Sơ Lược Lịch Sử Đạo Đức Học
Đạo đức học là một trong bốn ngành chính yếu của triết học hệ thống. Siêu hình học truy vấn các vấn nạn về chân lý và thực tại, đặt biệt là về bản chất và hình thức của hữu thể. Tri thức luận tìm hiểu điều kiện căn bản cho sự hiểu biết của con người như kinh nghiệm, lý trí, ý niệm, hay sự phối hợp của các yếu tố này. Lôgic học thẩm tra tính hợp lý và các quy luật điều phối cách chúng ta suy luận và nhận diện các hình thức ngụy biện. Đạo đức học nghiên cứu những tiêu chuẩn nền tảng mà qua đó chúng ta phán đoán về các hành vi và giá trị nhân bản. Trong bài sơ lược này, chúng ta hãy tóm tắc ba giai đoạn lịch sử tiêu biểu của đạo đức học: Cổ Đại, Trung Cổ và Cận-Hiện Đại, và nhận diện các hằng tố thường xuất hiện trong cuộc truy vấn không ngừng này.
I. THỜI CỔ HY LẠP: Hành Trình Tìm Kiếm Đức Hạnh
A. Thời Tiền - Socrates
Đạo đức là vấn đề tìm sự quân bình giữa hai bản năng “tinh thần” và “dục vọng” của con người. Tương tự như một kỵ mã phải điều khiển hai chiến mã theo hướng mình muốn, thì con người đạt hạnh phúc qua sự thống trị các bản năng tự nhiên theo ý hướng của lý trí. Quá độ về tinh thần có thể trở thành hiếu chiến và làm mất trí khôn, nhưng quá nặng nề về dục vọng cũng sẽ làm tê liệt khả năng phán đoán của con người.
- Phái Khoái lạc (Epicurus): Thước đo luân lý của chúng ta là mức độ thỏa mãn mà hành vi có thể mang lại. Mỗi người cần tìm sự quân bình trong cuộc sống với giữa các ước muốn của mình, và loại trừ những nỗi lo sợ vô căn cứ như sự chết hay bị Thượng Đế trừng phạt ở đời sau.
- Phái Khắc kỷ (Stoic): Muốn được hạnh phúc con người cần kiềm chế những gì trong phạm vi có thể thay đổi được như thái độ, phán đoán và niềm tin của mình; và tránh tìm cách thống trị hay thao túng những điều ngoài tầm tay con người như đau khổ và sự chết. Khôn ngoan là biết dùng lý trí để sống cho phù hợp với những qui luật đang điều phối vũ trụ và thế giới.
- Phái Hoài nghi: Không có những chuẩn mực đúng hay sai tuyệt đối. Giác quan có thể đánh lừa chúng ta. Hạnh phúc tiềm tàng trong khả năng sống với sự tương đối và trong phạm vi những gì có thể đạt được. Nỗ lực tìm chuẩn mực đạo đức tuyệt đối chính là nguồn gốc của đau khổ hay bất hạnh.
- Phái Ngụy biện (Sophist): Con người là thước đo cho chính mình về mọi hình thức đạo đức và truyền thống. Các nhà “thông thái” này dùng tài hùng biện để tranh luận cho “chân lý” mà họ cho là thuộc về kẻ thắng. Không thể huấn luyện con người trở nên nhân đức, mà chỉ dạy họ các phương pháp tranh biện hầu để khắc phục đối phương và thủ đắc chân lý cho mình.Thuyết Ngụy Biện dựa trên chủ nghĩa tương đối và hoài nghi.
B. Socrates (469-399 BC)
Socrates cho rằng đức hạnh là sự tìm hiểu cho tận nguồn ý nghĩa của chân lý, “cuộc sống vô tư duy thì không đáng sống!” Tri thức về sự thiện đối với Socrates thì đồng nghĩa với thực hành điều thiện. Sự cố Đế Quốc Athens bị thất bại cuộc chiến Peloponnesia (431-404 BC) đã gây nên xáo trộn xã hội và làm cho con người đặt lại vấn đề về mối tương quan giữa đức hạnh và sự thịnh vượng của xã hội. Nguyên nhân gì đã làm soi mòn sức mạnh của nhà nước? Sai lầm trong suy tư về đạo đức, hay bang hoại trong cách giáo dục và huấn luyện giới trẻ? Lơ là trong việc thờ cúng thần thánh? Khủng hoảng là thời gian thích hợp để xét lại nền tảng của đạo đức.
