Triết Học Đạo Đức
Joseph Tân Nguyễn, ofm
Hạnh phúc con người không chỉ là thỏa mãn các nhu cầu bản năng nhưng còn hệ tại vào các giá trị đạo đức mà chúng ta tin sẽ mang lại một cuộc sống nhân bản cho chúng ta. Nhưng các giá trị đạo đức có thật không, hay chỉ là những thói quen mà truyền thống và xã hội áp đặt lên cá nhân, tạo nên mặc cảm tội lỗi nếu ta không tuân theo? Làm sao biết giá trị đạo đức nào sẽ mang lại hạnh phúc cho đời mình? Bản chất của chúng là tương đối hay tuyệt đối? Khách quan hay chủ quan? Đạo đức đến từ tôn giáo hay văn hóa? Bất biến hay thay đổi theo luật tiến hóa? Nếu con người bị điều kiện bởi các yếu tố tâm lý và thể lý thì thật sự có tự do chọn lựa các giá trị đó không? Cuối cùng, tại sao chúng ta nên sống đạo đức? Triết học đạo đức nghiên cứu về các chủ đề rộng lớn và quan trọng này.
PHẠM VI TRUY VẤN CỦA ĐẠO ĐỨC HỌC
Lịch sử triết học đạo đức đã phát triển theo hai chiều hướng sau đây. Chiều hướng thứ nhất được gọi là“đạo đức quy chuẩn” (prescriptive ethics). Lãnh vực này thống trị triết đạo đức suốt hơn hai kỷ nguyên qua - khởi đầu bằng những truy vấn về mối tương quan giữa tri thức và đức hạnh của Socrates (469-399 BC). Chiều hướng này nghiên cứu các giá trị, nguyên tắc và tiêu chuẩn luân lý, hầu để giúp chọn lựa các hành vi sao cho phù hợp với mục tiêu mang lại “hạnh phúc” cho con người. Đạo đức học quy chuẩn trả lời câu hỏi, “một cá nhân nên hành xử như thế nào” bằng cách đưa ra các tiêu chuẩn đạo đức như vị kỷ, vị lợi, luật tự nhiên, bổn phận, nhân đức, v.v. Mỗi tiêu chuẩn đạo đức sẽ bao gồm các quy tắc đặc thù để bảo đảm các giá trị nền tảng của chúng được thể hiện cách toàn vẹn.
Chiều hướng thứ hai mang nặng tính lý thuyết, thường được gọi là đạo đức học siêu hình (meta-ethics). Đây là một hiện tượng mới - tuy đã có nguồn gốc từ triết Cổ Hy Lạp - được khai thác chỉ trong thế kỷ vừa qua. Đạo đức học siêu hình không đề nghị chúng ta nên hành xử như thế nào, nhưng tra cứu các hình thức lý luận trong suy tư đạo đức. Đạo đức học siêu hình khám phá về bản chất và cấu trúc của ngôn ngữ đạo đức, mối tương quan giữa các khẳng định trong một hệ thống luân lý, các nền tảng của tri thức đạo đức, và những điền kiện để lý luận đạo đức được hợp lý.
Tuy nhiên, triết học không phải là môn học duy nhất xem xét cách cư xử và tính cách đúng đắn của con người. Thần học cũng bàn về các vấn đề cơ bản này. Trong khi thần học luân lý dựa trên viễn tượng đức tin tôn giáo vốn đã được cộng đoàn tín hữu chấp nhận thì triết học đạo đức phải lý luận hoàn toàn dựa trên lý trí và kinh nghiệm. Đối với các tín hữu, giáo lý không thể bị tranh cãi (ngoại trừ cách giải thích về chúng), thì trong triết học đạo đức mọi câu hỏi về đạo đức đều có thể được đem ra bàn luận - ngay cả câu hỏi: liệu có một đạo đức học đúng hay không? Tuy nhiên, có nhiền học giả vừa là triết gia vừa là thần học gia (Augustine, Tôma, v.v.) nhận thấy có sự hài hòa giữa thần học luân lý và triết học đạo đức, mặc dù các điểm xuất phát của hai môn học này thì cơ bản khác nhau.
