chữ “Thiên Chúa” và “Chúa” thường được tìm thấy trong các bút tích của Phanxicô, nhưng những tên gọi “Giêsu”, Kitô hoặc Giêsu Kitô thì không bao giờ gặp thấy đứng riêng một mình, đúng hơn Phanxicô luôn luôn dùng những từ có ý nghĩa đi kèm theo chúng: Chúa Giêsu, Chúa Giêsu Kitô, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta của Thiên Chúa.

 

Những diễn ngữ có tính chất tương quan cá vị chẳng hạn như “Đức Giêsu của con” hoặc “Chúa Giêsu Kitô của con” không xuất hiện trong các bút tích của Phanxicô. Nhưng chữ “Cha” lại thường được gặp thấy với một đại từ chỉ ngôi vị; Chúa Cha được nhắc tới trong tư cách là “Cha chí thánh của con”, “Cha thánh thiện của con”, hoặc “Cha của con”.

 

Không phải là không có ý nghĩa khi lời kinh ưa thích và được sử dụng rộng rãi nhất của Phanxicô lại là kinh Lạy Cha. Vì Chúa Cha sống trong ánh sáng không thể tiếp cận, nên Phanxicô nhìn thấy cách thức để đến được với Chúa Cha qua Người Con: trong Tin Mừng thánh Gioan 10, 30, Chúa Giêsu nói: “Tôi và Chúa Cha là một”. Chúa Cha, Thiên Chúa Sáng tạo, là Đấng đã tự mạc khải Ngài nơi Người Con.

 

Tính độc đáo của Phanxicô trong bối cảnh này là riêng biệt của ngài. Chỉ một mình Chúa Kitô là Đấng duy nhất mà trong Người Chúa Cha lấy làm vui thích. Người vâng phục Chúa Cha và mong muốn được tùng phục ý muốn của Cha trong mọi sự.

 

Hình ảnh Chúa Kitô vâng phục xuất hiện thường xuyên hơn hình ảnh Chúa Kitô nghèo khó trong các bút tích của Phanxicô, Người Con làm hài lòng Chúa Cha trong mọi sự và mạc khải Chúa Cha cho chúng ta. Xuyên suốt các bút tích của ngài, rõ ràng Phanxicô đã cho thấy rằng Đức Kitô làm hài lòng Chúa Cha không chỉ bằng lời nói, nhưng cũng còn bằng đời sống gương mẫu của Người, đời sống chỉ ra cho chúng ta biết con đường đến với Chúa Cha.

 

Theo Phanxicô, đây là lý do tại sao chúng ta phải bám víu vào Chúa Giêsu, vì Người chỉ cho chúng ta thấy Chúa Cha. Đức Kitô là “Con của Đấng Tối cao” (Thư gửi toàn Dòng 4). Chúa Cha không cần tình yêu của bất cứ ai hơn là tình yêu của Người Con của Ngài, Ngài cũng không cần sự phụng thờ của bất cứ con người tội lỗi nào. Đó là lý do tại sao Phanxicô không dâng một lời cầu nguyện tạ ơn nào trực tiếp lên Chúa Cha, nhưng thay vào đó ngài hướng về Chúa Kitô như người đại diện cho nhân loại, vì chỉ một mình Người Con mới có thể tạ ơn Chúa Cha một cách xứng hợp, Chúa Cha đón nhận những lời tạ ơn chúng ta dâng lên Ngài trong và qua Người Con.

 

NGÔI LỜI CỦA CHÚA CHA

 

Diễn ngữ “Ngôi Lời của Chúa Cha” thường được gặp thấy trong các bút tích của Phanxicô khi nói về Chúa Kitô. Trong thư thứ hai gởi cho các tín hữu, Phanxicô nói rằng: giờ đây ngài đang đặt trước mặt họ “bức thư” và “sứ điệp” của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Đấng là “Ngôi Lời của Chúa Cha và những lời của Thánh Thần, là tinh thần và sự sống”.

 

Trong lá thư này, rõ ràng Phanxicô không có ý định loan báo những lời của Chúa Kitô đã được các tác giả sách Tin Mừng ghi chép lại: đúng hơn là ngài nói tới chính con người của Người, là Ngôi Lời của Chúa Cha.

