Skip to content
Main Banner
LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11) - HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ THẦN (23/11) - LỄ ĐỨC MARIA VÔ NHIỄM (nghỉ bù) (09/12) - Tiết học cuối của học kì I (10/12) - Ôn thi học kì I (16/12)

TÔN GIÁO VÀ THIÊN NHIÊN

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 09:14 UTC+7 141

Fr. Joseph Tân Nguyễn, ofm

1695604921-ton-giao-va-thien-nhien.jpg

Khoa học loại trừ bất cứ quy luật tiền định nào về vũ trụ vật chất, nhưng cuối cùng khoa học vẫn cố tìm cho ra trật tự kết xuất từ sự hỗn loạn và ngẫu nhiên để thế giới tồn tại. Nếu chúng ta loại trừ cứu cánh, thì không có cách lý giải nào có thể giải thích được tại sao có sự cân bằng giữa năng lực và sự hỗn độn (entropy), vốn đang bảo trì sự tồn tại liên tục của vũ trụ. Hơn nữa, cho dù khoa học giả định sự sống phát triển một cách ngẫu nhiên, nhưng khoa học vẫn không thể loại trừ hoàn toàn sự can thiệp nào khác từ bên ngoài để có sự sống (Behe). Có vô số các trường hợp mà sự sống đạt đến mục đích một cách rất sáng tạo và thích ứng được với mọi tình huống của thiên nhiên. Nếu không có những mô hình hoạt động và thích ứng trong thiên nhiên, thì cũng không có khoa học. Luận cứ “thiết kế” của Thánh Tôma vẫn còn giá trị cho thế giới khoa học ngày nay, để minh chứng cho sự tồn tại của một Thiên Chúa toàn tri và siêu việt. Thuyết Tiến hóa không thể loại trừ sự can thiệp của một trí tuệ thông minh và sáng tạo từ bên ngoài quá trình tiến hóa.

VŨ TRỤ CÓ CẦN THIÊN CHÚA ĐỂ TỒN TẠI KHÔNG?

Chúng ta không thể hiểu: Tại sao một Thiên Chúa thông minh tuyệt đối lại phải tận dụng cả bộ máy phức tạp và bao la, gồm vô số thiên hà chỉ để tạo nên một hành tinh có khả năng bảo trì sự sống, đặc biệt khi sự sống con người chỉ là một khoảnh khắc nhỏ nhoi so với khoảng thời gian thành hình của vũ trụ? Cách phán đoán mục đích của tạo dựng từ quan điểm nhân học thì hạn hẹp, so với những gì khoa học còn đang tiếp tục khám phá về nhiều “trái đất” khác có dấu hiệu nuôi dưỡng sự sống. Khi lý luận rằng, một người thông minh sẽ không phí phạm khi tạo ra sự vật, thì có thể suy ra Thiên Chúa thông minh cũng sẽ không làm như vậy; thế nhưng, việc dùng lộ trình phức tạp để đạt đến cùng đích yêu quý có phải là lãng phí và thiếu khôn ngoan, hay là chứng cớ của quyền năng? Những loại “virus” hay “genes” đơn sơ nhất, tuy chưa phát triển hoàn toàn nhưng đã thành công nhất trong những bước biến dạng mang tính đột phá ngoài sự tưởng tượng của con người. Những kẻ yếu đuối, với nguồn liệu ít ỏi và lối sống đơn sơ, thì thường cẩn trọng hơn trong cách dùng sự vật để kéo dài sự sống qua những cơn hoạn nạn.

