Skip to content
Main Banner
ĐẠI LỄ THÁNH PHANXICÔ (04/10) - Xét mô tả, dàn bài TL thần IV (07/10) - HỘI THAO MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ (12/10) - LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11)

TÔN GIÁO HỌC VÀ THẦN HỌC

Administrator
2024-04-30 10:07 UTC+7 191
Một số quan điểm thông thường về tôn giáo và dùng hình ảnh “la bàn thiêng liêng” để mô tả tính điều phối của tôn giáo, đồng thời giải thích tiến trình bộ môn tôn giáo học đã được tách biệt ra khỏi khoa thần học.

TÔN GIÁO HỌC VÀ THẦN HỌC

Joseph Tân Nguyễn, ofm

1.   NỖ LỰC ĐỊNH NGHĨA TÔN GIÁO

Hầu hết các nỗ lực định nghĩa tôn giáo thì quá hẹp hoặc quá rộng. Trước thế kỷ XVI, định nghĩa tôn giáo như là “đức tin vào Thiên Chúa” thì quá hẹp bởi vì nó giả định quan điểm hữu độc thần và loại bỏ rất nhiều tôn giáo khác hay chiều kích khách quan của đời sống tôn giáo. Định nghĩa cho rằng tôn giáo là sự “lưu tâm tối hậu” (ultimate concern) ở thế kỷ XX thì “quá rộng” vì không giải thích được hành vi và ý định cụ thể của tín đồ hoặc ranh giới giữa bên trong và bên ngoài cộng đoản đức tin. Một cách trả lời hữu hiệu hơn cho rằng tôn giáo là một hệ thống truyền thông được thiết lập bởi đấng siêu việt liên quan đến lời mời gọi về một cách sống đặc thù nào đó. Lối định nghĩa này nhận diện rõ ràng hơn về ý định và niềm tin của cộng đoàn tôn giáo. Hơn nữa, định nghĩa này không giới hạn tôn giáo vào một nền văn hóa nào cả mà chỉ đòi hỏi phải có những hành vi và biểu tượng vốn điều phối lối sống của tôn giáo đó.

Theo quan điểm truyền thông, tôn giáo là mạng lưới của những giá trị luân lý, với mục tiêu giúp con người được siêu thăng. Qua các thực hành như nghi thức, phụng tự, và quy luật cư xử, con người phân biệt giữa không gian thánh thiêng và cõi phàm tục. Trong xã hội, tôn giáo tạo nên một cơ cấu giai cấp với hệ thống điều hành và thẩm quyền cho phù hợp cho mỗi cấp bậc. Linh đạo của tôn giáo thì rất đa dạng trải dài từ đời sống chiêm niệm cho đến hoạt động từ thiện, hay giữa truyền thống tư tế với truyền thống ngôn sứ. Cuối cùng, tôn giáo là nơi lưu giữ phong phú nhất về dữ kiện của các truyền thống văn hóa như nghệ thuật, âm nhạc, triết học, sử học, nhân học và khoa học.

Sự hiểu biết về tôn giáo giúp chúng ta giải thích nhiều phạm vi của tư tưởng và hành vi con người. Khó mà giải thích được mối thù và chiến tranh liên lĩ giữa Arập và Israel suốt hơn nữa thế kỷ qua nếu không hiểu gì về Do Thái giáo hoặc Hồi giáo. Hiểu biết về thần học tiền định về cứu độ sẽ giúp giải thích các động lực cho sự phát triển kinh tế tư bản được mạnh mẽ tại các nước theo đạo Tin Lành ở Âu Châu. Chúng ta không thể nghiên cứu lịch sử phát triển của âm nhạc, nghệ thuật ảnh tượng và kiến trúc mà không nắm bắt được lịch sử phát triển của linh đạo Kitô giáo. Từ những nét tương đồng và tương phản giữa các tôn giáo và văn hóa, chúng ta sẽ có cái nhìn khách quan hơn về của tôn giáo.