Hạn từ “ethics” thường được dùng trong phạm vi triết học đạo đức, còn “morality” thì trong khuôn khổ của thần học luân lý. Từ “ethics” bắt nguồn từ tiếng Hy lạp “ethos”, có nghĩa là “phong tục” (số ít) và “tính cách” (số nhiều). Từ “morality” được dịch từ tiếng La tinh “mos” (số nhiều: mores) cũng mang ý nghĩa tương đương như trong tiếng Hy Lạp. Từ các nghĩa gốc này chúng ta thấy đạo đức học liên quan đến cả về “hành vi” (phong tục, thói quen) lẫn sự hình thành nên “tính cách” (loại người, cá tính) mà chúng ta muốn trở thành. Mối tương quan này rất quan trọng trong sự phát triển đạo đức học. Vì lẽ, tính cách (character) của chúng ta được hình thành chủ yếu từ những thói quen hành động (actions) của mình. Mặt khác, thói quen thực hành các hành vi tốt sẽ giúp chúng ta tối đa hóa khả năng chọn lựa điều tốt nhất trong mọi hoàn cảnh, và như thế sẽ tạo nên một “tính cách thứ nhì” cho mình (virtues). Các nghĩa gốc này cũng giúp chúng ta hiểu tại sao chúng ta gọi đạo đức học là môn học về cách phải sống đời mình như thế nào, phải cư xử và sở hữu những tư cách đúng đắn nào để trở nên một con người có nhân bản.
Triết học Tây phương, từ Socrates cho đến Wittgenstein, đều nhận thấy truy vấn đạo đức học là một nguồn phát sinh chính yếu cho các vấn nạn lớn trong triết học. Hầu như trong mọi nền văn hóa tồn tại trong lịch sử nhân loại đều có những nỗ lực tìm kiếm những gì mang lại hạnh phúc cho con ngưởi. Ai cũng muốn biết thế nào là cuộc sống tốt. Đâu là những tư cách đáng tôn trọng nơi con người? Có thể đòi hỏi trách nhiệm hay bổn phận gì từ các cá nhân và tập thể có tương quan huyết thống, xã hội, hay quốc gia? Hiểu biết về đạo đức có thật sự đưa đến hành vi đạo đức hay tạo nên một tư cách nhân bản không?
Triết học Hy Lạp cổ điển đã nâng các câu hỏi này lên một mức độ phản tỉnh sâu sắc hơn. Họ hỏi: Liệu lý trí con người có khả năng trả lời các câu hỏi trên đây một cách khách quan không? Nếu tri thức đạo đức có thật thì chúng sẽ đến từ đâu? Có thể có các giá trị đạo đức phổ quát, độc lập khỏi mọi giới hạn văn hóa, tôn giáo, tập quán hay luật lệ xã hội không? Một khi chúng ta suy tư phản tỉnh như thế thì chúng ta đang bước vào ngưỡng cửa của triết học đạo đức.
Điều đáng ngạc nhiên là mức độ cấp bách và thiết yếu mà triết học Hy Lạp ngay từ ban đầu đã gán cho các câu hỏi này. Họ gắn liền truy vấn đạo đức với sự tồn tại và thịnh vượng của nhà nước, trật tự trong xã hội, và hạnh phúc con người. Nếu chúng ta muốn biết thế nào là một bài hát hay hoặc một bác sĩ giỏi thì chúng ta cần tìm các “quy chuẩn” trong mỗi ngành để xác định câu trả lời. Nhưng nếu chúng ta tiếp tục hỏi liệu các “quy chuẩn” này đóng góp thế nào cho nỗ lực xây dựng hạnh phúc và tìm kiếm ý nghĩa chân thực cho cuộc sống thì chúng ta đang truy vấn đạo đức. Phạm vi của truy vấn đạo đức sẽ bao gồm cả về trách nhiệm, bổn phận, tư cách và hành vi nhân bản. Đạo đức học lưu tâm đặc biệt về hậu quả tổng thể của hành vi hay chọn lựa trên nỗ lực tìm sự thiện hảo cho con người.
YẾU TỐ CẢM XÚC TRONG PHÁN ĐOÁN ĐẠO ĐỨC
Đạo đức học đóng vai “điều phối” như trên là vì đạo đức học ưu tư đặt biệt về cách chúng ta phán đoán các hành vi nhân bản trong tương quan với nỗ lực xây dựng hạnh phúc con người.
