Skip to content
Main Banner
ĐẠI LỄ THÁNH PHANXICÔ (04/10) - Xét mô tả, dàn bài TL thần IV (07/10) - HỘI THAO MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ (12/10) - LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11)

Luật Tự Nhiên Qua Truyền Thống Triết Học Hy-Lạp: Ngụy Biện, Aristote & Khắc Kỷ

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-05-05 09:57 UTC+7 101

Cho dù luật tự nhiên là bất thành văn nhưng vẫn là tiêu chuẩn phổ quát của luân lý, thì làm sao chúng có thể được biết? Chúng ta sẽ khởi đầu với các triết gia Hy-lạp, là những học giả đầu tiên muốn đào sâu sự hiểu biết về thế giới qua triết vũ trụ luận và qua nỗ lực tìm kiếm sự thông thái về đời sống con người của nhóm Ngụy Biện. Tiếp theo là nghiên cứu của Aristote về nguyên nhân của hiện hữu và biến dịch trong vũ trụ vốn là nền tảng cho triết học tự nhiên và đạo đức học dựa trên mục đích tự nhiên của con người. Cuối cùng chúng ta sẽ kết thúc với quan điểm luật tự nhiên của trường phái Khắc Kỷ.

VŨ TRỤ LUẬN & NGỤY BIỆN VÀ LUẬT TỰ NHIÊN

Quan sát cẩn thận về hành trình tìm kiếm sự khôn ngoan từ thủa ban đầu của triết học cho thấy con người đã cố gắng giải thích thế giới chung quanh bằng sự quan sát và lý luận (logos) của mình thay vì dựa trên thẩm quyền của truyền thống tôn giáo hay sức mạnh thần linh. Các triết gia tiền Socrate đi tìm căn nguyên (arche) của vũ trụ như là yếu tố nền tảng nhất để giải thích của vũ trụ mà không cần viện đến truyện thần thoại (mythology). Các nhà “vật lý ở Melesia” giải thích bằng những năng lực vật chất. Thales nói “nước” là nguyên lý đầu tiên, Anaximenes cho là “khí”, Anaximander nói là chất “vô định.” Họ cố gắng tìm căn nguyên của thực tại qua thiên nhiên (tự nhiên). Từ “tự nhiên” trong tiếng Hy-lạp mang nghĩa vật lý (phusis). Cho dù các bản văn tồn tại của họ không được nhiều và rành rọt nhưng cũng đủ cho thấy họ đang nại vào “logos” thay vì “mythos” để tìm căn nguyên vốn phải là khách quan, phổ quát và có thể kiếm chứng qua lý trí.

Mặc khác, Pythagoras đã dùng các mối tương quan toán học và tạo ra một linh đạo dựa trên hài hòa giữa những tỉ suất tìm thấy nơi các sự cân bằng trong tự nhiên, thân thể con người và âm nhạc. Heraclitus dùng yếu tố “lửa” để làm biểu tượng để giải thích cho bản chất kiên trì của “logos” giữa các sự biến dịch xảy ra vốn tạo nên thế giới khả giác. Trái lại, Parmenides dùng “hữu thể” (onto) như nguyên lý bất biến căn bản nhất của vũ trụ, từ đó, mở ra sự mâu thuẫn giữa hai quan điểm: bản chất của vũ trụ là “biến dịch” hay “bất biến”? Khái niệm “nous” của Empedocles hay “atom” của Democritus và Leucippus đã cố gắng giải quyết mối tương quan giữa nền tảng nhất nguyên và đa nguyên về vũ trụ tiềm tàng trong sự khác biệt giữa Heraclitus và Parmenides. Nói chung, khoa học sơ khai của Hy-lạp chưa thật sự tư duy theo con đường thế tục, nhưng chỉ muốn tránh dùng các trình thuật thần thoại để lý giải cho căn nguyên của vũ trụ. Sự tò mò của họ được thể hiện qua cách quan sát các trật tự thường xuyên nhận ra trong tự nhiên và kết nối chúng với các giá trị luân lý trong cuộc sống con người.