Trước khi phân tích sâu hơn về tôn giáo, chúng ta hãy sơ lược qua các quan điểm thông thường. Trước tiên, quan điểm “thần sử” (euhemerism), lấy tên từ triết gia Hy-lạp Euhemerus (300BC), cho rằng mọi tôn giáo bắt đầu bằng những chuyện kể về những nhân vật siêu phàm nào đó trong lịch sử. Sau khi các vị đó qua đời, các trình thuật này được thổi phồng và trở thành các huyền thoại, như đã thấy trong trường hợp Môsê, Đức Giêsu, Đức Phật hay Mohammed. Quan điểm này không giải thích được tại sao tôn giáo vẫn tiếp tục và phát triển như thế nào. Hơn nữa, khó mà kiểm chứng lịch sử tính chân thực của thần sử. Một hạt bụi trong giọt nước mưa không thể giải thích nguồn gốc của giọt nước mưa đó.

Một quan điểm khác cho rằng tôn giáo là một loại khoa học ấu trĩ. Quan điểm này giả định cách hiểu các tài liệu tôn giáo theo nghĩa từ nguyên, và đánh giá tri thức “sơ khai” hay “tiền logic” của người cổ đại về vũ trụ như là sự sai lầm so với tri thức khoa học ngày nay. Tuy nhiên, nhận định về con người cổ đại hoàn toàn khác và kém logic hơn con người ngày nay lầm lẫn giữa chú giải khoa học và chú giải lịch sử. Đây là hai lối tiếp cận của cùng một bản văn nhưng đến từ hai mô hình tri thức khác nhau. Nỗ lực tạo mây thì hoàn toàn khác với cầu nguyện cho mưa xuống, cho dù cả hai hành vi muốn đạt đến cùng một mục tiêu.

Cách nhìn thứ ba là xem tôn giáo như là ảo tưởng tâm lý. Freud và Jung cho rằng qua tôn giáo và giấc mơ, con người có thể thực thi những gì mà họ không thể làm trong thế giới. Tôn giáo cho phép con người thể hiện các xung lực của mình cách an toàn cho xã hội. Quan điểm này giải thích tính bền vững và phổ quát của cảm xúc tôn giáo vì nó xem tôn giáo như mạng lưới điện đã được cài vào bản tính của con người. Tuy nhiên, vì chúng ta chưa hoàn toàn thấu hiểu về hoạt động của vô thức cho nên tính khoa học chân thực của phương pháp này khó mà kiểm chứng được.

Cuối cùng, tôn giáo thường được xem như là nhu cầu thiết yếu và phổ quát của xã hội. Tôn giáo phục vụ mục đích thiết lập căn tính của xã hội qua cách nó cung cấp “chất keo” kết nối các phần tử tách biệt và chống đối lại với nhau. Durkheim giải thích cách nghi thức tôn giáo và “vật linh” tạo động lực cho sự hiệp nhất của bộ lạc thổ dân. Sự đoàn kết và gắn bó xã hội thì có lợi nhiều hơn cho hoạt động và thăng tiến của xã hội. Trong chiến tranh, tôn giáo luôn tuyên bố “Thiên Chúa ở cùng phía với chúng ta”. Nhưng quan điểm này không giải thích được sự kiện có những vị cứu tinh như Abraham, Môsê và Đức Giêsu thì lại không thuộc về cơ cấu xã hội chính thống nào cả. Hơn nữa, có nhiều nhóm xã hội thù nghịch nhau mà vẫn chia sẽ cùng một niềm tin về Thiên Chúa như Hồi giáo và Do thái giáo.

Nói tóm lại, vì tôn giáo là những hệ thống thông tin phức tạp và đa dạng liên hệ đến niềm tin của cá nhân và tập thể con người, nên tốt hơn, chúng ta nên chỉ mô tả thay vì tìm một học thuyết để giải thích tôn giáo. Nhưng nếu chúng ta mô tả tôn giáo từ góc độ “yếu tính” thì yếu tính đó được trích xuất từ tôn giáo cụ thể nào và có thể sẽ loại trừ nhiều tôn giáo khác mà không mang yếu tính đó. Nếu mô tả tôn giáo theo giá trị thực tế trong xã hội thì rất dễ lầm lẫn tôn giáo với nhiều nhóm từ thiện có cùng chức năng.

Một cách hữu hiệu hơn là áp dụng quan điểm của Wittgenstein, xem tôn giáo như một đại gia đình, và mô tả tôn giáo từ những “nét chung” trong cách dùng ngôn ngữ và biểu tượng tôn giáo, cùng với những niềm tin và thực hành chồng chéo lên nhau[1]. Phương pháp này không cần phải giả định các yếu tính siêu nghiệm nào cả, mà chỉ nhận diện những dấu vết hoặc đường nét mà hầu hết các tôn giáo đều chia sẻ. Kết quả là chúng ta có thể nhận diện bốn nét chung mà hầu hết mọi tôn giáo đều có sau đây:

(1) Một niềm tin bao quát, nhìn thế giới qua một nhãn quan nhất định nảo đó.

