Skip to content
Main Banner
ĐẠI LỄ THÁNH PHANXICÔ (04/10) - Xét mô tả, dàn bài TL thần IV (07/10) - HỘI THAO MỪNG LỄ THÁNH PHANXICÔ (12/10) - LỄ CÁC THÁNH NAM-NỮ (01/11) - Triết III bắt đầu nộp đề tài, dàn bài tiểu luận. (04/11) - HỌP HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ (16/11)

Luật Tự Nhiên Thời Cận Đại

BTT HOCVIEN OFMVN
2024-04-25 20:08 UTC+7 64
Hai thế kỷ XVII và XVIII là giai đoạn có nhiều tranh luận về “bản chất tự nhiên” của xã hội. Một mặt, xã hội không có một bản thể thống nhất như một thực thể sống động tương tự như con người. Mặt khác, theo nghĩa loại suy thì xã hội cũng có yếu tính

LUẬT TỰ NHIÊN THỜI CẬN ĐẠI

 

Joseph Tân Nguyễn OFM

 

Hai thế kỷ XVII và XVIII là giai đoạn có nhiều tranh luận về “bản chất tự nhiên” của xã hội. Một mặt, xã hội không có một bản thể thống nhất như một thực thể sống động tương tự như con người. Mặt khác, theo nghĩa loại suy thì xã hội cũng có yếu tính tự nhiên, vì chỉ qua xã hội con người mới có thể hoàn thành những cứu cánh vốn xuất phát từ bản tính tự nhiên của mình. Vì thế, luật tự nhiên có thể cung cấp nền tảng cho các học thuyết pháp lý và một thẩm quyền vượt trên quyền nhà nước. Luật tự nhiên được dùng để bảo vệ các quyền lợi của cá nhân khỏi bị lấn át bởi người khác, nhà nước hay chế độ chính trị.

 

Dưới ảnh hưởng văn hóa Khai Sáng, khái niệm “luật tự nhiên” của thời Kinh Viện từ từ được thay thế bằng khái niệm “quyền tự nhiên”. Hugo Grotius (1583-1645) khẳng định rằng luật tự nhiên thì ràng buộc cho mọi quốc gia cho dù chúng ta có tin hay không về sự tồn tại của Thiên Chúa hay sự quan tâm của Người đến chúng ta.[i] Các triết gia Khai Sáng sau đó đều lý giải quyền tự nhiên trong tương quan với khái niệm “khế ước xã hội”. Thomas Hobbes (1588-1679) giả định một trạng thái hỗn chiến trong tự nhiên mà con người phải tự bảo vệ cho sự tồn tại của chính. Locke (1632–1704), Montesquieu (1689-1755) và Rousseau (1712-1778) thì lạc quan hơn và cho rằng trước khi có tôn giáo và thể chế nhà nước thì con người sơ khai đã sống trong sự tự do và bình đẳng cùng với các nhân đức tự nhiên. Cuối cùng, Kant đã chuyển đổi ngôn ngữ “tự nhiên” sang phạm trù “lý tính” khi nói đến bổn phận luân lý của con người. Trong chương này, chúng ta se sơ lược qua ý tưởng của ba triết gia Hobbes, Locke, Rousseau và Kant, trước khi bàn về quan điểm của các nhà lập quốc Hoa Kỳ và các nhà tranh đấu nhân quyền trong thế kỷ XX.

 

LUẬT TỰ NHIÊN THỜI KHAI SÁNG

 

Trong thời Khai Sáng, mối tương quan giữa “quyền tự nhiên sơ khai” của cá nhân và “khế ước xã hội” được phân tích tỉ mỉ. Sự khác biệt giữa các triết gia là bản tính của con người trong trạng thái tự nhiên và từ đó trách nhiệm của nhà nước trong việc bảo đảm sự an toàn và quyền lợi của con người khi họ giao nộp một số đặc quyền cá nhân để thiết lập xã hội.

 

Thomas Hobbes: Khế ước Xã hội


[i] https://plato.stanford.edu/entries/grotius/, truy cập ngày 20/3/2023.