 

“Chúa Cha cao cả trên trời đã sai thánh thiên thần Gápbrien đến báo tin: Ngôi Lời chí tôn, chí thánh, chí vinh của Người sẽ ngự đến trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thánh thiện và hiển vinh; và từ lòng Đức Trinh Nữ, Ngôi Lời đã nhận lấy xác phàm đích thực của loài người yếu hèn chúng ta”.

 

Ở đây, sự hiệp nhất khôn tả giữa Chúa Cha và Chúa Con được làm nổi bật, vì rõ ràng Phanxicô đã cho thấy rằng chính Chúa Cha “loan báo” việc Người Con sẽ đến cho Đức Trinh Nữ Maria biết, Thiên thần Gápbrien chỉ là một trung gian. Đây là một yếu tố đánh động trong cái nhìn nội tâm của Phanxicô, phản ánh sự hiểu biết riêng của ngài về Người Con trong tư cách là Ngôi Lời của Chúa Cha, Đấng đã hạ mình ngự xuống trong sự nghèo khó của thân phận nhân loại, để thi hành ý muốn của Chúa Cha.

 

Cũng trong bản văn của lá thư, Phanxicô nhắc lại những nét đặc trưng quan trọng trong cuộc đời tại thế của Chúa Kitô:

 

+ Việc Người đến trong xác thịt

 

+ Bữa ăn tối cuối cùng với các môn đệ

 

+ Vườn Giét-xi-ma-ni

 

+ Cái chết của Người trên thập giá

 

+ Sự hiện diện trong bí tích Thánh Thể

 

Đây là một trong một số ít nơi mà Phanxicô quan sát hoặc nói về cuộc đời của Chúa Kitô, tuy nhiên cách diễn tả lại cô đọng, rõ ràng ở đây ngài chen vào diễn ngữ có tính Quy Kitô “Ngôi Lời của Chúa Cha” và diễn ngữ mang một ý nghĩa thần học sâu sa.

 

Khi làm như thế, Phanxicô đưa ra một sự so sánh giữa Ngôi Lời Thiên Chúa toàn vinh, toàn thánh và chí tôn với Ngôi Lời Nhập Thể, nhận lấy sự yếu hèn của bản tính nhân loại. Phanxicô mời gọi chú ý tới Ngôi Lời của Chúa Cha, là Đấng đã từ bỏ sự cao sang của Thiên Chúa để nhận lấy sự nghèo khó của thân phận loài người.

 

Do đó, mầu nhiệm Nhập Thể trong thực tế là sự chuyển động đi xuống đã được Ngôi Lời của Chúa Cha thực hiện. Chuyển động đi xuống đã được Chúa Kitô thực hiện đó lại được Phanxicô diễn tả một lần nữa, khi ngài nói với các anh em về Người Con của Chúa Cha đã được ban cho chúng ta trong Đức Kitô, là con người giờ đây đang ngự trong bí tích Thánh Thể.

 

“Này đây hằng ngày Người hạ mình xuống như xưa Người rời ngai vàng mà đến trong lòng Đức Trinh Nữ. hằng ngày Người đến với chúng ta một cách khiêm nhường. hằng ngày Người rời cung lòng Chúa Cha để ngự xuống trên bàn thờ, trong tay linh mục” (HN 1, 16-18).

 

Ở đây, hai khía cạnh cực kỳ quan trọng đã được làm nổi bật: ngai vàng nơi Người Con ở với Chúa Cha từ đời đời và cung lòng Đức Trinh Nữ nơi Người mặc lấy xác thịt nhân loại; cung lòng Chúa Cha và sau đó là bàn thờ và trong tay linh mục. Do đó, tư tưởng của Phanxicô di chuyển từ cực này sang cực kia, dọc theo con đường của Thiên Chúa đến với nhân loại.

