Đạo Đức Học Vị Kỷ
ĐẠO ĐỨC HỌC VỊ KỶ (Ethics of Egoism)
Fr Joseph Tân Nguyễn, OFM
Chúng ta nên bảo vệ lợi ích cá nhân hay tuân theo tiếng nói lương tâm hay sự tự trọng? Chúng ta nên làm gì khi việc bảo vệ tư lợi đi ngược lại với nhu cầu của cộng đồng?
Quan điểm tư lợi được xác định bởi quan niệm về Bản tính con người: Tính tư lợi của Hobbes chỉ ra những điều kiện nền tảng cần thiết. Trong khi đó, đối với Aristote, tính tư lợi nhắm đến sự tự hiện thực hóa của con người. Thomas Hobbes (1588-1679): Tất cả mọi người đều tìm kiếm sự sung mãn và thỏa mãn bản thân. Vì thế, tính tư lợi đồng nghĩa với sự sinh tồn, an toàn thể lý, đạt được những nhu cầu vật chất, địa vị xã hội. Aristote (384-322): Con người tìm kiếm hạnh phúc. Họ thực sự hạnh phúc khi những tiềm năng của bản thân được hiện thực. Do đó, tính tư lợi đồng nghĩa với sự phát triển toàn diện những khả năng hay chức năng của họ trong đời sống xã hội.
I. TƯ LỢI LÀ TIÊU CHUẨN LUÂN LÝ?
Trên bình diện Tiêu chuẩn Luân lý, Tư lợi có thể được thể hiện bằng nguyên tắc: “Mọi hành động là đúng nếu chúng có lợi cho tôi”. Tuy nhiên, quan điểm này vấp phải bốn khó khăn sau đây:
1. Không có tiêu chuẩn nào cho ta biết hành vi nào là có lợi nhất đối với tư lợi. Khi có nhiều hành động cùng xuất hiện, chẳng hạn như nên ăn tôm hay ăn thịt bò, thì đâu là hành động có lợi nhất đối với bạn? Vị kỷ tự nó không cung cấp một câu trả lời cho vấn đề.
2. Không có tiêu chuẩn nào cho chúng ta biết hành vi nào là ít có hại nhất đối với tư lợi: Trong số các chọn lựa đang cùng hoạt động đi ngược với sự sung mãn của bạn, làm sao biết được đâu là hành động ít thiệt hại nhất? Cần phải có một nguyên tắc rõ ràng hơn để chọn những gì gây thiệt hại thấp nhất cho tư lợi của bạn.
3. Tự bản chất, tư lợi không hàm chứa sự công bằng: Tính công bằng là điều kiện cần phải có cho một lý thuyết luân lý tốt. Bạn không thể chỉ cần viện dẫn vào nguyên tắc hay tiêu chuẩn “bất cứ khi nào nó mang lại lợi ích cho bạn”. Đây là điểm yếu nhất của thuyết vị kỷ.
4. Hành vi nào sẽ thăng tiến tư lợi trước mắt của bạn, và hành vi nào sẽ thăng tiến tư lợi tổng thể? Đôi khi, những hành vi vì tư lợi trước mắt sẽ không thăng tiến được tư lợi tổng thể về lâu dài. Bạn cần tìm quy tắc để xác định điều này.
II. NGUYÊN TẮC LUÂN LÝ DỰA TRÊN TƯ LỢI
Sự nghịch lý của hành động tư lợi:” Nếu mưu cầu tư lợi không có giới hạn, tôi sẽ luôn luôn hành động theo những quy luật tư lợi. Nhưng cuối cùng, hành động này sẽ có hại cho tôi hơn là có lợi. Tư lợi của những người quanh tôi là gì? Chẳng lẽ họ không có cùng một quyền lợi và sở thích như tôi sao? Bạn phải làm gì khi những mâu thuẫn xuất hiện? Đó là lý do ta cần phải có các thuyết vị kỷ khác nhau.
Nguyên tắc Luân lý của thuyết Vị kỷ có thể được trình bày như sau: “Những hành vi được xem là đúng bao lâu chúng làm thăng tiến tư lợi, hoặc bao lâu chúng gây tổn hại ít nhất giữa các chọn lựa”.
