Đạo Đức Học Nhân Đức (Ethics of Virtues)
ĐẠO ĐỨC HỌC NHÂN ĐỨC (ETHICS OF VIRTUES) [1]
Fr. Joseph Tân Nguyễn, ofm
Đạo đức học nhân đức nhắm đến một tập hợp các nguyên tắc, giá trị, tiêu chuẩn và phương pháp giúp thực hiện các phán đoán. Đây là lối nhìn các vấn đề đạo đức học từ quan điểm rèn luyện tư cách. Phương pháp này bỏ qua những khía cạnh hậu quả của hành vi. Nhân đức không phải lúc nào cũng mang lại công bằng cho một tình huống. Hoặc ngược lại, hậu quả tốt cũng không phải lúc nào cũng có thể khiến bạn trở nên một người tốt. Cả cuộc đời, có thể bạn đã làm nhiều việc thiện nhưng điều đó không đương nhiên biến bạn thành một người đạo đức. Đạo đức học nhân đức tiếp cận vấn đề đạo đức từ quan điểm của cá tính. Nếu bạn có những cá tính tốt, bạn sẽ chọn những hành động tốt vào đúng thời gian thuận lợi. Nhân đức là những nét cá tính đáng được ca tụng và ao ước, làm cho con người trở nên thiện hảo.
I. LỊCH SỬ VỀ TRUYỀN THỐNG NHÂN ĐỨC
1. Hy lạp: Nhân đức như sự khôn ngoan thực tiễn
Theo truyền thống thần thoại của Hy lạp, nhân đức (sức mạnh, sự hoàn hảo) được định nghĩa như khả năng điều khiển hai con chiến mã trong con người: đam mê và lý trí.
Trong triết học cổ đại, Platô xem các nhân đức thể hiện trong mối tương quan hoà hợp giữa ba phần của “Hồn”: Lý trí, Tinh thần và Dục Vọng. Muốn đạt đến sự thiện, con người cần để cho lý trí điều khiển tinh thần và dục vọng. Aristote cho rằng chính hoạt động tuân theo nhân đức của lý trí là điều làm nên một người tốt. Nhân đức thể hiện sự sung mãn hay sức mạnh của cá tính. Đó là thói quen xử sự khôn khéo của phán đoán, chọn sự trung dung giữa hai thái cực bất cập và thái quá.
2. Kitô giáo: Nhân đức là sự vâng phục Luật Thiên Chúa
Với sự hổ trợ của đức tin, chúng ta nhận ra rằng nếu chỉ dựa trên lý trí thì các nhân đức có thể bị băng hoại hoặc giới hạn bởi tội lỗi. Thiên Chúa là Đấng ban Luật, việc trở nên công chính đồng nghĩa với việc vâng phục Luật Thiên Chúa. Ngoài các nhân đức luân lý (khôn ngoan, tiết độ, can đảm, công bằng) thì còn có ba nhân đức đối thần: tin, cậy, mến. Sự hài hòa giữa lý trí và đức tin có thể được nhận ra nơi luật Tự Nhiên, tức là luật Thiên Chúa được mạc khải qua thiên nhiên và trong tâm hồn (lương tâm).
3. Luân lý thế tục: Nhân đức dựa trên bổn phận & trách nhiệm
Trong thời cận đại và hiện đại có nhiều tranh luận trong đạo đức học về đâu là điều đúng đắn và tốt lành cần phải làm? Trách nhiệm và bổn phận của chúng ta là gì? Chúng ta nên phán đoán dựa trên nền tảng đúng/sai hay nền tảng tốt/xấu?
a) Cá nhân: Chúng ta có trách nhiệm thăng tiến bản thân (thuyết vị kỷ) hay trách nhiệm gia tăng hạnh phúc nhiều nhất cho nhiều người nhất (thuyết vị lợi)? Ta có bổn phận bảo vệ các giá trị nhân bản (luật tự nhiên) hay tuân theo những quy luật phổ quát trong cách đối xử với tha nhân (đạo đức học bổn phận)?
b) Xã hội: đạo đức học xã hội xuất phát từ nhu cầu tự vệ (Hobbes) hay sự đồng cảm (Hume)? Tương quan xã hội nên được thiếp lập dựa trên nền tảng tôn trọng nhân phẩm (Kant) hay lợi ích cho mọi người (Mill).
