Bonaventura: Tương quan Triết_Thần
THÁNH BONAVENTURA
(1221-1274)
Tổng lược về thánh Bonaventura
Siêu hình học mang tính thần học của Bonaventura
Tri thức luận của Bonaventura: Lộ trình đi vào Thiên Chúa
Tương quan Triết – Thần
=====================
TƯƠNG QUAN TRIẾT THẦN5
Trong khi Aquinas có khuynh hướng dùng triết học như là khung tri thức cho thần học, thì Bonaventura khai triển triết học qua lăng kính của con người đang sống trong thế giới như là sự thiện hảo tuôn trào từ với Đấng Tối Cao là nguồn gốc của mọi sự. Triết học của Bonaventura là một lộ trình hoán cải gồm ba giai đoạn, mỗi giai đoạn gồm hai bước, đi vào và đi lên. Hai bước đầu tiên là nhận diện các dấu tích hoạt động của Thiên Chúa nơi toàn thể thụ tạo. Hai bước kế tiếp gồm nhận diện hình ảnh của Thiên Chúa qua các chức năng trong tâm hồn con người. Hai bước cuối cùng là biện phân Thiên Chúa nơi chính Người, qua sự hiệp nhất trong Thiên Chúa và trong bản tính Ba Ngôi của Thiên Chúa. Bonaventure không tạo ra một không gian riêng biệt cho triết học hay cho thần học nhưng Aquinas phân biệt giữa “tự nhiên”và “siêu nhiên”. Trái lại, Bonaventure dùng triết học như là phương pháp để khai triển và suy tư thần học, vốn là chủ đề bao gồm tất cả mọi tri thức của chúng ta về Thiên Chúa.
Triết học Bonaventura dùng học thuyết soi sáng của Augustino cùng với quan điểm thần bí học của Tân Platô để bổ túc cho những thiếu sót trong triết lý của Aristote. Bonaventura chấp nhận một cách căn bản nguyên tắc tri thức của Aristote “quan sát/suy tư/phán đoán/đưa ra phạm trù.” Tuy nhiên, sự quan sát hay tri giác về vũ trụ bên ngoài có được là do ánh sáng thể lý, cũng như thế, tri thức về chân lý bên trong là cũng do ánh sáng Vĩnh cửu đang chiếu soi trên tâm hồn của chúng ta. Từ đó con người nhận ra rằng thụ tạo như một sự tuôn trào của sự thiện hảo tối cao là nguồn và là tác giả của mọi sự thiện trên trần gian. Như thế, triết học có thể giúp con người hiểu và lý giải các bước đi trong hành trình tâm linh trở về với nguồn cội của Sự Thiện.
Phương pháp suy tư của Bonaventura không dễ bị xếp đơn giản thuộc lãnh vực triết học hay thần học. Trong lúc triết học giúp cho các chủ đề của đức tin trở thành khả tri thì thần học kết nối lý trí với nội dung rút tỉa từ các nguồn của mạc khải. Đối với Bonaventure, mục đích của thần học là khai triển tri thức giúp đưa chúng ta đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, và ngài dùng triết học như những phương pháp nghiên cứu trong thần học. Chính sự kết hiệp với Thiên Chúa, hạnh phúc đích thực và tối hậu của con người, là cùng đích mà triết học và thần học muốn đạt đến. Tác phẩm “Itinearium mentis in Deum”, dựa trên thị kiến của Thánh Phanxicô về Thiên Thần 6 cánh bao trùm thánh giá, khai triển một lộ trình gồm ba bước mà con người có thể đến với Thiên Chúa. Nếu vũ trụ là sự lan tỏa của sự thiện chính là Thiên Chúa, thì ba bước này cũng là ba mức độ mà thực tại tỏ hiện cho chúng ta, và cũng là ba cấp độ hoán cải trong linh đạo của Bonaventura. Cho dù Bonaventura không tách biệt triết học ra khỏi thần học, và cũng không viết một bộ khảo luận triết học nào nhưng chúng ta vẫn có thể rút ra một số “làn chỉ đỏ” triết học qua tác phẩm nổi danh này.
Siêu Hình Học
“Bản chất của thực tại là gì?” Bonaventura cho rằng thực tại là sự lan tỏa hay tuôn trào (fecunditas) của sự thiện tối cao, tức là sự hiện diện của chính Thiên Chúa Ba Ngôi theo cách vĩnh cửu và theo cách thời gian. Trong sự phát tỏa theo thời gian thì có ba cấp độ khác nhau. Các cấp độ hiện diện này thì tương đương với ba mức độ của tồn tại. Thiên nhiên là dấu vết của Thiên Chúa, con người là hình ảnh của Thiên Chúa, và cuối cùng Đức Kitô chính là sự hiện diện hoàn hảo hay bản sao hữu hình (nhập thể) của Thiên Chúa vô hình trong thế giới. Mục đích của siêu hình học của Bonaventura là giải thích cấu trúc của mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi như là nguồn và nền tảng của mọi sự thiện, đang hiện diện trong thế giới của chúng ta.