Chúng ta có thể nhận ra vì tất cả mọi hữu thể là bất tất, và với thực tại các ngôi sao hay thiên hà xuất hiện rồi tiêu hủy qua thời gian, chúng ta phải kết luận: vũ trụ không thể tự tồn và bất tất. Hơn nữa, sự tồn tại của vũ trụ lệ thuộc vào hiện trạng quân bình của vô số yếu tố vật lý trong trạng thái thay đổi và tiến hóa, từ mức độ hạt điện tích (electrons), nguyên tử, phân tử, con người, cho đến trái đất, ngôi sao và thiên hà, thì không thể nói vũ trụ là hoàn hảo. Vũ trụ chỉ là một tiềm thể biến dạng theo thời gian, một hệ thống lệ thuộc vào nhiều hệ thống khác, được kết tụ lại do nhiều bộ phận đặc thù và riêng biệt. Nếu vũ trụ không là tự tồn, tất yếu và hoàn hảo tuyệt đối, thì vũ trụ phải được tạo nên. Thuyết Phiếm thần cho rằng, vũ trụ xuất phát từ bản chất thần linh; nhưng nếu Thượng Đế phải thay đổi với mỗi giai đoạn tiến hóa của thế giới, chuyển từ tiềm thể sang hiện thể, thì Thượng Đế ở mỗi thời điểm chỉ sở hữu một mức độ hoàn hảo nào đó. Điều này mâu thuẫn với tiền đề về Thượng Đế là bất biến, hiện thể tinh tuyền và hoàn hảo vô hạn.

Kế tiếp, nếu vũ trụ được tạo nên không do bản chất thần linh hay bất cứ bản thể vật chất nào khác, thì vũ trụ phải được tạo dựng “từ hư vô”. Vì lẽ, nếu bất cứ bản thể vật chất nào tồn tại, thì nó phải tất yếu và tự tồn, hoặc là tất yếu nhưng không tự tồn. Thế nhưng, bất cứ gì tất yếu thì hoàn hảo vô hạn, tức là Thượng Đế; và không thể có hai hữu thể hoàn hảo vô hạn cùng lúc. Hơn nữa, bất cứ gì không tự tồn, thì nguồn gốc và sự tồn tại của nó phải lệ thuộc vào Thượng Đế như là nguyên nhân tác thành. Tóm lại, nếu vũ trụ được tạo thành không do bản chất thần linh hay bất cứ bản thể vật chất nào khác tồn tại độc lập khỏi Thượng Đế, thì tất yếu vũ trụ được tạo dựng nên từ hư vô. Về vấn đề tạo dựng “trong thời gian” chưa có sự đồng nhất. Thánh Bônaventura cho rằng, ý tưởng vũ trụ tồn tại từ vĩnh cửu là một điều vô lý đối với triết học; trong khi đó Tôma lý luận nếu Thiên Chúa muốn, thì Người có thể tạo nên một vũ trụ vĩnh hằng. Còn Suarez thì trung lập khi cho rằng, từ vĩnh cửu Thiên Chúa có thể ban cho thụ tạo trạng thái biến dịch và tồn tại theo từng giai đoạn.

Từ những gì đã được bàn ở trên, chúng ta có thể nhận ra rằng cho dù vũ trụ giãn nở bao nhiêu đi nữa, hay cho dù có mất hàng tỷ năm để ánh sáng đến với chúng ta, thì vũ trụ vẫn không bao giờ trở thành Thiên Chúa được. Bạn có thể kéo dài tay cầm máy cắt cỏ ra bao nhiêu đi nữa, thì nó vẫn sẽ không bao giờ tự cắt cỏ được. Như thế, bằng cách gia tăng chiều kích của vũ trụ, chúng ta không thể thay đổi bản chất tùy thuộc căn bản của vũ trụ. Những chiều kích vĩ mô và mênh mông, gồm vô số các vì sao không thể tưởng tượng được, thì càng cho ta thấy rõ hơn ý nghĩa của sự toàn năng và vĩ đại của Thiên Chúa. Trong khi các nhà khoa học vũ trụ có thể mê hoặc khả năng tưởng tượng của con người bằng những dãy số dài vô tận, thì lý trí vẫn có thể gạt qua một bên sự rối rắm về những con số và nêu lên câu hỏi triết học: Đâu là nguyên nhân tác thành tối hậu, mà nhờ đó vũ trụ có thể xuất hiện? Nếu vũ trụ là một tổng thể tùy thuộc, bất tất và nhận sự tồn tại của nó từ cái gì khác, thì chúng ta không thể giải thích gì hết về vũ trụ khi chỉ bàn về chiều kích vĩ đại của các phần tử trong vũ trụ. Gia tăng các con số chỉ cho thấy sự tùy thuộc, chứ không chứng minh được tính độc lập của vũ trụ, cũng như chúng ta không thể trả hết nợ khi tiếp tục vay thêm nợ mới.