Hiện nay, có những khuynh hướng nghiên cứu mới trong đạo đức học như: (1) Đạo đức giới tính (gender ethics), (2) Đạo đức môi sinh (environmental ethics), (3) Đạo đức học sự sống (bio-ethics & medical ethics), (4) Siêu học thuyết về đạo đức (meta-ethics).
II. NHÂN ĐỨC
1. Nhân đức là gì?
Theo Aristotle, nhân đức là một nét cá tính tiêu biểu thể hiện qua những hành vi quen thuộc. Nhân đức phải là “thói quen”, tức là những nét tiêu biểu không chỉ dừng lại ở sự quảng đại hoặc can đảm trong cách cư xử với bạn bè và người thân. Một tật xấu cũng có thể biểu hiện trong một nét tiêu biểu, nhưng nhân đức thì cần phải được nối kết với sự thiện. Nhân đức là một nét cá tính được biểu lộ qua hành vi quen thuộc, là một điều tốt mà mỗi người nên có.
2. Có bao nhiêu nhân đức?
Những cá tính tốt lành đáng được ao ước dường như đều có một nhân đức phía sau: lòng nhân từ, trắc ẩn, sự can đảm, công bằng, quảng đại, lương thiện, trung thành, tiết độ, tự chủ, khí khái, bao dung, tự giác, nhã nhặn. Thông thường, chúng ta nên tận tâm, có lòng thương cảm và bao dung. Nhưng hầu hết các nhân đức đều chia sẻ cùng một cá tính, cụ thể, chúng là sự “trung dung” giữa hai thái cực thái quá và bất cập. Ví dụ:
- Can đảm: đi đôi với cá tính của những quân nhân, giữa tính hèn nhát và liều mạng. Đôi khi sự can đảm đòi buộc chúng ta phải hành động ngược lại với những gì mà nghề nghiệp chúng ta yêu cầu.
- Quảng đại: Sẵn lòng chia sẻ những nguồn lợi mình có để giúp đỡ tha nhân, nằm giữa tính bủn xỉn và hoang phí. Sự quảng đại có thể đi ngược lại với những giá trị thiết thực: Lòng nhân từ của Đức Giêsu đối với những người lao động.
- Trung thực: Nằm giữa sự dối trá và quá đơn sơ. Chúng ta nên nói ra sự thật để xây dựng tình đoàn kết, trao đổi thông tin, nương tựa vào nhau để dấn thân cho những hoạt động công ích và xã hội hằng ngày; trừ khi có những lý do thuyết phục ta không nên nói.
- Trung thành: tư cách thích hợp cho tương quan với gia đình và bè bạn, khác với kẻ xa lạ. Bạn bè giúp nhau xây dựng tính cách. Tình bạn đích thực trao ban sự tha thứ, quảng đại, kiên nhẫn vượt qua những thành kiến, đạt tới sự tự trọng và lòng trung tín, can đảm và lương thiện.
4. Nhân đức là quan trọng vì nó giúp con người thể hiện tiềm năng nhân bản, tức là sự thiện nội tại của mình.
Aristote tin rằng vì chúng ta là những hữu thể có lý tính, sống cộng đoàn nên chúng ta phải tìm cách vượt trội hơn người khác trong vài lĩnh vực chuyên môn cũng như để chống lại các nguy hiểm và cám dỗ. Can đảm là một điều tốt bởi vì cuộc sống này đầy dẫy những hiểm nguy và cám dỗ. Quảng đại là điều đáng được ao ước vì cuộc sống này không hoàn hảo. Chúng ta cần đến lòng trắc ẩn. Trung thực là điều cần thiết vì nó giúp chúng ta không vì tư lợi mà chà đạp lên người khác. Trung thành là điều thiết yếu vì nó nuôi dưỡng tất cả các nhân đức khác; nó còn giúp ta chống lại các cám dỗ ích kỷ.