(2) Nhãn quan này tạo nên ranh giới giữa phần tử bên trong và bên ngoài tôn giáo.

(3) Bao gồm một thực tại hay Đấng Siêu Việt tồn tại bên trên thế giới con người.

(4) Niềm hy vọng về sự sống đời sau, và một cuộc “phán xét” qua đó con người sẽ bị đánh giá để xứng đáng được hưởng phần thưởng vĩnh hằng.

2. VŨ TRỤ LUẬN TÔN GIÁO: LA BÀN THIÊNG LIÊNG

Nhà nghiên cứu tôn giáo nổi danh Mircea Eliade dùng hình ảnh chiếc “la bàn thiêng liêng” để mô tả chức năng quan trọng nhất của tôn giáo, vốn là giúp con người định hướng cuộc sống của mình trong vũ trụ.[2] Chiếc la bàn này sắp xếp thực tại theo trật tự song đôi: “thần thánh/thiên đàng/cõi sống” và “con người/trái đất/cõi chết”. Mô hình này được phản ảnh qua nhiều cấu trúc tôn giáo (kim tự tháp) và huyền thoại về nguồn gốc của vũ trụ (sách Sáng Thế hoặc Kinh Vệ Đà).

Tôn giáo nào cũng có một vũ trụ luận (cosmology), giúp con người định vi tư thế của mình trong tương quan với thế giới. Từ “cosmology” do từ “cosmos” (thế giới) và “logos” (sự thông tri, họa đồ, diễn ngôn) kết lại. Trong khi vũ trụ luận khoa học (thuyết cơ lượng tử của Einstein) giúp mở rộng nhãn quan của con người về giới hạn của vũ trụ vật chất, thì vũ trụ luận tôn giáo giúp giải quyết các vấn nạn trong cuộc sống (sự dữ) để con người khỏi rơi vào sự hỗn loạn tâm lý hay thiêng liêng. Vũ trụ luận tôn giáo thì dựa trên niềm tin bất biến và vĩnh cửu, còn vũ trụ luận khoa học thì dựa trên sự tiến bộ của phát minh khoa học.

Vũ trụ luận tôn giáo trả lời cho những loại câu hỏi sau đây: Vũ trụ từ đâu mà ra? Vũ trụ được thành hình như thế nào? Đâu là bản chất và số phận hay vận mệnh của vũ trụ? Ý nghĩa của cuộc sống là gì? Có sự sống đời sau không? Ý nghĩa và nội dung của ơn cứu rỗi là gì? Ví dụ, sách Sáng Thế giải thích sự xuất hiện của vũ trụ: “Từ thuở ban đầu, Thiên Chúa đã tạo dựng trời và đất.” Tin Mừng John giải thích “Từ thuở ban đầu đã có Ngôi Lời”. Ngoài các trình thuật, vũ trụ luận tôn giáo còn được phản ảnh qua các cấu trúc tôn giáo như Kim tự tháp, Đền thờ,Vương Cung Thánh đường. Điểm đặc biệt của vũ trụ luận tôn giáo cho dù ý vị của nó là thể lý (đền thờ), nhưng ý nghĩa của nó là phi-vật chất, tức là một la bàn thiêng liêng để điều phối và định hướng cho con người trong thế giới vật chất.

Những vật thể tiêu biểu cho vũ trụ luận tôn giáo đầu tiên xuất hiện khoảng giữa 3500 BC đến AD 500 tại vùng Cận Đông qua hình thức các Kim tự tháp Ai Cập cùng với những trình thuật thần thoại (myths) về trật tự của thế giới. Kim tự tháp là những lăng tẩm cho các vua Ai-cập chứ không phải cho mục đích phòng thủ hay chiến tranh. Chúng được dựng nên để gây ấn tượng thiêng liêng và cung cấp sự định hướng tâm linh cho dân tộc Ai cập cổ đại. Tất cả những tảng đá vĩ đại được đẽo từ mạn đông của sông và chuyên chở qua mạn tây sông Niles, phản ảnh hành trình của mặt trời mọc ở phía đông và lặn ở phía tây mỗi ngày. Vị trí của các Kim tự tháp ở phía Tây nhắc nhở con người là cuộc sống không biến mất nhưng sẽ trở lại như mặt trời vậy.