Sự tò mò về nguyên lý của thế giới vật chất và giá trị luân lý trong cuộc sống con người mà các nhà vũ trụ luận đã theo đuổi hơn hai thế kỷ thì cuối cùng bị gạt một bên với sự xuất hiện của trường phái Ngụy Biện. Những nhà “thông thái” (Sophists) này dùng kỷ năng hùng biện và thuyết phục để phê phán các niềm tin luân lý đại chúng và tranh luận chính trị. Họ cho rằng nhiều tiêu chuẩn luân lý là do con người tạo nên chứ không phải là tự nhiên. Câu nói nổi danh của Protagoras “Con người là thước đo của mọi sự” xem luật lệ và qui chế nhà nước chỉ là sáng kiến của con người, do đó người dân cần phải được huấn luyện về công bằng và chính trị để hiểu rõ hơn vể công lý. Hippias đi xa hơn với nhận xét rằng những nét chung của nhân loại ám chỉ sự bình đẳng và tính huynh đệ phổ quát. Ông phê bình quan niệm về người Hy-lạp thì cao thượng hơn các “rợ dân” (barbarians) là dấu hiệu của khả năng phán đoán sai lầm tiềm tàng trong các qui chế pháp luật chính trị. Callicles (Gorgias) và Thrasymachus (Nền Cộng Hòa) công nhận kẻ mạnh có ưu thế quyền lực cách tự nhiên trên kẻ yếu, và luật lệ chỉ tạo ra cơ hội cho kẻ yếu đoàn kết với nhau chống lại kẻ mạnh thôi. Thật ra, việc tuân phục luật pháp hay luân lý cũng không cần thiết cho kẻ mạnh, trừ khi việc đó mang lại tư lợi cho họ. Phái Ngụy Biện vạch trần những lỗ hổng tư biện trong hệ thống chính trị, tôn giáo, pháp lý và luân lý trong thời đại của họ.

Phản biện lại phái Ngụy Biện, Socrates đã cố gắng tìm một nền tảng đáng tin cậy hơn cho tri thức và đạo đức. Trong các hội thoại Apology, Crito, Phaedo, Socrates phản ánh một ý thức về sự ràng buộc mà ông phải tuân phục đối với Athens. Cho dù không đưa ra một học thuyết chính thức nào về luật tự nhiên, nhưng Socrate đã kiên trì chất vấn quan niệm công luận về luật pháp, công bằng và trách nhiệm dân sự. Ông ta thường phân tích cấu trúc và hoạt động của một chủ đề để khẳng định mục tiêu và yếu tính của nó. Đây sẽ là chiến lược thường được dùng để rút tỉa các nguyên tắc luân lý từ cách phân tích yếu tính của đối tượng. Theo Socrates, triết học là hành trình tìm sự khôn ngoan, sự nhận thức rằng chân lý không phải do thẩm quyền khẳng định, nhưng là qua sự kiên trì suy tư và phấn đấu qua công luận.

Cuốn “Nền Cộng Hòa” là một hội thoại gồm mười chương về bản chất của công bằng, với Socrate là nhân vật chính. Cephalus cho rằng công bằng là trả nợ mình đang thiếu, và con trai ông, Polemarchus, thêm vào, công bằng là trả cho kẻ khác những gì thuộc về họ. Sai lầm ở đây là hành vi đó có thể giúp người bạn nhưng lại gây tổn hại cho kẻ thù của mình. Sách I kể lại Socrates đã phá ý tưởng của tên quí tộc Thrasymachus vì muốn không đối thoại nghiêm túc. Như thế, Socrates đương nhiên công nhận luật tự nhiên đang hiện diện như khả năng của lý trí suy tư về những điều tự nhiên nơi mọi tâm hồn.