Trong khi lôgic phán đoán về tính hợp lý của tiến trình suy tư - hành vi có thống nhất với niềm tin hay không - thì đạo đức học nhắm vào mối tương quan giữa động lực và hậu quả của một hành vi và ảnh hưởng tổng thể của nó trên tư cách làm người trong xã hội. Nói như thế có nghĩa là đạo đức học vẫn còn mang nhiều yếu tố cảm xúc đến từ phản ứng của tha nhân về cách sống và ứng xử của chúng ta. Từ những phản ứng này, chúng ta có thể biện phân những động lực vốn sẽ tạo nền tảng cho cách chúng ta đánh giá một cá nhân. Ba yếu tố cảm xúc căn bản mà chúng ta cần xét ở đây là trách móc, ca ngợi và ước muốn. Khi quan sát các yếu tố cảm xúc này chúng ta sẽ khám phá ra các manh mối cho tính phổ quát của phán đoán đạo đức. Trước tiên, “trách móc” là một thái độ thông thường nhất trong phán đoán đạo đức. Khi ta khiển trách một cá nhân vì hành vi bất xứng của họ, ta không chỉ cho rằng hành vi của người đó không đúng mà còn cả động lực của họ là không tốt. Khi ta không chấp nhận hành vi của một chủ thể trưởng thành tức là ta đang đánh giá về tư cách của người đó, và cho rằng người đó “có lỗi” và phải chịu “trách nhiệm” về hậu quả của hành vi của họ. Cho dù cảm xúc sân hận có thể không hiện diện, nhưng trách móc đã là một hình thức trừng phạt rồi, ít nhất qua thái độ và sự đánh giá của mình về cá nhân đó. Mức độ “trừng phạt” thì tùy theo trách nhiệm và tính “có lỗi” của chủ thể. Một hệ luận có thể rút tỉa được là khi chúng ta cho rằng chủ thể phải chịu trách nhiệm phần nào cho hậu quả của hành vi của mình, thì việc chúng ta khẳng định họ đáng bị khiển trách không phải là hoàn toàn vô lý. Vì lẽ, bên dưới sự trách móc có một trực giác cho rằng mọi người có bổn phận theo đuổi một mức độ trưởng thành luân lý nào đó.
Tương tự như trên, “ca ngợi” hay khen thưởng cũng để lộ một trực giác về tư cách và sự trưởng thành luân lý mà ta ước muốn mọi người nên có. Có những giá trị mà mọi người ao ước được sở hữu như “cá tính thứ nhì” như: can đảm, nhân từ, cao thượng, sáng tạo, kiên nhẫn, tiết độ, khôn ngoan, tháo vác, lanh lẹ, tế nhị, khỏe mạnh, sung túc, sắc đẹp, v.v. Chúng ta có thể tranh luận về mức độ thiết yếu của mỗi giá trị trên đây, tuy nhiên, mẫu số chung là chúng có khả năng đóng góp vào hạnh phúc và sự viên mãn của đời sống con người. Như vậy, khi chúng ta cho rằng một số hành vi hay tư cách đáng khen ngợi, tức là ta đang ý thức về những giá trị quan trọng cho hạnh phúc của cuộc sống. John Stuart Mill -- cha đẻ của trường phái thực dụng -- không sai khi cho rằng “hạnh phúc là sự ước muốn căn bản nhất của con người trong cả lý thuyết lẫn thực hành”.
Cuối cùng, cả trách móc và ca ngợi đều tiềm tàng một ước muốn rằng con người là một chủ thể tự do, có trách nhiệm cho hành vi nhân bản và sự chọn lựa của mình. Chúng ta “ao ước” rằng mọi người chung quanh mình sống trung thực, nhân đạo, tôn trọng sự công bằng và tự do của tha nhân. Người ta không lên án một đứa trẻ hay một bệnh nhân tâm thần, nhưng chỉ một cá nhân trưởng thành vì một hành vi vô luân của họ. Chúng ta ước muốn mọi chủ thể trưởng thành thật sự dùng tự do chọn lựa khi hành động, cho dù cá nhân ấy có thể thiếu khả năng kiềm chế các cám dỗ hoặc bị áp lực tâm lý và xã hội. Tuy nhiên, tự do sẽ là điều kiện tiên quyết và tất yếu cho mọi phán đoán đạo đức, vì thiếu tự do thì phán đoán đạo đức trở thành vô nghĩa. Như thế, qua trách móc, ca ngợi và ao ước chúng ta có thể giả định là con người là một chủ thể có tự do chọn lựa và phải chịu trách nhiệm cho hành vi của mình.