Các truyện thần thoại Ai cập nói lên mối tương quan loại suy giữa thiên nhiên và cuộc sống con người. Mọi sự vận hành theo chu kỳ: cuộc sống con người khi tỏ khi khuất, mặt trời mọc lên và lặn xuống, dòng sông Niles khi cạn khi đầy, nhưng tất cả không biến mất hoàn toàn. Sự chính xác về kích thước hình học và chiều hướng phù hợp với trục trái đất và các vì sao cho thấy Kim tự tháp là mô hình của vũ trụ, chỉ ra phương hướng và các mức độ của tồn tại (địa ngục/trái đất/thiên đàng). Là diễn ngôn về vũ trụ luận, Kim tự tháp dùng logic đối lập của “sống/chết”, hay “thần thánh/con người” để nói lên sự truân chuyên trong cuộc sống trần ai mà mọi con người phải vượt qua.

Trong khi vũ trụ luận Ai cập dùng phạm trù không gian và chuyển động, thì vũ trụ luận Hindu xoay quanh sự kéo dài của thời gian. Vũ trụ luận của Hindu mô tả một vũ trụ đã tồn tại qua quãng thời gian rất dài hầu như vô tận, hơn cả 13 tỷ năm của thuyết Big Bang. Thay vì theo chu kỳ “chết/tái sinh” của Ai cập, thì Hindu cho rằng hạnh phúc vĩnh cửu của con người là đạt đến Nirvana, tức là thoát ra khỏi bánh xe luân hồi của vô số chu kỳ sống, chết và đầu thai. Như thế, tôn giáo mà cho rằng thế giới đã xuất hiện quá lâu thì ơn cứu rỗi là thoát khỏi thế giới đó. Tôn giáo cho rằng đời người là quá ngắn ngủi thì hạnh phúc là được sống đời đời trong cõi vĩnh hằng. Đây là một hình thức của logic đối nghịch của vũ trụ luận tôn giáo.

Cuối cùng, trong sách Sáng Thế hàm chứa vũ trụ luận của Do Thái giáo với sự nhấn mạnh vào sự tốt lành của tạo vật do Thiên Chúa đã tạo nên. Con người khởi đầu từ nguồn gốc thiện hảo nhưng đã trở nên sa ngã và mang đau khổ vào cuộc sống thế nhân. Sự dữ không tồn tại vĩnh cửu như Thiên Chúa nhưng chỉ xuất hiện như sự suy đồi của sự thiện nền tảng mà Thiên Chúa đã đặt để trong loài thụ tạo có lý trí. Vũ trụ luận Do Thái giáo cũng dùng mô hình đối nghịch giữa “thần thánh/thiên đàng/sự sống” với “con người/trái đất/sự chết”. Mọi nỗ lực tự con người muốn vượt qua ranh giới này đều thất bại, như trong việc xây Tháp Babel. Cách giải quyết sự dữ là tuân giữ lời giao ước và Thập Điều mà Thiên Chúa đã ban khi Ngài chọn họ làm dân riêng của Ngài. Sự chọn lựa này không lệ thuộc vào sự thánh thiện ở mức độ cá nhân, nhưng mang tính tập thể. Tương quan giữa con người với Thiên Chúa đòi hỏi một sự gắn bó cộng đồng.

Cả ba vũ trụ luận của Ai cập, Hindu, và Do thái giáo cho thấy tôn giáo như một la bàn thiêng liêng, giúp con người định hướng cho vận mệnh của mình trong vũ trụ vô tri và vô hạn.

3.   TÁCH BIỆT TÔN GIÁO HỌC RA KHỎI THẦN HỌC

Trong thế kỷ XVI, sau giai đoạn Phong Trào Cải Cách, từ những thất vọng triền miên về chiến tranh tôn giáo, người ta bắt đầu hoài nghi về bản chất thánh thiêng của tôn giáo và sự mâu thuẫn giữa các quan điểm thần học. Thời Ánh Sáng nhìn tôn giáo như xuất phát từ các nhu cầu căn bản của con người, với lịch sử tự nhiên như các khoa học khác. Tâm lý học tiếp cận tôn giáo như những động lực tâm lý cá nhân, xã hội học nhìn tôn giáo như một diễn tiến xã hội. Nhiều học thuyết thế tục về nguồn gốc, bản chất và chức năng của tôn giáo được ra đời. Tuy khác nhau về quan điểm tiếp cận và cách thẩm định tôn giáo, nhưng các học thuyết này đều đồng ý là tôn giáo nên được nghiên cứu từ góc độ khách quan và ngoài phạm vi của thần học. 