 

Ở đây, Phanxicô nhấn mạnh tới sự kiện Ngôi Lời của Chúa Cha ngự xuống với loài người làm sáng tỏ sự khiêm hạ của Thiên Chúa. Ở đây, những lời lẽ ám chỉ sự khiêm hạ không xuất phát từ cuộc sống tại thế của Chúa Giêsu, nhưng bằng một thứ ngôn từ khác, sự khiêm hạ ở đây là vì tình yêu của Thiên Chúa và là một tình yêu bắt nguồn từ Chúa Cha.

 

Đây là một sự khiêm hạ, vì Phanxicô nhận ra tình yêu của Chúa Cha qua việc Người Con ngự xuống trong thân phận loài người, nghĩa là mầu nhiệm Nhập Thể. Trong bối cảnh sự khiêm hạ này, không phải là một thứ nhân đức, nhưng là một động tác và qua động tác này, Chúa Cha được ban xuống đầy tràn cho nhân loại trong mầu nhiệm Nhập Thể.

 

Sự khiêm hạ nơi con người sẽ là một món quà tận hiến của chính người đó dâng lên cho Thiên Chúa, để đáp trả lại động tác khiêm hạ khởi thủy cũng là động tác đầu tiên của tình yêu Thiên Chúa và vì thế Phanxicô khích lệ:

 

“… anh em đừng cầm giữ lại cho bản thân anh em bất cứ điều gì của anh em, để Đấng đã tận hiến mình cho anh em sẽ nhận lấy trọn vẹn con người anh em”.

 

Do đó, viễn tượng sự khiêm hạ nơi Thiên Chúa và Thiên Chúa như sự khiêm hạ theo cái nhìn của Phanxicô được tỏ hiện trong mầu nhiệm Nhập Thể. Và đây là nguồn cảm hứng Phan sinh đầu tiên cho nền thần học về Nhập Thể của thánh Bonaventura (chúng ta sẽ đề cập ở phần sau). Đối với thánh Bonaventura cũng như đối với thánh Phanxicô, sự khiêm hạ của Thiên Chúa được diễn tả qua việc Ngôi Lời của Chúa Cha ngự xuống, sự Nhập Thể của Người vừa diễn tả ý muốn của Chúa Cha, lại vừa biểu lộ sự khiêm hạ của Ba Ngôi Thiên Chúa. Vì thế, sự khiêm hạ và nghèo khó là chính bản chất của Thiên Chúa.

 

THÁNH THẦN

 

Phanxicô ít nói về những gì liên quan tới cuộc sống tại thế của Chúa Kitô, nhưng lại nói nhiều về Chúa Thánh Thần. Đối với Phanxicô, Thánh Thần làm cho chúng ta trở nên “con cái của Cha trên trời, những hôn thê, anh em và những người mẹ của Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta” (thư 2 gởi các tín hữu). Đối với Phanxicô, vấn đề không đơn giản là đi theo Đức Kitô bên ngoài, nhưng trước hết là tinh thần của Đức Kitô phải trở nên sống động và tích cực nơi kẻ muốn đi theo Người. Lý thuyết về tinh thần là trọng tâm trong lời giảng dạy của Phanxicô và trong các hoạt động của người kitô hữu.

 

Chính trong bối cảnh này mà chúng ta mới có thể hiểu được câu nói “phải có tinh thần của Chúa”, vì câu nói này làm phát sinh một công thức giúp có thể hiểu được đời sống của người Phan sinh, cái cực điểm đạt tới sự hiệp nhất với Chúa Cha và Người Con được thông ban trong Thánh Thần. Ở đây, tinh thần của Chúa là chìa khóa của việc chiêm ngưỡng nơi Phanxicô, tới mức như thể nó là chìa khóa để tiến vào đời sống nội tại của Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Tinh thần của Chúa dẫn đưa mỗi người đi vào chiều sâu của việc đi theo Chúa Kitô và bắt chước sự hiệp thông với Ba Ngôi. Trong Thánh Thần, chúng ta mới có thể thờ phượng Chúa Cha và dâng lên Ngài lời tạ ơn và lời ca ngợi. Thánh Thần không những chỉ cho phép chúng ta nhìn ngắm và thờ phượng Thiên Chúa, nhưng cũng còn hiệp nhất chúng ta với Ngài. Thánh Thần nối kết các kẻ tin với Chúa Kitô, đến nỗi họ trở nên mẹ, anh em và con cái của Chúa Cha.

