Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

TÔN GIÁO QUA NHÃN QUAN XÃ HỘI HỌC: DURKHEIM, WEBER, BERGER

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 09:28 UTC+7 96

Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM

 

Trong bài trước, chúng ta thấy hai nhà xã hội học Comte và Marx, tuy cùng phê bình tôn giáo là ảo tưởng của con người, nhưng chính quan điểm của họ cũng không tránh khỏi việc rơi vào những ảo vọng mơ hồ. Lần này, chúng ta sẽ tìm hiểu ba học thuyết xã hội khác, giải thích về vai trò tích cực của tôn giáo trong sự gắn bó và phát triển của xã hội. Durkheim xem tôn giáo như là động lực thánh thiêng qua biểu tượng linh vật (totem), giúp tạo nên căn tính cho các phần tử của các bộ lạc sơ khai. Max Weber nghiên cứu mối tương quan liên đới giữa luân lý tôn giáo và các động lực đứng sau nền kinh tế tư bản. Peter Berger xem tôn giáo như năng lực để củng cố tính hợp lý của quy phạm tri thức (nomos) của xã hội. Cả ba học thuyết đều công nhận hiệu lực của tôn giáo trong sự phát triển và duy trì cơ cấu xã hội.

 

DURKHEIM: TÔN GIÁO LÀ ĐỘNG LỰC THÁNH THIÊNG CẤU KẾT XÃ HỘI

Émile Durkheim (1858 – 1917) thường được xem là người sáng lập nên môn xã hội học. Durkheim xem xã hội như chủ thể, vốn điều phối căn tính của cá nhân. Ông lật ngược lối tiếp cận trước đó và cho rằng, hầu hết những gì cá nhân làm và tin đều xuất phát từ lối sống tập thể trong xã hội. Durkheim tin rằng ông đã khám phá ra hình thức căn bản nhất của tôn giáo qua việc sùng bái linh vật (totem) tại các buổi họp mặt của bộ lạc thổ dân ở Úc châu. Linh vật là biểu tượng của xã hội sơ khai, và cũng là phương cách mà xã hội nhận diện căn tính và áp đặt yêu sách của mình lên mọi phần tử thuộc cùng một bộ lạc. Durkheim khám phá những yếu tố tập thể đang điều phối quyết định cá nhân, tiêu biểu là áp lực xã hội trong những tình huống rất riêng tư như tự vẫn.

Trong tập nghiên cứu Các Hình Thức Cơ Bản Của Đời Sống Tôn Giáo (The Elementary Forms of Religious Life, 1912), Durkheim nhận định rằng con người hành xử với tư thế đặc thù khi tham dự vào nghi thức cộng đoàn có liên quan đến linh vật. Các định nghĩa trước đây xem tôn giáo là sức mạnh đến từ các hiện tượng thiên nhiên hoặc quyền năng của thần linh thì không giải thích tôn giáo một cách thỏa mãn. Đối với ông, niềm tin tôn giáo không xuất phát từ nỗi khiếp sợ của con người khi phải đối phó với các thiên tai. Ngược lại, các linh vật như đuôi gà là những đối tượng lôi cuốn và được săn tìm. Điều này cho thấy chủ nghĩa tự nhiên (naturism) hay chủ thuyết vật linh (animism) là sai lầm, vì chúng không thể giải thích được sự tồn tại của tôn giáo qua những biến chuyển xã hội.

Durkheim thấy rằng, hành vi tôn giáo trước tiên là hành vi mang tính xã hội, do đó cần phải được hiểu trong cơ cấu xã hội. Tôn giáo là cách con người tiếp cận thực tại qua nhãn quan nhị nguyên của thánh thiêng và phàm tục, như được thể hiện trong cơ cấu xã hội. Phẩm chất “thánh thiêng” được tìm thấy nơi sự vật biểu hiện một cách tổng thể các giá trị và động lực xã hội. Phẩm chất “phàm tục” ám chỉ các mục tiêu cá thể, riêng tư không cần thiết cho sự gắn bó và hợp nhất của tập thể xã hội. Cả hai yếu tố này tạo nên ranh giới phân cách giữa cõi thiêng với cõi phàm. Do đó, Durkheim khẳng định tôn giáo “tự thân là một sự kiện xã hội.”