Tuy nhiên, bước sang thế kỷ XX, các lối giải thích giản lược về tôn giáo trên đây bị trường phái Hiện Tượng Luận chỉ trích, và cho rằng tôn giáo cần phải được hiểu như là một hiện tượng đặc thù với thực tại tự thân. Phân tích hiện tượng luận về tôn giáo chưa phải là thần học, nhưng vẫn có sự tôn trọng cho tính vẹn toàn và sự thống nhất nội bộ của niềm tin tôn giáo. Như thế thì đâu là ranh giới nghiên cứu giữa tôn giáo học và thần học?

Trong thời Trung Cổ, mọi nghiên cứu về tôn giáo đều nằm trong phạm vi thần học với mục đích cung cấp nền tảng cho tính hợp lý của đức tin. Mọi chân lý tôn giáo đều được mạc khải qua Kinh Thánh, và mỗi thế hệ cần tìm hiểu rõ hơn về nội dung của chúng. Thần học gia đóng vai một lãnh đạo tri thức, có thẩm quyền bàn luận và khai triển các chân lý để củng cố đời sống đức tin của tín hữu. Nhưng với phong trào Cải Cách, sự trổi dậy của triết học duy lý, cùng với sự tàn phá của chiến tranh tôn giáo, các Giáo hội Kitô phải tìm cách giải hòa và sống chung với nhau trong bối cảnh đa dạng chính trị. Hơn nữa, khám phá khoa học thời Khai Sáng đã thử thách thẩm quyền Giáo Hội và làm cho chân lý tôn giáo trở nên cổ hủ. Từ đó, môn tôn giáo học ra đời, với mục tiêu giải thích một cách phê phán nguồn gốc của tôn giáo, và dùng khoa học để tránh sự cuồng tín về đức tin. 

Hạn từ “tôn giáo”, trước thế kỷ XVI ám chỉ lối sống phù hợp với Kitô giáo chân chính, và như thế, đức tin ngoại giáo thì được xem như là “rối đạo”. Nhưng với phong trào Lãng Mạn ở thế kỷ XVIII, tôn giáo được xem như là thái độ cá nhân về thực tại tối hậu, đồng nghĩa với “niềm tin.” Một khi nhiều niềm tin tôn giáo khác biệt được khám phá, thì hạn từ “tôn giáo” được hiểu theo nghĩa đa dạng hay số nhiều. Ngày nay, xã hội học và tâm lý học định nghĩa tôn giáo theo chức năng hay vai trò của nó trong sự hình thành cơ cấu xã hội hay tâm lý con người. Các chủ thuyết duy thực khẳng định tôn giáo có bản chất hay yếu tính riêng của nó. Nói chung, có hai khía cạnh được xem là chính yếu về tôn giáo: sự thâm nhập của thực tại thánh thiêng vào cuộc sống con người, và thái độ ưu tư tối hậu của con người trong cuộc sống hiện sinh. Cả hai khía cạnh này đều giả định thực tại siêu việt là yếu tố nền tảng của tôn giáo, gây ảnh hưởng lên mọi chiều kích của cuộc sống con người.

Sự tách biệt tôn giáo học ra khỏi thần học không xảy ra một sớm một chiều nhưng đã kéo dài gần hai thế kỷ. Tại Pháp, Hòa Ước Nantes 1598 giữa người Công Giáo và Tin Lành tại Huguenots đã tạm thời chấp dứt chiến tranh tôn giáo và cho phép con người chung sống với sự khác biệt về cách hiểu tôn giáo. Nhưng sự hoài nghi về khả năng thần học tự nó có thể giải quyết mọi tranh chấp chính trị xã hội vẫn tiếp tục. Jean Bodin đề nghị các tôn giáo chính yếu cùng ngồi lại và tìm một giải pháp chung.[3] Ông đưa ra giả thuyết rằng tôn giáo tốt nhất phải là tôn giáo xưa nhất và gần nhất với “biến cố” Tạo Dựng. Nhưng đề nghị này đã không mang đến kết quả đáng kể nào, cho dù cuộc thảo luận vẫn tiếp tục.