Triết học không chỉ minh chứng Thiên Chúa như điều kiện thiết yếu cho khả năng hiện hữu của thế giới; mà còn phải lý giải sự toàn tri vô hạn của Thiên Chúa. Điều này có thể được thiết lập mà không cần phải nại đến luận cứ “thiết kế” của Thánh Tôma. Khi thuyết vật chất vô thần cho rằng, con người phóng chiếu trật tự các ảo vọng của mình lên vũ trụ, thì nó cũng phải giả định thêm rằng, muốn làm được thế thì con người phải sở hữu trí khôn. Tuy nhiên, trí khôn của con người không thể làm được như thế, nếu Đấng tạo ra trí khôn con người bị mù, vô lý, vô tri hay vô tâm. Chỉ từ sự kiện vũ trụ năng động được tạo dựng bởi Đấng Tạo Hóa toàn năng và toàn tri, thì ta mới có thể suy ra rằng vũ trụ có mục đích. Thiên Chúa không thể không biết trước tiến trình phát triển của vũ trụ, vốn là hiệu quả của những năng lực tự nhiên mà Người đặt để vào trong các thụ tạo. Người đã đặt định mọi giai đoạn tiến hóa của vũ trụ và sinh vật, như một tiến trình tự nhiên và tất yếu.

Cho dù ngôi nhà trái đất của con người chỉ là một hành tinh nhỏ bé so với chiều kích vĩ mô của vũ trụ, nhưng con người vẫn giữ một tư thế đặc biệt giữa muôn loài thụ tạo. Sự sống của con người cho thấy vai trò ưu việt của con người trên các loài thụ tạo khác. Khó mà lý giải một cách đầy đủ về nguồn gốc của sự sống đầu tiên, nếu ta không giả định sự tồn tại của một nguyên nhân thông minh nào đó. Nguồn gốc của thân xác có thể giải thích bằng quá trình tiến hóa, nhưng chúng ta vẫn không thể tiếp tục giải thích như thế về nguồn gốc của bản tính thiêng liêng và phi vật chất của linh hồn. Thật vậy, chính linh hồn làm cho con người hiểu biết, yêu mến, chọn lựa cách tự do, và tách biệt con người ra khỏi mọi phần còn lại của thụ tạo. Trí thông minh giúp con người đào sâu vào những bí ẩn của thiên nhiên, thấu hiểu các hoạt động của vũ trụ để thống trị và làm chủ trái đất, cũng như thuần hóa các năng lực tự nhiên nhằm phục vụ cho mục đích của mình. Cho dù vũ trụ là bao la hay vĩ đại bao nhiêu đi chăng nữa, thì con người vẫn có thể “nhét” cả vũ trụ vào trong cái đầu nhỏ nhoi của mình. Và nếu chúng ta tiếp tục phán đoán bằng số lượng thay vì phẩm chất, thì chúng ta sẽ không thể thấu hiểu yếu tính đặc thù của con người giữa muôn loài thụ tạo mà chúng ta biết đến.

Chủ thuyết Duy tâm không phân biệt giữa những gì là thiết yếu hay phụ thuộc của giá trị chân thực của con người. Con người thật sự siêu việt hơn mọi thụ tạo vô tri và hoang dại, bởi vì con người đang sống và sở hữu một linh hồn thiêng liêng. Khi kết nối tri thức tự nhiên với những gì đã được mạc khải, chúng ta sẽ có một nền tảng độc lập để khẳng định phẩm tính đặc thù của con người. Điều ngẫu nhiên là Thiên Chúa đã tạo nên thân xác khi tạo dựng con người, và đã chọn vũ trụ bất ổn này là nơi cư ngụ tạm thời cho con người. Thế nhưng, Thiên Chúa đã ân ban cho con người lý trí và ý chí, vốn giúp chúng ta biết cách điều phối phần còn lại của thụ tạo, hầu để phục vụ cho nhu cầu sự sống của mình. Sự kiện con người dùng lý trí của mình để tìm hiểu về Đấng Tạo Hóa đưa đến kết luận rằng: Thiên Chúa đã mặc định cho con người khả năng hiểu biết và yêu mến Đấng tạo nên mình, đồng thời cũng quan phòng để con người vinh danh Thiên Chúa. Tuy nhiên, bộ máy vũ trụ bao la này không được đặt định chỉ với mục đích tạo nên con người, hay nhằm phục vụ cho con người mà thôi; nhưng cách nào đó, vì tất cả mọi sự đều đang hỗ trợ cho sự sống của con người.