“Sự thánh thiêng” biểu hiện qua “linh vật”

Chủ thuyết “linh vật” ám chỉ cả hình thức tôn giáo lẫn tổ chức xã hội. Các bộ lạc lớn thì bao gồm nhiều bộ lạc nhỏ với những linh vật tiêu biểu cho căn tính và hình tượng tôn giáo riêng của mình. Mọi phần tử trong bộ lạc đều quen biết lẫn nhau và linh vật của bộ lạc trở thành điểm quy chiếu cho mọi biến cố phụng tự của bộ lạc đó. Đặc điểm của linh vật là: Cho dù chúng không mang tính siêu phàm hay hữu dụng, nhưng vẫn được xem là thánh thiêng. Các nghiên cứu sinh quan sát và thấy rằng, linh vật và những điều cấm kỵ đều phải được tôn trọng và dành một vị trí đặc biệt. Điều quan trọng là bản chất thánh thiêng của linh vật không thuộc về bất cứ sự vật đặt thù nào trong thế giới. Nếu một con “gà nòi” được xem là thánh thiêng với “bộ lạc gà nòi”, thì không vì tính thánh thiêng gắn liền với con gà nòi, nhưng vì linh vật “gà nòi” tự nó nó có đủ các điều kiện đã được mô tả sẵn. Bản chất “thánh thiêng” của một linh vật là do cơ cấu xã hội sơ khai đã đặt ra, để biểu hiện cho căn tính riêng của mình. Phẩm tính này được gán lên sự vật để phục vụ cho các mục tiêu tập thể của xã hội sơ khai.

Lối phân tích này đưa Durkheim đến sự tò mò muốn biết nguồn gốc của nguyên tắc linh vật và sức mạnh thánh thiêng của nó trong tôn giáo. Qua các chuỗi so sánh, Durkheim đi đến kết luận rằng, “nguyên tắc linh vật” chính là bản chất căn bản nhất của xã hội. Qua nghi thức và điều cấm kỵ, linh vật trở thành biểu tượng cho sự gắn bó và hợp nhất thánh thiêng cho cơ cấu xã hội. Điều này giải thích tại sao những hành vi như nguyền rủa, thề thốt, lăng mạ tôn giáo, xúc phạm đến điều cấm kỵ, lạm dụng, hay coi thường đồ “phụng tự” và “của thánh” đều bị trừng phạt nghiêm nghị. Durkheim xem tôn giáo là một hiện tượng riêng biệt, và sự tồn tại của nó chỉ có thể nghiên cứu qua nhãn quan xã hội học. Nhưng khác với viễn tượng tôn thờ “Đấng Vĩ Đại” của Comte, nguyên tắc linh vật biểu hiện cho một tôn giáo ‘không thờ thần thánh nào cả’, vốn đã hiện diện với con người từ buổi sơ khai.

“Nguyên tắc linh vật” còn có chức năng giúp cá nhân phục hồi “hồn” của cộng đồng mà cá nhân đã đánh mất qua các nghi thức hối cải hay tái-hiến tế như thú tội và đền tội. “Hồn” của bộ lạc không gì khác hơn là căn tính tập thể của mọi cá thể gom lại, và có cái gì đó tương đương với khái niệm “siêu ngã” của Freud. Học thuyết của Durkheim chỉ chú tâm vào hình thức mà thiếu sót nội dung về ý niệm tôn giáo. Nó có khuynh hướng giản lược tôn giáo như là một chức năng của cơ cấu hoạt động xã hội, thay vì bản tính tự tồn tại của tôn giáo. Học thuyết này không giải thích được động lực của linh đạo “ẩn tu”. Phương pháp nghiên cứu nhân học và khả năng áp dụng của học thuyết vào xã hội hiện đại còn bị hoài nghi vì tính mơ hồ và đơn sơ của nó.