Cũng vậy, Hòa Ước Augsburg (1555) tại Đức quốc tạm thời giải hòa các tranh chấp giữa giáo hội Lutheran và Công giáo, nhưng cách mạng của giáo phái “Calvinism” đã làm cho nền hòa bình mong manh này sớm tan vỡ. Kết quả là cuộc chiến “Ba Mươi Năm” (1618-1648) đã gây nhiều tổn hại và tàn phá cuộc sống thường ngày của xã hội châu Âu. Edward Herbert ở Cherbury [4] đề nghị thay thế học thuyết tôn giáo của Bodin với năm tiêu chuẩn: chỉ có một Thiên Chúa; chúng ta phải tôn thờ Người; mọi tôn giáo phải tập sống nhân đức; con người phải thống hối cho tội lỗi của mình; có sự thưởng phạt đời sau. Như vậy, cả hai học thuyết tôn giáo của Bodin và Herbert đều giới hạn sự hiểu biết về mạc khải chỉ trong phạm vi được chấp nhận của truyền thống Kinh Thánh, mà không động đến thẩm quyền của Giáo hội.

Bernard Le Bovier de Fontenelle (1657-1757) người đầu tiên đề nghị một học thuyết tiến hóa về tôn giáo.[5] Ông nghiên cứu tiến trình phát triển tôn giáo từ quan điểm của khoa học nhân văn. Ông phân tích các chuyện thần thoại và nghi thức văn hóa cổ xưa để tìm hiểu cơ cấu suy tư của con người cổ đại. Trái với quan điểm Khai Sáng vốn xem tôn giáo là sự cuồng tín dị đoan sai lầm về thế giới tự nhiên thì Fontenelle khẳng định rằng con người cổ đại không ngu dốt như thế. Họ đã cố gắng gia tăng tri thức qua những cách giải thích quyền lực thiên nhiên qua các chuyện thần thoại hay nghi thức tôn giáo. Sự giải thích khởi đầu thì dựa trên quyền lực thần thánh, nhưng từ từ được cập nhật hóa, cho đến khi tri thức khoa học được khám phá. Sự tiến hóa này vẫn còn thấy nơi các bộ lạc Âu châu tân thời. Sự đồng cảm của Fontenelle với cách người cổ đại giải thích vũ trụ đã giúp tôn giáo học vượt ra khỏi các ràng buộc thần học trong thế kỷ XVII.

Giambattista Vico (1668-1744) cũng nhận ra tính khoa học trong cách giải thích tôn giáo của thời cổ đại, nhưng ông khai triển chiều kích văn hóa và xã hội thay vì thiên nhiên.[6] Vico cho rằng tôn giáo là hiện tượng văn hóa, bao gồm các yếu tố như nghi thức, hành vi, cơ cấu luật lệ. Con người cổ đại đã phóng chiếu hình ảnh của mình lên vũ trụ và biến sức mạnh của thiên nhiên thành thần thánh. Chính con người cổ đại đặt ra qui luật, thể chế và cơ cấu cho cuộc sống của họ. Niềm tin về sự quan phòng thánh thiêng làm cho nghi thức tôn giáo (nghi lễ cưới hỏi và tang chế), trở thành những điều kiện tất yếu cho tồn tại. Vico cho rằng con người cổ đại dùng chuyện thần thoại và cổ tích để giải thích thế giới của họ vì họ suy nghĩ theo cách huyền thoại. Nói chung, cho dù Fontenelle và Vico đã khai triển các nguồn gốc tự nhiên của tôn giáo, nhưng Kitô giáo vẫn là tôn giáo có nguồn gốc siêu nhiên, không xuất phát từ con người.