Phản biện lại quan điểm “không thể dạy tư cách làm người” của phái Ngụy Biện, Socrates cho rằng nếu không thể dạy nhân đức thì sẽ không có phát triển về nhân bản và càng không thể có một xã hội hùng mạnh. Qua phương pháp đối thoại và biện chứng, Socrates khơi dậy khả năng tự thức và phản tỉnh, giúp đối tác xét lại các “giả định” tiềm tang trong phán đoán của họ. Hành trình tìm kiến tri thức chân thực khởi đầu bằng sự khiêm tốn, “biết là mình không biết”. Hội thoại giữa Socrates và Euthyphro cho thấy các giả định sai lầm và bế tắc trong sự hiểu biết thông thường về bản chất của đạo đức. Một hành vi là đạo đức vì thần thánh nói thế; hay thần thánh nói thế vì tự nó là đạo đức? Có thể tìm một định nghĩa độc lập cho “đạo đức” hay không? Nếu đạo đức không độc lập thì các phán đoán về tốt/xấu, đúng/sai đều lệ thuộc vào cảm tính, thói quen xã hội, ý muốn quyền lực hay ý thức hệ.
Socrates từ chối đào tẩu khi bị kết án tử hình vì ông cho rằng bất kỳ người lính nào cũng phải sẵn sàng chấp nhận cái chết khi ra chiến trận. Theo Socrates, nhà nước dân chủ đại diện cho đạo đức tập thể vốn là kết quả của việc suy tư thuần lý và phổ quát nhất do đó cần phải được tôn trọng. Cái chết của Socrates là giá phải trả cho lý tưởng về khả năng đạt tri thức qua đối thoại trong bối cảnh xã hội phức tạp. Nhưng Socrates tin vào “phản tỉnh” là con đường vàng dẫn đến chân lý như được ghi khắc trên cổng đền Delphia: “Con người, hãy tự biết mình!”
C. Platô (428-348 BC)
Thực thể tối hậu tồn tại trong thế giới ý niệm. Qua mô hình toán học, Platô đã giới thiệu học thuyết ý niệm vốn là nền tảng siêu hình cung cấp giải pháp cho các vấn nạn của Socrates. Những thực tại khả tri như ý niệm “thiện hảo” hay “công lý” tồn tại độc lập với thế giới khả giác của chúng ta. Con người là linh thể bị cầm tù trong thân xác, vẫn có thể đạt được tri thức về các “ý niệm” vốn đã được tạc ghi trong hồn trước khi nhập vào thân xác. Giáo dục là tiến trình hồi tưởng lại các thị kiến về điều Thiện. Cho dù chúng ta chưa hề bắt gặp sự thiện hảo, công bằng hay đức hạnh hoàn hảo trong thế giới, nhưng qua tư duy, lý trí vẫn có thể vượt lên các tiệm tiến để nắm bắt các ý niệm tuyệt đối này.
Trong tác phẩm Nền Cộng Hòa, Platô dùng dụ ngôn “Hang Động” để phân biệt ra hai tầm mức thực tại: Thế giới vĩnh cửu và thế giới tạm bợ. Con người thì cũng như các nô lệ đang bị giam cầm nơi hang sâu, chỉ nhìn thấy hình bóng của những gì xảy ra chập chờn trên vách hang. Chỉ khi được giải thoát ra ngoài thì mới ý thức rằng thế giới khả giác trước đây chỉ là ảo ảnh trái ngược với thực tại bất biến và vĩnh hằng bên ngoài hang tối. Ý nghĩa của bị trói buộc là thân xác nặng nề vì vui thú nhục dục sẽ đè nặng xuống, ngăn cản suy tư đạo đức. Bóng tối nói lên thế giới nhỏ bé, thiếu kinh nghiệm, không sẵn sàng đón nhận tri thức. Tin vào bóng in trên vách hang là chấp nhận cách thiếu phẻ phán những gì xã hội phóng đại lên cuộc sống của mình. Ánh sáng bên ngoài và sự mù lòa ban đầu ám chỉ nỗi đau đớn khi học biết về chân lý mới, cảm xúc khó chịu khi ý tưởng của ta bị thử thách.