1696205424-thomas-hobbes.png

Hobbes cho rằng trạng thái tự nhiên là một tình huống hỗn chiến mà mọi người phải chống lại mọi người khác để bảo tồn sự sống của chính mình. Học thuyết “khế ước xã hội” của Hobbes khẳng định rằng tri thức về chân lý đến từ sự thông tri của con người. Đây là một thái độ hoài nghi về mọi giá trị tôn giáo vốn dựa trên nền tảng đức tin và mạc khải, cũng như muốn cắt bỏ mọi liên hệ với Thần học và Giáo hội của thời Trung Cổ. Thuyết Khế ước Xã hội của Hobbes cho rằng xã hội là kết quả của sự đồng ý giữa các cá thể con người, chứ không phải là một thực thể với bản chất riêng biệt. Nó dựa trên sự đồng thuận cộng đồng và gây nên ảnh hưởng cách mạng rộng lớn trong các phạm vi kinh tế, chính trị và tương quan xã hội.

 

Hobbes giả định trạng thái tự nhiên trước khi có tổ chức tôn giáo, xã hội và chính quyền là một cuộc sống “cô độc, nghèo nàn, tệ bạc, tàn nhẫn và ngắn ngủi”. Trong trạng thái đó, bản năng tự tồn muốn thống trị mọi tương quan xã hội và đặt cá nhân vào tư thế tranh chấp với nhau. Chỉ có cách giải quyết hữu hiệu cho vấn đề tranh chấp là thiết lập hòa bình qua khế ước xã hội. Mỗi cá nhân tính toán tư lợi của mình và quyết định giao nộp phần nào tự do của mình cho nhà cầm quyền. Chính quyền có quyền đặt ra mọi luật lệ để bảo vệ an toàn cho cá nhân và đời sống công cộng, ngoại trừ việc đe dọa mạng sống của người dân (vốn là lý do để chấp nhận khế ước xã hội).

 

Hobbes cho rằng quyền tự nhiên của con người trong trạng thái tự nhiên chưa mang đúng ý nghĩa của luật, bởi vì muốn thành luật thì phải có sức mạnh bảo đảm sự thi hành của nó, và điều này chỉ có thể xảy ra do áp lực của chính quyền (Leviathan, Ch.15)[i]. Luân lý xã hội cần phải có các quy luật thực tế để giới hạn quyền tự do tự nhiên, với mục đích gia tăng mức độ an toàn và bảo vệ cho mọi người, cũng như chấm dứt tình huống “cuộc chiến mọi người chống lại mọi người”. Theo lẽ tự nhiên là con người bằng mọi cách nên bảo tồn sự sống còn của chính mình, nhưng một lý luận khôn ngoan hơn là tìm cách đạt đến sự bảo tồn cá nhân với sự tôn trọng trật tự và an bình xã hội, vốn sẽ cho phép kẻ khác bảo tồn đời sống của họ. Cho dù làm như thế có nghĩa là sẽ giảm bớt tự do của cá nhân và vâng phục nhà cầm quyền vốn đang bảo trì trật tự xã hội. Hiệu quả là con người trong xã hội phải đặt lợi ích chung trên các đòi hỏi đến từ xung lực hay tư lợi ngắn hạn cá nhân. Luân lý là cách cư xử cho hợp lý các mục tiêu bảo tồn sự tồn tại của mọi người.

 

Như thế, theo Hobbes, luật tự nhiên trong thiên nhiên là tự phát, còn trong bối cảnh xã hội thì cần phải có “quyền lực” nào đó để nó được thực sự thi hành. Trong khi luật tự nhiên cổ điển giả định một trật tự tự nhiên cho vũ trụ và tạo thành, thì Hobbes cho rằng tác giả độc nhất của luật tự nhiên là tài năng của con người - vốn tạo nên trật tự từ hỗn loạn, trong tình huống mà sự tranh chấp giữa những ước muốn và tham vọng của con người là hiển nhiên. Hobbes thay thế các cấp bậc thiện hảo trong luật tự nhiên theo thánh Tôma với một dự án đơn độc, đó là sự bảo tồn cá nhân. Các học thuyết trước đó xem xã hội như là sự quy tụ của các gia đình và nhóm khác nhau, nhưng Hobbes xem xã hội như là một tập hợp các cá nhân. Luật tự nhiên cổ điển nhấn mạnh vào vai trò của lý trí trong cách con người tiếp cận trật tự của vũ trụ, nhưng Hobbes xem lý trí như là một công cụ để thể hiện cứu cánh tự nhiên của mỗi cá nhân. Con người tạo kế hoạch để bảo vệ an toàn cá nhân và duy trì trật tự xã hội vốn không có trong trạng thái tự nhiên. Ý tưởng cách mạng này đã tạo nên những phản ứng mạnh mẽ từ truyền thống cho rằng bản tính con người căn bản là hợp lý và tốt lành trong trạng thái tự nhiên.