Kết luận: Hành vi vị kỷ sẽ cần đến quy luật vị kỷ để nên hoàn chỉnh (Ví dụ: Không được ăn trộm! Hãy công bằng!). Trong khuôn khổ này, Aristotle đã phát triển khái niệm “đức hạnh”, xây dựng những tính cách tốt nhờ đó, mọi người hành động theo một kiểu đạo đức khi họ tìm kiếm sự tự hiện thực hóa bản thân cách trọn vẹn. Đạo đức là “trung tâm điểm” giữa sự thái quá và bất cập. (Quy luật vị kỷ)
III. PHÁN ĐOÁN LUÂN LÝ THEO TƯ LỢI
Phán đoán luân lý về một hành vi được khẳng định bởi những nguyên tắc mà qua đó ta có thể biết hành vi nào sẽ thăng tiến hoặc gây tổn hại cho tư lợi (Vị kỷ theo hành động), hoặc hành vi nào phù hợp với quy tắc có liên quan mà chúng ta chấp nhận (Vị kỷ theo qui tắc).
A. Nếu dùng “Vị kỷ theo hành động”:
1. Xác định những hành vi được chọn lựa dựa trên tư lợi của bạn.
2. Lượng định hành vi nào thăng tiến tư lợi nhiều nhất và hành vi nào gây tổn hại đến tư lợi ít nhất theo ba phạm trù sau:
- Hành vi bắt buộc: Thăng tiến tư lợi lớn hơn bất cứ hành vi chọn lựa nào, hoặc gây tổn hại ít nhất.
- Hành vi cấm: Thăng tiến tư lợi ở mức thấp nhất hoặc gây tổn hại tư lợi nhiều hơn bất cứ chọn lựa nào.
- Hành vi cho phép: Thăng tiến tư lợi hoặc gây tổn hại tư lợi đều như nhau.
B. Nếu dùng “Vị kỷ theo quy tắc”:
1. Xác định những hành vi chọn lựa dựa trên tư lợi
2. Xác định “quy tắc” (dựa vào giá trị đứng sau các hành vi) được dựa trên tiêu chuẩn vị kỷ và liên quan tới những hành vi chọn lựa.
3. Lượng định những hành vi thăng tiến quy tắc liên quan theo:
- Hành vi bắt buộc: Những hành động phù hợp nhất với quy tắc liên quan hơn bất cứ chọn lựa nào khác.
- Hành vi cấm: Những hành động ít phù hợp nhất với quy tắc liên quan hơn bất cứ chọn lựa nào khác.
- Hành vi cho phép: Những hành động phù hợp cân đối với quy tắc liên quan.
IV. ĐẠO ĐỨC HỌC VỊ KỶ CÁ NHÂN VÀ XÃ HỘI
1. Bổn phận đối với bản thân:
Tất cả bổn phận đối với người khác được biện minh trên mức độ chúng có làm thăng tiến tư lợi một cách trực tiếp hoặc gián tiếp không. Đạo đức học vị kỷ cá nhân: Tôi nên nuôi dưỡng những loại giá trị nào mà có thể đem lại lợi ích cá nhân dài hạn? (hợp lý, tự chủ, cần cù, cởi mở, trung thành, rộng lượng, tùy thuộc các giai đoạn của cuộc sống)?
2. Bổn phận đối với tha nhân:
Hãy làm bất cứ việc gì cần thiết cho tha nhân miễn là những việc ấy trực tiếp hoặc gián tiếp sẽ mang lại hạnh phúc cho tôi.
3. Bổn phận đối với xã hội
1. Thuyết Vị kỷ của Hobbes dựa trên chủ nghĩa “tự do cá nhân” (libertarian). Giảm thiểu chức năng của nhà nước đến mức độ chỉ có trách nhiệm bảo vệ cá nhân khỏi bạo lực thể lý, trộm cắp và gian lận. Gia tăng tối đa cơ hội cá nhân để họ được tự do theo đuổi những lợi ích trong khi cạnh tranh với người khác. Không ép buộc “bác ái” (cho dù không bị ngăn cấm); không chủ trương bao cấp (trợ cấp xã hội, an sinh xã hội). Chủ nghĩa tự do (libertarian) cho phép việc sử dụng ma túy tự do, tự do khiêu dâm, tự do tư bản.