 

Như thế, việc đi theo Chúa Kitô theo đúng nghĩa người môn đệ tự căn bản tuỳ thuộc vào Thánh Thần. Trước hết, chính nhờ việc sở hữu Thánh Thần mà chúng ta mới có thể đạt tới chỗ đi theo vết chân của Người Con và đến với Chúa Cha:

 

“ … để nhờ ngọn lửa Thánh Linh thanh luyện, soi sáng và nung nấu tự tâm can, chúng con có thể bước theo vết chân Con yêu dấu Chúa … và chúng con đến được với Chúa Tối Cao” (Thư gởi TD 51-52).

 

Lộ trình quay về với Chúa Cha diễn ra theo hướng đảo ngược: từ Thánh Thần, qua Người Con, đến với Chúa Cha. Mọi sự bắt đầu với Thánh Thần. Do vậy, việc đi theo Chúa Kitô không có nghĩa là bắt chước một kiểu mẫu bên ngoài, nhưng là một sự chú tâm tới Thánh Thần của Thiên Chúa.

Đi theo Chúa Kitô có nghĩa là sống như Chúa Kitô sống, hoàn toàn lệ thuộc Chúa Cha, không ngừng thờ phượng Chúa Cha, giống như Con yêu dấu và hiệp thông với Người. Khi đưa ra điều này, phải chăng chúng ta đã không vô lý khi hỏi rằng thần học của Phanxicô có tính Quy Kitô như đã được trình bày sao? Câu trả lời là có, nhưng với điều kiện là luôn luôn trong mối quan hệ với Chúa Cha và Thánh Thần. Đường lối của Phanxicô dẫn chúng ta qua Thánh thần, qua Chúa Kitô mà đến với Chúa Cha.

 

Như thế, trong khi quy về Chúa Kitô, cùng lúc ngài quy về Thiên Chúa Ba Ngôi, vì những ai được Thánh Thần của Chúa sinh ra đều là con cái của Chúa Cha trên trời và là hiền thê, anh em và mẹ của Đức Giêsu Kitô (Thư 1 gởi các tín hữu, 5 – 8). Trong kinh nguyện, Phanxicô chỉ ra 3 điều cần thiết:

 

Hãy để họ đi tìm kiếm điều họ muốn trên hết mọi sự

Là có được tinh thần của Chúa và tác động thánh của Người

Luôn luôn cầu nguyện cùng Người với lòng thanh trí sạch

Và có được sự khiêm tốn, nhẫn nhục trong bách hại và yếu đau.

 

Lời mời gọi không ngừng cầu nguyện được bắt gặp 4 lần trong các bút tích của Phanxicô. Ngài liên kết việc không ngừng cầu nguyện với Thánh Thần của Chúa và sự thanh sạch của tâm hồn, để có được tinh thần của Chúa và tác động thánh của Người, để luôn luôn cầu nguyện cùng Người với một tâm hồn thanh sạch.

 

Trong huấn lệnh này, có thể nói rằng Phanxicô liên kết lời cầu nguyện không ngừng với những việc làm lành thánh và một lời cầu nguyện như thế chỉ có thể có được trong một người có Thánh Thần của Chúa.

 

Ý nghĩa của việc không ngừng cầu nguyện được liên kết một cách chặt chẽ với sự thanh sạch của tâm hồn. Trong Bản luật không sắc dụ, Phanxicô khích lệ và khuyến khích tất cả mọi anh em phục vụ, yêu mến và thờ lạy Chúa là Thiên Chúa với một lòng thanh trí sạch, vì đó là điều Chúa muốn trên hết mọi sự, ngài viết:

 

“Và chúng ta hãy thờ phượng Người với tâm hồn trong sạch, vì chúng ta phải cầu nguyện luôn không được nản chí; vì Chúa Cha tìm kiếm những ai thờ phượng Người như thế. Thiên Chúa là Thần khí và kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng trong Thần khí và sự thật”.