Muốn có tri thức con người cần từ bỏ “bóng tối” của đam mê và dục vọng. Tri thức chân thật đòi hỏi sự kỷ luật, quay đầu khỏi các đam mê, và hồi tưởng lại những “hình thái” mà linh hồn đã biết trước khi nhập vào thân xác. Trí khôn con người có phần lý tính và phần phi lý tính (phần tiếp xúc với thân xác). Do đó hạnh phúc lệ thuộc vào mức độ lý trí thống trị dục vọng và tinh thần để con người vượt lên bốn mức độ của hiểu biết: tưởng tượng, tin tưởng, suy gẫm và tri thức thật sự vốn tương xứng với bốn đối tượng: hình ảnh, sự vật, toán học và ý niệm. Tuy nhiên, viễn tượng cưỡng bức giáo dục và phân tách con người theo bản chất vàng, bạc và đồng của Plato cuối cùng chỉ là một thực tại không tưởng, bất khả thi cho xã hội con người.
D. Aristote (384-322 BC)
Aristote phê bình đạo đức học của Platô là lôi cuốn con người đi quá xa khỏi thực tại mình đang sống. Aristote cho rằng bản chất (hình thức) của sự vật không ở trong thế giới cách biệt (ý niệm) nhưng trong chính vật chất. Ông dùng mô hình sinh học để phân tích khía cạnh đạo đức của con người. Mọi thực thể đều có bản chất và hình thức; hành động được hiểu theo ý hướng và mục đích. Điều mang lại hạnh phúc không hệ tại ở sự vật hay hành động nhưng là trong ý định hay mục đích. Như vậy “sự thiện” của một sự vật là điều kiện vốn giúp nó đạt đến hay hoàn thành ý định hay mục tiêu của nó. Điều kiện này chính là “điểm trung dung” giữa sự thái quá và bất cập. Nhân đức là tương quan đúng đắn giữa sự thái quá và khiếm khuyết, như can đảm là sự trung dung giữa liều lĩnh và nhút nhát. Chỉ qua tập luyện nhân đức, thói quen chọn sự trung dung tốt nhất, lý trí mới có cơ hội phát triển trọn vẹn là chức năng cao nhất của con người.
Tác phẩm Nicomachean Ethics là bản văn đầu tiên về đạo đức trong nền văn minh Tây phương. Aristote cho rằng không có hình thức nào có thể tồn tại tách biệt khỏi đối tượng. Không có sự thiện hảo nào tồn tại tách biệt khỏi kinh nghiệm sống hàng ngày. Chúng ta biết điều tốt nhờ vào việc quan sát cách thức người ta nỗ lực đạt được điều thiện. Tình bạn hữu chân thật (mong ước điều thiện cho người khác) là động lực tốt cho việc vun trồng nhân đức.
Trong khi tập nhân đức, tìm kiếm sự thiện hảo qua cách chọn cái trung dung, con người phải tận dụng lý trí. Do đó, đời sống lý trí có hai chiều hướng song song: Theo đuổi chân lý (trí tuệ và sự hiểu biết) và theo đuổi nhân đức (sự trung dung giữa thái quá và khiếm khuyết). Đây là mô hình “sinh học”. Chúng ta chỉ biết bản chất của một vật khi nắm bắt được toàn bộ tiềm năng của nó. Vì con người là động vật có lý trí, tiềm năng lý trí sẽ đưa chúng ta đến hạnh phúc; trong tiến trình này, chúng ta có thể học biết điều thiện hảo.