 

WEBER: TÔN GIÁO VÀ ĐỘNG LỰC KINH TẾ

Học thuyết của Max Weber (1864 – 1920) không mang tính giản lược, hay chỉ xem tôn giáo như một chức năng căn bản của cấu trúc xã hội. Thay vào đó, Weber nhận thấy giữa tôn giáo và xã hội có mối tương tác liên đới; không chỉ xã hội tác động lên sự hình thành của tôn giáo, mà ngược lại tôn giáo cũng ảnh hưởng trên động lực kinh tế của xã hội. Ví dụ, sự xuất hiện của phong trào Cải Cách đã tạo nên cách tiếp cận mới về thế giới và hệ thống kinh tế tư bản. Weber nghiên cứu về các đặc sủng cá nhân đã giúp tạo nên hay làm thay đổi trào phúng và cấu trúc xã hội. Weber tránh cách giải thích giản lược về tôn giáo, nhưng xem tôn giáo và xã hội là những phần của mạng lưới phức tạp bao gồm nhiều tác nhân và động lực khác nhau.

Khi còn trẻ, Weber theo đuổi tư tưởng của các học giả và chính trị gia Đức quốc. Ông là một “thần đồng mọt sách”, được giáo dục trong khoa luật và kinh tế chính trị. Lập gia đình ở tuổi 29, nhưng hôn nhân của ông hầu như chưa bao giờ thành sự. Năm 1897, ông ta bị suy sụp tinh thần qua cuộc tranh chấp với bố của ông, vốn qua đời trước khi mọi cuộc hòa giải được thực hiện. Sau đó, Weber từ bỏ mọi địa vị hàn lâm, nhưng vẫn tiếp tục hoạt động mạnh mẽ trong lãnh vực báo chí và sáng tác. Mãi cho đến hai năm trước khi mất (1918), Weber mới chấp nhận chiếc ghế giáo sư.

Marx xem tôn giáo như công cụ mà giới trưởng giả dùng để thống trị và khai thác năng lực sản xuất của giới lao động. Durkheim cho rằng, tôn giáo là công cụ gom góp năng lực của các cá thể lại thành sức mạnh tập thể vốn làm cho xã hội gắn bó lại với nhau. Cả hai trường hợp chỉ nhắm vào hoạt động và ảnh hưởng của tôn giáo lên cấu trúc xã hội, nhưng bỏ qua ý tưởng và nội dung của niềm tin tôn giáo. Weber đề nghị dùng phạm trù “understanding” (am hiểu) thay vì “explanation” (giải thích) để phân tích tôn giáo. Ông tin rằng ý nghĩa mà con người gán cho sự kiện thì tùy thuộc vào cách hiện tượng đó tác động lên cuộc sống của họ. Nguồn gốc của tôn giáo không quan trọng cho bằng ảnh hưởng của nó lên động lực kinh tế. Tôn giáo là một trong những yếu tố tạo nên mạng lưới năng lực, bảo tồn cho cấu trúc và chức năng của xã hội qua các khái niệm và tín điều của nó. Là một mạng lưới các biểu tượng, tôn giáo không chỉ giúp con người am hiểu thế giới, mà còn tạo nên những phạm trù cho giá trị luân lý và khuynh hướng hành động.