 

Chủ đề này cũng được bắt gặp trong thư thứ hai gởi các tín hữu, trong đó Phanxicô dùng diễn ngữ “thần khí sự thật” để gợi ý rằng: chính Thánh Thần của Chúa là Đấng làm phát sinh trong chúng ta hành vi cầu nguyện với một quả tim thanh sạch.

 

Trong Bản luật không sắc dụ, Phanxicô nói trái tim là nơi Thánh Thần cư ngụ, nghĩa là năng lực hoặc sức mạnh của Thánh Thần ảnh hưởng trên các hoạt động hoặc sự chuyển động của con người. Trên phương diện này, đó là chỗ tinh thần của Chúa đấu tranh với tinh thần của xác thịt:

 

“Chúng ta phải hết sức giữ mình, đừng để vẻ hào nhoáng của một phần thưởng, một công việc, hay một sự trợ giúp nào làm lòng trí ta lạc xa Chúa, hãy thờ phượng Chúa với lòng thanh trí sạch. Đó là điều Chúa muốn hơn cả”.

 

Nếu chúng ta quan sát một cách chi tiết hơn những chữ “Tinh thần của Chúa” trong văn mạch chúng được viết ra, thì ý nghĩa của của các chữ này có thể được giải thích một cách tốt hơn như sau:

 

“Tôi khuyến cáo và khẩn xin anh em nhân danh Chúa Giêsu Kitô, hãy tránh mọi hình thức kiêu ngạo, huênh hoang, ganh tị, tham lam, đừng bận tâm và lo lắng việc đời, đừng nói xấu và cằn nhằn. ai không biết chữ thì đừng chăm lo học hành. Nhưng hãy chăm lo điều này là, trên hết mọi sự, ao ước được Thần Linh Chúa hiện diện và tác động nơi mình, cầu nguyện cùng Người luôn luôn với tâm hồn trong sạch, sống khiêm nhường, nhẫn nhục khi bị bách hại và đau ốm”.

 

Sau những lời cảnh cáo mở đầu tôi khuyến cáo và khẩn xin, bản văn chia ra làm hai phần: phần thứ nhứt có tính chất tiêu cực, được giới thiệu bằng những chữ “hãy tránh” và tiếp theo là ‘đừng chăm lo” chỉ cho thấy những tật xấu và tội lỗi phải tránh xa. Phần thứ hai có tính chất tích cực với lời khyến khích “chúng ta hãy cố” trên hết mọi sự có được “Thần khí của Chúa và tác động thánh của Người”.

 

Ở đây, hiện có một sự nói bớt đi kiểu chia đôi giữa xác thịt và tinh thần theo thánh Phaolô. Trong thư gởi cho các tín hữu ở Galata, thánh Phaolô cho thấy sự đối kháng giữa các công việc, những việc làm của xác thịt mâu thuẫn với những việc làm của tinh thần, trong Bản luật, Phanxicô cũng làm như thế.

 

Phanxicô tin rằng con người tự căn bản là tốt lành, vì con người được dựng nên theo hình ảnh của Thiên Chúa. Tuy nhiên, xác thịt thì yếu đuối và vừa là kẻ thù lẫn một kẻ lừa dối. Phanxicô nói một cách tiêu cực về những người bị xác thịt chụp bắt và những kẻ sống theo xác thịt.

 

Trong thư gởi Galata 5, 19-23, thánh Phaolô nói tới những nết xấu của xác thịt; tương tự trong Bản luật, Phanxicô lên danh sách các nết xấu đó như “kiêu căng, khoe khoang, tham lam, hà tiện và những sự bận bịu việc đời, nói xấu và cằn nhằn”. Ngài cảnh cáo chống lại những tội bên trong của tâm hồn, cũng như những tội của xác thịt, của thân xác và sự yêu bản thân mình.

 

Để thắng vượt tinh thần xác thịt, Phanxicô khích lệ anh em hãy có Thần Khí của Chúa và tác động thánh của Người. Đấy là điều được nhấn mạnh trong đời sống đền tội. Trong thư thứ nhứt gởi cho các tín hữu, Phanxicô hiểu đời sống đền tội như sự tận hiến của trái tim, của linh hồn, tâm trí và sức lực cho Thiên Chúa, và yêu thương người thân cận như chính mình, và ghét bỏ thân xác cùng với những nết xấu và tội lỗi của nó. Ý nghĩa của đời sống đền tội với việc xác thịt chịu khuất phục tinh thần chỉ cho thấy rằng: đời sống theo tinh thần có tầm quan trọng cao hơn đối với Phanxicô, và ý tưởng đó cũng được xác minh trong cách ngài hiểu về Chúa Kitô.