II. THỜI TRUNG CỔ: Đức Tin Tìm Kiếm Sự Khôn Ngoan
Trong thời Trung Cổ, lý trí được kết hợp với đức tin trong hành trình tìm kiếm hạnh phúc tối hậu của con người. Vấn đề là đức tin nâng đỡ hay cản trở lý trí trong cách nó nhận thức về bản chất của đạo đức?
A. Thánh Augustine (354-430): Ánh sáng nội tại
Đạo đức học của Augustine có khuynh hướng nhị nguyên, trình bày hai lối suy tư thế tục và thánh thiêng. Thế giới được tạo thành với hai trật tự: tự nhiên (khả giác, tạm bợ, tìm kiếm công ích) và siêu nhiên (khả tri, vĩnh cửu, tìm kiếm Nước Trời). Vai trò của niềm tin Ki-tô, Giáo hội, Kinh thánh là giúp con người hướng những giá trị bất biến, vĩnh cửu. Triết học chỉ tìm kiếm tri thức, nhưng thần học mới đưa đến sự khôn ngoan, đó là tri thức về hạnh phúc tối hậu mà con người đang tìm kiếm.
Thánh Augustin viết hơn 700 cuốn sách, đáng lưu ý nhất là Tự thuật và Thành đô của Thiên Chúa. Sự sống bằng lý trí sẽ hướng đến hạnh phúc tạm thời, điều thiện tự nhiên và chóng qua, và nhưng sự sống bằng đức tin sẽ đưa đến ơn cứu độ, hạnh phúc vĩnh cửu, sự thiện siêu nhiên. Vì cuộc đời này chỉ là sự chuẩn bị cho đời sau cho nên không thể tìm thấy hạnh phúc thực sự và vĩnh cửu ở đây. Con người sa ngã do nguyên tội nhưng vẫn còn ý chí tự do và trách nhiệm đối với các hành vi của mình. Như khách lữ hành trong thế giới này, con người lần mò và tìm kiếm hạnh phúc từ thế giới bên trong lẫn bên ngoài chính mình. Nhân đức có thể được luyện tập nhưng chỉ qua sự lôi cuốn của niềm tin và ân sủng trợ giúp của Thiên Chúa vốn đang soi sáng bên trên lý trí thì mới dẫn đưa con người về nguồn gốc vĩnh cửu của mình.
B. Thánh Tôma (1225-1274): Ân sủng hỗ trợ lý trí
Thánh Tôma tái khám phá triết học của Aristote và qua đó tạo nên một sự hài hòa giữa đạo đức học tự nhiên và đạo đức học hướng thần. Phạm vi sáng tác của Tôma rất rộng, quan trọng nhất là tác phẩm Summa Theologica và Summa Contra Gentes. Tôma nhấn mạnh vào khả năng phán đoán độc lập của lý trí, vốn là tiếng nói của lương tâm và tự nó có thể đạt đến hiểu biết quy luật tự nhiên. Ngài phối hợp lý trí với đức tina; lý trí giúp ta nhận thức các nhân đức trí tuệ; nhưng đức tin đưa đến nhân đức đối thần. Khác với Augustine, Tôma tin tưởng hơn vào khả năng phán đoán của lý trí về những hành vi nào có thể giúp con người đạt đến telos (mục tiêu) của mình. Lý trí nhận ra rằng con người bị lôi cuốn bởi sự thiện và qua thói quen tập luyện nhân đức, tức là sự phối hợp giữa lý trí và luân lý, con người có thể đạt đến eudaimonia (hạnh phúc) cho mình.
Mặc khác, Tôma cũng cho rằng hạnh phúc con người sẽ không bao giờ đạt đến sự viên mãn ở đời này. Thiên Chúa mới là nguồn tối hậu của mọi sự thiện đang lôi cuốn con người. Cho dù bị lôi cuốn bởi sự thiện, lý trí vẫn có tự do theo đuổi, đình trệ hay từ chối hành động theo ý chí của mình. Do đó, trong sự quan phòng, Thiên Chúa đã tuôn đổ ân sủng như là động lực trợ giúp chúng ta được biến cải và xứng đáng tham dự vào vinh phúc của Người. Đạo đức học của Tôma nhắm vào các nhân đức hướng thần: tin-cậy-mến qua sự trợ giúp của ân sủng. Sống đạo đức là biết sống theo bốn giới hạn: luật vĩnh cửu, luật tự nhiên, luật xã hội, và luật Thiên Chúa. Luật tự nhiên, tức là luật siêu nhiên được viết vào trong tâm hồn con người, được khám phá bởi lý trí và sự trau dồi của lương tâm.