Ảnh hưởng của đạo đức học Tin Lành trên nền kinh tế tư bản

Qua tác phẩm cổ điển Nền Đạo Đức Tin Lành Và Tinh Thần Của Chủ Nghĩa Tư Bản (The Protestant Ethics and the Spirit of Capitalism,1904), Weber quan sát và thấy rằng, kinh tế tư bản có khuynh hướng thăng hoa hầu hết tại các địa phương mà Giáo Hội Tin Lành đang thống trị, bởi lẽ vì có sự tương quan giữa hai yếu tố này. Weber không kết luận phong trào Cải Cách là nguyên nhân cho kinh tế tư bản; tuy nhiên, ông nhận thấy người dân tại các nước Âu châu tân tiến khi không dùng tiền bạc cho những mục tiêu phung phí xa hoa để hưởng thụ, nhưng có khuynh hướng tiện tặn, tính toán trong việc thu chi và tìm cách đầu tư vào việc phát triển kinh tế cho tương lai. Weber không đồng tình với cách lý giải mang tính vật chất của Marx về mối tương quan giữa tôn giáo và kinh tế. Tuy nền tảng của kinh tế tư bản đã có trước thời Martin Luther (1483 – 1546), nhưng phong trào Cải Cách là động lực thiết yếu cho sự bành trướng của các chế độ kinh tế tư bản.

Trong khi Công giáo xem “ơn gọi” tu sĩ và giáo sĩ có giá trị cao hơn năng lực lao động của giáo dân, thì Luther cho rằng tất cả mọi cách sống và làm việc đều là “ơn gọi”. John Calvin thì đi xa hơn nữa, khi giới thiệu thuyết “tiền định” cho các tín hữu Tin lành đang phân vân về phần rỗi của mình. Trong lúc Công giáo dựa vào sự bảo đảm của bí tích, việc thiện và truyền thống Giáo Hội, thì Calvin lý giải sự tiền định về ơn cứu rỗi có thể được phân định ngay trong đời sống của các Kitô hữu siêng năng làm việc, tiết kiệm, dành dụm, đầu tư và phát triển kinh tế. Thuyết “tiền định” khởi đầu chỉ là một nhân đức về sự phó thác vào sự quan phòng của Thiên Chúa, nhưng dần dần đã trở nên động lực cho đạo đức học kinh doanh và là chứng cớ cho sự tương quan trực tiếp với Thiên Chúa. Giáo lý Tin Lành xem mọi thành công về lao động và kinh doanh đều là dấu hiệu của ân sủng, vì chúng cung cấp động lực nội tâm cho sự siêng năng và chịu khó làm việc của tín hữu. Tuy mối tương quan giữa tôn giáo và kinh tế không nhất thiết phải liên tục mãi, nhưng nó là một sự kiện lịch sử đáng cho ta nghiên cứu và tìm hiểu về bản chất của tôn giáo

Như thế đối với Weber, tôn giáo không chỉ là một hiện tượng mạc khải cá biệt, mà còn là động lực để thay đổi xã hội. Weber liệt kê ba mô hình tiêu biểu về chức năng của tôn giáo. Nhà ảo thuật tuy có khả năng mê hoặc cộng đồng với những “tuyệt chiêu” tay nghề của mình nhưng ông vẫn giữ độc quyền nghề nghiệp, vì tự bản chất nó xuất phát từ tài năng hay ơn gọi riêng của ông. Vị thượng phẩm thì dựa trên “cơ cấu tập thể” vốn qua hệ thống giáo dục, nghi thức tôn giáo sẵn sàng bảo đảm quyền lực và cho phép ông nắm giữ cửa vào cõi thánh thiêng. Ngôn sứ thì chấp nhận ơn gọi dám lên “tiếng nói thử thách” cho cộng đoàn về lối sống đạo đức, giả định văn hóa và lý tưởng của cộng đoàn đó. Ngôn sứ dạy bằng ví dụ và hành vi hơn là lời giảng, và thường nhấn mạnh vào sự hoán cải và công bằng xã hội. Weber chỉ hoàn tất được ba bộ biên tập trước khi qua đời: Các Tôn Giáo Trung HoaCác Tôn Giáo Ấn Độ và gần xong bộ Các Tôn Giáo Do Thái. Cách thu thập dữ kiện lịch sử của ông còn nhiều thiếu sót so với tiêu chuẩn hiện nay, nhưng tư tưởng và nghiên cứu của ông là một đóng góp quan trọng để giải thích mối tương quan giữa tôn giáo và nền kinh tế tư bản. Vấn đề chưa được giải thích thỏa đáng là cho dù “đạo đức học Tin Lành” không xuất hiện bên ngoài Âu Châu, nhưng hệ thống kinh tế tư bản vẫn tràn lan nhanh chóng ở nhiều khu vực khác trên thế giới.