Từ Sách II đến Sách X, Plato bàn luận về một thành phố lý tưởng theo mô hình của sự hài hòa nội tâm khi mà lý trí có thể điều phối và thống trị những bản năng hạ cấp như “tinh thần” và “dục vọng”. Trong một thành phố lý tưởng, người khôn ngoan, với sự hỗ trợ của những kẻ can trường, phải là thủ lãnh của đám đông đang theo đuổi bản năng. Nhìn một cách tổng thể, tác phẩm Nền Cộng Hòa đang lập một luận đề phản bác lại nhóm Ngụy Biện, qua lý giải rằng những thôi thúc bốc đồng trong cá nhân thì không bao giờ có thể được thỏa mãn nếu không được dẫn dắt bằng lý trí. Cũng thế, trong một xã hội, những lãnh đạo độc đoán sẽ nổi dậy và thống trị dân chúng trên danh nghĩa đem cho họ những gì chính họ không thể đạt được. Chỉ những người có đủ khôn ngoan mới có thể nắm bắt bản tính con người và luân lý tự nhiên được soi sáng bởi sự thiện thì mới có thể thiết lập một xã hội lành mạnh.

Cho dù hạn từ “tự nhiên” dùng theo nghĩa luân lý thì ít khi xuất hiện, nhưng luận điểm của Plato là khả năng thủ đắt sự tương đồng của cơ cấu tam thể của linh hồn (lý trí, tinh thần, dục vọng) và cơ chế tam quyền của xã hội (giới lãnh đạo, giới quân sĩ và giới lao động) chính là nguồn của mọi mô hình lý giãi về đạo đức và chính trị. Theo Plato, nếu chúng ta sống theo trong một huấn luyện luân lý vốn kiềm chế các bản năng, luôn tìm kiếm sự thiện chung cho mọi người, thì nhân đức tự nhiên sẽ phát triển, đưa đến sự đức hạnh chân thật và thiện hảo trong cộng đoàn. Plato có thể được xem như đang diễn giải một phiên bản thô sơ về luật tự nhiên bởi vì ông ta nhận thấy những quy luật của xã hội đang tham dự vào các nguyên lý vĩnh cửu của công lý.

ARISTOTE KHÁM PHÁ LUẬT TỰ NHIÊN TỪ THỰC NGHIỆM.

Aristote, người học trò của Plato, nhận thấy viễn tượng “thành đô lý tưởng” dựa trên công lý vĩnh cửu của thầy mình thì mâu thuẩn với thực tế phức tạp trong thế giới mà các nhà vũ trụ luận đã tranh luận gần 2 thế kỷ trước đó. Từ đó, Aristotle đúc kết học thuyết nguyên nhân (causality) gồm các yếu tố căn bản như chất thể, mô thể, tác thành và cứu cánh để giải quyết sự mâu thuẫn này. Aristote dùng khái niệm “tự nhiên” như là một nguyên lý nội tại của cơ cấu, sự phát triển và những hoạt động đặc thù của hữu thể đó. Sự vật “nhân tạo” thì thiếu nguyên lý nội tại này, vì sự thống nhất của nó như là nó thì do người tạo ra nó đặt vào đó. Trái lại, những đối tượng “tự nhiên” thì sở hữu “yếu tính” đặc thù cho loài của chúng, qua đó chúng tác động một cách thường xuyên và hầu hết theo một hình thức và mục đích nào đó. Trên nguyên tắc thì chúng ta có thể định nghĩa “tự nhiên” của bất cứ đối tượng cụ thể nào qua cách liên kết chúng với nguyên lý tạo nên cơ cấu của chúng và đặt vào đó những xu hướng để chúng tiến về mục đích nào đó (ví dụ như sự trưởng thành và khả năng sinh sản của một sinh vật).