Bonaventura phản đối quan điểm của Aristote vốn cho rằng thế giới vật chất có sẵn từ muôn đời. Bonaventure nối kết thuyết tạo dựng của Kinh Thánh với thần bí học của Tân Platô. Qua đó, thực tại là sự tuôn trào (Mạo-Dionysiô) của sự thiện chính là Thiên Chúa qua 3 cấp độ khác nhau (Plotinus), biểu hiện bằng 3 đôi cánh thiên thần trong thị kiến của Thánh Phanxico. Đôi cánh thiên thần thứ I đại diện cho hoạt động của Thiên Chúa nơi các thụ tạo tự nhiên hay Thiên Chúa “bên ngoài” và “bên dưới”. Đôi cánh thiên thần thứ II đại diện cho hình ảnh Thiên Chúa để lại trong tâm hồn hay Thiên Chúa “bên trong” chúng ta. Đôi cánh thứ III đại diện cho chính Thiên Chúa vốn được chiêm ngắm từ “bên trên” qua hai tên gọi là “hữu thể” và “sự thiện”. Sự hiện diện của Thiên Chúa Ba Ngôi càng tỏ hiện rõ ràng và gần gủi với chúng ta hơn khi ta đi từ ngoài vào trong, từ dưới lên trên, và từ ý thức đến kinh nghiệm thần bí.
Tri thức luận
Làm sao chúng ta nhận biết thực tại trên đây? Theo Bonaventura ba mức độ của sự lan tỏa đòi hỏi một lộ trình tri thức ba giai đoạn: thanh đạo, minh đạo và hiệp đạo. Mỗi giai đoạn gồm hai bước hoán cải về nhận thức, hay hai cách nhìn: nhìn vào và nhìn xuyên qua.
Thanh Đạo: trước tiên, tri giác con người như những tấm gương xuyên qua đó chúng ta nhìn thấy thế giới bên ngoài, và cũng là tấm gương tâm hồn nơi đó phản chiếu hình ảnh của thế giới bên ngoài. Cả hai tấm gương này cần được lau sạch (thanh đạo) để chúng ta nhận ra dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi (sức mạnh, khôn ngoan, và thiện hảo) xuyên qua các loài thụ tạo, và cũng để tri giác chúng ta phản ánh cách trung thực dấu vết của Thiên Chúa Ba Ngôi như sự tương quan giữa thế giới, trung gian và hình ảnh hiện đi vào bên trong chúng ta. Đây là những hoạt động tri thức xảy ra ở hai bước đầu tiên.
Minh Đạo: Bên trong tâm hồn con người, tri thức trải qua một tiến trình liên tục liên kết giữa trí nhớ, trí năng và ý chí (memory, intellect, will), qua đó chúng ta nhận thức, phân tích và phán đoán. Các hoạt động tuy ở mức độ tự nhiên nhưng vẫn có thể dẫn ta đến sự nhận thức, phân tích và phán đoán các thực tại vĩnh cửu và bất biến, vì chính tâm hồn không chỉ mang hình ảnh của Thiên Chúa Ba Ngôi, mà con được soi chiếu bởi ánh sáng vĩnh cửu từ bên trên. Kế tiếp, hình ảnh Thiên Chúa Ba Ngôi đến từ các giác quan tự nhiên (thính, thị, khứu, vị, xúc giác), qua ba nhân đức đối thần Tin, Cậy, Mến thì được hoán cải thành những giác quan tinh thần. Ở cấp độ này, con người “biết” Thiên Chúa qua các giác quan tinh thần, hay nói cách khác, chúng ta thấy, nghe, ngửi, sờ và nếm Thiên Chúa qua Tin, Cậy, Mến.