 

John Locke: Quyền tự nhiên

 

Mặt khác, Locke giả định một sự công bằng tự nhiên trong trạng thái bình an và ý chí thiện hảo nguyên thủy. Trong cuốn Luận Thuyết Thứ II Về Chính Quyền Dân Sự (1690), Locke từ bỏ hầu hết các quan điểm truyền thống mà ông đã dùng trong “Tiểu Luận về Luật Tự Nhiên” (1954). Ông nói về nhu cầu đồng thuận của cộng đồng trong xã hội tự nhiên và khai triển khái niệm “khế ước xã hội” vốn giúp cho cá nhân được bảo đảm quyền lợi tự nhiên của họ tốt hơn.[ii] Đối với Locke, xã hội tự nhiên không phải là tình trạng hỗn chiến (như Hobbes nghĩ), nhưng là một trạng thái “an bình, ý chí thiện hảo, hỗ trợ và bảo tồn cho nhau” (#19). Ý thức về sự công bằng tự nhiên là nền tảng cho sự tuân phục các quy luật cộng đoàn và tương quan đồng thuận với vai trò lãnh đạo của chính quyền.

[i] https://www.britannica.com/topic/Leviathan-Middle-Eastern-mythology, truy cập ngày 18/5/2023.

[ii] https://rintintin.colorado.edu/~vancecd/phil215/Locke.pdf, truy cập ngày 19/5/2023.

1696205461-john-locke.jpg

Mục đích của chính quyền là bảo đảm cho tự do được an toàn hơn là dựa trên sự tự do tự nhiên mà mỗi cá nhân giao nộp khi họ gia nhập vào xã hội dân sự. Chức năng của chính quyền là bảo vệ các quyền tự nhiên của mỗi cá nhân như: quyền được sống, quyền tự do và quyền tư sản. Đây là những quyền lợi vốn khó bảo tồn trong trạng thái tự nhiên. Một khi khế ước xã hội thành hình thì sẽ xuất hiện những trách nhiệm mới, nhưng nền tảng luân lý của các quyền trên đây thì đã có sẵn ngay trong trạng thái tự nhiên.

 

Một trong các quyền tự nhiên quan trọng đối với Locke là quyền sở hữu tư sản. Quyền sở hữu tài sản vật chất đến từ sự tổng hợp của lao động cùng với vật thể thiên nhiên mà không thuộc về bất cứ ai khác. Chỉ qua hành vi sở hữu của một cá nhân nào đó mà nguồn dự trữ của trái đất được tận dụng một cách hữu hiệu cho sự bảo tồn của nhân loại và tránh sự phung phí. Sự phát minh của hệ thống tiền tệ đã tháo bỏ nhiều giới hạn của khả năng tích tụ tài sản. Ngoài ra, quyền làm cách mạng cũng cần phải được bảo đảm một khi các quyền tự nhiên của con người bị xúc phạm trầm trọng và không có cách nào khác giải quyết.