Đức tin cho chúng ta biết rằng, linh hồn con người là bất tử và được tiền định để đạt đến vinh phúc chiêm ngắm Thiên Chúa ở sự sống đời sau. Nhưng để đạt đến cùng đích này, con người cần phải thỏa mãn một số điều kiện mà Thiên Chúa mời gọi, căn cứ trên sự đáp trả tự do của con người. Chúng ta tin rằng trong vinh phúc Nước Trời, con người được biến đổi và đời đời sẽ được tồn tại trong cõi vĩnh hằng. Sự sống không chỉ bị giới hạn trong cung thời gian ngắn ngủi và hành tinh nhỏ bé mà chúng ta gọi là trái đất. Trong dự tính siêu nhiên của Thiên Chúa, vai trò tối hậu của vũ trụ không chỉ được đặt định bởi bản chất của hữu thể vật lý. Liệu chúng ta có thể nói mãi về cùng đích tự nhiên của con người mà không chạm đến cùng đích siêu nhiên hay không?

TẠI SAO THIÊN CHÚA TẠO DỰNG?

Chúng ta biết, vinh quang là tỏ hiện sự hiểu biết bằng lời ca tụng hay một nhận thức công khai về sự hoàn hảo của ai đó bằng lời ca ngợi và yêu thương. Vinh quang khách thể là khi một đối tượng tỏ lộ và thể hiện sự hoàn hảo của ai đó, như sự thành đạt học vấn của con cái là vinh quang khách thể cho lối giáo dục của cha mẹ. Vinh quang bản thể chỉ đến từ một hữu thể có trí khôn, với sự khác biệt giữa vinh quang bản thể nội tại (nhận diện bản tính hoàn hảo vô hạn của Thiên Chúa) và vinh quang bản thể ngoại tại (ý thức về sự sung mãn của Thiên Chúa nơi các thụ tạo). Công đồng Vatican II chỉ ra rằng, thế giới được dựng nên do vinh quang bản thể nội tại của Thiên Chúa, và nhấn mạnh động lực của tạo dựng là cứu cánh mà thụ tạo sẽ hoàn thành, chứ không phải là cái tác động lên ý định tạo dựng của Thiên Chúa. Sự thể hiện của bản tính hoàn hảo và sung mãn vô hạn của Thiên Chúa cho thấy vinh quang khách thể nội tại của Thiên Chúa. Những công trình mà Thiên Chúa đã tạo dựng nói lên vinh quang khách thể ngoại tại, vì mỗi một thụ tạo mang dấu vết bàn tay của Đấng tạo nên nó. Vì sự hoàn hảo của thụ tạo là thông dự vào sự hoàn hảo của Thiên Chúa, nên hành vi tạo dựng được xem như là việc thông truyền sự thiện hảo của Người. 

Tại sao Thiên Chúa không chỉ tạo nên loài thụ tạo vô tri mà còn cả loài có trí khôn nữa? Trước nhất, Thiên Chúa không cần dựng nên loài thụ tạo có trí khôn để chúng cất tiếng ca ngợi Người (khách thể), và Thiên Chúa không thể tạo dựng mà không có ý định làm vinh danh Người (bản thể); cả hai quan điểm này cần bổ túc cho nhau. Theo lý trí tự nhiên, con người vẫn có thể khẳng định rằng vinh quang bản thể là cứu cánh của vũ trụ đang hiện hữu. Nhưng thật là sai lầm khi cho rằng, lúc tạo nên con người, Thiên Chúa tìm kiếm vinh quang bản thể, một giá trị nào đó xứng đáng với bản tính của Người trong mọi sự Người làm. Công đồng Vatican II chỉ ra rằng, với bản tính tốt lành của mình, Thiên Chúa muốn tỏ lộ và thông truyền sự thiện hảo của Người cho mọi thụ tạo, chứ không phải để tìm kiếm hạnh phúc hay gia tăng sự hoàn hảo của Người. Sự hoàn hảo của Thiên Chúa không buộc Người phải tạo dựng, nhưng hành vi tạo dựng của Người xuất phát từ sự tự do và lòng nhân hậu của Người. Vì thế, hành vi sáng tạo của Thiên Chúa chính là phản đề cho quan điểm Thiên Chúa tìm kiếm hạnh phúc cho chính mình.