Aristote minh họa học thuyết bốn nguyên nhân qua việc tạc nên một tượng đồng. Trong trường hợp này, nguyên nhân chất thể là “vật chất” dùng để đắp nên tượng. Nguyên nhân mô thể là hình dáng hay sự sắp đặt của vật chất. Nguyên nhân tác thành chính là người thợ tạc. Nguyên nhân cứu cánh là mục tiêu hay cùng đích trong ý tưởng của thợ tạc. Nhưng trong trường hợp của một hạt lúa thì chất thể, mô thể và cứu cánh (mục tiêu, telos) thì đã có sẳn. Nguyên nhân tác thành là nước, tác nhân khởi đầu tiến trình triển nở của hạt lúa. Ví dụ thứ ba đến từ sự sinh sản của động vật. Một phôi thai do trứng và tinh trùng kết hợp lại sẽ cung cấp vật chất và hình thức mới vốn sẽ hướng dẫn mọi chiều hướng phát triển của cá thể khi trong tiến trình lớn dần của nó. Nhưng phôi thai chỉ xuất hiện một khi có sự giao phối giữa hai động vật. Hình thức trưởng thành của cá thể mới thì đã hiện diện cách tiềm thể trong phôi thai mới thành hình qua tiến trình thụ tinh. Có những yếu tố tự nhiên ngoài tầm tay của con người, đó là các năng lực bên trong vốn điều phối tiến trình phát triển và lớn lên của mọi sinh vật.

Từ những vai trò khác của các nguyên nhân ở trên, Aristote nhận thấy trong tiến trình biến dịch, có cái thay đổi những cũng có cái tiếp tục tồn tại. Aristote cũng suy ra có những điều căn bản trong mọi biến dịch. Trước tiên, chất thể nền tảng có thể mang một mô thể lúc này hay được thay thế bằng các mô thể khác lúc khác, vì thế thiếu sót hay khiếm khuyết là tình trạng không có mô thể nào đó trong lúc này. Thứ đến, biến dịch là tiến trình nền tảng chất thể căn bản đón nhận một mô thể hay hình thức mới mà nó thiếu sót trước khi có sự thay đổi. Ngược lại, điều này cũng có nghĩa biến dịch bao gồm sự mất mát mô thể hay hình thức mà nó có trước khi biến dịch khởi đầu. Cuối cùng, biến dịch chỉ có thể xảy ra khi hữu thể ban đầu có tiềm năng đón nhân một mô thể mới. Hay nói cách khác, mô thể mới đã tồn tại cách tiềm thể trong sự vật, trước khi nó trở thành hiện thể sau khi biến dịch. Vì thế, biến dịch không phải là việc biến mất hoàn toàn từ cái có đến không có như Parmenides lo lắng, hay chỉ là sự thay đổi về nhận thức bên ngoài như Heraclitus đã tuyên bố.

Nguyên nhân cứu cánh là yếu tố cuối cùng điều phối mọi sự thay đổi. Đối với sản phẩm do con người tạo nên thì nguyên nhân cứu cánh là ngoại tại, như trong thế giới thì nó đã có mặt trong cơ cấu tự nhiên của sự vật. Nguyên nhân cứu cánh có thể nhận ra qua hai loại thay đổi bản thể (formal change) và thay đổi tùy thể (accidental). Thay đổi bản thể xảy ra khi thực phẩm chúng ta ăn vào sẽ không còn là chúng và sẽ trở nên thành phần của chúng ta, hay cũi đốt sẽ trở thành một đống tro. Thay đổi tùy thể xảy ra khi có sự biến dịch về phẩm tính, lượng tính hay tương quan, ví dụ như khi ta cưa cái bàn ra để lấy gỗ đóng thành cái ghế, hay khi bố mẹ mất và anh chị trở thành đóng vai cha mẹ cho em nhỏ. Lối phân biệt giữa biến dịch bản thể và biến dịch tùy thể giúp giải thích tính năng động của tự nhiên qua các hình thức thay đổi. Tạo nên một sự sống hay tiêu diệt một hữu thể sống là “biến dịch bản thể”; sự phát triển hay trưởng thành của một hữu thể theo chiều hướng của loài đó là “biến dịch tùy thể”. Nhìn từ nhãn quan cứu cánh, các cơ quan và tiểu hệ thống hoạt động cách tự nhiên cùng hướng về sự thiện hảo của một cơ thể. Mọi sự biến dịch mà một hữu thể trải qua đều cần thiết và phục vụ cho loài đó đạt đến sự thiện hảo của cá thể và của loài. Đây là quy luật tự nhiên điều phối sự phát triển của mọi loài có sự sống tự nhiên.