III. PHÁT TRIỂN NHÂN ĐỨC CẦN BA ĐIỀU KIỆN
1. Thói quen chọn cái trung dung
Trung dung không phải là trung bình, nhưng là thể hiện sự chọn lựa tốt nhất cho mỗi hoàn cảnh. Như thế khi tập thói quen chọn cái trung dung thì ta có nhiều cơ hội phải dùng lý trí để phán đoán giữa mục đích công cụ và mục đích nội tại, hay sự thiện tiềm thể và hiện thể của mình. Khi được thực hành và rèn luyện đủ, sự tốt lành nơi những hành vi đúng đắn sẽ trở thành bản tính thứ hai của chúng ta; ý chí tuân theo và mở rộng để học hỏi điều thiện; kiên nhẫn chờ đợi, không quá hấp tấp lao vào kết luận của chính mình; tử tế để tha thứ những lỗi lầm cho bản thân và cho người khác.
2. Môi trường bạn hữu
Tình bạn hữu là một môi trường khả quan để phát triển các nhân đức; là nơi chúng ta có thể học cách trao ban và tha thứ, đón nhận và bỏ qua tính kiêu căng, cho phép bản tính đích thực của mình được tỏ lộ và được huấn luyện. Tình bạn còn là một môi trường an toàn có thể giúp ta trở nên quảng đại, trung thành, trung thực, can đảm, không sợ hãi khi bị chỉ trích hay chống đối. Một con rùa chỉ thò cổ ra ngoài khi nào nó cảm thấy an toàn. Sống giữa kẻ thù thì khó hơn cho ta tập nhân đức cách trọn vẹn và tự do, vì ta phải luôn luôn phải giữ tư thế phòng thủ.
3. Một tiến trình thường xuyên
Dù là lớn tuổi hay có một hoàn cảnh xuất thân không may mắn, chúng ta vẫn có thể trưởng thành về nhân đức; chúng ta vẫn có thể chọn cho mình những nhóm bạn mà chúng ta muốn kết thân. Điều đó không bao giờ là quá trễ để có thể thực hiện và cũng không bao giờ là hoàn chỉnh để không còn gì phải tiếp tục. Tập nhân đức là một dự phóng cho suốt cuộc đời.
Ưu điểm: Đạo đức học nhân đức có động cơ luân lý. Chúng ta mong muốn một điều gì khác hơn chỉ là bổn phận hoặc trách nhiệm. Tất cả chúng ta đều nhìn nhận giá trị của tình bạn, tình yêu và sự tôn trọng. Và chúng ta thích ở bên cạnh những con người đạo đức để chúng ta có thể “rub off” bản tính tốt lành của họ. Nó cũng co thể Xóa bỏ sự hoài nghi ngờ về tính thiếu công bằng tiềm tàng trong các lý thuyết khác. Một nhân đức luôn luôn có thể bổ sung cho một nhân đức khác. Chẳng hạn như tình yêu và lòng nhân từ; sự công bằng và lòng khoan dung.
Khuyết điểm: Khó mà tìm một định nghĩa chính xác cho nhân đức, vì mỗi hoàn cảnh đòi hỏi một sự phán đoán khôn ngoan và uyễn chuyễn khác nhau. Cũng khó mà biết có nhân đức nào quan trọng nhất để làm chuẩn mực cho các nhân đức khác.
IV. ĐẠO ĐỨC HỌC NHÂN ĐỨC CỦA ARISTOTE
Qua tác phẩm Nicomachean Ethics, Quyển I chúng ta có thể nhận diện phương cách Aristote tiếp cận chủ đề đạo đức học. Trước tiên, triết gia khảo sát nhiều cách hiểu khác nhau về “hạnh phúc” như thỏa mãn, danh vọng, hay sự giàu sang, nhưng nhận thấy mỗi khái niệm trên đây chỉ là phương tiện để cùng đạt đến một đích khác. Hạnh phúc chân chính phải là một loại nhân đức hoàn hảo và sung mãn trong tự chính nó. Trong khi Socrates đồng nghĩa đức hạnh với tri thức--biết điều đúng thì phải làm điều đúng. Aristote khẳng định rằng tri thức đạo đức cần phải được xây dựng trên một nền giáo dục tốt và một sự gắn bó cá nhân trong việc tập luyện các thói quen cần phải có cho cuộc sống thật sự hạnh phúc.
Đạo đức học của Aristote được xây dựng theo khuynh hướng của “mục đích luận”, tức là quan điểm cho rằng con người theo bản năng tự nhiên tìm kiếm hay hướng về cùng đích nào đó hầu mang lại hạnh phúc cho chính mình.