Niềm tin về tính độc lập và khả năng đạt đến chân lý của lý trí đã giúp Tôma tạo nên một sự tổng hợp cách khoa học hơn về truyền thống đạo đức học luật tự nhiên đến từ Aristote và văn hóa Roma. Ngoài cách trình bày bản tính con người qua các nhân đức đối thần, Tôma còn đúc kết những giá trị đạo đức và các điều kiện tối thiểu để chúng ta có thể phán đoán các hành vi sao cho phù hợp với luật tự nhiên.
III. ĐẠO ĐỨC HỌC THỜI CẬN ĐẠI & HIỆN ĐẠI
A. Luân lý Tự vệ & Luân lý Đồng cảm
Hobbes (1588-1679) là nhà tư tưởng đầu tiên tiếp cận đạo đức một cách hệ thống theo quan điểm khoa học. Trong tự nhiên, tự bản chất con người tìm kiếm sự bảo toàn cho chính mình. Trong tình trạng tự nhiên, đúng hay sai không tồn tại, không có luân lý. Chỉ khi xã hội dân sự hình thành và khi mọi người sẵn sàng đồng ý cống hiến trọn vẹn lòng trung thành cho đất nước thì đạo đức mới có thể thực hiện được. Nhà nước có thể trừng phạt những hành động ngăn trở hoặc ban thưởng cho những hành động cổ võ công ích và sự an toàn của người dân. Do đó, đạo đức học đối với Hobbes xuất phát từ nhu cầu tự vệ.
David Hume (1711-1766) phản biện lại cái nhìn đạo đức mang tính cơ học và duy vật của Hobbes. Hume cho rằng cảm thức về đau khổ đưa chúng ta đến việc suy tư và hình thành nên những quan niệm về công lý và điều thiện, từ đó tạo nên một hệ thống các phán đoán luân lý. Luân lý có khía cạnh khách quan (hiệu quả của hành động) và chủ quan (cảm xúc về mức độ hài lòng). Một mình lý trí không thể giải quyết mọi vấn nạn luân lý, nhưng “sự đồng cảm luân lý” mới là động lực chính yếu trong sự chọn lựa hành vi nào là hữu ích hay hài lòng để thực hành.
B. Đạo đức học Bổn phận & Đạo đức học Hậu quả
Emanuel Kant (bổn phận, deontology) khẳng định rằng con người muốn được tự do theo đuổi lý tưởng đạo đức của mình mà không bị trói buộc bởi bất cứ áp lực gì từ bên ngoài. Do đó, chúng ta cảm thấy có bổn phận và trách nhiệm làm “đúng” hay làm theo “lẽ phải” dù điều đó mang lại lợi ích hay không lợi ích cho mình. Vì muốn được tự do và đạt đến hạnh phúc thực sự, chúng ta tuân theo “mệnh lệnh tuyệt đối”. Điều cao thượng nhất trên đời này chính là ý chí muốn thực hành điều đúng bất kể nó có mang lại hậu quả tốt cho mình hay không, như châm ngôn bất hủ của Kant, “sự thiện hoàn hảo nhất là ý chí theo đuổi sự thiện hảo.”