Mục tiêu cơ bản của đạo đức học là cung cấp các giá trị khách quan liên quan đến viễn tượng đạo đức của mình. Nhưng khi truy vấn về lý luận đạo đức thì chúng ta phải trả lời cho câu hỏi cuối cùng, đó là, “Tại sao tôi phải sống đạo đức?” Giả sử một hôm trên đường phố vắng, tôi nhặt được một cái ví với một số tiền lớn cùng với tên và địa chỉ của người mất cái ví ấy. Trong vài giây phút, tôi có thể phân vân mình có nên dùng số tiền “may mắn” này cho mình. May mắn đối với tôi nhưng lại kém may mắn cho người đánh mất ví tiền. Nếu tôi không trả ví tiền lại cho khổ chủ thì hành vi của tôi cũng không ai hay biết. Như vậy, có lý do chính đáng nào để tôi chọn sự chính trực thay vì tìm lợi ích cho mình không? Suy tư như thế này đưa ta đến việc nhận ra mục đích cuối cùng của đạo đức là sự thiện. Sống đạo đức là sống theo điều thiện, là hành động đúng không vì tư lợi.
Nhưng sự thiện là gì? Sự thiện đối với ai? Điều thiện là tốt vì tự bản chất của nó, hay là vì nó sẽ mang lại lợi ích cho ta? Cho dù ta có thể tìm được một định nghĩa khách quan và phổ quát cho sự thiện đi nữa thì trong thực tế, một người làm một việc thiện nhưng với mục đích xấu có phải là người tốt không? Hoặc người khác có ý định tốt nhưng lại làm điều xấu do họ không biết, liệu người ấy có phải là người xấu chưa?
Mặc khác, nếu một người làm điều xấu nhưng mang lại hậu quả tốt, thì ta nên phán đoán như thế nào? Lấy ví dụ, một tên trộm khi đập cửa kính lén vào một nhà, thấy một bà cụ nằm bất động dưới đất, bị ngộ độc vì khí carbon dioxide tràn ngập trong nhà bị đóng kín vì đang dùng lò sưởi mùa đông. Bỗng nhiên bà cụ bắt đầu cử động, và hệ thống báo động cũng âm thầm liên hệ với cảnh sát, và tên trộm cuối cùng bị bắt. Điều mà tên trộm không biết là hành vi đập cửa kính vô tình làm cho khí độc thoát ra và khí sạch tràn vào nhà và cứu sống được bà cụ. Như vậy, hành vi xâm phạm gia cư bất hợp pháp này là tốt hay xấu? Đáng khen hay đáng trách? Đúng hay sai?
Như thế, định nghĩa khách quan của sự thiện tự nó sẽ không thể trả lời câu hỏi “Tại sao ta phải sống đạo đức”. Nhiệm vụ của đạo đức học là giúp chúng ta đạt được mục tiêu đã được giả định trong lý tưởng hạnh phúc của mình khi phân biệt giữa điều thiện và ác. Nhưng đạo đức học không thể cung cấp câu trả lời khách quan cho câu hỏi: “Tại sao ta phải chọn điều thiện?” Đây là câu hỏi nằm ngoài phạm vi của triết học và là giới hạn của lý luận đạo đức. Nó thuộc về lãnh vực thực tế và chỉ có ý nghĩa một khi chúng ta chấp nhận việc theo đuổi sự thiện gắn liền với nỗ lực tìm hạnh phúc cho đời mình.
SỰ THIỆN VÀ BẢN TÍNH CON NGƯỜI
Đạo đức học là môn nghiên cứu về cách chúng ta phải sống hay chọn lựa sự thiện hảo như thế nào để đạt đến hạnh phúc. Nhiều người cho rằng sự thiện cao cả nhất của con người là thể hiện tiềm năng và bản tính của mình một cách trọn vẹn. Nhưng “bản tính con người” là gì? Và làm thế nào chúng ta thể hiện được bản tính ấy? Nếu cho rằng con người là “con vật có lý trí” thì đạo đức là tận dụng lý trí để mang lại hạnh phúc cho mình. Hoặc, nếu bản tính con người là tìm kiếm sự sung mãn cho tất cả mọi người, thì đạo đức chính là đạt đến các điều vị lợi ấy. Như thế, việc bảo vệ và phát huy các “khuynh hướng tự nhiên” của bản tính con người là điều thiện hảo và đáng theo đuổi. Đây là cơ sở cho sự phát triển của đạo đức học “luật tự nhiên”.