Đối với Aristote, môn đạo đức học nằm trong phạm vi nghiên cứu phổ quát của chính trị học. Khái niệm nhân đức và hạnh phúc phải được hiểu trong phạm vi triết học thực dụng, qua đó triết gia định nghĩa con người là “con vật có lý trí” (con vật biết suy tư) và nhấn mạnh về khuynh hướng “chính trị” và “xã hội” của con người.
1. Mục đích của con người là hạnh phúc
Aristote khẳng định rằng mục tiêu mà mọi người tìm kiếm chính là hạnh phúc. Ông chú tâm đặc biệt đến “sự thiện hoàn hảo” mà Plato thường nói đến, và hướng cuộc tra cứu về những gì thích ứng cho “sự thiện hảo đối với con người”.
Aristote giải thích rằng nếu sự thiện hảo là mục đích cuối cùng của con người thì đó phải là một sự thiện hảo vì chính nó chứ không phải là bàn đạp để tiến tới cái gì khác bên ngoài nó. Ông thấy rằng mọi hành vi con người đều nhắm đến một sự thiện nào đó, nhưng có những sự thiện (e.g., thỏa mãn, sang giàu, danh vọng) thì thấp kém hơn một số sự thiện khác. Do đó, cùng đích tối hậu của con người phải kết thúc trong chính nó, chứ không phải là phương tiện để đạt đến cái gì khác nữa.
Một nét chung nữa trong tư duy đạo đức học của Aristote là nhận diện những hành vi đặc thù đối với bản tính con người và giúp con người đạt đến sự sung mãn thật sự. Sau khi phân tích nhiều ví dụ về các phương thức mà loài động vật hay các công cụ đạt đến mục tiêu của chúng, Aristote áp dụng phương pháp này vào con người. Ông ta nhận thấy điểm đặc biệt nơi bản tính con người chính là lý tính. Lý tính bao gồm mọi khía cạnh của hiểu biết và khả năng chọn lựa, không chỉ về chức năng của trí tuệ như khả năng diễn giải hay tính toán, nhưng cả về sự hiểu biết thực tiễn như trong nghề nghiệp, cách dạy trẻ, nghệ thuật, và nhiều phạm vi khác nữa. Đây là tiềm năng tự nhiên đối với con người nhưng chúng cần phải được phát huy. Do đó, lý tính bao gồm một phạm vi rộng rãi từ khía cạnh ước muốn, nhục dục và cảm xúc cho đến cách chúng ta chọn lựa giữa những điều chúng ta ưa thích hay là muốn tránh xa.
Từ đó, Aristote đề nghị rằng mặc dù hạnh phúc con người bao gồm cả sức khỏe, giàu sang phú túc, bạn bè, danh vọng, sự kính nể. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là chúng ta cần dùng lý trí để phát huy các chức năng tự nhiên đến mức độ cao nhất có thể đối với con người. Cần phải có một sự phát triển thích ứng và biết dùng lý trí phù hợp thì con người mới đạt đến sự sung mãn và hạnh phúc chân thực. Phương pháp suy tư này đã để lại nhiều ảnh hưởng trong lịch sử đạo đức học vì nó làm nổi bật lên tính khách quan, phổ quát và tính hiển hiện của các mệnh lệnh đạo đức. Sau này Thánh Tôma cũng đã áp dụng tư tưởng này vào đạo đức học “luật tự nhiên”.
Điều quan trọng trong học thuyết đạo đức của Aristote chính là khuynh hướng xác định hạnh phúc là cùng đích mà mọi người tìm kiếm, thay vì gia tăng tối đa sự thỏa mãn, danh vọng hay phú túc của con người. Aristote muốn chúng ta tự hỏi mình, liệu sở hữu sự giàu sang, danh vọng trên đời này có phải là biết tận dụng lý trí con người theo cách tốt nhất không? Hay là những điều này chỉ là các phần của phương tiện để đạt đến mục tiêu nào khác nữa? Liệu những phương tiện vật chất này có giúp con người phát huy tối đa các chức năng tự nhiên hầu để đạt đến hạnh phúc tối hậu của con người không? Aristote khai triển đạo đức học như là một phần của chính trị học. Hạnh phúc con người không chỉ là vấn đề luân lý cá nhân nhưng cần phải xét theo các khía cạnh đời sống cộng đồng rộng hơn. Ông gọi đơn vị căn bản của cuộc sống xã hội là “polis” hay thành phố. Bản tính xã hội của con người chỉ có thể phát huy trọn vẹn trong bối cảnh chính trị. Do đó đạo đức học cuối cùng chỉ là một phần của triết học chính trị.