Bằng cách quan sát và suy tư, Aristote có thể nhận dạng yếu tính đặc thù của mỗi loài trong tự nhiên. Các yếu tố cơ cấu lẫn hoạt động tiêu biểu của một loài cho thấy chứng cớ để khẳng định về sự tồn tại của các loài hay chủng trong tự nhiên. Cho dù không thể nhìn thấy nguyên nhân của “tự nhiên" hoạt động, nhưng từ cách cơ cấu hiện thực và những hoạt động quan sát được, chúng ta có thể suy ra rằng phải có một nguyên nhân túc lý tạo nên các hiệu quả đó. Cách tiếp cận luật tự nhiên của Aristote là thực nghiệm và có thể được áp dụng vào phạm vi con người. Aristote tin vào sự tồn tại của một bản tính chung về con người hay nhân tính. Ông định nghĩa con người là một động vật có trí khôn, mang tính chính trị và xã hội. Yếu tính tiêu biểu của con người là lý tính, được thể hiện qua nhiều hình thức và tiến trình phát triển khác nhau như: suy tư, hiểu biết, tuyên bố, ước muốn, quyết tâm, yêu mến, chọn lựa và nhiều cách khác nữa. Lý tính con người được thể hiện qua ngôn ngữ. Qua ngôn ngữ, lý trí nắm bắt sự trừu tượng, phán đoán, và tạo nên các mô hình lý luận về thế giới, và từ đó con người có thể đào sâu vào các phạm vi ý nghĩa của sự vật hơn là những gì có thể quan sát được.

ĐẠO ĐỨC HỌC NICHOMACHEAN

Sáng tác về chính trị học và đạo đức học của Aristote dựa vào nỗ lực tìm hiểu qua bản tính tự nhiên của con người một nền tảng cho tính khách quan và phổ quát của các khẳng định về luân lý. Nhưng Aristote không phải là một nhà đạo đức học luật tự nhiên theo nghĩa chính xác của nó, bởi vì tác phẩm Đạo Đức Học Nichomacheus được xây dựng trên nền tảng của nhân đức chứ không phải luật lệ. Cho dù Aristote dùng khái niệm “tự nhiên”, nhưng ông vẫn quan niệm về một thế giới ổn định thì dựa trên các yếu tính của con người. Khái niệm chính yếu của Đạo Đức Học Nichomacheus là sự phát triển của nhân đức qua cách tập luyện các thói quen tốt hầu sự hoàn hảo về ước muốn và hoạt động sẽ trở thành “cá tính thứ nhì” của con người. Bốn nhân đức chính yếu là: khôn ngoan, can đảm, tiết độ và công bằng là sự hoàn hảo của chức năng sẳn sàng tác động theo cách riêng của mỗi loài. Vì lý tính là yếu tính đặc thù của loài người cho nên mỗi nhân đức đều hàm chứa một thành tố lý tính trong đó.

Sự kiện Aristote liên kết các nhân đức với bản tính và chức năng tự nhiên là phần lý thuyết rất quan trọng cho luật tự nhiên. Aristote quan sát rằng thực vật và động vật được phát họa để đối phó với những thử thách bình thường trong môi trường và tiếp tục duy trì giống nòi. Thú vật trẻ của một số loài cần phải được huấn luyện, tương tự như trong loài người. Nhưng hơn thế nữa, loài người có nhu cầu văn hóa vốn đạt được qua chức năng phù hợp của lý tính, một khả năng chỉ tồn tại nơi con người. Khả năng của lý tính được thấy rõ qua những nét căn bản của đạo đức học và chính trị học. Cuộc sống cá nhân và tập thể của con người được phát họa cách tốt nhất để tận dụng những khả năng tự nhiên này. Sách V của Đạo Đức Học Nicomacheus phân biệt rõ ràng giữa nguyên tắc bất biến của “công bằng tự nhiên” và tính biến dịch của “công bằng tập thể” hay quy luật do nhà nước đặt ra. Qua công bằng tự nhiên, Aristote ám chỉ những gì “thích đáng” hay “hợp lý” vốn là điều kiện phải có trong mọi nhân luật hay hình thức “công bằng tập thể”.