Trong vở kịch “Antigone” của Sophocles (Wyckoff, 1959), người hùng Antigone nại đến qui luật cao cả này để biện minh cho hành vi chôn xác người anh ruột, cho dù có lệnh vua cấm vì người anh đã nổi loạn chống lại chính quyền thành Thebes. Hãy xem đoạn đối thoại sau đây:
-Vua Creon: Hãy nói cho ta biết, nhà ngươi có biết lệnh vua cấm làm việc này không?
-Antigone: Lẽ dĩ nhiên tôi biết. Lệnh vua rất rõ ràng.
-Vua Creon: Sao nhà ngươi vẫn coi thường lệnh vua?
- Antigone: Đối với tôi, lệnh này không đến từ Thần Zeus và cũng không do Thần Công lý hay do các vị Thần dưới trướng Zeus ban ra. Hơn nữa, tôi không nghĩ rằng luật của nhà vua, trong thân phận là con người, lại có thẩm quyền cao hơn luật của Thần Minh vốn đã có tự muôn đời. Giá trị của luật các Thần Minh đã có từ hôm qua, tiếp tục hôm nay và mãi mãi và không ai thật sự biết chúng đã bắt đầu từ thủa nào...
Phản ứng và lý luận của Antigone trên đây cho thấy ngay từ thủa ban đầu của triết học, con người đã nhận ra lương tâm và lý trí là nền tảng tất yếu cho phán đoán đạo đức, căn bản hơn cả mọi qui luật tôn giáo hay luật pháp nhà nước. Trong lương tâm con người đã được khắc ghi một quy luật luân lý có từ đời đời và con người biết nó qua lý trí. Con người là một chủ thể luân lý và trên nền tảng những gì “tự nhiên đối với con người”, triết Hy Lạp Cổ đại đã khai triển một số mô hình đạo đức học, rất quan trọng cho sự phát triển của triết học Tây phương sau này.
Tuy nhiên, không phải mọi triết gia đều đồng ý rằng đạo đức học cần phải được xây dựng trên bản tính con người. Có thể họ cho rằng bản tính con người cơ bản là ích kỷ hoặc chưa hoàn toàn và đạo đức là khắc phục khuynh hướng vị kỷ tự nhiên đó. Có triết gia cho rằng giá trị đạo đức cơ bản là thể hiện bản tính độc đáo riêng qua các chọn lựa tự do của chủ thể. Có giả thuyết cho rằng người khác phái không thể có chung bản tính và như thế phụ nữ cần thể hiện bản tính mình cách độc lập và sáng tạo, không phải theo mô hình của phái nam. Vì thế, khó mà đạt đến một quan điểm chung hay sự thống nhất về “bản tính con người”.
Trong thời Cận đại, đạo đức học đã chuyển mình từ một môn học về hạnh kiểm và tính cách đúng đắn của bản tính con người sang một khoa nghiên cứu về các hình thức hay nguyên tắc cần thiết cho việc đánh giá hành vi đạo đức. Nhiều phạm trù đạo đức học mới đã được đưa ra như: hậu quả (consequentialism), ý định (intentionality), hình thức (formal), bổn phận (deontology), và nhân cách (character).
Trước tiên, thuyết “hậu quả” là khuynh hướng đánh giá một hành động hay tính cách tùy theo khả năng chúng thăng tiến hay gây tổn hại đến hạnh phúc con người. Nhưng “ý định” cũng là yếu tố không kém quan trọng, vì một người có thể làm việc từ thiện mang lại nhiều kết quả tốt cho người nghèo, nhưng với tham vọng chính trị hay ý đồ bất chính thì hành vi của họ chưa chắc là cao thượng.
Nếu cả hai khuynh hướng ở trên đều nhắm vào thực chất của hành vi, thì khuynh hướng thứ ba nhắm vào “hình thức luân lý phổ quát” đúng một hành vi. Một hành động chỉ là đúng nếu nó là hành động mà ta có thể ước ao trung thực rằng mọi người trong cùng hoàn cảnh sẽ thực hiện, và ta có bổn phận phải tuân thủ hình thức luân lý phổ quát của nó. Ví dụ, theo Kant, hành vi gian lận khi làm bài thi là sai vì “hình thức luân lý” của hành vi đó không thể phổ quát hóa được; nó sẽ bào mòn ý định của người muốn gian lận.