Vì Thiên Chúa không lệ thuộc vào bất cứ điều gì khác bên ngoài, cho nên ý định tạo thành của Người vừa là nguyên nhân tác thành vừa là nguyên nhân cứu cánh của vũ trụ. Thật ra, khái niệm “cứu cánh” không thể áp dụng cho động cơ nguyên thủy (Aristotle). Nguyên nhân túc lý (sufficient reason) của Leibniz cho rằng cái được tạo dựng không thể hoàn hảo như Đấng tạo dựng ra nó, thì đang từ chối quyền tự do tuyệt đối của Thiên Chúa. Nguyên nhân túc lý chỉ giải thích được giới hạn của sự thiện nơi thụ tạo, tức là điều kiện của tạo thành, chứ nó không thể giải thích động lực tạo dựng của Thiên Chúa. Ý muốn tự do của Thiên Chúa đủ để giải thích lý do Người hành động. Sự thiện hảo của Thiên Chúa là một điều thiết yếu, mà thiếu nó Người không thể là Thiên Chúa. Nếu Người muốn truyền thông sự thiện hảo của Người qua tạo thành, thì Người sẽ làm như thế. Nếu Người chọn từ muôn đời không tạo dựng, thì Người sẽ làm như thế. Không có thứ gì khác ngoại trừ tự do của Người. Lý do chính yếu ‘tại sao Thiên Chúa tạo dựng thế giới hiện nay?’ được giải thích trong phạm vi quyền năng tối thượng và ý muốn độc lập của Thiên Chúa. Thiên Chúa hành động cách hợp lý theo nghĩa là Người không (a) hành động cách mù quáng hay thiếu tri thức, hay (b) thiếu khôn ngoan như khi chọn mục tiêu mà không cung cấp phương tiện thiết yếu để đạt được mục tiêu ấy. Do đó, cứu cánh của vũ trụ là do Chúa chọn và thi ân những điều kiện và khả năng cần thiết để nó đạt đến cùng đích đó.

Theo Augustinô: “Chúng ta hiện hữu bởi vì Thiên Chúa tốt lành”. Nguyên nhân cứu cánh là điểm đến, chứ không phải là điều kiện chi phối ý định của Thiên Chúa. Thụ tạo không thể mặc định hay điều động ý muốn của Thiên Chúa, vì Người không tìm kiếm hạnh phúc hay gia tăng sự hoàn hảo của Người qua cách đưa muôn loài thụ tạo vào hiện hữu. Qua tiến trình tiến hóa và phát triển, thụ tạo đạt đến mức độ hoàn thành viên mãn của chúng và tham dự hay thông truyền với sự hoàn hảo của Thiên Chúa. Khi theo đuổi sự hoàn hảo phù hợp với mỗi hữu thể thì mỗi thụ tạo cũng đang tìm cách trở nên như Thiên Chúa. Mọi thụ tạo đều hướng về Thiên Chúa như cứu cánh của chúng. Không gì được cho là tốt lành, trừ khi mỗi thụ tạo đang tham dự vào sự đồng dạng với Thiên Chúa cách nào đó. Một cách hiển nhiên, Thiên Chúa đã muốn mọi thụ tạo có trí khôn trở nên giống như Người qua cách hiểu biết và yêu mến những gì Người biết và yêu mến. Khi hướng về cùng đích siêu nhiên này, thì mọi sự như tạo thành, thánh hiến, và ân sủng được xem như là những phương tiện để linh hồn con người được cải biến thành bản tính siêu nhiên. Biến cố Nhập Thể đại diện cho giai đoạn tột đỉnh của thụ tạo được thông dự vào sự thiện hoàn hảo của Thiên Chúa.