Trong cuốn “Chính Trị Học”, Aristote thẳng thắn nại vào một số luật tự nhiên bao gồm cả luật phổ quát và luật bất thành văn. Cuốn I, chuong 10, 13, 15 bàn đến “một qui luật xã hội dựa trên bản tính tự nhiên” tồn tại thật sự và bất cứ ai cũng có thể biết. Aristote nhắc đến câu chuyện Antigone của Sophocles. Cho dù tác phẩm này không giải thích cách chi tiết về tính phổ quát của luật tự nhiên, nhưng nó vẫn cho các thể hệ triết gia sau đó phương pháp để biện phân về hướng đi của luật tự nhiên và một số tình huống về cách luật tự nhiên tạo nên nguyên tắc lý luận. Bất cứ chiều kích thiết yếu nào của tự nhiên đều có để xác định từ mục đích và cứu cánh của một hữu thể, vốn có thể được khám phá qua các cơ cấu và hoạt động của nó. Như thế phương pháp để khám phá mục đích tự nhiên là phân tích cứu cánh. Với phương pháp này, Aristote lý luận rằng vì bản tính con người là xã hội một cách tự nhiên, do đó mọi tổ chức chính trị cần phải đáp ứng nhu cầu tự nhiên này. Tuy nhiên, quan điểm tự nhiên của Aristote vẫn tồn đọng sự kỳ thị trong lãnh vực thăng tiến xã hôi giữa nam và nữ, hay mức độ thông minh của những kẻ sinh ra làm nô lệ. Cũng như mọi học giả thời cổ đại, Aristote đặt mục tiêu của cá nhân thấp hơn các mục tiêu của nhà nước dựa trên lý luận rằng những gì tốt lành cho nhà nước thì sẽ bảo đảm cho sự thiện hảo của người dân. Vì nhà nước có tầm quan trọng cao hơn cá nhân, cho nên cá nhân cần phải sẳn sàng hy sinh chính mình để phục vụ cho mục tiêu của nhà nước.

TRIẾT LÝ KHẮC KỶ VÀ LUẬT TỰ NHIÊN

Trường phái Khắc Kỷ Hy-lạp do Zeno khởi xướng (300 BC) đề cao ý tưởng tự chủ cùng với khái niệm “lẽ phải phù hợp với tự nhiên”. Các triết gia Khắc Kỷ tin rằng cả vũ trụ vật chất và xã hội con người đều được thống trị bởi “lẽ phải, vốn hiện diện trong mọi sự và đồng dạng với thần Zeus, “chúa tể và thủ lãnh của mọi tồn tại”. Ý tưởng “lẽ phải” giả định rằng lý trí có thể phán đoán hợp lý, hay biện phân chân lý, và chọn lựa như thế nào hầu để mang lại sự hài hòa cho thế giới và con người. Triết Khắc Kỷ ảnh hưởng mạnh mẽ lên tác phẩm Nền Cộng Hòa của Cicero, qua đó, cung cấp một định nghĩa sơ khởi về luật tự nhiên như là “lẽ phải phù hợp với tự nhiên”. Là một chính trị gia bảo thủ, Cicero có khuynh hướng dùng luật tự nhiên để biện hộ cho luật pháp của đế quốc Rôma, chứ không phải để phản biện hay thay đổi nhân luật. Cicero đã phát họa nên khái niệm chiến tranh theo lẽ phải (just war), và giới thiệu hạn từ “luật nhà nước” (ius gentium). Đây là một hạn từ sẽ đóng vai trò quan trọng trong lịch sử của luật tự nhiên như là một tiêu chuẩn lý luận mà một hệ thống pháp lý cần phải bảo đảm sự bình đẳng căn bản của mọi công dân trước pháp luật.