 

Jean-Jacques Rousseau: Nhân quyền

1696205508-jean-jacques-rousseau.jpg

Còn Rousseau thì nghĩ rằng, luật tự nhiên không thể được trừu xuất từ “trạng thái tự nhiên” sơ khai nhưng từ bản tính thiện hảo tự nhiên tuôn trào từ cảm xúc về lòng thương xót của con người Trong tác phẩm Khế Ước Xã Hội,[i] Rousseau lên án quan điểm truyền thống rằng, lý trí có thể biết các nguyên tắc của luật tự nhiên qua cách suy tư phản tỉnh về trạng thái tự nhiên hay trạng thái hiện tại của các nền văn hóa. Chúng ta không thể dùng phương pháp suy diễn để khẳng định về luật lệ vốn đã thống trị nhân loại trong trạng thái tự nhiên trước đây. Đối với Rousseau, “ánh sáng nội tại” của lương tâm không phải là nguồn phán đoán của luân lý nhưng là cảm xúc. Cũng thế, trong tác phẩm Nghị Luận Về Nguồn Gốc Của Sự Bất Bình Đẳng, Rousseau đã bảo vệ chủ trương của mình về trực giác luân lý.[ii]

 

Cho dù chống lại quan điểm duy lý về luật tự nhiên, Rousseau vẫn chủ trương rằng các cảm xúc cao thượng có thể giúp chúng ta khám phá ra mình là ‘những chủ thể tự do sống theo luật pháp mà chính chúng ta áp đặt lên cho mình’. Các cảm xúc tự nhiên của con người (lòng thương xót, hay sự vị tha) tuôn trào sự thiện hảo tự nhiên một cách tự phát chứ không phải đến từ giáo dục. Vì thế, tự chúng, các cảm xúc tự nhiên không thể cung cấp cho chúng ta các nguyên tắc luân lý hay chính trị căn bản. Phương án giải quyết sự căng thẳng giữa các ràng buộc của xã hội dân sự và trạng thái tự do bình đẳng trong tự nhiên là khế ước xã hội. Rousseau xem khế ước xã hội như là sự tự nguyện giao nộp của các cá nhân cho “ý muốn chung”, qua đó yêu sách “không-thiên vị vì lợi ích công cộng”, cho phép mọi người tham dự vào tiến trình dân chủ một cách trực tiếp (không qua các đại diện).

 

Rousseau vẫn dùng các ý tưởng của Locke (trạng thái tự nhiên và khế ước xã hội) nhưng cho mục tiêu rất khác xa. Ông tin vào sự tốt lành của bản tính tự nhiên của con người, nhưng vì tương quan xã hội càng ngày càng trở nên phức tạp, cho nên cần phải có cái nhìn phê phán hơn về ảnh hưởng của giáo dục. Trong tác phẩm “Emile, ou l’education”, Rousseau vạch ra viễn tượng giáo dục mà căn bản là chống lại việc nhồi các giá trị có sẳn vào đầu óc của đứa trẻ. [iii] Thay vào đó, giáo dục phải phù hợp với sự thiện hảo tự nhiên của đứa trẻ về ý thức tự chủ. Giáo dục phải bảo vệ tâm hồn đứa trẻ khỏi bị thống trị bởi ý chí của người khác. Trong mọi giai đoạn học hỏi, đứa trẻ cần được dạy cách đạt đến kết luận như là những khám phá riêng của mình cả về tri thức lẫn thể lý. Hơn nữa, đứa trẻ cần học hỏi về sự đồng cảm với tha nhân, cách đón nhận và cho đi tình yêu phù hợp với tâm lý của lứa tuổi, niềm tự tin và lòng biết ơn, cũng như khả năng nhận ra giá trị luân lý nơi chính mình. Giai đoạn cuối là sự đồng hành với một người trưởng thành để có cơ hội học hỏi những kinh nghiệm thành công hay thất bại trong cuộc sống. Đây là thời gian thích hợp để tìm hiểu về bản chất của xã hội và đời sống chính trị.

 

Nói chung, Rousseau nhấn mạnh về việc huấn luyện để con người trở thành những công dân yêu nước, quan tâm đến quy luật và ước muốn chung của xã hội. Đa số các sáng tác của Rousseau đều nhắm vào phương án bảo trì lợi ích mà chính quyền và văn hóa mang lại, đồng thời loại bỏ các mối bất lợi thường đi kèm theo như: sự bất công, ảo tưởng và các hình thức bóc lột. Rousseau muốn vun trồng một cuộc sống phù hợp với xã hội, đồng thời tối đa hóa sự tự do nguyên thủy của trạng thái tự nhiên vốn đã có trước khi chính quyền được khai sinh.