Cuối cùng, quan điểm “nhân cách” cho rằng hành động chỉ là cách diễn tả của một cá tính đã được hình thành nơi tác nhân. Do đó, đạo đức học nên nhắm vào việc rèn luyện nhân cách thay vì cân nhắc về các khía cạnh thực chất của hành vi.
Ngoài ra, đạo đức học còn có các thử thách khác. Nếu luân lý (morality) xuất phát từ những thói quen (mores) của con người sống trong xã hội thì phán đoán đạo đức lại không thể hoàn toàn tuyệt đối hay hoàn toàn tương đối. Từ phái Ngụy biện cho đến Nietzsche đã cho thấy giá trị đạo đức luôn luôn bao hàm các yếu tố chủ quan. Do đó, có cách nào bênh vực cho tính khách quan của phán đoán đạo đức không?
Mặt khác, mọi suy tư và hành vi con người đều có nguồn gốc và bị chi phối bởi các yếu tố thể lý, tâm lý hay bối cảnh xã hội. Như vậy, hành vi con người bị tiền định và không hoàn toàn tự do thì làm sao ta có thể có phán đoán đạo đức một cách trung thực được? Hơn nữa, sự hiểu biết và tri thức đạo đức của con người thì thay đổi và tiến hóa theo thời gian, như vậy các phán đoán đạo đức của truyền thống còn đúng không? Tiến hóa có loại bỏ các giá trị đạo đức cổ điển không?
ĐẠO ĐỨC HỌC VÀ CÁC KHOA HỌC KHÁC
Các nhà xã hội học tiếp cận đạo đức từ góc độ mô tả hay tường thuật. Họ đưa ra những giả thuyết phổ quát để giải thích hành vi và các chọn lựa của cá thể hay tập thể trong xã hội và dùng cách giải thích này để làm sáng tỏ quan điểm đạo đức của các cá thể hay tập thể đó. Nói chung, khoa xã hội học tránh đề nghị một hệ thống luân lý hay xử lý nào cho xã hội, nhưng nếu họ bước vào phạm vi này thì họ trở thành các triết gia đạo đức học.
Nhà nghiên cứu giáo dục có thể tìm cách áp dụng các học thuyết đạo đức nào cho thích hợp với quan điểm giáo dục của họ. Có những triết gia như Plato đã đi sâu hơn, khai triển về các chủ đề giáo dục đạo đức. Một nhà giáo dục sẽ cẩn thận cân nhắc về hậu quả và cách thức áp dụng đạo đức học trước khi đi đến quyết định chọn lựa. Nhưng họ không bận tâm về bản chất, ngôn ngữ hay cách lý luận của đạo đức học như triết học đạo đức.
Thần học cũng khai thác các học thuyết đạo đức và hệ thống phán đoán cho thích ứng với truyền thống tôn giáo. Nhưng lý luận của thần học luân lý thì dựa trên “mạc khải” vốn đã được cộng đoàn các tín hữu thừa nhận rồi. Trong khi đó, triết học đạo đức dựa trên lý trí và nới rộng quan điểm của mình để bao gồm các lãnh vực rộng rãi hơn tôn giáo. Mục đích của triết học đạo đức là xác định tính nhất quán và hợp lý của các mô thức dùng trong lý luận đạo đức.
Các nhà làm luật, chính quyền hữu trách cũng tra cứu mối tương quan giữa đạo đức học và pháp luật. Nhưng luật pháp và đạo đức là hai lãnh vực khác nhau. Hành vi trái với đạo đức không nhất thiết phải là vi phạm pháp luật (cha mẹ nói dối với con cái). Hoặc hành vi phạm pháp chưa hẳn là xấu (dùng xe không xin phép chủ để chở bệnh nhân đi cấp cứu). Tuy chính trị gia có thể phản đối việc “luật hóa” luân lý nhưng họ vẫn dùng triết đạo đức như nền tảng cho việc chú giải luật pháp hay bênh vực cho quan điểm của họ.
Tài liện tham khảo:
Đạo Đức Học Tổng Quát. Joseph Tân Nguyễn, ofm. Nhà Xuất Bản Phương Đông, TP HCM, 2016.