Hiệp Đạo: Hai bước cuối cùng hướng con mắt chúng ta bên trên của tâm hồn, nơi mà nguồn và năng lực vĩnh cửu của mọi tồn tại xuất phát. Từ Cựu Ước, chúng ta biết được về tên gọi của Thiên Chúa là “Đấng Ta Là” (Ex 3:14), và từ Tân Ước bản chất của Ba Ngôi là “Thiện Hảo” (Lk 18:19). Tên gọi thứ nhất, “Hiện Hữu” phản ánh nỗ lực của Anselmo lý luận rằng Đấng Vĩ Đại nhất phải tồn tại. Tên gọi thứ nhì, “Thiện hảo” phản ảnh siêu hình học “phát tỏa” (emnation) của triết lý Tân Plato. Nhưng Bonaventura ở đây không chỉ khai triển một triết học về Thiên Chúa, nhưng một lộ trình hoán cải tâm linh, gồm ba bước để lý trí con người có thể đạt đến hạnh phúc và cùng đích tối cao của nó chính là sự kết hiệp thần bí với Thiên Chúa.
Đạo Đức Học
Đâu là hạnh phúc tối hậu và làm sao con người đạt đến đó? Đối với Bonaventurr, mục tiêu của thần học là đưa chúng ta đến sự kết hiệp với Thiên Chúa, mà mọi loại thụ tạo chính là sự phát tỏa của sự Thiện ở nhiều mức độ khác nhau, thì đạo đức học sẽ là tiến trình khai triển những cách chúng ta trở nên công cụ cho sự Thiện được phát tỏa. Chúng ta có thể nhận diện ba mức độ hạnh phúc trong đạo đức học tự nguyện này.
Giai đoạn thứ nhất là nỗ lực nhận diện và giải tỏa những ngăn trở trên lộ trình hoán cải hầu để phục hồi lại sự bình an của tâm hồn. Đó là khả năng nhìn ra các điểm mù, sự tha hóa, mặt nạ quyền lực, v.v... vốn đã gây ra sự bất an và ngăn cản sự lan tỏa của sự thiện. Chúng ta cần lau sạch tấm gương bên ngoài (tổn thương, đam mê, nạn nhân) và tấm gương bên trong (điểm mù, động lực, tác nhân, v.v...). Martha trong Tân Ước cho ta hình ảnh sống động của con người đang tìm kiếm hạnh phúc qua những hoạt động ở thế giới bên ngoài và bên trong tâm hồn hầu để chuẩn bị đón Thiên Chúa vào ngôi nhà của mình.
Ở giai đoạn thứ nhì, một khi các giác quan thể lý được biến đổi qua ba ân sủng Tin, Cậy, Mến thì tâm hồn được soi sáng và nhìn lên để cảm nhận các chân lý mặc khải, tình yêu của Thiên Chúa Ba Ngôi thể hiện qua cuộc khổ nạn của Ngôi Hai. Khi đối diện với thực tại và sự thông tri này, tâm hồn chỉ có thể ngồi yên, lắng nghe và chiêm ngắm Ngôi Lời đang hiện diện một cách khiêm hạ, giống như Mary đã chọn phần tốt hơn khi ngồi lắng nghe Chúa dạy bảo. Hạnh phúc của giai đoạn này là được thâm nhập vào các hoạt động của Thiên Chúa Ba Ngôi đang hiện diện nơi Đức Kitô bằng các giác quan thiêng liêng.
Ở giai đoạn cuối, tâm hồn bị cuốn hút vào sự kết hiệp thần bí, nhận ra rằng Thiên Chúa là tất cả, đầu và cuối, nguồn và sự sống, trung tâm bất cứ ở đâu và chu vi vô tận của mọi sự hiện hữu. Qua đó tâm hồn cũng nhận ra Thiên Chúa là sự thiện hảo đang tuôn trào qua các phẩm tính của Người. Hạnh phúc của tâm hồn là được chìm đắm và say mê với hai tên gọi “Hiện Hữu” và “Thiện Hảo” của Đấng Tối Cao, biểu thị bằng hình ảnh của hai Thiên Thần quỳ chầu trên nắp xá tội. Giờ đây, tâm hồn tìm được sự bình an cuối cùng trong sự quan phòng và lòng nhân hậu của Thiên Chúa. Tâm hồn được nghỉ ngơi, phó thác cho đến khi được Chúa đánh thức dậy, cũng như Lazarô nằm nghỉ cho đến khi được gọi ra khỏi mồ. Đây là sự kết hiệp thần bí mà tâm hồn đang mong chờ.
Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM. Triết Học Phan Sinh, HV Phanxicô 2021
Bài 1: Tổng lược về thánh Bonaventura
Bài 2: Siêu hình học mang tính thần học của Bonaventura
Bài 3: Tri thức luận của Bonaventura: Lộ trình đi vào Thiên Chúa
Bài 4: Tương quan Triết – Thần
5 Xem: Tương Quan Triết Thần. Joseph Tân Nguyễn, ofm. Học Viện Phanxicô. 2020.