 

Niềm tin của Rousseau về niềm khao khát cho sự thiện hảo chung thật sự sẽ tạo nên sự hài hòa trong xã hội, thì cũng tương tự như trật tự của vũ trụ mà các triết gia tự nhiên đã tôn vinh từ thời Khắc Kỷ. Ý tưởng tự do tự nhiên luôn đóng một vai trò quan trọng trong luật tự nhiên, nhưng Rousseau đã đặt nó vào trung tâm đạo đức học của mình. Đối với ông, mọi đòi hỏi luân lý lẫn pháp lý đều có thể được thông hiểu bởi cá nhân, như là sự xuất phát từ nguyên tắc tự do và tự nguyện vốn áp dụng cho tất cả mọi người. Chính quyền nào đòi hỏi lòng trung thành mà thiếu sự đồng thuận với các nguyên tắc này thì không hợp lệ. 

 

 

KANT VÀ LÝ TÍNH TỰ NHIÊN

[i] Jean-Jacques Rousseau. https://www.britannica.com/topic/social-contract/The-social-contract-in-Rousseau, truy cập ngày 21/5/2023.

[ii] https://www.sparknotes.com/philosophy/inequality/section1/, truy cập ngày 22/5/2023.

[iii] Jean-Jackques Rousseau, Emile, or on Education. truy cập ngày 24/7/2023

https://en.wikipedia.org/wiki/Emile,_or_On_Education.

1696205534-kant.jpg

Từ thời Cổ Đại xa xưa lý tưởng thống nhất giữa nhân đức và tri thức vốn cho rằng, biết điều thiện là thực hành điều thiện đã được thấy trong triết lý của Socrates và Platô. Triết học Trung Cổ phân biệt lý trí với ý chí, tự nhiên với luân lý, hay giữa tự do với luật pháp, nhưng không có nghĩa là hai phạm vi này đã hoàn toàn tách biệt. Nhưng từ khi Immanuel Kant (1724–1804) tách biệt giữa “cái là” và “cái nên là” thì siêu hình học không thể cung cấp nền tảng cho đạo đức học nữa. Trong khi thời Cổ Đại nhận thấy có sự tương đồng liên tục giữa luật tự nhiên và luật luân lý, thì Kant lại nhấn mạnh đến sự khác biệt của chúng.

 

Học thuyết đạo đức của Kant phát xuất từ nền tảng lý tính và tự do của con người. Giá trị luân lý không là sự tính toán về hậu quả hay lợi ích mà một hành vi mang lại, nhưng là cách con người nhận ra tính ưu việt của lý trí và sự chọn lựa của ý chí. Thay vì kết nối luân lý với bất cứ cùng đích hay mục tiêu ngoại tại nào, thì Kant nhấn mạnh vào bổn phận của lý trí phải chọn lựa những gì là hợp lý và phổ quát, chứ không vì bất cứ động lực nào khác. Để trở thành một nguyên tắc luân lý, một mệnh lệnh cần phải được chọn lựa cho chính mình, không bị điều phối bởi ai khác hay bởi “tự nhiên”.[i] Kant gọi nguyên tắc luân lý này là mệnh lệnh tuyệt đối, nghĩa là chúng ta chọn một hành động chỉ căn cứ tuyệt đối trên nguyên tắc luân lý. Một hành vi là đúng chỉ khi hình thức phổ quát của nó phải được áp dụng cho tất cả mọi người: Tôi phải cho phép tất cả mọi người làm điều mà tôi được phép làm; và tôi phải từ chối chính tôi điều mà tôi không muốn kẻ khác làm. Hay nói cách khác, tôi không bao giờ tự cho phép tôi là ngoại lệ. Đây là cách Kant hình thức hóa các tiêu chuẩn luân lý của Rousseau như: phổ quát, công bằng và tự nguyện.