Học thuyết nhân đức của Aristote được thảo luận đều mang chiều kích xã hội. Đây là sự khác biệt giữa Aristote với các học thuyết chính trị hiện đại chỉ nhắm vào khía cạnh cá nhân và tồn tại của các đơn vị cá thể mà thôi. Các chính thể khác nhau sẽ nhấn mạnh các nhân đức khác nhau. Ví dụ, chế độ quân chủ thì nhắm vào nhân đức vâng phục; một chế độ dân chủ thì coi trọng nhân đức trách nhiệm chung hoặc đặc quyền của cá nhân bên dưới lợi ích công cộng.
2. Các nhân đức luân lý
Nói chung, Aristote dùng từ “nhân đức” để diễn tả trạng thái hoàn hảo (thiện hảo, tốt lành, đứng đắn, etc.) của con người. Đối với một vài người, sự hoàn hảo này có thể đến một cách tự nhiên, nhưng thường thì đó là một tính cách cần phải được thao luyện qua một thời gian lâu dài. Chúng ta có thể nhận diện “nhân đức” thể hiện nơi hành động, thái độ và tư cách của những cá nhân qua cách họ xử lý công việc hoặc cư xử đứng đắn với tha nhân. Trong Quyển II, Aristote định nghĩa “nhân đức” là tính cách mà một cá nhân có thói quen chọn cái trung dung giữa hai thái cực bất cập và thái quá. Theo định nghĩa này, “trung dung” không có nghĩa chỉ là trung bình hay “tạm được” nhưng là cao điểm của một sự hoàn hảo, một chọn lựa ăn khớp và thích hợp, đúng thời đúng lúc cho bối cảnh này trong lúc này. Một hành vi có thể được xem là phù hợp luân lý nhưng không nhất thiết phải là biểu hiện của sự “hoàn hảo” của nhân đức.
a) Luyện Tập Nhân Đức: Aristote cho rằng trong con người có khả năng tự nhiên giúp tập luyện để đạt đến mức độ hoàn hảo, cả về lý trí lẫn luân lý. Trong tiếng Latin, từ “virtues” có gốc là “vir”, nghĩa là người nam, hay nam tính. Trong tiếng Hylạp, từ “arisleia” có nghĩa là sự “hoàn hảo” nơi con người. Aristote khai triển khái niệm “nhân đức” xa hơn ý nghĩa mà Socrates đã dùng, tức là khả năng kết nối cái tri với cái hành. Theo Socrates, tri thức là nhân đức, biết điều đúng mà không thực hành điều đúng tức là chưa biết, hay ngu dốt. Nhưng Aristote thì cho rằng biết điều đúng không bảo đảm sẽ thực hành điều đúng. Vì thế nhân đức cần phải trở thành thói quen qua tập luyện.
Cho dù có những thói quen làm cho hành vi của chúng ta trở nên máy móc và thiếu suy nghĩ (e.g., đam mê, nghiện ngập) nhưng nhân đức là những thói quen cần tập luyện để giúp ta chọn lựa đúng đắn, qua khả năng suy tư và sự tập trung của lý trí. Tuy cần phải kiên trì rèn luyện nhưng qua thời gian nó sẽ trở thành “bản tính thứ nhì” và có thể đưa đến một sự thích thú và mãn nguyện cho chúng ta. Như thế quan điểm của Aristote về nhân đức thì khác với Kant. Theo Kant nhân đức là nỗ lực hoàn tất bổn phận của mỗi người, không vì bất cứ một động lực nào bên ngoài. Do đó, nếu một hành vi quá dễ dàng hoặc đem lại khoái lạc thì không còn là nhân đức nữa. Nhân đức phải là một nỗ lực tận dụng ý chí, chống lại cám dỗ tránh né những việc khó khăn, chấp nhận thử thách để thi hành điều đúng chỉ vì ta có khả năng và bổn phận thi hành, chứ không phải vì nó sẽ mang lại lợi ích gì khác. Aristote thì trái lại, nhân đức cuối cùng phải giúp cho nỗ lực sống tốt của chúng ta càng ngày càng thoải mái, nhẹ nhàng và sung mãn hơn.