Trường phái Khắc Kỷ thường dựa trên thực tại của công lý tự nhiên vốn cho rằng luật pháp và chính trị chỉ do lợi ích của cá nhân hoặc xã hội mà ra (Chrysippus, 232–206 B.C.). Nhưng cũng có quan điểm trái ngược vốn khẳng định rằng tất cả con người đều có khả năng căn bản tham dự vào lý trí thần linh và liên kết “lẽ phải” với Thượng Đế (Panaetius, 185-110 B.C.). Nhưng “Thượng Đế” của phái Khắc Kỷ thì hoàn hảo và lãnh đạm, không chủ quan hay ước muốn. Khái niệm này đưa đến hậu quả quan trọng là, thay vì theo phạm trù nhân đức, thì đạo đức học được xem từ nhãn quan luật lệ, và mục tiêu của luân lý cá nhân là để phục vụ cho luân lý chính trị đại đồng.

Triết lý Khắc Kỷ có những đồ đệ nổi danh như Scipio Africanus. Cicero (106-43B.C.) tóm tắc các triết lý chính trị và giới thiệu cho thế giới trung cổ khái niệm luật tự nhiên như là lẽ phải phù hợp với lý trí. Tác phẩm Nền Cộng Hòa có ghi: “Có một luật thật, lẽ phải phù hợp với lý trí; nó bất biến và vĩnh cữu, và áp dụng cho mọi hoàn cảnh… Có một qui luật, ràng buộc mọi người bất cứ thời nào; và nó sẽ tiếp tục, như đã có từ muôn đời, do một ông chủ và thủ lãnh của loài người, Thượng Đế, vốn là tác giả, người chú giải và người bảo kê của qui luật này.” (De re publica, 54-51B.C., Cuốn II, Chương 22). Đoạn văn này tạo nền tảng cho lý luận chính yếu của luật tự nhiên. Lý trí không chỉ là khả năng thiết lập một luận cứ trong cuộc tranh biện, nhưng là lẽ phải, một khả năng chuyên biệt qua đó con người có thể phân biệt giữa sự thiện và sự dữ và điều gì phù hợp hay xúc phạm đến bản tính tự nhiên của con người. Nếu chúng ta làm trái luật tự nhiên thì sẽ có sự trừng phạt tự nhiên. Ở mức tối thiểu, con người có bổn phận tuân giữ công lý, tôn trọng sự sống và tài sản của tha nhân, và đóng góp vào xã hội. Khái niệm “bổn phận tự nhiên” sau này sẽ trở nên quan trọng cho việc khai triển khái niệm “quyền tự nhiên” trong giai đoạn tân thời.

Quan điểm luật tự nhiên của Cicero cũng được thấy qua tác phẩm “Bổn Phận luân lý” (De Officiis, 44 B.C.) vốn khẳng định bổn phận của con người đối với nhau theo xã hội tính của con người, chứ không thể hành xử chỉ đơn sơ vì lợi ích riêng của cá nhân. Khác với phái Khắc Kỷ, Cicero ca tụng tham dự chính trị và sự phục vụ công đồng. Ông dùng hạn từ “luật nhà nước” (ius gentium) để mô tả yếu tố nền tảng của mọi hệ thống pháp luật đến từ các nền văn hóa khác nhau. Đây là điều kiện tự nhiên cho sự tôn trọng cho công lý. Tác phẩm “Luật Pháp” (De Legibus, 43 B.C.) xác định sự công bằng luân lý dựa trên bản tính tự nhiên của con người. Cicero cho rằng lý trí là yếu tố nâng chúng ta lên trên mức độ của loài dã thú, là bản tính chung của mọi người. Cho dù có khác biệt trong hiệu quả học thức, nhưng ít nhất trong khả năng học hỏi, thì không có gì khác biệt. Ý tưởng của này là căn bản cho luật tự nhiên, nhưng quan điểm nhân luật của Cicero vẫn còn bị giới hạn trong não trạng bảo vệ cơ chế nô lệ của đế quốc Rôma.

Tài liệu tham khảo

Alasdair MacIntyre. A Short History of Ethics. (Macmillan Pub. Co, 1966).

Aristotle. Nichomachean Ethics. B.1, The Basic Works of Aristotle. Ricard McKeon, ed. (Random House, NY 1941).

Joseph Koterski, SJ. Natural Law and Human Nature. (The Great Courses, 2002).


Chia sẻ