 

Cho dù có sự khác biệt rộng lớn giữa hệ thống đạo đức bổn phận và đạo đức học luật tự nhiên, nhưng mệnh lệnh tuyệt đối mà Kant đề xướng vẫn nói đến tương quan giữa cá nhân con người và luật tự nhiên. Công thức nguyên thủy về mệnh lệnh tuyệt đối mang tính hình thức hoàn toàn: “Hãy hành động như thể nguyên lý (maxim) của hành vi của bạn trở thành luật cho toàn thể nhân loại.” Mục đích ở đây là buộc lý trí trở nên một nhà lập pháp phổ quát. Theo quan điểm của Kant, nếu một cá nhân từ chối tuân phục nguyên lý có giá trị phổ quát của lý trí, thì cá nhân ấy không còn thật sự tự chủ.

 

Công thức thứ hai của mệnh lệnh tuyệt đối nhắm vào phẩm giá nội tại của con người: “Hãy hành động như thể cư xử tất cả mọi người không chỉ là phương tiện, nhưng luôn luôn và cùng lúc, là cứu cánh của chính họ.[ii] Công thức này loại bỏ hoàn toàn tư duy vị lợi, mà qua đó, tất cả mọi sự, kể cả con người, đều được xem như là những món đồ với giá trị được cân nhắc dựa trên tính hữu dụng được tính toán bằng lợi ích và bất lợi, tốn kém hay lời lãi. Kant muốn tìm một bản tính chung của con người vừa có khả năng nhận diện tính phổ quát của các mệnh lệnh luân lý và vừa giữ lại sự cam kết về tự do cá nhân. Mệnh lệnh luân lý là tự nhiên là vì nếu con người có khả năng theo đuổi sự thiện hảo chân thật, thì con người có bổn phận phải theo đuổi nó (du kannst denn du sollst). Như thế, sự nghịch lý của đạo đức học đối với Kant là: Chỉ khi nào lý tính con người không có một sự ước muốn nào khác được thêm vào nhưng chỉ được tôn trọng vì chính nó, thì mới được xem như là mệnh lệnh tuyệt đối

[i] Leo Strauss. Natural Right and History (University of Chicago Press, 1953).

[ii] Immanuel Kant. Groundwork for the Metaphysics of Morals (Cambridge Press, 2012). Xem: https://plato.stanford.edu/entries/kant-moral/, truy cập ngày 23/05/2023.


1696205571-tranh-dau-nhan-quyen.jpg

Hai triết gia Kant và Bentham đã gieo sự hoài nghi về khả năng mà luật tự nhiên tự nó có thể trở thành nền tảng cho luân lý hay pháp lý. Nhưng niềm hứng khởi tin tưởng vào luật tự nhiên được phản ảnh qua các Bản Tuyên Ngôn Độc Lập của Hoa Kỳ, cũng như Bản Tuyên Ngôn về Nhân quyền và Dân quyền của Pháp. Phẩm giá con người đòi hỏi các quyền được sống, quyền theo đuổi tự do và hạnh phúc, quyền tham dự vào cơ hội giáo dục, công việc làm, truyền thông. Căn bản, đây là suy tư theo luật tự nhiên tuy bất thành văn nhưng bắt nguồn từ bản tính tự nhiên của hữu thể có lý trí.

 

Các nhà lập quốc Hoa Kỳ đã lấy ý tưởng từ John Locke và truyền thống luật tự nhiên khi thiết lập Bản Tuyên Ngôn Độc Lập. Đối với họ, “Thượng Đế của tự nhiên” làm chứng cho khẳng định về các quyền bất khả xâm phạm như: quyền sống, quyền tự do, quyền theo đuổi hạnh phúc, sự công bằng căn bản giữa mọi con người và chế độ phân quyền. Bản Tuyên Ngôn hàm chứa những nguyên lý bất dịch và vĩnh cữu của công lý tự nhiên. Quyền phản biện của người dân đối với chính quyền được xem là tự nhiên, một khi không có cách nào khác giải quyết các xâm phạm đến nhân quyền của họ. Jefferson đã thay đổi các phạm trù “quyền tư hữu” và “tính bất chuyển nhượng” của Locke thành quyền “theo đuổi hạnh phúc” và “tính thánh thiêng và bất khả xâm phạm” của các quyền tự nhiên của con người.