 

BERGER: TÔN GIÁO LÀ LỌNG CHE THÁNH THIÊNG

Peter Berger (1929 – 2017), một giáo sư trẻ trong thập niên 1960 đã tổng hợp các học thuyết xã hội về tôn giáo trước đó, và sắp xếp chúng lại để giải thích luận đề ‘xã hội là trung gian chuyển tải cho khái niệm tổng thể, vốn điều phối mọi phần tử trong đó’. Khái niệm tổng thể được gọi là “quy chế” (nomos) có khả năng quy tụ thực tại chung quanh một phạm vi nào đó được cho phép. Trong cuốn Lọng Che Thánh Thiêng (The Sacred Canopy, 1967), Berger giải thích tiến trình mà xã hội đã tạo nên, duy trì và chuyển tải “nomos” đến mọi phần tử của xã hội. “Nomos” được phóng chiếu lên và khách thể hóa như là một cái gì hoàn toàn xa lạ, chứ không phải là sản phẩm của xã hội. Khi “nomos” bị đe dọa, tôn giáo sẽ cung cấp các cơ chế mà xã hội dùng để bình thường hóa sự kiện này, và trở nên động lực thúc đẩy hướng đi của lịch sử. Qua cách này, Berger gán cho tôn giáo một vai trò tích cực như một động lực xã hội mà nhiều nhà nghiên cứu trước đó đã loại bỏ.

Sinh ra ở nước Áo (Austria), Berger di tản sang Mỹ. Và sau khi học tại “The New School for Social Research”, Berger đã đẩy mạnh phong trào nghiên cứu xã hội học về tri thức. Đây là bộ môn nghiên cứu về tiến trình mà qua đó xã hội đặt định và tổ chức thực tại, vốn được cá nhân chấp nhận như xuất phát từ chiều sâu ý thức của chủ thể và cho rằng “mọi sự là như thế”. Tôn giáo là một trong những yếu tố tập huấn trong tiến trình hình thành của “nomos”. Berger là một trong những học giả tiên phong về chủ thuyết thế tục hóa vốn cho rằng trong thế giới tân thời, tôn giáo sẽ không còn chỗ đứng nữa; nhưng sau một thời gian, ông đã bổ sung quan điểm này.

Trong cuốn Cơ Cấu Xã Hội của Thực Tại (The Social Construction of Reality, 1966), Berger chỉ ra rằng, vì con người sinh ra phải đối diện với thế giới mà không có một “bản năng” tự nhiên nào cả, nên cần phải có tri thức để tồn tại. Thế nhưng, mỗi cá nhân tự mình không thể tạo ra tất cả tri thức cần thiết, mà cần phải học hỏi qua sự giao tiếp với các cá nhân khác trong xã hội. Để rồi, mỗi cá nhân sẽ trao đổi kiến thức mà mình đạt được cho những người khác; và như thế, sự kiến tạo, bảo trì, chuyển tải tri thức là những sự kiện và yếu tố nhân học căn bản. Tri thức không chỉ là những gì cá nhân sở hữu, nhưng nó tồn tại ở cấp độ cộng đồng, vì nó là tập hợp của những tri thức mà cộng đồng đạt được. Tri thức có thể tăng cường, phát triển hay suy tàn, nhưng chỉ ở cấp độ cộng đồng.