John Stuart Mill (chủ thuyết hậu quả, consequentialism) cho rằng hậu quả của hành vi mới chính là nền tảng và mục đích của mọi lý luận đạo đức. Đạo đức nhắm vào những giá trị có thể gia tăng tối đa hậu quả “tốt nhất” cho mọi người. Đạo đức vị lợi là sự trung dung giữa vị tha và vị kỷ, luôn tìm hành vi hay giá trị vốn sẽ mang đến hậu quả “tốt”, thay vì “đúng”. Nhưng nhiều khi hậu quả của hành vi vị lợi sẽ mâu thuẫn với nguyên tắc vị lợi, như trong trường hợp muốn cho công bằng, nhà nước buộc mọi tầng lớp công dân phải nộp cùng số tiền thuế như nhau. Do đó, cần phải có sự cân bằng giữa hai yếu tố nhân số và lợi ích khi ta xét tính vị lợi của một hành vi. “Luôn luôn phải chọn hành vi mang lại lợi ích tốt nhất cho nhiều người nhất” (Mill). Cả hai quan điểm của Kant và Mill đều có ảnh hưởng mạnh mẽ đến sự phát triển của các ngành đạo đức học kinh doanh, đạo đức học luật pháp và đạo đức học chính trị trong thời hiện đại.
C. Các Khuynh Hướng Mới.
- Đạo đức sự sống (đạo đức sinh học & y đức). Những tiến bộ trong ngành y khoa (công nghệ sinh sản IVF, liệu pháp gen, chọn lựa tiền sản, nhân giống vô tính, kéo dài sự sống, khả năng tạo ra hỗn hợp người - động vật) đã thử thách y đức Hippocrates và luân lý Ki-tô giáo cổ điển. Mặc khác, kỹ thuật tân tiến về chăm sóc và kết thúc sự sống đã biến quyết định giữa bác sĩ và bệnh nhân thành những tranh cãi pháp lý nhiều khi không liên quan gì đến giá trị của sự sống lúc ban đầu cũng như giá trị nhân bản ở cuối đời. Các nhà đạo đức sinh học đang bận rộn tìm những nguyên tắc luân lý hầu để hướng dẫn các chọn lựa hay phán đoán không chỉ về y khoa và động vật học mà cả về giới hạn của các thí nghiệm khoa học.
- Đạo đức môi sinh (environmental ethics). Tiến trình phát triển kinh tế và xã hội đã làm ô nhiễm môi trường đến mức quá độ, gây độc hại đến sức khỏe con người và các sinh vật khác. Hơn thế nữa, chất thải từ công nghệ sản xuất đang làm biến dạng bầu khí quyển và khả năng hồi phục của tự nhiên. Đạo đức học môi sinh đang tìm những nguyên tắc luân lý bảo đảm cho sự quân bình giữa nhu cầu của con người và sự sinh tồn của hành tinh chúng ta đang sống.
- Đạo đức giới tính (gender ethics). Thế giới ngày nay đang lột trần những nguyên tắc luân lý “vô hình” nhưng bất công đối với phụ nữ hay người đồng tính đang tiềm tàng trong nhiều tầng lớp xã hội, khế ước lao động, tổ chức tôn giáo và cách giao tiếp con người. Đạo đức học giới tính muốn tìm các tiêu chuẩn luân lý cho công bằng hơn về giới tính và tôn trọng nhân phẩm của mọi người trong mọi bối cảnh văn hóa, xã hội, tôn giáo và ngôn ngữ.
- Siêu học thuyết về đạo đức (meta-ethics). Trong thế kỷ gần đây, các triết gia bắt đầu chú tâm đến khía cạnh lý luận và mô hình suy tư về tri thức đạo đức. Chuyên gia nghiên cứu siêu học thuyết này không đưa ra đề nghị về tiêu chuẩn hay giá trị đạo đức, nhưng xem đạo đức học như một trò chơi ngôn ngữ và phân tích các qui luật cũng như khả năng sáng tạo trong phạm vi trò chơi này. Chủ đích của siêu học thuyết về đạo đức tìm hiểu về bản chất của ngôn ngữ, cơ cấu phán đoán, và giới hạn về tri thức đạo đức sao cho hợp lý.
Fr. Joseph Tân Nguyễn, OFM
Tài liệu tham khảo:
Joseph Tân Nguyễn, OFM., Đạo Đức Học Tổng Quát, NXB. Đồng Nai, 2022.