 

Bản Hiến Chương (The Constitution) của Hoa Kỳ cũng công nhận tính pháp lý và tối thượng của nguyên tắc phân quyền và sự bình đẳng căn bản của mọi người trước pháp luật. Tòa án tư pháp có quyền giám sát việc thi hành luật pháp và hủy bỏ những thực hành trái với tinh thần của Bản Hiến Chương, nhằm bảo đảm cho công lý tự nhiên và bình đẳng khách quan của mọi phần tử trong xã hội. Cả ba cơ cấu: lập pháp, hành pháp và tư pháp, sẽ bảo đảm cho sự hợp lý của quyền lực và ngăn cản cơ hội thống trị độc đoán bằng đa số trên thiểu số. Ngoài ra còn có các “Tu Chính” (Amendments) liệt kê các quyền bất khả xâm phạm của con người.

 

Theo Jefferson, các quyền tự nhiên của con người được đặt trên Thiên Chúa:“Tất cả mọi người…được Thượng Đế ban cho những quyền bất khả xâm phạm,” trong đó có quyền “sống, tự do, và tìm kiếm hạnh phúc”.[i] Nhưng James Madison, một trong các tác giả của Bản Tuyên Ngôn, vẫn giữ khoảng cách giữa niềm tin tôn giáo và luật pháp nhà nước khi khẳng định rằng nhà nước không nên dính líu vào mối tương quan giữa cá nhân với Thiên Chúa. Ông cho rằng niềm tin cá nhân vào Thiên Chúa tồn tại trước khi con người gia nhập vào xã hội, và cá nhân trả lời trực tiếp với Thiên Chúa do đó nhà nước không có thẩm quyền gì trong vấn đề này. Như thế, tự do tôn giáo là sự thể hiện căn bản của tự quyền tự nhiên của con người.

 

Khi chế độ Đức Quốc Xã (NAZI) của Hitler giai đoạn 1933-1945 trở nên man rợ, thì nhu cầu nại đến thẩm quyền của một quy luật cao hơn luật quốc gia trở thành cấp bách. Trong vụ án Numberg, vấn đề được đặt ra là tòa án phải dựa trên luật pháp của chính thể nào để xử tội “diệt chủng” của chính quyền NAZI. Tòa án Quốc Tế đã dùng luật tự nhiên mà không cần phải gọi đúng tên của nó qua cách nại đến các yếu tính phổ quát của nhân loại.

[i] https://www.archives.gov/founding-docs/declaration-transcript, truy cập ngày 24/5/2023.

1696205601-mahatma-gandhi.png

Các phong trào tranh đấu cho tự do trong thế kỷ XX dùng ngôn ngữ nhân quyền. Mahatma Gandhi (1869–1948) lý luận rằng, nhân loại đang đứng trước vực sâu hủy hoại của bảy “tội” xã hội: giàu có mà không phải làm việc, chính trị không có nguyên tắc, thỏa mãn mà không có lương tâm, kinh doanh mà không có luân lý, tri thức mà không có đức hạnh, khoa học mà thiếu nhân bản, và tôn giáo mà không có sự hy sinh. Trong mỗi trường hợp này, cách lý giải về “tội” theo Gandhi (việc làm, nguyên tắc, lương tâm, luân lý, đức hạnh, nhân bản và hy sinh) là những tiêu chuẩn ngoại tại và xuất phát từ luật tự nhiên.

 

Martin Luther King, Jr. (1929–1968) cho rằng, con người buộc phải tuân thủ luật tự nhiên khi luật thiết định trở nên thiếu công bằng và mâu thuẫn với luật tự nhiên. Chúng ta không chỉ có trách nhiệm luân lý và pháp lý về việc tuân thủ luật công bằng; nhưng ngược lại, chúng ta còn phải có bổn phận luân lý từ chối việc tuân thủ luật thiếu công bằng. Dr. King trích dẫn thánh Tôma: “Một luật thiếu công bằng là luật không được đặt trên nền tảng của luật vĩnh cửu và luật tự nhiên.” Bất cứ luật nào làm cho con người được siêu thăng thì công bằng, và bất cứ luật nào hủy hoại nhân tính là thiếu công bằng

Chia sẻ