Tôn giáo là “Lọng Che Thánh Thiêng” của “nomos”

Tập hợp tri thức vốn có khả năng điều phối tất cả thế giới quan thì được gọi là “nomos”, tiếng Hy-lạp có nghĩa là “quy phạm, quy chế, trật tự.” Khái niệm “nomos” cho ta bức tranh “thực tại là như thế”. Nó đạt được vị thế đó qua ba giải trình: (a) Tiến trình hiện hóa, qua đó con người phóng chiếu thế giới quan của mình ra thế giới bên ngoài. (b) Tiến trình khách thể hóa, qua đó những gì đã phóng chiếu ra ngoài thì được xem là thực tại khách quan. (c) Tiến trình nội tâm hóa, qua đó thực tại khách quan được tiếp thu vào tâm trí của mọi cá nhân như là hình ảnh chân thực của thế giới.

Vì bức tranh thực tại này cần phải được bảo trì cho khỏi bị xói mòn, do đó cần phải có những cơ chế bảo đảm cho khả năng kéo dài tính hợp lý của “nomos” như hệ thống giáo dục, mạng lưới thông tin hoặc quy chế về văn hóa cổ điển. Nếu các cơ chế hợp lý này đủ sức mạnh, thì mọi người sẽ đón nhận “nomos” như là cái tự có sẵn. Thế nhưng, cơ chế hợp lý cũng có thể trở nên lỏng lẻo một khi các “nomoi” (phản-quy chế) hoặc các sự cố mâu thuẫn bắt đầu xuất hiện.

Lúc đó, xã hội cần phải khai triển lý lẽ biện hộ cho sự có mặt của “nomoi” trong phạm vi có thể chấp nhận được của “nomos”. Dân tộc Do Thái cổ xưa xem cuộc lưu đày Babylon như là “hình phạt” cho việc bất tuân lời giao ước với Đức Chúa. Cái chết cũng có thể giải thích như là “ngưỡng cửa” để đi vào cõi hằng sống. Tai họa hay đau khổ xã hội cũng có thể được lý giải như là hậu quả luân lý của tội lỗi. Nếu thần lý học thất bại, thì sự cố dị thường sẽ xảy ra và “nomos” sẽ sụp đổ. Đó là điều mà mọi cơ chế xã hội đều không muốn thấy. Xã hội không thể để cho cách lý giải về sự dữ hay các sự cố phản-quy chế vượt lên trên tính hợp lý được cho phép của “nomos”.

Vì thế, bằng nhiều cách cá nhân cần phải được tập huấn qua quy trình chấp nhận “nomos” như là cơ chế hiển nhiên và hợp lý, hầu để xóa bỏ mọi khuynh hướng xem thế giới như là sản phẩm của tư duy cá thể. Tại các quốc gia theo chủ nghĩa xã hội, quy trình tập thể bị áp đặt cách tiêu cực hơn, đến nỗi cá nhân chỉ biết “nomos” là hình thức tồn tại duy nhất, và không thể phân biệt giữa tư duy cá thể và tư duy tập thể. Berger quan sát và thấy rằng trong xã hội Hoa Kỳ, sự thăng tiến của khoa học và lý tính đã tiếp sức cho tiến trình thế tục hóa; kết quả là, hiện tượng phản-quy chế (nomoi) về nghi thức và biểu tượng tôn giáo chỉ tồn tại ở mức độ cao nhất và thấp nhất trong xã hội. Điều này có nghĩa là sự tranh chấp giữa “nomos” và “nomoi” tiêu biểu trong tôn giáo, đã bị sức mạnh của chủ nghĩa thế tục đẩy ra khỏi phạm vi thống trị của các đại tự sự (grand narratives) của xã hội hiện đại.

 

Tài liệu tham khảo:

Émile Durkheim. Elementary Forms of Religious Life. Macmillan, New York, 1915 (French: 1912).

Max Weber. The Protestant Ethic and the Spirit of Capitalism. Penguin Twentieth-Century Classics, New York, 1904.

Peter Berger. The Sacred Canopy. Doubleday and Company, New York, 1967.


Chia sẻ