Trong Tổng luận Thần học (Summae Theologia), Phần I, Thánh Tôma nhận xét rằng, điều nổi bật nhất về thế giới chúng ta đang sống là thiên nhiên ở khắp mọi nơi đều hành động vì một mục đích hay sự tận cục, như được thấy trong các hoạt động theo khuôn mẫu trong thế giới thể lý.[1] Chúng ta biết chúng ta mong muốn gì từ thiên nhiên, và thiên nhiên dâng tặng cho chúng ta cách trọn vẹn cho đến cùng. Nhưng nếu tự bản chất thiên nhiên là vô tri, thì hành vi thông tri của bản chất ấy phải đến từ Tác Giả của bản chất vô tri và của toàn thể hữu thể. Thiên Chúa, Đấng Thượng Trí, bởi chính hành động tạo ra thế giới vật chất đã cho thấy trí thông minh của Người qua dấu vết mà thế giới không thể xoá nhoà. Cũng như trí tuệ của nghệ nhân ẩn hiện trong các tác phẩm của mình, chúng ta có thể nhìn thấy Trí Tuệ của Người Thợ Thần Linh trong thiên nhiên là chính sản phẩm từ tay Người. Cho dù chúng ta không thể tiếp cận cách trực tiếp với Đấng Tạo Dựng thượng trí của vũ trụ, nhưng qua hệ quả là chính vũ trụ với hoạt động đầy trí tuệ, chúng ta kết luận được về sự tồn tại của Đấng Sáng Tạo.

Thiên Chúa là một nghệ gia đang trình diễn trước mắt chúng ta một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại với thiên tài của Người. Nghệ thuật sống động này vẫn còn đang tiếp diễn, một bức tranh minh họa tổng thể sự sống của muôn loài sinh vật được lồng trong lịch sử của chúng. Tiến hóa không phải là một lộ trình liên tục, nhưng là những bước nhảy từ một dạng thức sự sống đơn sơ tung ra các biến dạng khác theo những khuynh hướng cố định, rồi cũng bị phân tán qua thời gian và chỉ có vài phần tử tiếp tục tồn tại. Điều này minh họa cho câu nói của thánh Augustinô: “Chúng ta đang quan sát Nghệ Gia Vĩ Đại của vũ trụ và sự Khôn Ngoan của Thiên Chúa đang nhảy múa trên mặt trái đất.” Lịch sử là một “bài thơ đẹp nhất” được Đức Khôn Ngoan trình diễn, từ giây phút thành hình của đơn bào đầu tiên cho đến sự sống của con người, tất cả đều chỉ thuộc về một cung điệu mà thôi. Vũ trụ cho chúng ta một bài học quý giá về thế nào là toàn năng, toàn tri, bao la và sáng tạo.

Cuối cùng, nếu thế giới con người quá nhỏ bé so với một vũ trụ quá bao la, thì làm sao có thể tin rằng Thiên Chúa vẫn chú tâm đến chúng ta? Tất cả là tùy thuộc vào cách mà chúng ta tin Thiên Chúa là Đấng Vĩ đại bao nhiêu? Nếu trí thông minh là khả năng thấu hiểu chi tiết, thì đối với một Trí Tuệ hoàn hảo tuyệt đối hơn mọi trí tuệ vĩ đại trên trần gian, bao nhiêu sợi tóc trên đầu của chúng ta hay bao nhiêu con chim én rơi xuống đất thì cũng không thể thoát khỏi sự lưu tâm của Người. Ngay một nguyên tử nhỏ nhoi cũng sẽ biến mất, nếu Thiên Chúa lãng quên hay từ chối nâng đỡ nó. Sự huyền diệu của vũ trụ ở mức độ vĩ mô lẫn vi mô cho ta một cảm thức khiêm tốn lành mạnh. Sự khiêm tốn này chuẩn bị cho lý trí đón nhận tri thức đến từ đức tin, đánh thức nơi con người lòng khao khát về sự sống vĩnh hằng. Nhờ đó, sự hiểu biết hoàn hảo sẽ đến trong thị kiến vinh phúc với Chân Lý Vĩnh Cửu.

 

Tài liệu tham khảo

Joseph Tân Nguyễn. Triết Học Thiên Nhiên, NXB Đồng Nai, 2021

Joseph Tân Nguyễn. Tôn Giáo: La Bàn Thiêng Liêng cho Con Người. NXB Đồng Nai, 2023

 

[1] St. Thomas Aquinas, The Summae Theologica, translated by the English Dominican Province, truy cập ngày 23/3/2023. http://www.documentacatholicaomnia.eu/03d/12251274,_Thomas_Aquinas,_Summa_Theologiae_%5B1%5D,_EN.pdf.

Chia sẻ