4.   DAVID HUME KHỞI ĐẦU CUỘC PHÂN LY

Trong khi các học giả trên đây vẫn giữ các mối tương quan giữa thần học và tôn giáo học thì David Hume (1711-76) đã tách biệt chúng hoàn toàn và khởi đầu cho hành trình nghiên cứu tôn giáo từ quan điểm thế tục.[7] Các tác phẩm được xuất bản sau khi Hume qua đời cho thấy thực tại chỉ là “căn nhà một tầng”, không có gì là siêu việt hay thánh thiêng áp đặt lên nó. Hume xem tôn giáo như là hiện tượng xuất phát từ thế giới chúng ta đang sống và có thể được phân tích như mọi hiện tượng tự nhiên khác. Chủ thuyết “lịch sử tự nhiên” của Hume đã tạo nên cuộc cách mạng và gặp nhiều chống đối trong khoa nghiên cứu tôn giáo ở Anh quốc. Hume đã bị từ chối địa vị xã hội nhiều lần vì quan điểm thế tục của ông. Một số tác phẩm quan trọng của Hume chỉ được xuất bản vô danh mãi cho đến sau khi ông qua đời.[8]

Hume từ chối mọi giải thích về tính bẩm sinh của tri thức hay chiều kích siêu nhiên của tôn giáo và cho rằng tất cả nhận thức phải đi qua kinh nghiệm. Tri thức về tôn giáo cần phải được giải thích tận nguồn từ trải nghiệm tự nhiên của chúng. Phép lạ là trái với luật tự nhiên, như thế muốn phép lạ được chấp nhận thì tính khả thi của chúng phải cao hơn tính khả thi của luật tự nhiên. Cho dù Hume không hoàn toàn loại bỏ phép lạ và vẫn để cửa cho lý luận dựa trên chứng cớ, nhưng từ quan điểm duy nghiệm, mặc khải siêu nhiên không thể được thiết lập trên nền tảng của các trình thuật tôn giáo. Luận cứ “thiết kế” (Design Argument), trong ngũ đạo của Tôma giả định sự tồn tại của một kiến trúc gia (Thượng Đế) trong việc tạo dựng vũ trụ. Nhưng đa số các trình thuật của Kinh Thánh về Tạo Dựng không đến từ kinh nghiệm thật sự của người nào cả, do đó không đáng là chứng cớ thật sự.

Theo Hume, tôn giáo xuất phát từ hai nguồn tự nhiên: (1) Con người đối đầu với sức mạnh khủng khiếp của thiên nhiên và tìm cách thống trị nổi lo sợ đó; (2) Sự đồng cảm và bị lôi cuốn bởi “gương sáng” của những bậc “anh hùng” và từ đó con người khai triển các nhân đức hay thói quen làm cho cuộc sống trở nên nhân đạo hơn. Các tôn giáo đa thần hay độc thần đều có điểm mạnh và yếu của nó. Tôn giáo độc thần thường trở nên giáo điều và cứng nhắc, bảo kê cho tính độc đoán và có nguy cơ bách hại các tôn giáo khác. Tôn giáo đa thần tuy thiếu hợp lý và lệ thuộc vào cảm xúc, nhưng lại có nhiều cách chú giải thông thoáng và uyển chuyển hơn.

Trong các chương kế tiếp, chúng ta sẽ nhìn tôn giáo từ các nhãn quan: xã hội học, tâm lý học, nhân học, hiện tượng học, khoa học thực nghiệm, biểu tượng sự dữ và cứu cánh của thiên nhiên. Các nhãn quan bên ngoài thần học cổ điển có thể cho cho chúng ta một cái nhìn phong phú và phê phán hơn về đức tin. Và đây cũng là một sự đóng góp vào hành trình “đức tin tìm kiếm sự hiểu biết” của thần học.

 

[1] Ludwig Wittgenstein. Philosophical Investigation. Wiley-Blackwell; 4th edition. Englang, 1998. Wittgenstein đề nghị học thuyết “ý nghĩa của ngôn ngữ nằm trong cách dùng”.

[2] Mircea Eliade. The Sacred and the Profane: Nature of Religion. Harcourt Brace Jovanovich, New York, 1957.

[3] x. (https://en.wikipedia.org/wiki/Jean_Bodin). Truy cập ngày 23/3/2023.

[4]x.(https://en.wikipedia.org/wiki/Edward_Herbert,_1st_Baron_Herbert_of_Cherbury). Truy cập ngày 3/23/2023.

[5] x. (https://en.wikipedia.org/wiki/Bernard_Le_Bovier_de_Fontenelle). Truy cập ngày 3/23-2023

[6] x. (https://plato.stanford.edu/entries/vico/). Truy cập ngày 23/3/2023.

[7] x. (https://en.wikipedia.org/wiki/David_Hume). Truy cập ngày 23/3/2023

[8] Charles B. Jones. Introduction to the Study of Religion. The Teaching Company, Virgina, 2014.


Chia sẻ