2. Thuyết Vị kỷ của Rawls dựa trên chủ nghĩa “an sinh xã hội” (Social welfare: nhà nước chủ động việc trợ cấp xã hội). Tình trạng giảm thiểu (Hobbes) không thể bảo vệ tư lợi của cá nhân, do đó phải cần nhà nước can thiệp vào an sinh xã hội. Tình trạng “can thiệp” là điều cần thiết đối với việc chăm sóc y tế cho trẻ em, người già và người nghèo. John Rawls đưa ra hai nguyên tắc: nguyên tắc tự do (quyền bình đẳng cho mọi người) và nguyên tắc phân biệt (sự bất bình đẳng được sắp xếp sao cho lợi ích lớn nhất cho những người kém may mắn nhất trong xã hội được bảo đảm). Ví dụ: chính phủ có nên hỗ trợ học phí cho các sinh viên y khoa nghèo trong chương trình huấn luyện của họ?
V. ÁP DỤNG THUYẾT VỊ KỶ:
Các môn đệ có nên bỏ trốn để bảo vệ bản thân mình khi Chúa bị bắt không? Chúng ta sẽ phân tích 3 vấn đề sự kiện, khái niệm và đạo đức trước khi phán đoán về các hành vi.
Vấn Đề Sự kiện: Bỏ trốn có thật sự bảo vệ bản thân hay tránh khỏi bị liên lụy không? Không bỏ trốn có thật sự sẽ bị tra tấn hay đóng đinh không? Có thể được tha, dùng làm con tin? Cơ hội trốn thoát? Có cách nào bảo vệ bản thân mà không phải bỏ trốn? Đâu là các động lực sau hành động “bỏ trốn”?
Vấn Đề Khái niệm: Thế nào là “bỏ trốn”? Có thể các môn đệ chỉ thoái lui để có dự tính khác? Chuẩn bị một cuộc giải thoát Chúa? Cần thì giờ lên kế hoạch, dự tính hoạt động. Cùng một hành vi vừa có nghĩa là “bỏ trốn”, vừa có nghĩa là tìm “kế hoạch khác”.
Vấn Đề Đạo Đức: Bỏ trốn hy vọng sẽ bảo vệ bản thân khỏi nguy hiểm, nhưng là phản bội với Thầy. Không bỏ trốn thì trung tín với Thầy, nhưng lại có thể nguy hiểm cho bản thân. Vậy hai giá trị cần được cân nhắc ở đây là: (1) Bảo vệ bản thân bất cứ giá nào; (2) Trung thành với thân nhân bất cứ giá nào. Giá trị nào đáng được tôn trọng hơn?
Dùng Thuyết Vị kỷ để phán đoán:
Trước khi phán đoán, chúng ta cần biết các sự chọn lựa mà môn đệ Chúa có: (a) Bỏ trốn; (b) Không bỏ trốn; (c) Theo dõi từ xa; (d) Đi cửa sau tìm cách chuộc Chúa ra; (e) Liều mình cứu Chúa; (f) Canh giữ Chúa khỏi bị bắt; (g) tìm cách khác để trung thành với Chúa.
VỊ KỶ THEO HÀNH VI: Hãy chọn hành vi nào thăng tiến tư lợi nhiều nhất cho các môn đệ (an toàn bản thân), và loại bỏ hành vi nào gây tổn hại nhiều nhất cho các môn đệ (nguy hiểm cho bản thân). Do đó, dựa trên Vị kỷ theo hành vi, ta sẽ phán đoán như thế này:
- Nên (a);
- Không nên (b);
- Cho phép (c, d, f. g);
- Cao thượng: (e)
VỊ KỶ THEO QUI TẮC: Hãy chọn “qui tắc” nào thăng tiến tư lợi tổng thể nhiều nhất cho các môn đệ lâu dài. Ở đây có hai qui tắc: (I) Bảo vệ bản thân bất cứ giá nào, và (II) Trung thành với người thân bất cứ giá nào. Nếu chúng ta chọn qui tắc I, chỉ lo cho bản thân, bỏ rơi hay phản bội người thân thì lâu dài sẽ có không có lợi cho chính mình, khi bị sa cơ thất thế, họ sẽ bỏ rơi mình. Nếu chúng ta chọn qui tắc II, đặt giá trị trung thành trên an toàn cá nhân thì lâu dài đời sống cộng đoàn và danh dự cá nhân sẽ được tôn trọng và tư lợi có thể sẽ được thăng tiến nhiều hơn là ích kỷ, chỉ biết lo cho mình. Do đó, dựa trên Vị kỷ theo Qui Tắc, qui tắc II sẽ mang lại toàn bộ lâu dài tư lợi nhiều hơn qui tắc I, ta sẽ phán đoán như thế này:
- Nên (b);
- Không nên (a);
- Cho phép (c, d, f);
- Cao thượng (e)