b) Nhân đức và lý trí thực hành: Nhân đức luân lý là thói quen chọn sự trung dung giữa các thái cực của một hành vi, khao khát hay cảm xúc nào đó, sao cho đúng và hợp lý của một người khôn ngoan. Điểm trung dung này không phải là sự trung bình hay mức độ tầm thường đòi hỏi về khả năng, nhưng là sự chọn lựa khôn khéo giữa thái quá và bất cập. Người chưa quen chọn các phán đoán như thế này cần phải học hỏi nơi những gương sáng của những mẫu người nhân đức hơn, cho đến khi chúng trở thành thói quen cho mình. Do đó, tập nhân đức cần cả hai khía cạnh tri thức và sự kiềm chế chính mình.
Nhân đức khôn ngoan (một trong bốn nhân đức căn bản) là tất yếu để đạt đến các nhân đức khác. Aristote khai triển nhân đức khôn ngoan sâu rộng hơn trong Cuốn VI, Nicomachean Ethics. Ông cẩn thận vạch ra rằng điểm trung dung, hay “điểm vàng” nơi mỗi người sẽ khác nhau. Lấy ví dụ, về nhân đức tiết độ hay chừng mực về ăn uống bao nhiêu là tốt cho sức khỏe đòi hỏi một tiêu chuẩn khách quan, nhưng tiêu chuẩn này thì sẽ lại khác nhau cho mỗi người. Cũng như thế, tìm điểm trung dung cho can đảm sẽ khác nhau cho mỗi hoàn cảnh và mỗi người vì phải xét theo mức độ nguy hiểm cá nhân đang đối đầu và khả năng của người ấy trong khi chọn lựa giữa các hành vi.
Điểm chung của mọi nhân đức luân lý chính là sự thích ứng và sao cho “hợp tình hợp lý” với hoàn cảnh. Điều này bao gồm việc cân nhắc mọi khía cạnh của một tình huống để có thể mang lại sự phán đoán đúng đắng, hay chọn lựa khôn ngoan mà một người quan sát trung lập có hiểu biết sẽ làm như thế. Bằng cách chọn từ ngữ “điểm trung dung” giữa các thái cực và “hợp tình hợp lý” Aristote muốn nhấn mạnh vào tính khách quan của nhân đức. Khái niệm “nhân đức” của Aristote mang tính tương đối, nhưng không phải là tùy tiện, mà nhân đức có tương quan với các yếu tố khách quan khác về chúng ta và hoàn cảnh chúng ta đang đối đầu.
c) Nhân đức trở thành “cá tính thứ nhì”: Nhân đức không phải là bản năng tự nhiên có sẵn nơi con người, nhưng cũng không trái ngược với bản tính con người. Nhưng đó là điều mà chúng ta có thể luyện tập để nó có thể trở thành như “bản tính thứ nhì” cho chúng ta. Tập nhân đức giúp chúng ta có thói quen chọn hành vi đúng đắn, thích ứng cho hoàn cảnh và đối tượng, và với động lực chân thành cùng phương tiện chín chắn.
Thói quen chọn hành vi đúng đắn có thể mang lại cho ta niềm vui và sự khoái lạc. Trong Quyển II, Aristote phân tích sự phức tạp liên quan đến cách tìm điểm trung dung. Không phải trong mọi hoạt động của con người đều có thể tìm ra điểm trung dung. Có những thái độ như đam mê, ác ý, ganh tỵ, lì lợm, hay các hành vi như trộm cướp, giết người, ngoại tình, tự nó là độc ác rồi, chứ không phải là vì nó bất cập hay thái quá. Không ai có thể thi hành các hành vi trên này cách đúng đắn, hoặc cho thích ứng với hoàn cảnh, cho dù nó có mang lại bao nhiêu khoái lạc cho người thi hành nó. Trái lại, nhân đức phải là “điểm vàng”, vừa phải, hợp tình, hợp lý cho hoàn cảnh và đối tượng có liên quan.
[1] X. Fr Joseph Tân Nguyễn, Đạo Đức Học Tổng Quát, NXB Phương Đông, 2016.