 

Phanxicô nối kết việc thờ phượng Thiên Chúa với lòng trong sạch với việc không ngừng cầu nguyện, có thể được thực hiện nơi người nào trong họ có Thánh Thần cư ngụ:

 

“Chúng ta hãy thờ phượng Ngài với một tâm hồn trong sạch, vì chúng ta phải cầu nguyện luôn và không được nản lòng … Thiên Chúa là Thần khí và kẻ thờ phượng Người phải thờ phượng theo Thần khí và sự thật”.

 

Phanxicô dùng sứ điệp nói về hạt giống được đề cập trong Tin Mừng (Lc 8, 11) để cho thấy rằng: chỉ có tâm hồn trong sạch mới có thứ đất thích hợp để đón nhận Lời của Thiên Chúa là thần khí của sự thật và mang lại thần khí và sự sống (Ga 6, 64).

 

Chúng ta nhận thấy sự nhấn mạnh tương tự này tới Thánh Thần trong lời khuyến khích việc đọc kinh Thần tụng. Trong Thư gởi toàn Dòng, Phanxicô chỉ ra cách đọc kinh Thần tụng. Các giáo sĩ đọc kinh với lòng sốt sắng trước Thiên Chúa, không tập trung tìm kiếm cung điệu du dương, nhưng là sự “hài hòa của tâm trí”, sao cho lời kinh trên môi miệng hòa hợp với tâm trí và tâm trí hòa hợp với Thiên Chúa:

 

“Mục đích của chúng ta là giao hòa với Thiên Chúa nhờ lòng thanh trí sạch, chứ không phải ru tai dân chúng với cung giọng êm ái”.

 

Điều này tương ứng với ý tưởng của Phanxicô: là tâm hồn trong sạch nơi có Thánh Thần của Chúa cư ngụ thì xứng đáng với việc thờ phượng Thiên Chúa:

 

“Chúng ta hãy thờ phượng Thiên Chúa với lòng thanh trí sạch, vì đó là điều Ngài muốn trên hết mọi sự”.

 

Do đó, tự căn bản, Kinh Thần tụng đáp ứng cùng một chức năng như tinh thần của lời cầu nguyện nội tâm. Những lời kinh được đọc phải là một sự diễn tả ra bên ngoài những gì tràn đầy bên trong tâm trí.

 

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM tổng hợp & biên soạn

1. THẦN HỌC VỀ BA NGÔI THEO Th PHANXICÔ: BỐI CẢNH CHO NỀN THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO CỦA THÁNH BONAVENTURA

2. THẦN HỌC VÀ LINH ĐẠO NHẬP THỂ CỦA THÁNH BONAVENTURA

3. BONAVENTURA VÀ LỘ TRÌNH ĐI VÀO THIÊN CHÚA: CỨU CÁNH LUẬN ĐI LÊN

4. THẦN HỌC VỀ CHÚA BA NGÔI CỦA THÁNH BONAVENTURA: VÀI ỨNG DỤNG THỰC TẾ

5. SIÊU HÌNH HỌC CỦA THÁNH BONAVENTURA: MỘT SIÊU HÌNH HỌC MANG TÍNH THẦN HỌC

6. DUNS SCOTUS VÀ MẦU NHIỆM THIÊN CHÚA

7. SCOTUS VÀ KHOA KITÔ-NHÂN-HỌC: Một vài hậu quả Kitô-nhân-học Phan-sinh rút ra từ đạo lý của Duns Scotus về vị-trí ưu đẳng của Đức Ki-tô

8. DUNS SCOTUS NHÀ THẦN BÍ: Lời kinh mở đầu của cuốn LUẬN VỀ THIÊN CHÚA NGUYÊN NHÂN ĐỆ NHẤT

Chia sẻ